Vườn ươm công nghệ tại Việt Nam: Nhiều nhưng chưa đủ

    Tuấn Anh,  

    Đối với nhiều startup, được nhận vào một Incubator (vườn ươm) là cơ hội tuyệt vời để phát triển và có được nhiều sự hỗ trợ quý báu.

    “Vườn ươm” là gì?

    Vườn ươm công nghệ là một tổ chức hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình, sau khi ươm tạo đầu ra có thể là dịch vụ hoặc sản phẩm công nghệ.

    Ươm tạo là giai đoạn trước của đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ và bổ sung những kiến thức, kỹ năng và nguồn lực cần thiết để doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển vững mạnh. Để tìm được các nhà đầu tư mạo hiểm doanh nghiệp thường phải có từ 1 – 2 năm hoạt động kinh doanh tương đối thành công (nghĩa là sản phẩm được chấp nhận trên thị trường, có kế hoạch kinh doanh cụ thể, rõ ràng, và hấp dẫn).

    Mô hình vườn ươm nhằm giải quyết nhiều vấn đề đến từ các hệ sinh thái rời rạc, gia tăng chất lượng và số lượng của các startup trong vùng và từ đó có thể thu hút nhà đầu tư.

    Vườn ươm công nghệ ở Việt Nam

    Hiện nay riêng trong lĩnh vực công nghệ, tại Việt Nam có khá nhiều chương trình ươm tạo ở nhiều quy mô. Các vườn ươm có thể cung cấp cho startups một môi trường có chi phí thấp (hoặc miễn phí), hỗ trợ phát triển qua các giai đoạn huấn luyện và hướng dẫn chuyên sâu với những người cố vấn giàu kinh nghiệm, một số chương trình có đầu tư tiền mặt.

    Silicon Valley Việt Nam: được xây dựng dựa trên mô hình vườn ươm doanh nghiệp Silicon Valley Hoa Kỳ, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học & Công nghệ, vừa qua 9 startups khóa đầu tiên của đề án đã tốt nghiệp.

    Dự án FIRST: thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác với tổ chức Ngân hàng Thế giới (World Bank), tập trung vào 4 mảng chính bao gồm công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, robot và IT.

    Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP): hỗ trợ các startup về robot điều khiển từ xa công nghệ cao, kỹ thuật robot kho vận và công nghệ nhà thông minh tự động, hiện không tìm kiếm thêm startup mới tham gia mà tập trung hỗ trợ những startup hiện tại.

    Đại học Quốc gia Việt Nam: Trung tâm công nghệ của VNU sẽ triển khai một chương trình vườn ươm kéo dài trong 6 tháng bao gồm không gian làm việc và sự hướng dẫn từ đội ngũ VNU.

    mLab: dự án hợp tác giữa SHTP và VNU, được tài trợ từ Infodev và Ngân hàng Thế giới. Tổ chức những kỳ hackathon cung cấp một khoản vốn nhỏ, không gian làm việc và hướng dẫn từ các chuyên gia.

    HATCH! Incubation Program: hướng tới những khởi nghiệp có thời gian hoạt động dưới 2 năm, cung cấp chương trình cố vấn, khóa học tập trung bốn tuần và chuỗi các sự kiện kết nối.

    Topica Founder Institute: Chương trình tăng tốc khởi nghiệp dưới sự kết hợp của Tổ hợp giáo dục Topica và Founder Institute (chương trình huấn luyện khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon). Hiện chương trình đã tổ chức đến năm thứ 3 và trợ lực cho nhiều startup thành công hiện nay.

    Bên cạnh đó các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam như VCCorp, Tinh Vân, FPT, YouNet, VNG, Vật Giá… cũng đã hoặc đang vận hành những vườn ươm quy mô nhỏ hoặc chỉ dành cho nội bộ.

    Tuy khá phong phú và đa dạng nhưng hoạt động ươm tạo khởi nghiệp hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi nhiều nguyên nhân, như chưa có đủ mạng lưới chuyên gia thường trực để hỗ trợ tư vấn, các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp còn ở mức cơ bản, thiếu kỹ năng quản lý vườn ươm theo mô hình doanh nghiệp. Nguồn tài chính đầu tư hiện nay cho các vườn ươm vẫn còn hạn chế và mang tính chất thử nghiệm, các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn chưa quan tâm nhiều đến chương trình.

    Và cho dù có tham gia các vườn ươm hay không thì yếu tố quyết định để khởi nghiệp thành công sẽ vẫn là kiến thức, lòng đam mê và cố gắng nỗ lực từ chính bản thân các startups.

    KimNhung/action

    >> 20 điều startup Việt Nam cần đạt được

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày