Vì sao Deca.vn đóng cửa?

    Yến Thanh,  

    Deca.vn đã ngừng mọi hoạt động kinh doanh của mình từ 12h trưa ngày 31/12.

    Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Lê Huỳnh Kim Ngân, cho thấy một góc nhìn rất khác về sự ra đi của trang thương mại điện tử Deca.vn.


    Đây là câu hỏi của nhiều người đi cùng sự ngỡ ngàng vì thông báo từ website Deca.vn từ trưa ngày 31/12/2015 vừa qua. Riêng tôi thì không bất ngờ lắm và tôi tin, đây là một quyết định hết sức sáng suốt của ban lãnh đạo Deca.vn.

    Cách đây mấy tháng, một hôm được ngồi cafe sáng với anh Phan Minh Tâm (24h), tôi có hỏi nửa đùa nửa thật anh về Deca: "Anh ơi sau 3 năm nữa Deca như thế nào nhỉ?", anh cũng trả lời là: "Anh nghĩ chí ít nó vẫn sống tốt với nguồn tiền mà nó có". Nếu nguồn đầu tư không phải là vấn đề Deca gặp phải, vậy thì vì sao Deca vẫn bị đóng cửa?

    Tôi có vài sự quan sát như sau:

    1. Tham khảo từ SimilarWeb.com về lượng truy cập của Deca so sánh với các đối thủ khác, chúng ta sẽ thấy được những con số thú vị như sau:

    Nguồn: SimilarWeb

    Đồng ý một điều là khó có thể đánh giá một sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ dựa trên lượng truy cập, mà nên có thêm những số liệu về lượng đặt hàng, độ uy tín của các cửa hàng kinh doanh trên đó. Nhưng ở một góc độ khác, khi đi thuyết phục một cửa hàng buôn bán trên mình, là chủ cửa hàng, họ sẽ quan tâm việc đầu tiên là: "Có nhiều người vào đó để coi hàng hông để tui mua bán?". Giống như việc bạn muốn bán gian hàng của bạn trong một cái chợ cho người khác, người sẽ mua gian hàng của bạn sẽ hỏi: "Thế lượng người qua lại tại đây là bao nhiêu?". Lẽ dễ hiểu mà, người đi qua lại đông đúc vẫn có cơ hội bán được hàng nhiều hơn những nơi hẻo lánh.

    Ghi chú:

    Số liệu SimilarWeb chỉ dùng để tham khảo, không chắc chắn là số liệu chính xác. Tuy nhiên, theo sự quan sát từ một số website tôi xây dựng, số liệu trên SimilarWeb chênh lệch khoảng 20% - 30% tuỳ lĩnh vực.

    Mọi người đọc thêm các kết quả tìm thấy ở SimilarWeb để có cái nhìn sâu hơn, đừng tập trung mỗi lượng truy cập mà mình đề cập.

    2. Đầu tư vào marketing chưa thực sự hiệu quả?

    Cũng theo SimilarWeb, chỉ số referral vào Deca cao khá chênh lệch so với lượng người dùng vào từ trực tiếp hay tìm kiếm mà thấy được. Ngoài ra có thể thấy thêm, Deca đã chi khá mạnh tay cho ngân sách quảng cáo trên Facebook hơn so với các kênh khác. Thế nhưng tối ưu hoá quảng cáo thế nào cho hiệu quả thì chưa thấy làm tốt lắm. Cá nhân tôi từng click chọn mua hàng Deca từ một quảng cáo ở Facebook, sau khi mua xong, tôi vẫn thấy sản phẩm đó chạy theo mời gọi mình - một sự lãng phí không hề nhẹ. Hoặc do lỗi hệ thống? Biết đâu đấy.

    Tôi cũng từng đề cập trong một note ngắn về cách làm marketing của Deca hiện tại. Tôi hoài nghi về incentive bằng tiền dữ dội lắm. Cách thức incentive marketing mà bằng việc tặng tiền vào đơn hàng (Deca thường có khuyến mãi tặng 30.000 đồng cho đơn hàng trên 150.000 đồng)  thường không bền. Incentive marketing thường được sử dụng nhằm gỡ bỏ rào cản tâm lý ái ngại đầu tiên của người dùng, chứ không nên là một điều để người dùng phụ thuộc vào nó. Tuy vậy, không thể phủ nhận incentive marketing bằng việc tặng tiền trừ thẳng vào đơn hàng hiện tại lại đang là cách phần đông các sản phẩm TMĐT Việt Nam đều đang sử dụng để chuyển đổi người tham quan website trở thành người mua hàng. Nhưng phải có cách tốt hơn trong tương lai để người dùng tự nguyện mua hàng mà không cần tí incentive nào cả.

    3. Giá

    Tôi thấy có một vấn đề mà mọi người thường hay bảo nhau, ôi niềm tin TMĐT thế này thế nọ, khó lắm, người dùng chẳng tin đâu. Đại diện là môt người dùng điển hình (nữ, trẻ, đang độ tuổi đi làm & có thu nhập ổn định, có khả năng mua hàng trên mạng), tôi xin được "phát biểu": Người dùng Việt Nam dễ tin lắm, chỉ cần giá tốt là được, yên tâm, họ không mất lòng tin với TMĐT đâu.

    Làm cái gì thì làm, tự nhiên thấy món đồ trên website đó có giá rẻ là tự nhiên thấy tin website đó ngay, đó chính là lý do tại sao mà sau khi mua xong mới thấy niềm tin vụn vỡ, còn trước đó thì tin tưởng nhất nhất. Deca có sản phẩm có giá tốt nhất so với thị trường không? E là không. Chi phí giao nhận của Deca cũng được chia ra theo từng chủ cửa hàng. Nghĩa là nếu bạn mua một đơn hàng 100.000đ ở cửa hàng A và một đơn hàng 100.000 đ ở cửa hàng B, bạn sẽ phải trả hai lần tiền vận chuyển. Bạn phải mua tối thiểu 150.000 đ ở cửa hàng A và 150.000 đ ở cửa hàng B, bạn mới đủ tiêu chuẩn được miễn phí vận chuyển. Tôi nhớ ngày xưa là thế, sau này không biết có thay đổi gì không. Mặc dù là Deca có nhiều mặt hàng đa dạng thật đấy, nhưng nếu mua ở nhiều cửa hàng khác nhau, thiệt không có lợi cho khách hàng như tôi chút nào.

    Về cách chia mức phí vận chuyển thế này thì có bạn Yes24 cũng áp dụng tương tự. Tuy nhiên bạn ấy áp dụng 300.000đ đối với sản phẩm cùng kho hơn là chỉ từ một cửa hàng. Nói chung mua hàng 100.000đ mà trả 30.000đ cho việc vận chuyển thì xót lắm. Nhưng nói đi cũng phải nói lại là nếu trả 30.000đ cho vận chuyển trong ngày thì có khi tôi trả ngay, chứ còn đợi mấy ngày mà vẫn phải trả đến tận 30% giá trị món hàng mình mua chỉ cho vận chuyển thì thôi... chuyển site khác!

    4. Deca cần bao nhiêu tiền để trở thành người thâu tóm & thao túng thì trường này? Và bao lâu? Và sau khi trở thành người chiến thắng thì... để làm gì?

    Tôi rất thích câu "So What?" kể từ khi tôi làm việc với một chị sếp cực kỳ đáng cưng có biệt danh So What và tối ngày chỉ hỏi So What. Trong Deca, cũng có người từng ngồi nói chuyện với tôi về cuộc đời, và bản thân anh ấy cũng đặt câu hỏi "So What?" trong vài chuyện, nhưng không rõ với Deca, anh ấy đã từng suy nghĩ nghiêm túc và dành câu hỏi "So What?" cho nó chưa?

    Nguồn đầu tư từ 24h tôi tin là đủ cho Deca sống sót nhưng chắc chỉ là sống ngoi ngóp. Muốn bùng nổ, muốn mạnh mẽ, muốn trở thành Amazon của Việt Nam thì chắc phải làm một núi tiền thật to, một đội ngũ thật hổ báo và thời gian làm phải dai dẳng, thật lâu. Nhưng sau đó thì sao? Khi trở thành sàn giao dịch TMĐT số 1 tại Việt Nam thì được lợi gì? Lợi nhuận trong tương lai - nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng chính câu hỏi “Khi nào" sẽ kéo người ta xuống mặt đất lại ngay.

    Việc dừng Deca - theo một góc độ nào đó - tôi nghĩ là sáng suốt. Năm nay, khi Lazada.vn vừa có được thêm nguồn tiền bơm vào để trở nên mạnh mẽ hơn nữa, phát triển thần tốc hơn nữa; Adayroi có được sự hẫu thuận của VinGroup chống lưng phía sau với các chuỗi cửa hàng lớn nhỏ có đủ; Vietnam ESports/Garena Việt Nam đẩy mạnh Shopee trên di động và biết đâu chừng trong 2016, VNG sẽ quay lại với thương mại điện tử với nhiều sự bất ngờ chờ đón thì Deca bỗng dưng trở thành một vị thế nhỏ nhoi so với các anh tài còn lại.

    5. Cuộc chiến 3 năm tiếp theo trong TMĐT sẽ là việc làm sao bán hàng ra khỏi TP.HCM và Hà Nội

    Tháng 11/2015, Deca có một chương trình khuyến mãi là miễn phí vận chuyển đơn hàng toàn quốc. Tôi tạm võ đoán, đây là một bước chuẩn bị để đo thử năng lực trong chính Deca có thể phục vụ thị trường toàn quốc hay không. Để làm được như điều (4) tôi đề cập, tôi đoán rằng các anh tài trong TMĐT đang bắt đầu nhen nhóm dưới nhiều hình thức khác nhau để bắt đầu bán hàng, vận chuyển hàng ra khỏi những thành phố trung tâm hiện tại. Ngay cả với Lazada.vn - theo một nguồn tin tham khảo được - đã có những đơn hàng mua các sản phẩm điện máy đồ gia dụng ở tận những nơi xa xôi hẻo lánh. Chi phí vận chuyển cho những sản phẩm dạng này không hề nhỏ, làm sao Lazada tối ưu hoá được tốt nhất bộ phận giao nhận để thoả mãn khách hàng với chi phí vận chuyển hợp lý nhất?

    Lại một lần nữa xin đoán, sau khi thử nghiệm với chương trình trên, Deca đã nhận ra, thôi thì tự bỏ cuộc cho nỗi đau (của túi tiền) không còn thêm dài, dồn tâm dồn sức để chiến đấu mảng khác. Một trong những mảng đó, có thể là TMĐT trên di động - một làn sóng mới mẻ và phát triển nhanh như vũ bão khó mà cưỡng lại được. Vì lý do đó mà 24h đã đầu tư vào MuaBanNhanh.com - một ứng dụng mua bán trên di động không biên giới. Thế nên với thương mại điện tử thì 24h vẫn còn nặng duyên lắm, chưa chê đâu :)

    Lời cuối

    Bằng tất cả sự tôn trọng, tôi cảm thấy việc BeYeu.com hay Deca.vn làm là điều tốt. Hầu hết mọi người nghĩ ngừng kinh doanh là xấu, rồi thì là một vài dư luận viên thì bảo, ôi thế là thị trường tệ lắm, v...v... Tôi nghĩ, những bạn đã và đang khởi nghiệp phải cảm thấy biết ơn BeYeu.com hay Deca.vn vì đã dám dừng lại, đã dám thông báo cho mọi người biết được là: "Này em hỡi, con đường em đi đó, con đường em theo đó, sẽ đưa em sang đâu?"

    Thương mại điện tử nói chung hay sàn giao dịch thương mại điện tử nói riêng chưa từng bao giờ dành cho người không có điều kiện (điều kiện có thể xét nhiều góc độ không chỉ về tiền). Rất nhiều người làm sàn giao dịch TMĐT, có lượng truy cập tương đương với VatGia xong rồi cũng bỏ cuộc trong âm thầm. Để nói ra được, tôi thất bại, tôi không làm tiếp, tôi cảm thấy không nên đốt tiền vào đó nữa - không phải là điều dễ dàng. Các bạn khởi nghiệp nào đang định ngọ nguậy hay muốn tuyên bố trở thành Amazon Việt Nam gì đó, thì đây, những bài học nhãn tiền để mọi nguời tham khảo trước khi có quyết định bồng bột nào đó.

    Thôi thì chuyện cũ cũng đã qua, tôi chúc các anh chị từng làm việc ở Deca tìm được dự án khác hay ho để theo đuổi, chúc mọi người sử dụng kinh nghiệm của mình trong hơn 1 năm rưỡi qua để đóng góp trở lại cho ngành TMĐT có nhiều sản phẩm chất lượng hơn nữa. Mọi người không thất bại, mọi người đã nỗ lực hết sức, mọi người xứng đáng tìm thấy cho mình một hướng đi tốt đẹp trong sự nghiệp ở tương lai gần.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ