Cảm ơn Microsoft, nhưng đời tôi sẽ không xuất hiện thêm bất kì hệ điều hành Windows nào nữa!

    Yến Thanh,  

    Windows 10 "thần thánh" đã được tới tay người dùng, khen nhiều hơn chê. Nhưng liệu Windows 10 có đủ làm lung lay những chuyên gia công nghệ lão làng nhất?

    Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia Thomas Ricker, làm việc tại trang TheVerge.

    Như chúng ta đều biết, Windows 10 được Microsoft kỳ vọng sẽ trở thành một nền tảng toàn năng, giúp kết nối các sản phẩm chạy Windows như PC, laptop, smartphone hay tablet thành một hệ sinh thái xuyên suốt, nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian trải nghiệm, sử dụng các bản build trước đây, và thậm chí là tới phiên bản Windows 10 mới nhất, tôi thực sự đã hết kiên nhẫn với Microsoft.

    Có thể bạn cho rằng, những suy nghĩ của tôi là phiến diện. Thế nhưng, tôi xin khẳng định rằng, những chia sẻ sau đây của tôi không hề đại diện cho bất kì đối tượng người dùng nào. Điều này giống như việc, người ta tôn thờ Macbook, trong công sở, những quán cà phê thời thượng... Tuy nhiên, xét cho cùng 9/10 chiếc máy tính trên thế giới vẫn sẽ chạy Windows.

    Để nói về bản thân mình, tôi yêu thích "phần cứng của Apple và các dịch vụ mà Google cung cấp". Tại sao ư?

    Giống như bao người dùng khác, tôi bắt đầu chuyển đổi từ Windows sang sử dụng máy tính Mac từ Giáng sinh năm 2001. Khi đó, tôi đã được tặng một chiếc iPod 5 GB thế hệ đầu tiên. Tôi yêu thích sản phẩm này tới nỗi, ngay khi trở lại New York, tôi đã nhanh chóng sắm cho mình một chiếc máy tính Power Mac G4. Bởi sự thật là tôi chẳng còn lựa chọn nào khác, iPod của Apple khi đó chỉ tương thích với máy tính Mac mà thôi.

    Tất nhiên, tôi không phủ nhận, từng có lúc, tôi đã cố gắng làm quen trở lại với Windows. Một phần vì yêu cầu công việc, đồng nghiệp, một phần vì tôi muốn cho Microsoft thêm một cơ hội. Rất may, niềm cảm hứng đã trở lại với tôi từ khi CEO Satya Nadella công bố Windows 10.

    Tôi đã chăm chút tải về các bản cập nhật, thế nhưng, tới tận giờ phút này, tôi chỉ có thể nói rằng: "Cảm ơn Microsoft, nhưng đời tôi sẽ không xuất hiện thêm bất kì hệ điều hành Windows nào nữa!"

    Để nói về mối tình của tôi và Google, vào năm 2004, tôi đã đưa ra một quyết định khá khó khăn, chia tay Microsoft, với dịch vụ Hotmail và làm quen với "cô bạn gái mới" Gmail. Lý do mà tôi từ bỏ Hotmail, là bởi công cụ tìm kiếm mặc định của tôi đã giúp lọc thư rác tốt hơn. Và chẳng bao lâu sau đó, tôi đã được trải nghiệm Docs, công cụ đã khiến tôi rời xa Office của Microsoft.

    Tôi không phủ nhận, Office là công cụ văn phòng mạnh mẽ và phổ biến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nếu bạn không chịu từ bỏ một điều gì đó, bạn sẽ không nhận lại một thứ mới hơn hoặc tốt hơn. Trong trường hợp này, tôi chỉ biết nói rằng, Office quá nặng nề. Và không phải lúc nào bạn cũng có mặt tại văn phòng, bạn sẽ cảm thấy Docs tiện lợi hơn hẳn, nếu bạn phải thường xuyên di chuyển như tôi.

    Trong một cơ may nào đó, tôi từng nghĩ rằng, mình sẽ sắm một chiếc Xbox mới cóng, một máy nghe nhạc Zune hay xa hơn nữa sẽ là một chiếc điện thoại chạy Windows Phone, hay một chiếc máy tính Surface. Thế nhưng, trên thực tế, tôi không phải fan cuồng của Microsoft. Và nếu bạn nhìn vào những thiết bị mà gã khổng lồ xứ Redmond đã xây dựng, bạn sẽ phải thốt lên rằng, để ông lớn này xây xong một hệ sinh thái toàn diện, có lẽ, tôi sẽ phải chờ tới khi "râu mọc dài tới rốn".

    Ơn trời vì Steve Ballmer đã đóng gói đồ đạc và rời bỏ Microsoft. Tôi tin chắc chắn, CEO Satya Nadella đã mong ngóng thời khắc này từ rất lâu rồi. Hãy nhìn vào bản "tuyên ngôn" cách đây không lâu của ông, Microsoft đã rũ bỏ chiến lược tập trung vào các thiết bị phần cứng, thay vào đó là cuộc chạy đua dịch vụ, nền tảng với các cây đại thụ như iOS và Android.

    Có thể, đây là bước đi muộn màng, nhưng thà Microsoft thức tỉnh lúc tàn tiệc, còn hơn đóng giả người say suốt đời.

    Hãy nói về cuộc đua tam mã hiện nay, Apple, Google và Microsoft. Rõ ràng, những con số về thị phần dịch vụ trên di động đã nói lên tất cả. Vấn đề ở đây là Apple và Google đã cung cấp cho tôi rất đầy đủ, với mọi thứ mà tôi cần. Tôi hoàn toàn hài lòng với cuộc sống hiện tại, nếu không muốn nói là hạnh phúc.

    Với Windows 10, tôi đã dường như đã mở rộng tấm lòng để đón nhận con cưng của Microsoft. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, cuộc sống của mình đã đảo lộn, mọi thứ không được đặt đúng chỗ. Tôi cảm thấy thật hối hận về khoảng thời gian vừa qua. Người ta thường nói, thời gian là vàng, là bạc. Ở trong trường hợp này, tôi đã mất trắng cả núi vàng vào tay Microsoft.

    Là một cựu kỹ sư làm việc trong lĩnh vực IT, tôi hiểu rằng việc sử dụng "đồng bộ" các thiết bị sẽ đem lại hiệu quả làm việc rất cao, đồng thời tiết kiệm được các hao phí trong thời gian vận hành. Do đó, tôi và vợ chỉ tin dùng các sản phẩm từ Apple. Chúng tôi đã có iPhone, iPad và MacBook. Tôi cũng từng tính tới chuyện mua thêm một chiếc Apple Watch cho vợ, và các thiết bị tự động hóa chạy HomeKit cho căn nhà của mình.

    Bạn biết đây, khi mọi thứ đều chạy chung một "tiêu chuẩn", chúng ta sẽ có một hệ sinh thái hoàn hảo và các sản phẩm của Apple đã tạo ra cuộc sống của tôi. Tôi cũng có thói quen sưu tầm các phụ kiện đi kèm iPhone / iPod / iPad. Phải nói rằng, tôi có phần hoang phí khi tích lũy rất nhiều các phụ kiện từ khi đến với Apple. Đó là chưa kể tới hàng trăm ứng dụng trên OS X và iOS mà tôi đã mua về.

    Do đó, chắc chắn, tôi sẽ không ném tất cả những gì mình đang có, chỉ để sử dụng một vài phần mềm, tính năng độc quyền trên Windows của Microsoft. Với một vài người dùng, việc được sử dụng thứ gì đó miễn phí thật tuyệt vời và cao cả. Nhưng với tôi, tôi luôn muốn trả tiền cho những gì mình cần phải trải. Bởi khi đó, bạn sẽ có cảm giác mình được phục vụ tốt hơn.

    Riêng đối với trường hợp của Google, ý tôi là những ứng dụng miễn phí hoàn toàn, tôi cũng vui lòng mà đón nhận chúng. Nếu CEO Larry Pagne ngỏ lời thu phí, tôi sẽ là người đầu tiên chuyển khoản cho Google. Tất nhiên, bạn cũng phải nhớ rằng Google không phải là "ông bụt" trong những truyện cổ tích. Bởi một khi cam kết sử dụng các dịch vụ của công ty này, bạn gần như đã bán sự riêng tư cho họ.

    Microsoft cũng thu phí dịch vụ ư, tôi biết điều này. Nhưng chắc chắn, đối tượng mà Microsoft muốn tìm kiếm không phải là tôi. Sự thật là họ thường xuyên tán tỉnh những người dùng iPhone hay Android, nhưng đó là với những người có sử dụng máy tính/laptop Windows tại nhà, hoặc văn phòng. Tôi và vợ sử dụng máy Mac tại nhà và công ty, do đó, chúng tôi miễn nhiễm.

    Microsoft đang tìm cách dụ dỗ những đứa trẻ, Apple cũng vậy, nhưng là với những đứa đã học cấp 2, cấp 3, còn Google ư, họ quan tâm tới trẻ nhỏ từ khi chúng được sinh ra.

    Rõ ràng là vậy, ai trong số 3 đại gia công nghệ hiện nay, Apple, Google hay Microsoft cũng đều muốn lấy lòng những đứa trẻ, đặc biệt là những đứa ở tuổi vị thành niên. Họ hiểu rằng, việc tiêm nhiễm ý tưởng vào đầu chúng từ lúc còn trẻ tuổi sẽ khiến chúng chỉ trung thành và tôn sùng họ như một vị thần.

    Tất nhiên, ai rồi cũng cần có một lựa chọn. Riêng tôi sẽ để cho những đứa trẻ ở nhà được chọn lựa một cách độc lập, đó là quyền riêng tư của chúng. Còn theo quan sát của tôi, Microsoft đã phần nào thắng thế Apple với những đứa nhỏ. Họ vẽ ra một tương lai với hệ sinh thái xuyên suốt, viễn cảnh được sống với không gian thực tại ảo, nơi chúng có thể tự do làm những gì mình thích.

    Bạn có thể nói rằng, tôi đã cưới cô nàng Apple "nhà mặt phố, bố làm to", đôi khi xã giao với cô hàng xóm Google, nhưng nhất định, tôi sẽ nói không với bà cô Microsoft trong cuộc đời này!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ