Nói Microsoft không cần Windows cũng giống như bảo người không cần tim vậy

    Lê Hoàng,  

    Thị phần Windows có sụt giảm đến mấy thì hệ điều hành này vẫn là lý do duy nhất để cả thế giới phải phụ thuộc vào Microsoft.

    Trong tuần qua, trang tin Computerworld đã đăng tải một bài viết thu hút được đông đảo sự chú ý có tên Microsoft không còn cần hệ điều hành Windows nữa!. Trong bài phân tích này, cây viết Steven J. Vaughan-Nichols chỉ ra sự thật rằng Windows giờ chỉ đem lại 10% doanh thu của Microsoft, tức là xếp sau cả mảng đám mây, Xbox lẫn Office. Tiếp tục chỉ ra rằng thị trường gắn liền với sự sống còn của Windows là PC đang ngày một "bớt quan trọng" trước smartphone/tablet, Vaughan-Nichols cho thấy Windows trên di động đang thất bại thảm hại trong khi các dịch vụ và đám mây của Microsoft lại ngày một thành công hơn.

    Từ hiện trạng này, cây viết của Computerworld cho rằng công ty của CEO Satya Nadella không còn cần Windows nữa, thay vào đó chỉ còn cần tới Azure và những dịch vụ đám mây gắn mác Microsoft đang ngày một thành công hơn.

    Nghe có vẻ rất có lý, nhưng đây lại là một lập luận rất… nông cạn. Sau đây là lý do vì sao.

    Windows có ý nghĩa sống còn với cả thế giới

    Nghe có vẻ hơi quá, nhưng sự thật là vậy. Hãy nhìn xung quanh và bạn sẽ nhận thấy số lượng người dùng Windows đang áp đảo tất cả các hệ điều hành desktop khác. Linux đã có hàng chục năm phát triển, nhưng hàng chục năm đó cũng là hàng chục năm tụt hậu so với Microsoft (dĩ nhiên là ở đây chúng ta chỉ nói tới mảng người dùng chứ không nói tới mảng máy chủ). Những người đã sử dụng Mac OS X sẽ khẳng định với bạn rằng hệ điều hành này vượt trội hơn Windows, nhưng với các sản phẩm gắn mác Táo thì phần mềm luôn đi kèm với phần cứng. Không phải ai cũng có thể bỏ ra 1000 đô để mua laptop hay máy để bàn.

    Điều gì sẽ xảy ra khi Microsoft quyết định "đem Windows bỏ chợ", không phát hành các phiên bản mới và cũng không vá lỗi nữa? Thế giới sẽ không ngừng lại, vì về mặt lý thuyết Windows vẫn có thể bị thay thế bằng Linux hay thậm chí là Android. Thế nhưng, thiệt hại kinh tế sẽ là vô cùng khổng lồ. Người dùng phổ thông sẽ mất đi một hệ điều hành mà họ đã quá quen thuộc và buộc lòng phải tìm hiểu các hệ điều hành mới, gây tốn thời gian và công sức. Các game thủ sẽ mất đi phần lớn kho game của mình, còn các nhà phát hành thì phải bỏ ra một đống tiền để port các tựa game quan trọng nhất lên các nền tảng khác.

    Thiệt hại khổng lồ nhất sẽ là khối doanh nghiệp, bởi họ sẽ tốn hàng đống tiền cho các khâu triển khai hệ điều hành mới, đào tạo người dùng cũng như chuyển đổi các nền tảng công nghệ của "gia đình" Windows lên một công nghệ thay thế. Quá trình dịch chuyển từ Windows chắc chắn sẽ không thể diễn ra một cách nhanh chóng và toàn diện, khiến cho hàng triệu máy tính đã "lỡ" cài Windows phải phơi mình cho hacker tấn công. Ai đó có thể đứng ra vá lỗi Windows cũ thay cho Microsoft, nhưng chẳng có lý do gì mà họ không thu một đống tiền để làm điều này cả.

    Đó là trong kịch bản Microsoft cố tình từ bỏ Windows, còn nếu như các đối thủ của hãng tìm cách thay thế Windows bằng một hệ điều hành khác thì sao? Đầu tiên, làm như vậy sẽ đòi hỏi các khoản vốn khổng lồ từ cả Apple, Google, Amazon, Facebook và thậm chí là hơn thế nữa, bởi yêu cầu ở đây không chỉ là tạo ra một hệ điều hành dành cho người dùng phổ thông có mức độ hoàn thiện như Windows, mà còn là phải tạo ra một khối ứng dụng, dịch vụ ngang ngửa với những gì Windows đang có.

    Kể cả khi ai đó có thể tạo ra hệ điều hành không tưởng đó và phát hành với giá miễn phí thì chưa chắc Windows đã thua cuộc. Khối doanh nghiệp ở đây lại là yếu tố chính. Nếu hiểu rõ môi trường IT doanh nghiệp thì bạn chắc chắn sẽ hiểu rằng người xây dựng hệ thống cho các tập đoàn lại là những người… sợ thay đổi nhất. Ngay cả các phần mềm miễn phí cũng sẽ sinh ra chi phí triển khai khổng lồ (cho nhân lực, cho thời gian bị mất vào các khâu liên quan v…v…), và thậm chí là các sự cố xảy ra hoàn toàn có thể làm gián đoạn hoạt động, giết chết cả một tập đoàn hàng tỷ đô trong vài ngày.

    Không có Windows thì làm sao Microsoft bán được đám mây?

    Bởi vậy nên bạn đừng nghĩ không có Windows thì cuộc sống của bạn vẫn sẽ yên ổn. Và, cũng đừng nghĩ cứ bỏ tiền ra mua sản phẩm của một công ty nào đó thì công ty đó phải mang ơn bạn. Với tất cả các thế lực tầm cỡ như Microsoft hay Google, mối quan hệ phụ thuộc là hai chiều.

    Microsoft hiểu rất rõ sự phụ thuộc này. Thực tế là mảng đám mây cũng như rất nhiều mảng kinh doanh khác của công ty cũng không thể phát triển mạnh tới vậy nếu như người dùng toàn cầu, đặc biệt là khối doanh nghiệp, không phụ thuộc vào hệ điều hành Windows. Gã khổng lồ phần mềm đã và đang dùng Windows làm cánh cửa để đẩy mạnh cho Office 365, cho Cortana, cho OneDrive và OneNote: ngay từ lần đầu cài đặt Windows 10, bạn sẽ nhận được một loạt các ứng dụng mặc định cho các dịch vụ này. Cũng giống như Android là chìa khóa cho sự bành trướng của Google Tìm kiếm hay Google Maps, Windows 10 đang là chìa khóa đưa Microsoft "lên mây".

    Thêm nữa, Windows đã giúp cho Office, Exchange, Active Directory và Outlook trở thành một phần sống còn của các tập đoàn. Không khó để nhận ra rằng thành công của những công nghệ mới từ Microsoft như Sharepoint và Azure đều bắt nguồn từ thế mạnh truyền thống do các công nghệ có gắn bó chặt chẽ với Windows tạo ra.

    Nói tóm lại, nếu chỉ nhìn vào doanh số ngày một tụt dần của Windows so với các mảng đám mây và Office để khẳng định rằng Microsoft nên từ bỏ Windows thì thật là quá thiếu hiểu biết về vai trò của hệ điều hành này với người dùng nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng. Cách đây vài năm, người ta vẫn chê bai rằng Microsoft quá chậm chân so với những tên tuổi như Amazon và Salesforce trên mảng điện toán đám mây. Không có Windows thì làm sao Microsoft bắt kịp với cuộc chơi nhanh tới vậy? Bạn phải hiểu rằng Windows không chỉ là "cơm" của Microsoft. Windows là cần câu cơm quan trọng nhất của Microsoft lúc này.

    PC đang bớt quan trọng, nhưng vẫn là một nguồn thu khổng lồ và vĩnh cửu

    Chúng ta sẽ không nhắc lại những con số cho thấy tình cảnh thảm hại của thị trường PC. Sự thật rằng PC đã và đang khủng hoảng là không thể chối cãi. Thế nhưng, đánh giá thấp vai trò của PC thì thật là quá sai lầm.

    Đầu tiên, smartphone và tablet không thể khiến cho mảng PC hiệu năng cao ngừng tăng trưởng – kết quả kinh doanh của Intel và NVIDIA trong quý 4/2015 đều chứng minh điều này. Ngành sản xuất chip đang tiến dần tới mức giới hạn 5nm, và trong khi PC cũng chịu tác động bởi điều này thì bạn vẫn có thể lắp chip đôi hay 2 card màn hình chạy song song lên chiếc desktop của mình. Thực hiện những điều tương tự trên smartphone và tablet sẽ gây ra những thảm họa về mặt tản nhiệt.

    Với mục đích sử dụng cho công việc, đầu tư vào PC Windows vẫn sẽ là hợp lý hơn đầu tư vào tablet và smartphone. Chỉ mất chưa đầy 300 USD là bạn đã có thể trang bị cho nhân viên của mình một bộ máy tính bàn hoặc một chiếc laptop đủ khả năng thực hiện các công việc văn phòng, quản lý và thậm chí là code một cách dễ dàng. Loại smartphone duy nhất có thể giúp người dùng thực hiện các công việc văn phòng là smartphone có hỗ trợ Continuum hiện tại đều có giá ở phân khúc đầu bảng (khoảng 600 USD), còn Surface thì vẫn ở mức giá 1000 USD.

    Còn tablet Android và iPad ư? Kể cả bạn có lắp bàn phím rời cho chúng thì các thiết bị này vẫn không thể nào vượt mặt giao diện chuột của Windows, nhất là trong môi trường làm việc. Thêm nữa, Microsoft đang nắm trong tay bộ ứng dụng văn phòng quan trọng nhất, phổ biến nhất thế giới. Đúng là Microsoft cũng đã ra mắt những phiên bản Office chất lượng cao cho di động, nhưng như vậy cũng có nghĩa là gã khổng lồ phần mềm đang nắm trong tay quyền giới hạn không cho Android và iOS được tận hưởng một trải nghiệm ứng dụng văn phòng ngang tầm Windows.

    Đây chỉ là 3 trong số những lý do cho thấy PC Windows dù có bớt quan trọng thì vẫn… quá quan trọng. Quá nhiều người để ý đến tốc độ phát triển vũ bão của smartphone và tablet hay mức sụt giảm doanh số của PC mà không nhận ra rằng thế giới vẫn còn hàng trăm triệu chiếc PC đang lưu hành trên thị trường. Thị trường này suy thoái trầm trọng chỉ vì người dùng chậm thay thế chiếc PC cũ của họ. Nhưng không có phần cứng nào tồn tại vĩnh cửu, và khi chiếc laptop của bạn dở chứng, bạn sẽ lại phải mua laptop mới. Thị trường PC vì thế lại tiếp tục sống sót.

    Và chừng nào PC còn tồn tại thì Microsoft vẫn sẽ thu được tiền từ bản quyền Windows. Đây không phải là một nguồn thu tăng trưởng màu mỡ như phần cứng smartphone hay các dịch vụ di động, nhưng cũng là một nguồn thu không thể có điểm kết thúc. Chưa kể, nguồn thu đó dù có nhỏ đến mấy cũng vẫn có trị giá đến hàng tỷ USD mỗi năm. Không một ai ngu ngốc tới mức muốn từ bỏ một nguồn doanh thu hàng tỷ USD kéo dài… vĩnh viễn cả.

    Windows Phone thì từ bỏ được, chứ Windows thì không

    Chúng ta cũng sẽ không phủ nhận rằng Windows Phone là một thất bại mang tầm thảm họa. Thế nhưng, luồng suy nghĩ rằng "Windows đang suy giảm vì di động, nhưng Windows di động lại thất bại nên Microsoft cần dần từ bỏ Windows" của Computerworld thì thật là… ngớ ngẩn đến khó hiểu.

    Như chúng tôi đã chỉ ra ở trên, dù doanh thu có giảm thì vai trò sống còn của Windows với thế giới là không thể bị thay đổi. Điều này có nghĩa rằng thất bại của Windows Phone thực chất chẳng ảnh hưởng mấy đến sức sống của Windows chính. Thậm chí, ở thời điểm hiện tại Microsoft hoàn toàn có thể khai tử hẳn Windows Phone và chuyển sang phát triển các bản ROM Android để quảng bá cho bộ ứng dụng, dịch vụ đám mây của mình. Windows Phone vốn đã có kiến trúc khác hẳn so với Windows thường, nên sẽ không bao giờ có chuyện một nhà phát triển nào đó có thể port những ứng dụng chuyên nghiệp phức tạp hay các tựa game đình đám từ Windows lên Windows Phone một cách dễ dàng.

    Nếu chỉ nhìn vào khía cạnh dịch vụ và đám mây lên đầu tiên thì Microsoft nên từ bỏ Windows Phone để chuyển sang phát triển cho Android và iOS, và đúng như những gì Computerworld chỉ ra, điều này đang xảy ra. Nhưng điều mà Computerworld không chỉ ra là Microsoft đã ấp ủ tạo ra một bản ROM Android đầy đủ có tích hợp sâu các dịch vụ của hãng thông qua nền tảng Cyanogen MOD. Một khi bản ROM này được người dùng sử dụng rộng rãi thì gã khổng lồ phần mềm thực chất đã nắm toàn bộ cuộc sống số của người dùng, trong đó một nửa là "Android của Microsoft" và nửa còn lại là "Windows của Microsoft", hai nửa kết nối với nhau qua đám mây. Tại sao bạn lại nên bỏ đi một nửa miếng bánh của mình trong lúc đang đi tìm nửa còn lại?

    Đừng tách trái tim ra khỏi cơ thể

    Khi đọc đến đây, bạn chắc hẳn đã nhận ra rằng Windows và Azure, OneDrive, Office 365 đều thuộc về hệ sinh thái Microsoft. Vai trò của Windows trong hệ sinh thái Microsoft khác hẳn với vai trò của đám mây hay của Xbox. Thiếu đi bất cứ thành phần nào, Microsoft cũng sẽ mất đi vị thế ngày nay.

    Và thực tế là trong hệ sinh thái đó, Windows đang là lý do duy nhất để Microsoft không thất thế trước Apple, Google và một loạt những tập đoàn đi đầu về cloud computing. Nói gã khổng lồ phần mềm nên từ bỏ Windows vì tỉ lệ doanh thu thấp không khác gì khuyên ai đó không cần trái tim của họ vì bộ phận này chỉ chiếm trọng lượng vài trăm gram. Đó cũng chính là ý nghĩa sống còn của Windows đối với Microsoft.

    Vậy nên, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện Microsoft cần từ bỏ Windows để chuyển sang sống nhờ vào đám mây. Không một ai đủ ngớ ngẩn để khẳng định "Tôi không cần tim vì thận tôi rất khỏe cả", và Microsoft cũng không đủ ngớ ngẩn để nghĩ đến chuyện từ bỏ Windows.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ