Bút của Apple sẽ còn làm được nhiều hơn ranh giới iPad Pro

    GenQ,  

    Apple Pencil không chỉ đơn thuần là một cây bút stylus chỉ vẽ và vẽ, nó được dự đoán sẽ làm được nhiều hơn thế với công nghệ số hoá vật thể trong tương lai gần.

    Thông qua đoạn video trình diễn, chúng ta có thể thấy Apple Pencil có thể vẽ nét đậm nét nhẹ, tô màu, phác hoạ trên màn hình cảm ứng của iPad Pro. Tuy nhiên, người ta còn mong chờ Apple Pencil có thể làm nhiều việc hơn thế, ví dụ như số hoá bề mặt, hình ảnh và các hoạ tiết xung quanh thành file ảnh 3D. Tất nhiên Apple chưa đề cập gì đến việc đó nhưng với việc ra mắt Apple Pencil, hãng dường như đang thực sự quan tâm đến một trong những xu thế hiện nay, đó là các công cụ sáng tạo di động.

    Ít ai biết rằng 9 tháng trước khi sự kiện Apple ra mắt Pencil diễn ra, hãng đã nộp bằng sáng chế về một chiếc bút stylus có khả năng viết được trong không khí, như một cây bút thần mà chúng ta vẫn hay nghe trong truyện cổ tích vậy. Tin đồn về Apple Pencil cũng bắt đầu từ đó. Và khi nó ra mắt, người ta chỉ thấy rằng nó mới viết trên bề mặt iPad mà đã quên đi rằng nó sẽ còn có thể số hóa được vật thể giống như bằng sáng chế của Apple.

    Số hoá vật thể ở môi trường xung quanh đang trở nên dễ dàng hơn
    Số hoá vật thể ở môi trường xung quanh đang trở nên dễ dàng hơn

    Để cho dễ hiểu về công nghệ số hoá các vật phẩm xung quanh, chúng ta hãy tưỏng tượng như sau: ta đang ngồi ở quán cafe Starbucks, vẽ một vài thứ trên iPad nhờ vào bút stylus. Ta cần phải thêm một hạt gỗ vào bản dựng, và đến lúc này, thay vì phải lên mạng tìm dữ liệu về mẫu hạt gỗ đó, giờ đây ta chỉ cần chạm bút stylus vào mặt bàn, số hoá chất liệu gỗ đó rồi thêm vào ảnh trên màn hình iPad.

    Thực tế công nghệ trên đã xuất hiện trên iPad từ khá lâu với một số ứng dụng hỗ trợ như Paper từ FiftyThree, hay Adobe Comp CC - tất cả đều hướng đến mục tiêu đó là giúp người dùng có thể dùng iPad để thay thế desktop truyền thống trong việc thiết kế và dựng hình ảnh một cách tiện lợi. Bên cạnh đó, với bút stylus và các ứng dụng kèm theo, người dùng không còn phải lên mạng tìm kiếm các dữ liệu hình ảnh, chỉ cần tìm, scan rồi phân loại hình ảnh, hoạ tiết và vật thể ở quanh ta.

    Số hoá vật thể và xác định chi tiết các vật thể xung quanh nhờ vào camera smartphone
    Số hoá vật thể và xác định chi tiết các vật thể xung quanh nhờ vào camera smartphone

    Tại hội nghị SXSW, Scott Belsky, người hiện đang đứng đầu mảng phát triển ứng dụng di động tại Adobe, đã trình diễn loạt ứng dụng mới thuộc Adobe với ý tưởng chung là số hoá hình ảnh, vật thể ngoài đời thực. Cụ thể hơn, một ứng dụng có thể xác định bất kỳ font chữ nào nhờ vào camera, một ứng dụng có thể nhận biết kết cấu của vật thể, như vải hoặc cỏ. Và một ứng dụng có thể tạo thành những bảng màu từ môi trường xung quanh ta. Để có thể làm được những điều đó, các ứng dụng này cần phải tận dụng camera của tablet hay smartphone, chụp lại những chi tiết đáng chú ý, đăng tải nó lên dịch vụ Creative Cloud của Adobe và rồi bắt đầu chỉnh sửa.

    Chính nhờ vào công nghệ số hoá mọi vật thể từ môi trường xung quanh, những nhà thiết kế ngày nay đã rời khỏi ghế văn phòng để tìm kiếm những cảm hứng mới. Điều này cũng tương tự với những nhà thiết kế tại các tập đoàn ô tô hay các công ty thiết kế, họ liên tục có những chuyến đi khắp nơi trên thế giới để làm các dự án nghiên cứu. Họ mong muốn được truyền cảm hứng bởi thẩm mỹ, nền hội hoạ và văn hoá thế giới, và họ cũng mong muốn tìm được những cách mới với các vật liệu thân thuộc.

    Scan vật thể để số hoá chất liệu và hoạ tiết lên màn hình tablet
    Scan vật thể để số hoá chất liệu và hoạ tiết lên màn hình tablet

    Sự khác biệt rõ nhất ở đây đó chính là các nhà thiết kế có thể mang theo mình những chiếc máy tính di động (mà cụ thể là máy tính bảng). Và càng thuận tiện hơn nữa khi những thiết bị ngoại vi giờ đây đã trở nên thông minh hơn, nhỏ gọn hơn, các cảm biến mới giúp cho việc số hoá các vật thể xung quanh trở nên dễ dàng hơn.

    Bên cạnh đó, camera smartphone ngày nay đang trở nên ngày càng đa dạng hơn. Từ những camera góc rộng, camera chụp macro cận cảnh, cho đến Project Tango - dự án đưa 2 camera lên điện thoại: một để dựng vật thể, và một để dựng hình 3D cho những vật thể ở môi trường xung quanh. Ngoài ra, còn có khá nhiều dự án khởi nghiệp phát triển công nghệ dựng hình thể 3D như Scanify, Structure hay Sense.

    Cube, thiết bị cho phép ta xác định cụ thể màu sắc của môi trường xung quanh
    Cube, thiết bị cho phép ta xác định cụ thể màu sắc của môi trường xung quanh

    Thực tế, không chỉ có những nhà thiết kế cảm thấy hứng thú với công nghệ số hoá vật phẩm ở môi trường xung quanh. Các công nghệ mới này cũng xuất phát từ nhu cầu của người dùng phổ thông - họ mong muốn được trải nghiệm những thứ mới lạ. “Khách hàng tại Mỹ và Anh đều có smartphone từ lúc hơn 8 tuổi và đã quá nhàm chán với những thứ quen thuộc trên điện thoại thông minh, vì vậy họ đang tìm kiếm những sản phẩm mới sẽ giúp mở rộng những gì mà smartphone Android hay iOS có thể làm hiện nay”, Djordie Dikic, CEO của Palette - công ty sản xuất thiết bị số hoá Cube, có chức năng scan bất kỳ màu sắc nào ở bên ngoài môi trường xung quanh nhờ vào đèn LED tích hợp ở trong. Djordie cũng chỉ ra rằng số hoá thế giới sẽ trở thành một mối quan tâm thương mại cực kỳ to lớn, khi mà những tập đoàn như Facebook cũng đã muốn tạo ra một thế giới ảo mà ở đó công nghệ thực tế ảo đóng một phần quan trọng.

    Tuy nhiên, camera và những công nghệ hình ảnh chỉ là bước khởi đầu cho nhiều điều thú vị sẽ có sắp tới. Petschnigg chỉ ra rằng tất cả những thiết bị như máy đeo được (đồng hồ thông minh, vòng tay điện tử) hay internet of things sẽ có thể tạo ra nhiều điều ấn tượng hơn. Chúng sẽ cung cấp cho người dùng thêm nhiều giác quan hơn, và khả năng cảm nhận thế giới bên ngoài sẽ tốt hơn nhiều.

    Rõ ràng những cảm biến mới sẽ giúp người dùng không cần phải suy nghĩ quá nhiều về cách số hoá vật thể, và nghĩ kỹ hơn về việc xem các phương tiện số hoá như một sản phẩm phụ trợ cho các chuyến đi. Xu hướng là rất thực tế và Apple là một trong những công ty đang nhận thấy và theo đuổi điều đó. Mặc dù trước đậy, vị cố CEO của Apple, Steve Jobs, đã khẳng định thời đại của bút stylus trên thiết bị di động đã chấm dứt, và ông không muốn thấy chiếc bút điện tử này trên bất kỳ một chiếc smartphone/tablet nào của hãng. Tuy nhiên, đây là thời đại của Tim Cook, người không có tính bảo thủ như Jobs và luôn đề cao sự hiệu quả trong kinh doanh, mặc cho có là người đi sau.

    Chính vì vậy, Apple đã ra mắt Pencil không đồng nghĩa với việc sáng tạo chỉ dừng ở đó. Bằng sáng chế của Apple đã chứng tỏ chiếc bút sẽ còn tiềm năng hơn nhiều. Và cùng với các ứng dụng hỗ trợ, Apple có thể sẽ mong muốn hướng đến một thế giới mà ở đó các công cụ sáng tạo di động sẽ cho phép người dùng số hoá môi trường xung quanh, và từ đó cảm hứng thiết kế sẽ trở nên dồi dào hơn.

    Tham khảo Fastcodesign

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày