Uber im lặng, người dùng lo ngại đi dịch vụ này tại Việt Nam sẽ gặp nguy hiểm

    PV,  

    Hơn chục ngày sau khi vụ 3 hành khách đi xe taxi Uber bị hành hung, đập phá tài sản tại TP.HCM, phía Uber Việt Nam vẫn im lặng về trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách. Sự việc càng khiến cho hành khách tỏ ra hoang mang, cho rằng sử dụng dịch vụ này thiếu an toàn, nguy hiểm.

    Như thông tin đã được một cơ quan truyền thông phản ánh gần đây, ngày 13/3/2015, ông Nguyễn Văn Mười (sinh năm 1960, trú tại quận 2, TP.HCM) cùng hai người cháu là Vũ Tấn Quốc (sinh năm 1983) và Ngô Minh Châu (sinh năm 1990) đã gọi xe taxi Uber Fortuner biển kiểm soát 51F-077.79 để đi từ 92 Nguyễn Hữu Cảnh đến siêu thị Metro An Phú, quận 2.

    Trên hành trình, chiếc xe này nhận được hiệu lệnh dừng xe từ phía cảnh sát giao thông, tuy nhiên lái xe không chấp hành mà tăng ga bỏ chạy theo hướng cầu Sài Gòn.

    Sau đó, chiếc xe này chạy đến một gara ô tô trên đường Nguyễn Hữu Cảnh và ngay lập tức tài xế hô hoán, huy động cùng khoảng 10 người từ trong gara vác gậy gộc đuổi đánh cả ba hành khách. Lý do họ hành hung vì cho rằng ông Mười đã gài bẫy, báo cảnh sát để bắt xe chạy dịch vụ Uber.

    Một trường hợp xe chạy dịch vụ Uber bị xử lý tại TP.HCM. Ảnh Internet.

    Một trường hợp xe chạy dịch vụ Uber bị xử lý tại TP.HCM. Ảnh Internet.

    Vụ hành hung đã khiến hành khách Vũ Tấn Quốc và Ngô Minh Châu bị đánh nhiều gậy vào người, bị đập vỡ điện thoại, tuy nhiên do nhanh chân nên đã chạy thoát. Còn ông Nguyễn Văn Mười bị đám người nói trên bao vây, dùng gậy gỗ đánh và đấm vào bụng. Chỉ đến khi có sự can thiệp của bảo vệ của tòa nhà gần đó và công an phường 12, ông Mười mới được giải thoát.

    Ngay sau đó, Đội Thanh tra Giao thông số 5 và công an phường 12, TP.HCM đã lập biên bản xử lý. Trong biên bản vi phạm hành chính, Thanh tra Giao thông ghi rõ: “Xe không có hợp đồng vận chuyển theo quy định; không chấp hành yêu cầu kiểm tra của người thi hành công vụ”.

    Tài xế xe 51F-077.79 là Trịnh Phước (sinh năm 1983, ngụ Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương) về sau đã phải bồi thường tổng cộng 2,5 triệu đồng cho chiếc điện thoại bị hỏng và phí khám chữa bệnh cho ông Mười.

    Liên quan đến vấn đề trên, câu hỏi đang được đặt ra là: Vậy, vai trò của Uber Việt Nam trong vụ việc này như thế nào? Sau khi vụ hành hung xảy ra, Uber Việt Nam sẽ có biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho hành khách đi xe, hay vẫn tiếp tục thả nổi như hiện nay vì cho rằng mình không kinh doanh vận tải, chỉ làm dịch vụ tư vấn quản lý và dịch vụ nghiên cứu thị trường?

    Để làm rõ các vấn đề liên quan, ICTnews đã liên lạc với đại diện truyền thông của Uber Việt Nam và ông Đặng Việt Dũng, Tổng Giám đốc Uber Việt Nam.

    Tuy nhiên sau gần chục ngày qua, phía Uber Việt Nam vẫn liên tục im lặng và né tránh câu hỏi trả lời về trách nhiệm của mình.

    Cũng đáng chú ý, theo tìm hiểu của ICTnews, sau khi sự việc xảy ra, nhiều hành khách sử dụng dịch vụ Uber tại Hà Nội và TP.HCM cũng đã tỏ ra lo ngại và dè chừng hơn đối với loại hình taxi này.

    “Nếu cứ bị thanh tra, cảnh sát xử phạt, tài xế Uber lại quay ra nghĩ hành khách đang ngồi trên xe “chỉ điểm” và sẵn sàng hành hung như vụ tại TP.HCM thì đi taxi Uber quá nguy hiểm”, chị Thu Hải (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), một hành khách từng sử dụng dịch vụ Uber Nội bày tỏ sự lo ngại.

    Cùng quan điểm, anh Huy (trú tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) một hành khách cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ taxi của Uber từ vài tháng nay nói: Qua báo chí, tôi được biết thời gian gần đây tại TP.HCM đã có hơn 70 vụ taxi Uber đã bị xử phạt. Và con số này vẫn chưa dừng lại do Uber Việt Nam chưa thống nhất được với cơ quan quản lý về tính pháp lý dịch vụ. Tôi e ngại sẽ còn có thêm hành khách bị hành hung vì bị tài xế nghi ngờ tương tự vụ ông Nguyễn Văn Mười.

    Cũng liên quan đến trách nhiệm của Uber Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn của hành khách, trước đó, tại Hội thảo Phát triển thương mại điện tử (TMĐT) trên nền tảng di động do Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội, câu chuyện “sử dụng phần mềm kinh doanh vận tải hành khách như Uber, vấn đề an toàn cho hành khách sẽ như thế nào? Vận chuyển hành khách phải quan tâm đến phương tiện, người lái, vậy Uber đã đảm bảo những vấn đề này ra sao?” đã được đặt ra.

    Trong khi Uber Việt Nam không có câu trả lời cho vấn đề này thì ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng đã thẳng thắn nhấn mạnh: Không có gì đảm bảo an toàn cho cả người lái lẫn hành khách sử dụng dịch vụ taxi Uber nếu có sự cố xảy ra.

    Theo ICTNews

    >> 19 "câu hỏi chết người" cho ứng viên Uber

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày