Môi trường đầu tư tại Việt Nam rất thân thiện

    PV,  

    Với những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, từ vị trí thứ 75 trong năm 2012 lên vị trí 56 trong năm 2015.

    "Và Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhờ môi trường đầu tư thân thiện”. Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, tại hội nghị các nhà đầu tư 2015 được tổ chức mới đây tại TP.HCM.

    Việt Nam - Môi trường đầu tư thân thiện

    Chính phủ Việt Nam đang có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chính vì thế vốn đầu tư FDI vào Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua. Điều này được thể hiện qua con số đầu tư FDI 9 tháng đầu năm 2015, tăng mạnh 44,5% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, lĩnh vực sản xuất tiếp tục thu hút vốn FDI nhiều nhất với hơn 75% vốn đầu tư được cam kết. Và Hàn Quốc đứng đầu trong đầu tư FDI vào Việt Nam nhờ vào khoản đầu tư mở rộng sản xuất của tập đoàn Samsung.

    Với triển vọng tăng trưởng trong năm 2015, mới đây Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 lên mức 6,5% từ mức 6,1% trước đó. Tuy nhiên, điều bất ngờ là chỉ trong 9 tháng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt mức dự báo vừa được nâng lên của ADB trong cả năm 2015.

    Theo dự báo của các chuyên gia, nhiều khả năng GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ đạt mức 6,8%. Với Quý 4 thường là quý tăng trưởng mạnh nhất, ước đạt 7,4% nhờ sản xuất và các ngành dịch vụ trong mùa cao điểm của năm, nhiều khả năng GDP 2015 của Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trưởng và đạt mức như dự báo.

    “Với triển vọng tích cực của nền kinh tế, những cải cách mà Việt Nam đang theo đuổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới. Đây cũng chính là cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài”, Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạn

    Trong các nhà đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đang là nhà đầu tư dẫn đầu nguồn vốn FDI với tỷ lệ hơn 35%. Hiệp định Thương mại tự do Việt - Hàn (FTA) chính thức ký kết ngày 05/05/2015 vừa qua và sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2015, được kỳ vọng là bước tiến mới trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Và trong số các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, Samsung là tập đoàn dẫn đầu.

    Liên tục rót vốn

    Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, câu chuyện về dự án đầu tư hàng tỷ USD của tập đoàn Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên và mới đây nhất là TPHCM luôn được đề cập như một sự kiện điển hình về thu hút đầu tư vào thị trường Việt Nam.

    Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2015, tổng vốn đăng ký lũy kế của tập đoàn Samsung vào Việt Nam đạt xấp xỉ 14,2 tỷ USD với 6 dự án. Trong đó, đáng chú ý là dự án xây dựng Khu phức hợp Samsung Điện tử Bắc Ninh (SEV) với số vốn 2,5 tỷ USD, Khu phức hợp Samsung Điện tử Thái Nguyên (SEV-T) với vốn đầu tư 5 tỷ USD (sau khi tăng vốn thêm 3 tỷ USD vào tháng 11/2014), dự án Khu Phức hợp Samsung Điện tử Gia dụng Hồ Chí Minh với số vốn 1,4 tỷ USD, hay dự án Samsung Display (Bắc Ninh) với tổng vốn đầu tư vừa được nâng lên thành 4 tỷ USD…

    Tháng 5/2015, Samsung khởi công dự án Khu Phức hợp Samsung Điện tử Gia dụng với vốn đầu tư 1,4 tỉ đồng

    Không dừng lại ở con số này, tập đoàn Samsung còn đang xúc tiến tìm hiểu hàng loạt các dự án hạ tầng quy mô lớn ở Việt Nam trong lĩnh vực nhiệt điện, sân bay, đóng tàu, cảng biển… Khi các dự án trên được thực hiện thì con số đầu tư của Samsung tại Việt Nam sẽ “lên đến 20 tỷ USD vào năm 2017” như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu.

    Chọn Việt Nam, vì sao?

    Không phải ngẫu nhiên mà trong các hội nghị tổng kết về đầu tư, xuất nhập khẩu, Samsung luôn được các chuyên gia kinh tế nhắc đến như một ví dụ điển hình về FDI thành công nhất tại Việt Nam, về những đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng năm của Việt Nam trong nhiều năm gần đây.

    Vì sao Samsung lại chọn Việt Nam để đẩy mạnh đầu tư mà không phải một quốc gia nào khác? Bởi nếu nói về giá nhân công, Việt Nam không hẳn có lợi thế cạnh tranh so với Ấn Độ hay Trung Quốc.

    Phải thừa nhận tập đoàn Samsung rất nhạy bén trong kinh doanh khi nhìn nhận các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hình thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết, hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ ra đời vào 31/12/2015.

    “Rõ ràng, phải nhìn thấy được lợi ích lâu dài của mình, Samsung mới quyết định đầu tư lớn như vậy ở Việt Nam. Lợi thế đó là Việt Nam có môi trường ổn định cho sản xuất và kinh doanh, là sự quan tâm hỗ trợ xuyên suốt và nhất quán của Chính phủ, là chính sách cởi mở và ưu đãi trong thu hút đầu tư FDI. Mặt khác, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân, nằm bên cạnh thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc, và nằm ngay trong thị trường ASEAN với hơn 620 triệu dân, không có những yếu tố bất ổn”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina, nhấn mạnh.

    Có thể thấy rõ những hiệu ứng tích cực từ các dự án của tập đoàn Samsung, điển hình là dự án SEV, SEVT ở Bắc Ninh và Thái Nguyên. Thành công của các dự án này có sức lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

    Tác động lan tỏa này không chỉ ở việc đóng góp bao nhiêu vào thuế, giải quyết công ăn việc làm, hạt nhân cho các khu công nghiệp, mà còn đóng góp nâng KNXK của Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và linh kiện.

    “Hiện các sản phẩm ĐTDĐ sản xuất và lắp ráp tại 2 nhà máy Samsung được xuất khẩu đi 52 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; trong đó, tập trung lớn nhất tại thị trường Châu Âu, Trung Đông, Đông Nam Á và Châu Mỹ. Sản phẩm ĐTDĐ Samsung “Made in Vietnam” hiện chiếm tỷ lệ hơn 30% sản phẩm của Samsung trên toàn cầu, và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới”, ông Đạo cho biết thêm.

    Không những thế, các nhà máy của Samsung còn thu hút hơn 50 doanh nghiệp vệ tinh vào Việt Nam, hình thành nền tảng cho ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Nhờ sự có mặt của các công ty vệ tinh này mà tỷ lệ nội địa hoá của SEV hiện tăng lên 33%, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ nhập khẩu linh phụ kiện từ nước ngoài. Và hiển nhiên, sự đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đã mang lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho địa phương nơi đây, dù các tỉnh này cũng có nhiều ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp.

    Có thể thấy sự đầu tư của Samsung vào Việt Nam đã mang lại nguồn lợi lớn cho Việt Nam, trong đó lợi ích cao nhất là tác động lan toả vào môi trường kinh tế xã hội, không chỉ ở khu vực chung quanh dự án mà lan rộng ra cả nước với những cú hích tạo động lực phát triển cho ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ và đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu & phát triển.

    Phải thừa nhận việc nhạy bén trong kinh doanh, đón bắt những cơ hội đầu tư của Samsung đã mang lại thành công cho tập đoàn này. Và trên hết đó là Samsung luôn xem Việt Nam là ngôi nhà của mình, như lời của ông Jongho Kim, Tổng Giám đốc Ngành hàng Điện tử gia dụng Tập đoàn Samsung, khẳng định: “Đối với Samsung, Việt Nam không chỉ là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn mà đã thực sự trở thành một ngôi nhà của Tập đoàn”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ