Tìm hiểu về Crowdfunding, nó có ý nghĩa gì với dự án khởi nghiệp?

    Tuấn Anh,  

    Kickstarter là mô hình crowdfunding, đã gọi vốn thành công hơn 2 tỷ USD cho các startup. Vậy crowdfunding là gì?

    Crowdfunding hay Gọi vốn cộng đồng là thuật ngữ quá quen thuộc với những người làm startup trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, không nhiều người hiểu rõ mô hình này và bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng giá trong quá trình khởi nghiệp.

    Crowdfunding là gì?

    Crowdfunding (Gọi vốn cộng đồng) không phải là một khái niệm mới trên thế giới mà nó đã tồn tại từ hơn 10 năm nay. Năm 1997, người hâm mộ của ban nhạc rock Marillon (Mỹ) đã phát động một chiến dịch quyên góp qua internet để tài trợ cho chuyến lưu diễn của thần tượng. Kết quả là 60.000 USD đã được đóng góp. Sau này, chính ban nhạc đã tiếp tục sử dụng mô hình huy động vốn để đầu tư cho quá trình phát hành các album mới của họ.

    Hiểu ngắn gọn, Crowdfunding là hình thức tài trợ cho một dự án hoặc liên doanh bằng cách tăng cường sự đóng góp tiền từ một số lượng lớn người tham gia, thường thông qua internet. Trong đó, 3 nhân tố tạo nên mô hình này là:

    - Người khởi xướng dự án hoặc dự án được tài trợ.
    - Các cá nhân hoặc nhóm người ủng hộ ý tưởng này.
    - Một “môi trường” (platform) mang các bên đến với nhau để khởi động ý tưởng.

    Các lĩnh vực nào có thể gây vốn cộng đồng?

    Tại Việt Nam, đa phần các startup kêu gọi crowdfunding đều liên quan tới công nghệ hoặc xuất bản sách, tuy nhiên thực tế mô hình này áp dụng cho tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, miễn là ý tưởng của bạn khả thi và đủ thu hút.

    Chính vì vậy, dù bạn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản hay sản xuất máy móc công nghiệp, bạn cũng có thể tìm tới những cộng đồng crowdfunding để gọi vốn. Đừng ngần ngại, sân chơi này dành cho tất cả mọi người. Dạo một vòng các trang web hoạt động trong lĩnh vực Crowdfunding trên thế giới như KickStarter, IndieGoGo, GoFundMe, CircleUp,.. ta có thể thấy vô vàn loại hình và lĩnh vực mà các dự án mời gọi gây quỹ: từ phim ảnh, ca kịch, chương trình từ thiện, dự án dân sinh, game đến nghiên cứu khoa học, bất động sản, start-up,…

    Crowdfunding hoạt động như thế nào?

    Nhìn chung các mô hình crowdfunding hiện tại đều có cách hoạt động giống nhau. Người khởi xướng hoặc chủ dự án sẽ đăng dự án của mình trên website, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân góp vốn. Nhà đầu tư cá nhân khi thấy dự án phù hợp với mình, có tiềm năng phát triển hoặc chỉ đơn giản là muốn ủng hộ sẽ lựa chọn các gói ủng hộ khác nhau mà chủ dự án đưa ra.

    Thông thường sẽ có nhiều gói ủng hộ. Ví dụ với startup là một sản phẩm vật lý, người dùng ủng hộ ở từng mức độ sẽ được sở hữu sản phẩm với mức giá ưu đãi khi hoàn thành, thậm chí tặng miễn phí và nhận được phiên bản đặc biệt của sản phẩm nếu mức ủng hộ cao.

    Toàn bộ số tiền được ủng hộ sẽ chuyển về chủ sở hữu của website crowdfuding, khi gây quỹ thành công, số tiền sẽ được chuyển cho chủ dự án để thực hiện. Trong trường hợp gọi vốn không thành công, số tiền ủng hộ sẽ được chuyển trả lại cho nhà đầu tư cá nhân.

    Crowdfunding mang lại những gì cho startup?

    Đầu tiên, chắc chắn đó là tiền. Đơn giản vì đây là mô hình gọi vốn cộng đồng, nhờ nó bạn có thể sở hữu nguồn vốn rất lớn mà không phải đi vay mượn. Nhưng bên cạnh đó bạn còn vô số lợi ích khi tham gia vào crowdfuding.

    Với những cộng đồng nói trên, bạn sẽ biết được ý tưởng của mình thu hút tới đâu dựa vào những bình luận và lượng người đầu tư. Thậm chí trong những nhà đầu tư có rất nhiều người là founder của startup có tiếng tăm, những người đó có thể đưa ra cho bạn nhiều gợi ý đáng giá. Mỗi người đầu tư vào dự án của bạn cũng cho thấy đó đều là khách hàng tiềm năng và gần như chắc chắn sử dụng/mua sản phẩm khi nó được bán ra thị trường. Vậy là nỗi lo liệu sản phẩm bán ra có được ủng hộ hay không đã được giải quyết phần nào.

    Đó chỉ là những lợi ích dễ dàng nhận thấy nhất của crowdfunding, chắc chắn khi tham gia bạn sẽ thấy nhiều bất ngờ hơn nữa và nghĩ rằng: Tại sao mình không biết tới nó sớm hơn?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ