Roaming với Vinaphone: Gmobile sẽ hết khó khăn?

    PV,  

    90% lưu lượng sử dụng của khách hàng là dùng sóng Gmobile.

    Đầu tháng 3-2013, Công ty CP Viễn thông di động Toàn cầu (GTel Mobile) đã công bố mạng di động Gmobile chính thức phủ sóng toàn quốc thông qua sóng của Vinaphone.


    Việc triển khai chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông mạng di động giữa Vinaphone và Gtel Mobile được thực hiện theo thỏa thuận khung về chia sẻ hạ tầng viễn thông mạng di dộng giữa Tập đoàn VNPT và GTel Mobile. Theo đó, thuê bao của Gmobile được sử dụng sóng của Vinaphone thông qua dịch vụ chuyển vùng trong nước, hay nói một cách khác, thuê bao Gmobile được roaming với sóng Vinaphone tại 61 tỉnh, thành phố (trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). 


    Khi sử dụng dịch vụ này, nếu thuê bao di chuyển vào vùng Gmobile phủ sóng, sim sẽ tự động chọn mạng và sử dụng sóng của Gmobile; khi thuê bao di chuyển vào vùng không có sóng Gmobile, sim sẽ tự động chuyển và sử dụng sóng của Vinaphone. Dịch vụ chỉ được cung cấp cho các thuê bao có nhu cầu và được tính cước theo quy định riêng, song khách hàng chỉ phải trả cước phí khi phát sinh giao dịch thực tế trong khu vực Gmobile chưa phủ sóng và sử dụng sóng của Vinaphone.


    Roaming với Vinaphone: Gmobile sẽ hết khó khăn? 1
    Sau khi roaming với Vinaphone, mạng di động Gmobile liệu có thu hút thêm được nhiều thuê bao? Ảnh: Khôi Ngô

    Như vậy, với sự hợp tác này, Gmobile đã khắc phục được điểm yếu cơ bản của mình trước đó là vùng phủ hẹp. Sở dĩ nói như vậy là vì tại thời điểm ra mắt thương hiệu mới Gmobile mới thay thế cho Beeline mới chỉ có khoảng 4.000 trạm thu phát sóng (BTS). Hơn nữa, do đặc điểm công nghệ Gmobile cung cấp dịch vụ ở dải băng tần 1.800MHz - có độ phủ xuyên thấu cao (thích hợp với khu vực đô thị) nhưng vùng phủ hẹp - nên phải cần nhiều trạm BTS, mà như vậy thì để đầu tư cho mạng lưới lại phải cần nhiều vốn hơn so với các nhà mạng ở dải băng tần 800-900MHz Mobifone, Vinaphone, Viettel và đây cũng là câu chuyện không đơn giản trong bối cảnh kinh tế khó khăn. 


    Mặt khác, việc dựng trạm BTS trong cả nước nói chung, nhất là ở khu vực đô thị, trong đó có Hà Nội không thuận lợi do vấp phải sự khiếu kiện gay gắt của người dân… Đó là những lý do được kể ra để minh chứng cho sự gặp khó của Gmobile và từ đó cho thấy câu chuyện hợp tác roaming với Vinaphone là bước đi chiến lược quan trọng cho Gmobile trong việc giữ chân, thu hút thuê bao mới để "trụ hạng" lại trên thị trường di động vốn được mệnh danh là cạnh tranh quá khốc liệt.


    Có lẽ không ít khách hàng có thể thắc mắc nhà mạng sẽ tính cước roaming trong nước như thế nào? Có thể hiểu là đương nhiên sẽ phải cao hơn so với cuộc gọi nội, ngoại mạng thông thường, đơn giản vì phải trả cước roaming cho Vinaphone. Song, theo một công bố của lãnh đạo Gmobile với giới truyền thông, trước đó hai nhà mạng đã thực hiện thử nghiệm và kết quả cho thấy có đến 90% lưu lượng sử dụng của khách hàng là dùng sóng Gmobile, chỉ còn 10% lưu lượng sử dụng của thuê bao dùng sóng Vinaphone...


    Vậy được roaming với Vinaphone, Gmobile sẽ phát triển hơn? Có lẽ đây là câu hỏi không dễ để trả lời, nhất là khi việc thực hiện mới bắt đầu. Các chuyên gia cho rằng, việc tồn tại của Gmobile bây giờ là chuyện của kinh doanh, của thương hiệu… Tương tự như vậy, trên một số diễn đàn, một số ý kiến cho rằng, Gmobile nếu không biết làm di động thì kể cả có phủ sóng ra thế giới cũng chỉ "mãi mãi là người đến sau"… Nhưng đó chỉ là ý kiến. Còn chúng ta nên chúc cho Gmobile làm ăn ngày càng hiệu quả.


    Theo Hà Nội Mới

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ