Thêm nhà máy điện thoại, doanh nghiệp Hàn đóng thuế bao nhiêu?

    PV,  

    Công ty HNT Electronics (100% vốn Hàn Quốc) sẽ xây nhà máy điện thoại di động ở Hòa Bình. Dự kiến sản xuất 120 triệu sản phẩm/năm và nộp ngân sách 11 tỷ đồng/năm. tạo việc làm cho khoảng 600 lao động. Vừa qua, Samsung cũng đầu tư nhà máy thứ 3 tại Việt Nam tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung ở Thái Nguyên.

    Tờ TTXVN đưa tin, ngày 20/2, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Công ty cổ phần Bất động sản An Thịnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa về các thủ tục về đầu tư xây dựng để dự án của các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

    Ngoài ra tỉnh cũng đề nghị nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, chú trọng đảm bảo lợi ích của người lao động, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp đầu tư và địa phương

    Dự án có tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, tương đương 420 tỷ đồng Việt Nam, gồm các hạng mục là văn phòng, nhà xưởng sản xuất, công trình xử lý nước thải và các công trình phụ trợ khác. Dự kiến tháng 11/2014, nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

    Samsung đóng thuế "tiền lẻ"

    Hồi tháng 10/2013, Samsung Electro - Mechanics cũng đã đề xuất triển khai dự án nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại di động Samsung tại Tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên ngay đầu tháng 10/2013.

    Samsung đã xây dựng nhà máy thứ 3 tại Việt Nam

    Samsung đã xây dựng nhà máy thứ 3 tại Việt Nam

    Dự án có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD này của công ty Samsung Electro - Mechanics sẽ đi vào sản xuất trong tháng 8/2014. Khi đó, Tập đoàn Samsung sẽ nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,7 tỷ USD. Samsung Electro - Mechanics hiện đã có nhà máy tại Trung Quốc, Thái Lan, Philippines.

    Mỗi tháng Samsung Bắc Ninh sản xuất 13 - 15 triệu sản phẩm và hơn 90% là xuất khẩu.

    Đánh giá cao các kế hoạch đầu tư của Samsung tại Việt Nam, ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để công ty Samsung Electro - Mechanics sớm triển khai Dự án và đi vào sản xuất.

    Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 11/2013 kim ngạch xuất khẩu di động và linh kiện lên tới 20,2 tỷ USD trong số này đóng góp lớn nhất thuộc về Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh.

    Mặc dù kế hoạch đưa ra là 16,5 tỷ USD song sau đó SEV đã nâng số dự báo kim ngạch xuất khẩu của Samsung Bắc Ninh lên hơn 23 tỷ USD tuy nhiên ngân sách nhà nước lại hưởng một phần rất nhỏ do những ưu đãi về chính sách thuế mà Samsung đang được hưởng.

    Cụ thể là Samsung hưởng ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại Việt Nam với mức thuế thu nhập DN chỉ 10% cho suốt quá trình triển khai dự án. Cùng với đó là 4 năm đầu miễn thuế và 9 năm tiếp theo được giảm 50% số thuế thu nhập DN.

    Trong khi nếu theo đúng Luật Công nghệ cao, Samsung Electronics Việt Nam, vào lúc đó chưa đủ tiêu chuẩn để được công nhận là DN công nghệ cao, vì Điều 18 của Luật quy định rõ rằng, DN chỉ được xét duyệt là DN công nghệ cao sau khi đã hoạt động ít nhất 3 năm.

    Sau hai năm đàm phán với các cơ quan Chính phủ, Samsung Electronics Việt Nam đã chính thức được công nhận là DN công nghệ cao. Những ưu đãi về thuế đó sau này cũng được dành cho phần đầu tư mở rộng trị giá 830 triệu USD tại Bắc Ninh và đầu tư mới 2 tỷ USD tại Thái Nguyên của Tập đoàn Samsung.

    Sau 5 tháng đầu năm, Samsung xuất khẩu 8 tỷ USD, SEV đã nộp ngân sách 35,4 triệu USD. Với các khoản được khấu trừ khoảng 18 triệu USD, thì số thực nộp ngân sách của SEV còn 17,292 triệu USD, tương đương 365 tỷ đồng.

    Nếu kim ngạch xuất khẩu năm 2013 cán đích 23 tỷ USD như dự báo, số tiền nộp ngân sách của SEV có thể là 49,715 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.

    Theo Thu Phương
    Baodatviet.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ