Apple đã hủy hoại những nguyên tắc thiết kế như thế nào (P.2)

    Nguyễn Hải,  

    Qua lời kể cả cựu nhân viên Apple, chúng ta sẽ phần nào hiểu được vì sao người ta lại nói rằng Apple đang chạy theo cái đẹp mà giết chết ngành thiết kế truyền thống.

    Tiếp theo phần 1, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về việc Apple chạy theo cái đẹp như thế nào...

    4. Đẹp hơn, hấp dẫn hơn nhưng khó dùng hơn

    Với các nguyên tắc của mình, những thiết bị và ứng dụng của Apple đã có thời nổi tiếng vì dễ hiểu, mạnh mẽ và có thể sử dụng mà không cần đến hướng dẫn sử dụng. Mọi thao tác đều dễ nhận ra, mọi thứ đều có thể thực thi và hoàn lại, những thông báo phản hồi luôn làm người dùng biết được điều gì vừa xảy ra. Người dùng được khuyến khích phát triển, với những sức mạnh ngày càng lớn hơn cho đến khi họ sẵn sàng. Những hướng dẫn thiết kế và nguyên tắc của Apple lúc đó đầy mạnh mẽ, thông dụng và có sức ảnh hưởng lớn.

    Nhưng giờ đây, Apple đã bắt đầu mang đến các sản phẩm khó sử dụng hơn. iOS, và sau đó là iPad, với giao diện thao tác bằng cử chỉ, đã vô tình và cố ý ném đi các nguyên tắc này. Không còn tính dễ nhận ra, không còn khả năng phục hồi, chỉ còn lại tính phản hồi trong nguyên tắc của mình. Tại sao ? Không phải vì giao diện bằng cử chỉ, mà vì Apple giờ đã hướng đến sự đơn giản, thanh lịch để đánh đổi với tính tiện dụng, dễ hiểu và năng suất.

    Phông chữ khó nhìn hơn

    Giao diện đơn giản hơn, gọn gàng hơn với các biểu tượng và tên bên ngoài. Phông chữ đẹp hơn, nhưng mảnh hơn và độ tương phản thấp, làm cho các dòng text khó đọc hơn ngay cả với những người có thị lực bình thường. Một thống kê của hãng Slice Intelligence gần đây cho biết, những người chi tiêu nhiều nhất cho Apple là những khách hàng độ tuổi trên 65, vậy họ có còn mua sản phẩm của Apple nhiều nữa không khi mà không đọc nổi các dòng chữ trên đó.

    Quá nhiều cử chỉ phải nhớ

     

    Những dòng text khó nhìn không phải lỗi thiết kế duy nhất của Apple. Các thao tác cũng khó nhận ra, không có cách nào để biết thao tác nào có thể làm được nếu chỉ nhìn vào màn hình. Bạn sẽ phải gạt sang phải hay trái, lên hay xuống, với một hay hai ngón tay và thậm chí cả năm ngón tay ? Nếu chạm, thì sẽ phải chạm một hay hai lần ? Liệu dòng chữ trên màn hình chỉ là text hay một núm chức năng quan trọng nào đó. Thông thường, người dùng sẽ cố gắng chạm vào mọi thứ trên màn hình chỉ để tìm xem cái gì thực sự là đối tượng có thể cảm ứng. Khi không có ký hiệu hay chỉ dẫn nào trên màn hình, làm sao người dùng có thể biết chuyển động ngón tay như thế nào để làm tác vụ mình cần. Cuối cùng, họ sẽ phải nhớ tất cả các cử chỉ này hoặc phải đọc sách hướng dẫn sử dụng.

    Chức năng phục hồi không đầy đủ

    Một vấn đề khác là việc không thể phục hồi lại một thao tác không mong muốn. Chức năng này không chỉ cho phép phục hồi lại các thao tác, mà còn giúp người dùng tự do thử các thao tác mới, do có thể khôi phục lại nếu kết quả không theo ý muốn của họ. Nhưng Apple khi thiết kế nên iOS đã loại bỏ yếu tố này trong thiết kế hệ thống, có lẽ vì chức năng này sẽ chiếm một diện tích trên màn hình để gọi được nhanh hơn. Điều này sẽ làm giảm đi sự sang trọng mà Apple ưu tiên hơn là sự dễ hiểu và tiện dụng.

     

    Và khi số đông người dùng phàn nàn về việc này, họ thêm vào chức năng đó bằng cách “Lắc”. Bạn sẽ phải lắc thiết bị của mình để quay lại trạng thái hay vị trí trước đó. Nhưng bạn cũng chẳng biết lắc thế nào mới đúng, và liệu khi lắc như vậy, thiết bị đã quay lại đến đúng vị trí mình cần hay chưa. Dù cho đã được Apple cung cấp nút “Back” tại một số vị trí, đó chỉ là một tùy chọn cho lập trình viên. Không giống như Android, khi chức năng này đã trở thành phổ biến.

    Giao diện đơn giản – nhưng dùng phức tạp hơn

    Với việc loại bỏ bớt các nguyên tắc thiết kế và hướng dẫn của mình về sự dễ hiểu và tiện dụng, Apple muốn hướng đến tạo ra các sản phẩm với các thiết kế tối giản.

    Thật không may, giao diện đơn giản bằng hình ảnh không làm cho sản phẩm dễ dùng hơn. Để làm điều đó, các sản phẩm của Apple phải ẩn đi hoặc loại bỏ các chức năng điều khiển quan trọng. Và sự đơn giản đi đến tận cùng, chỉ còn một nút để điều khiển : rất đơn giản nhưng cũng rất hạn chế về chức năng. Do vậy, hàng loạt các thao tác cử chỉ trên màn hình cảm ứng, như chạm một hay hai lần, hoặc di lên hay xuống, phải hay trái, … được đặt ra để gọi các chức năng khác nhau của thiết bị. Giao diện đơn giản đã phải đánh đổi cho việc điều khiển khó khăn hơn, ghi nhớ nhiều hơn và dễ bị lỗi hơn.

    Tít đầu trên tạp chí Forbes đã viết “25 tính năng bí mật tuyệt vời trên iOS 9”. Nếu các tính năng đó thật sự tuyệt vời đến vậy, sao phải làm trở nên bí mật ? Sao phải làm cho điều đó trở nên khó khăn đến vậy ?

    Không chỉ riêng Apple

    Tệ hơn nữa, các công ty khác cũng đi theo con đường của Apple, quên đi các nguyên tắc của một thiết kế tốt, cho rằng thiết kế tương đương với giao diện. Kết quả làm cho các lập trình viên vội viết code mà không hiểu người dùng sản phẩm. Các nhà thiết kế chỉ cố làm cho sản phẩm trông đẹp hơn. Và các giám đốc điều hành loại bỏ luôn cả đội phụ trách về trải nghiệm sản phẩm của người dùng, vốn có nhiệm vụ thiết kế sản phẩm phù hợp hơn với người dùng và đảm bảo sự tiện dụng của các sản phẩm từ khi thiết kế, không phải sau khi sản xuất, lập trình và phát hành, lúc đó thì đã quá muộn. Các giám đốc điều hành cho rằng các nghiên cứu về thiết kế, tạo mẫu và thử nghiệm sẽ làm chậm quá trình phát triển sản phẩm. Không, nếu cả quá trình được làm đúng, sẽ giúp tăng tốc mọi thứ vì sẽ nắm bắt vấn đề nhanh hơn, thậm chí từ trước khi bắt đầu viết code.

     

    Vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi của Apple. Bản đồ của Google dù có nhiều tính năng hấp dẫn nhưng trở nên khó hiểu hơn mỗi lần cập nhật. Điều tương tự cũng xẩy với hệ điều hành Android. Windows 8 của Microsoft được thiết kế thông minh hơn cho việc điều khiển bằng cử chỉ, giải quyết được nhiều vấn đề hơn, nhưng lại yêu cầu cấu hình của một chiếc máy tính desktop để có được hiệu suất tốt nhất.

    Tại sao thiết kế lại trở thành như vậy ? Vì những người thiết kế sản phẩm đến từ nhiều bộ phận khác nhau. Trong bộ phận phần mềm, lập trình viên của driver sẽ chẳng cần quan tâm đến lập trình tương tác hay chương trình giao tiếp với người dùng. Trong bộ phận thiết kế, các nhà thiết kế được đào tạo về tâm lý, về nguyên tắc của mô hình khái niệm, về tính tiện dụng, nhưng còn với khoa học máy tính thì không, Còn các nhà thiết kế đồ họa dường như chỉ nghĩ thiết kế tương tác nghĩa là các website.

    Hậu quả là tạo ra một thiết kế không phù hợp, sau đó là chi phí cao hơn cho tổng đài liên lạc, để giúp đỡ khách hàng. Và cuối cùng, những khách hàng không hài lòng, những người trước đây vốn hết lời ca ngợi giao diện đơn giản của Apple, sẽ phải tìm đến một thương hiệu điện thoại khác, mà họ hy vọng họ đủ thông minh để sử dụng. Dường như, người dùng thường có xu hướng tự trách mình, cho rằng mình thật ngu ngốc, vì những thiếu sót của thiết bị. Thật tệ cho người dùng, nhưng cũng thật tốt cho Apple !

    5. Giải pháp của Apple

    Trải nghiệm người dùng tốt chỉ có thể có khi mọi bộ phận từ marketing, thiết kế đồ họa và thiết kế công nghiệp, kỹ thuật và công năng của sản phẩm đều làm việc cùng nhau trong một nỗ lực hợp tác, để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thú vị hơn, và hiệu quả hơn cho khách hàng của Apple.

    Vượt qua những lời chỉ trích đối với một công ty công nghệ cao đang lên nhanh, nhất là với một người khổng lồ như Apple, là một thách thức không nhỏ. Nhưng quả thật, với việc tổng kết các tuyên bố về hướng dẫn thiết kế hiện tại của Apple, tác giả bài viết nhận thấy rằng các chỉ dẫn là chính xác và hợp lý để truyền đạt một triết lý thiết kế phù hợp giữa sản phẩm và người dùng.

    Sự tôn trọng: giao diện người dùng (UI) sẽ giúp người dùng hiểu và tương tác với nội dung chứ không phải cạnh tranh với điều đó.

    Sự rõ ràng: Các đoạn text được hiển thị rõ ràng ở mọi kích thước, các biểu tượng sẽ chính xác và dễ hiểu hơn, các hoa văn cũng được làm tinh tế và phù hợp. Trọng tâm được đặt vào chức năng để thúc đẩy thiết kế.

    Chiều sâu: các lớp hiển thị và chuyển động thực tế phải truyền đạt được sức sống, tăng thêm niềm vui và hiểu biết của mọi người.

    Và cuối cùng: cho dù giao diện người dùng đẹp, sắc nét và chuyển động mượt mà là những điểm nhấn của trải nghiệm trên iOS, nhưng sự hài lòng của người dùng mới là trái tim của hệ điều hành. Phải đảm bảo thiết kế của bạn nâng cao chức năng và đi theo sự hài lòng của người dùng.

    Các tuyên bố về chỉ dẫn này của Apple quả thật là tuyệt vời, hãy hy vọng rằng các sản phẩm mà họ làm ra sẽ tuân theo các triết lý đó.

    Tham khảo Fastcodesign

     

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ