Nhân viên IT nên lo cho số phận của mình, cách Google dùng để đối phó với Amazon sẽ khiến họ thất nghiệp

    Ngocmiz,  

    Hãng công nghệ khổng lồ này đang có những kế hoạch dài hơi nhằm thống lĩnh thị trường điện toán đám mây.

    Theo thông báo từ nữ tướng mảng điện toán đám mây của Google Diane Greene tại một sự kiện về công nghệ điện toán đám mây tại San Francisco mới đây, gã khổng lồ này hiện đã chi tới 10 tỷ USD cho mảng kinh doanh này chỉ tính riêng trong năm 2015.

    Diane Greene, giám đốc mảng điện toán đám mây của Google.
    Diane Greene, giám đốc mảng điện toán đám mây của Google.

    Nhưng đó vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Google đã lên một kế hoạch khổng lồ về chi thêm hàng tỷ USD cho việc xây dựng các trung tâm dữ liệu khắp thế giới cho đến năm 2017.

    Cũng trong sự kiện này, các lãnh đạo cấp cao khác của Google, trong đó có Eric Schmidt đã bàn luận về chiến lược tấn công thị trường điện toán đám mây: tự động hóa.

    Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Google
    Eric Schmidt, chủ tịch điều hành Google

    Tự động hóa có nghĩa là trong khi các công ty có thể thuê máy chủ và dung lượng lưu trữ cũng như tài nguyên hệ thống từ Google, và hãng này cũng đang tích cực quảng bá các dịch vụ này tới các lập trình viên có nhu cầu.

    “Mọi thứ sẽ tự vận hành một cách kỳ diệu”

    Với Apps Engine, một trong các dịch vụ đám mây Google hiện đang cung cấp, các lập trình viên có thể chứa ứng dụng của họ trên trung tâm dữ liệu của Google mà không cần phải bận tâm những việc như thiết lập cấu hình máy chủ hay kết nối mạng giữa các dịch vụ khi vận hành ứng dụng.

    Greene khẳng định: “Mọi thứ sẽ tự vận hành một cách kỳ diệu”.

    Các lập trình viên có thê làm những việc tương tự với dịch vụ đám mây của Amazon hay các nhà cung cấp khác trong đó có Salesforce để đơn giản hóa quy trình vận hành ứng dụng của họ. Đây chính là loại hình dịch vụ nền tảng điện toán đám mây (PaaS).

    Tuy nhiên Amazon vẫn xây dựng một mảng kinh doanh lớn khác là cho thuê máy chủ, dung lượng lưu trữ dữ liệu và hệ thống theo giờ trong khi vẫn để khách hàng tự cài đặt các chương trình của mình. Chính vì vậy mà việc các công ty đi thuê máy chủ và hệ thống của Amazon thay vì tự xây dựng trung tâm dữ liệu cho riêng mình đang trở nên ngày càng phổ biến. Loại hình này được gọi là dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây (IaaS).

    Tổng số vốn đầu tư vào công nghệ mỗi năm của các ông lớn ngành IT đã lên tới 3,5 nghìn tỷ USD. Nhưng bù lại, gã khổng lồ như Google cũng đã giành được những hợp đồng béo bở với các khách hàng lớn như Disney hay Coca-Cola.

    Việc đưa ra các sản phẩm mới vừa qua của Google cũng là để phục vụ cho việc bảo mật thông tin hay cung cấp các tính năng mà thị trường rộng lớn này đang cần.

    Eric Schmidt cũng cho rằng thế hệ các công ty mới như Uber hay Snapchat sẽ không còn vận hành theo cách mà các công ty công nghệ trước đây từng làm. Và tầm nhìn dài hạn của Google chính là việc giúp các công ty này phát triển trên nền tảng đám mây của hãng cũng như cách mà Netflix đã nổi lên từ nền tảng đám mây của Amazon.

    Các công ty sẽ không còn cần đến đội ngũ nhân viên IT

    Tham vọng của Google chính là việc giúp các công ty thoát khỏi gánh nặng về đội ngũ chuyên viên IT. Greene bình luận: “Chúng tôi muốn các công ty hoàn toàn có thể tự động hóa các hoạt động IT”, cũng đồng nghĩa với việc yếu tố con người không còn cần thiết nữa.

    Nói cách khác thì trong tương lai, các ứng dụng và dịch vụ công nghệ sẽ “tự động vận hành, các doanh nghiệp không còn phải lo lắng về việc liệu các máy chủ hay hệ thống có hoạt động trơn tru hay không. Và chúng tôi đang trên đà tiến đến một tương lai đầy hứa hẹn nơi mà bạn chỉ việc ra lệnh cho hệ thống mà thôi”.

    Bà cũng lấy Snapchat, một trong những khách hàng tên tuổi nhất của hãng, làm ví dụ điển hình cho việc ứng dụng tối ưu dịch vụ đám mây của Google: “Họ đi từ con số 0 lên tới 100 triệu người dùng mà chẳng cần phải thuê lấy một đội kỹ sư vận hành. Tim Sehn, giám đốc kỹ thuật của Snapchat thậm chí còn có thể thốt lên Chúng tôi vẫn tăng trưởng chóng mặt ngay cả khi chỉ có tôi và một anh chàng nữa phụ trách toàn bộ hệ thống”.

    Trong số các dịch vụ tuyệt vời khác mà Google cung cấp còn có ứng dụng phân tích dữ liệu lớn dựa trên công nghệ “máy học” (machine learning), cho phép khách hàng có thể sử dụng mà không cần phải thuê máy chủ hay suy tính về việc quản lý thế nào.

    Cũng trong phần trình bày của mình, Eric Schmidt đã so sánh tham vọng này của Google với cuộc cách mạng ngành công nghiệp ô tô.

    Đã từng có thời ô tô hoàn toàn phụ thuộc vào bộ phận nghẽn hơi thủ công để vận hành cho đến khi cơ chế tự động hóa ra đời và mọi người có thể dễ dàng điều khiển chiếc xe của mình. Và đến năm 2020 thì con người sẽ không còn phải tự lái xe nữa, tất cả các công việc đã được tự động hóa.

    Google thực sự nỗ lực với tham vọng xây dựng một trung tâm dữ liệu tự động hóa cho các công ty trong tương lai.

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ