Tỉnh ngủ chưa mở mắt đã được tổng đài nhắn tin? Lý thuyết này giải thích cuộc đua khuyến mãi khốc liệt giữa Viettel, Vinaphone, Mobifone

    Vượng Lê, Theo Trí Thức Trẻ 

    Cuộc đua khuyến mãi trên thị trường viễn thông được giải thích theo lý thuyết trò chơi và điểm cân bằng Nash.

    Tỉnh dậy, V. thấy một tin nhắn mới được gửi vào số điện thoại Mobifone của mình: "Mobifone khuyến mãi 1 xe tay ga….”. Người yêu V hôm đó cũng than phiền nhận được tin nhắn tương tự cũng được từ Viettel: “Nhân ngày của cha, Viettel khuyến mãi 10.000 đồng…”.

    ‘Mệt mỏi’ với các khuyến mãi là tình trạng nhiều người sử dụng điện thoại di động Việt Nam đang gặp phải. Đúng là khuyến mãi giảm giá luôn là tốt cho người dùng, thế nhưng cuộc cạnh tranh khuyến mãi của các nhà mạng hiện nay lại khiến những người dùng bị ‘ngợp’.

    Thế chân vạc của Mobifone, Vinaphone và Viettel

    Không giống như V, các nhà kinh tế học rõ điều này như lòng bàn tay: Các ‘ông lớn’ Mobifone, Vinaphone và Viettel đang trong một trò chơi khuyến mãi không thể dừng. Bất kỳ ai không khuyến mãi thì phần thiệt sẽ chỉ về mình, mặc dù khuyến mãi nghĩa là giảm giá và mỗi nhà mạng sẽ phải chịu lợi nhuận ít hơn.

    Trò chơi này trong kinh tế học còn được gọi là Lý thuyết trò chơi (Game theory), với một điểm cân bằng mà thị trường sẽ đạt được mang tên cân bằng Nash (Nash equilibrium).

    Trước hết để hiểu vì sao các nhà mạng cạnh tranh khuyến mãi thì bạn cần biết rằng thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay được phân chia theo thế chân vạc, trong đó Mobifone, Vinaphone và Viettel là 3 nhà mạng thống trị.

    Theo thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông, tổng thị phần của 3 nhà mạng Mobifone, Vinaphone và Viettel thường xuyên chiếm đến 97- 99% thị trường viễn thông Việt Nam. Điều này làm cho một ‘chàng David tí hon’ nào đó rất khó có thể chen vào thế chân vạc của 3 ‘gã khổng lồ Goliath’ này.

    Cũng vì chỉ có 3 người bán hàng trên thị trường, các nhà mạng cũng phải ‘nhìn nhau’ để kinh doanh. Ví dụ, nếu Viettel quyết định giảm giá cước, ngay lập tức Mobifone và Vinaphone sẽ có động thái tương tự.

    Điều này thể hiện một đặc điểm của thị trường độc quyền nhóm: Mỗi nhà mạng giống như những nhà sản xuất nắm trọn một phần lớn của thị trường, mỗi một quyết định về giá cả và sản lượng của ông lớn này đều sẽ tác động đáng kể đến lợi nhuận các 'ông lớn' khác.

    Các CEO của Viettel, Vinaphone và Mobifone sẽ tính toán như thế nào?

    Vận dụng đặc điểm trên, chúng ta có thể hiểu vì sao các nhà mạng Việt Nam đang đâm đầu vào một cuộc chiến khuyến mãi giảm giá không có lối ra.

    Giả sử bài toán đơn giản chỉ có Viettel, Vinaphone tham gia trò chơi khuyến mãi. Chúng ta giả định lượng hóa các yếu tố lợi ích trong các trường hợp khác nhau của thị trường như sau:

    - Viettel và Vinaphone thống nhất cùng nhau không khuyến mãi, mỗi bên nhận được như nhau 50 đơn vị lợi ích(mức lợi ích lý tưởng nhất, tuy nhiên thực tế lại hiếm khi xảy ra).

    - Viettel và Vinaphone cùng khuyến mãi, mỗi bên nhận được như nhau 30 đơn vị lợi ích.

    - Trong 2 nhà mạng, chỉ có 1 nhà mạng chịu khuyến mãi, 1 nhà mạng không. Khi đó, nhà mạng khuyến mãi sẽ nhận 60 đơn vị lợi ích (cao hơn trường hợp cả 2 nhà mạng cùng khuyến mãi - lợi ích bị chia sẻ), nhà mạng không khuyến mãi sẽ chỉ nhận 10 đơn vị lợi ích.

    Cân bằng Nash trên một thị trường gồm Vinaphone và Viettel sẽ xảy ra như sau:

    Với Viettel sẽ tính toán rằng:

    - Trường hợp 1: Khi Vinaphone 'không khuyến mãi;, nếu Viettel cũng 'không khuyến mãi' thì thị trường ở ô số 2, mỗi bên được 50 đơn vị lợi ích. Viettel nghĩ rằng mình có thể chuyển sang 'khuyến mãi' vì như vậy thì thị trường chuyển sang ô thứ 3 và Viettel hưởng đến 60 đơn vị lợi ích.

    - Trường hợp 2: Khi Vinaphone đã 'khuyến mãi' thì tốt nhất Viettel cũng 'khuyến mãi' để thị trường về ô số 4 và Viettel thu được 30 đơn vị lợi ích. Nếu 'không khuyến mãi' thì Viettel của CEO Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chỉ nhận được 10 đơn vị lợi ích, trong khi phải nhìn đối thủ nhận đến 60 đơn vị lợi ích (ô số 1).

    Vậy trong mọi trường hợp, Viettel sẽ đều hướng đến 'khuyến mãi'.

    Còn Vinaphone cũng sẽ tính toán rằng:

    - Trường hợp 1: Khi Viettel 'không khuyến mãi", Vinaphone cũng 'không khuyến mãi' thì thị trường ở ô số 2, mỗi bên được 50 đơn vị lợi ích. Vinaphone nghĩ rằng mình có thể chuyển sang 'khuyến mãi' vì như vậy thì thị trường chuyển sang ô thứ 1 và Vinaphone hưởng đến 60 đơn vị lợi ích.

    - Trường hợp 2: Khi Viettel đã 'khuyến mãi' thì tốt nhất Vinaphone cũng 'khuyến mãi' để thị trường về ô số 4 và Vinaphone thu được 30 đơn vị lợi ích. Nếu 'không khuyến mãi' thì Vinaphone sẽ chỉ nhận được 10 đơn vị lợi ích, trong khi phải nhìn đối thủ nhận đến 60 đơn vị lợi ích (ô số 3)

    Vậy trong mọi trường hợp, Vinaphone sẽ đều hướng đến 'khuyến mãi'.

    Kết hợp 2 yếu tố trên thì cả 2 nhà mạng sẽ cùng hướng đến trạng thái như mô tả ở ô số 4: Cả 2 cùng khuyến mãi.

    Đây cũng là điểm cân bằng Nash được tạo ra, sau những tính toán của cả 2 bên: Cả 2 nhà mạng sẽ cùng nhau khuyến mãi - Không gì có thể thay đổi điều này bởi mỗi nhà mạng đều muốn làm điều tốt nhất cho mình, dù cho nhà mạng kia làm gì chăng nữa.

    Phân tích trên đây cũng có thể áp dụng cho các 'cặp đấu' Viettel với Mobifone hay là giữa Vinaphone và Mobifone. Rút cục, chúng ta có cả 3 nhà mạng cùng sẽ tham gia vào cuộc đua khuyến mãi không có lối thoát.

    Từ đó, chuyện tin nhắn khuyến mãi tới tấp được gửi vào điện thoại của V, cô người yêu và tất cả vào mọi người khác, kể cả chính bạn, vào khắp các thời điểm sáng, trưa, chiều, tối của một ngày sẽ chẳng có gì là lạ!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày