Thị trường Mỹ khép cửa với các công ty công nghệ Trung Quốc

    Huê Tửu,  

    (GenK.vn) - Sau 2 năm chống chọi lại cáo buộc do thám nước Mỹ, CEO Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) cho biết công ty này đã chính thức từ bỏ thị trường Mỹ.

     

    Huawei rời bỏ nước Mỹ

    Phát biểu trên tờ Les Echos, vị CEO này cho biết công ty thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei sẽ rời khỏi thị trường Mỹ. Cuộc khủng hoảng của Huawei ở Mỹ có căn nguyên từ lý lịch của ông Nhậm. Ông Nhậm Chính Phi từng là một sĩ quan của Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) trước khi gầy dựng Huawei. Mặt khác, câu chuyện này cũng báo hiệu những khó khăn về mặt marketing của các công ty Trung Quốc khi xâm nhập thị trường Mỹ.

    Hai năm qua, chính giới Mỹ, bao gồm cả Ủy ban tình báo Hạ viện đã cáo buộc Huawei làm nhiệm vụ do thám cho chính phủ Trung Quốc.

    Ông Nhậm phân trần với tờ Les Echos: “Nếu Huawei làm cản trở quan hệ Mỹ - Trung, chúng tôi sẽ rời khỏi thị trường Mỹ.”

    Huawei phủ nhận mọi cáo buộc do thám, và Nhà Trắng cũng tuyên bố Huawei vô tội, bởi họ không thể tìm ra chứng cứ chứng minh hãng này do thám nước Mỹ.

    Công ty Trung Quốc gặp khó khi ra nước ngoài

    Những nghi ngờ Huawei chủ yếu liên quan tới quá khứ của ông Nhậm. Thế nhưng, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với nghi ngờ của dư luận. Sự nghi ngờ Trung Quốc mạnh tới mức người Mỹ cần biết công ty đó có liên quan tới chính quyền nước này hay không. Chỉ cần một công ty Trung Quốc cung cấp sản phẩm nào đó vào nước Mỹ, người Mỹ sẽ tự hỏi “Liệu sản phẩm đó có chứa gián điệp không?” Hay “Dữ liệu của tôi có thể bị chính phủ Trung Quốc đọc được hay không?”

    Tencent, công ty internet hàng đầu Trung Quốc, cũng đang là tâm điểm chú ý của giới truyền thông Mỹ. Khi vừa rồi Tencent mới trở thành nhà đầu tư chính vào Snapchat và là mô hình kiểu mẫu mà nhà sáng lập Snapchat Evan Spiegel hướng tới. Trước đó, ứng dụng nhắn tin miễn phí của Tencent là WeChat cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tấn công các thị trường nước ngoài.

    Một trong những vụ khủng hoảng truyền thông lớn nhất của WeChat là khi ứng dụng này bị phát hiện chặn một số từ ngữ “nhạy cảm” với chính quyền Trung Quốc. Tencent thì mạnh miệng bào chữa rằng đó là những “sơ sót kỹ thuật” và phủ nhận việc hãng này kiểm duyệt các từ ngữ theo chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc. Ở Việt Nam, hẳn độc giả còn nhớ scandal “đường lưỡi bò” của WeChat được thể hiện trên bản đồ của ứng dụng này – một sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia của nước ta.

    Không chỉ có Mỹ và Việt Nam, WeChat cũng đối diện với nhiều luồng dư luận tẩy chay, đặc biệt là những nước có quan hệ không hữu hảo với chính phủ Trung Quốc. Ở Đài Loan, lãnh đạo đảng đối lập chính là Đảng Dân Tiến đã cảnh báo rằng ứng dụng này có thể gây ra những nguy hiểm về an ninh. Cục tình báo Ấn Độ cũng từng đề xuất ban hành lệnh cấm WeChat vì nghi ngờ rằng ứng dụng này là con bài gián điệp của Trung Quốc.

    Người Trung Quốc cẩn trọng hơn về mặt hình ảnh

    Chính vì những khó khăn trên, các công ty công nghệ nhỏ hơn của Trung Quốc rất thận trọng khi xâm nhập các thị trường mới, để tránh phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kiểu như của Huawei hay Tencent.

    Một trong những nhà sản xuất điện thoại hàng đầu Trung Quốc là Xiaomi đang rất cẩn trọng với những cáo buộc về an ninh nhằm vào hãng, bởi hãng đang phải đối mặt với những thách thức khi bước ra thị trường toàn cầu. Xiaomi phát triển rất tốt ở Trung Quốc, thậm chí thị phần của hãng còn vượt qua Apple ở đây vào quý 2 vừa rồi, chỉ 3 năm sau ngày thành lập. Nhưng gần đây Xiaomi mới nhận được sự chú ý của người Mỹ, khi Phó chủ tịch phụ trách Android của Google, Hugo Barra gia nhập công ty này.

    Barra được giao nhiệm vụ phụ trách vấn đề quốc tế của Xiami và phấn đấu giúp hãng này làm được điều mà chưa công ty điện thoại Trung Quốc nào đạt được: Có được sự nhận diện thương hiệu ngang ngửa với các đối thủ như Apple, Samsung hay Sony. Thực ra, Huawei đang là nhà sản xuất smartphone xếp thứ 3 thế giới, sau Apple và Samsung, nhưng hãng chỉ chiếm có 5% thị phần, cách rất xa 2 đối thủ trên và bị các đối thủ phía dưới bám rất sát.

    Ở Trung Quốc, Xiaomi thành công một phần nhờ danh tiếng của nhà đồng sáng lập và CEO Lei Jun. Nhưng với truyền thông Mỹ, Lei được xem như là một Steve Jobs phiên bản Trung Quốc. Và Lei chưa từng phản đối so sánh trên. “Apple không thực sự quan tâm những gì người dùng muốn. Họ tưởng tượng ra những gì người dùng muốn”, Lei nói với CNN.

     Lei Jun (trái) thường được cho là nhái lại Steve Jobs

    Lei Jun (trái) thường được cho là nhái lại Steve Jobs

    Nhưng cũng phải thừa nhận rằng các công ty Trung Quốc đang rất sẵn sàng để sáng tạo và họ giờ đây không chỉ là nhà cung cấp của những lao động giá rẻ nữa. Ví dụ như mô hình kinh doanh của Tencent kết hợp với Zynga đang được áp dụng cho Snapchat (Zynga hợp tác với Tencent từ năm 2011, khi hãng này phát hành bản Cityville tiếng Trung).

    Nhà đồng sáng lập của Glow, Mike Huang, nói rằng công ty của ông không coi Trung Quốc là một đại công xưởng để thuê ngoài (outsource) nữa.

    “Các kỹ sư công nghệ của Trung Quốc rất khá. Điều duy nhất họ cần là có thêm nhiều kinh nghiệm để đột phá trong suy nghĩ. Nhưng điều đó cũng đang diễn ra rất nhanh”.

    Dù được đánh giá như vậy, nhưng các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với làn sóng nghi ngờ của cả thế giới. Đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh trên mặt trận điện tử đang ngày càng được các chính phủ coi trọng và xung đột lợi ích, tranh chấp biên giới của Trung Quốc với nhiều nước

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày