Chiến lược mới cho mảng di động của Microsoft có thực sự hoàn hảo?

    GenQ,  

    Quyết định chiến lược với mảng smartphone vừa qua của CEO Microsoft, Satya Nadella, sẽ gặp phải nhiều vấn đề, đặc biệt là tương lai của Windows 10 Mobile.

    Microsoft vừa qua đã thực hiện việc sa thải 7.800 nhân viên của bộ phận di động (tên đầy đủ là Windows and Devices), cùng với đó là mất đi khoảng 7,6 tỷ USD tổng giá trị tài sản và lợi thế thương mại trong quý tài chính này. Tuy con số trên vẫn chưa là gì so với đợt cắt giảm 18.000 nhân viên trong năm 2014, thế nhưng nó cũng đủ để cho thấy chiến lược rất rõ ràng mà CEO Satya Nadella đang hướng tới: bớt tập trung vào thị trường di động, hướng đến tương lai đa sản phẩm.

    CEO Satya Nadella sẽ làm gì để giúp Microsoft vượt qua những khó khăn tiềm tàng?
    CEO Satya Nadella sẽ làm gì để giúp Microsoft vượt qua những khó khăn tiềm tàng?

    Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Satya muốn rời bỏ việc sản xuất phần cứng, cái ông nhắm đến đó là mọi thứ phải được tập trung hơn. Cụ thể, mảng Windows và Devices trong tương lai sẽ gồm ba dòng sản phẩm chủ chốt: smartphone cao cấp, smartphone giá rẻ và smartphone dành cho các doanh nghiệp.

    Đó chỉ là một phần, ý nghĩa xa hơn của kế hoạch này đó là giúp nền tảng Windows Phone trở nên đa dạng hơn. Microsoft mong muốn họ không còn độc quyền chiếm lĩnh mảng hệ điều hành này nữa, thay vào đó khuyến khích các nhà sản xuất bên thứ ba tham gia vào cùng nhau phát triển các thiết bị Windows Phone.  Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu những tính toán của Satya Nadella có thực sự hiệu quả?

    Đầu tiên là chiến lược “tập trung hoá” mảng phần cứng - nó cũng được hiểu với việc Microsoft sẽ cho ra mắt ít smartphone hơn, thay vì hàng loạt sản phẩm như hiện nay. Theo nguồn tin từ Bloomberg, Microsoft sẽ cắt giảm số lượng smartphone thành hai mẫu trong mỗi phân khúc - tức là phân khúc giá rẻ thì sẽ chỉ có hai dòng smartphone, phân khúc cao cấp cũng 2. Thoạt nghĩ thì có vẻ khá hợp lý, tuy nhiên khi phân tích thêm thì Microsoft có chăng sẽ gặp phải một số vấn đề nhất định.

    Sẽ có ít hơn những mẫu smartphone Lumia giá rẻ trên thị trường trong tương lai
    Sẽ có ít hơn những mẫu smartphone Lumia giá rẻ trên thị trường trong tương lai

    Chúng ta nên biết rằng, ở phân khúc cao cấp: hai mẫu smartphone với hai mức giá chênh lệch nhau khoảng 10 đến 20 USD sẽ không phải là vấn đề gì quá lớn. Thế nhưng ở phân khúc giá rẻ, chỉ cần chênh lệch vài USD là mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn. Đối tượng người dùng ở khu vực này đa phần là những người không dư dả về tiền bạc, họ sẽ tính toán rất nhiều khi quyết định mua một chiếc smartphone.

    Quay trở lại thị trường Windows Phone giá rẻ hiện tại, Microsoft làm rất tốt công việc của họ khi cung cấp rất nhiều mẫu smartphone giá rẻ trải đều ở nhiều mức giá khác nhau, chẳng hạn như Lumia 430 có giá 69 USD, 435 là 74 USD, 530 hai SIM là 85 USD…Có nghĩa là khách hàng sẽ có rất rất nhiều lựa chọn để tìm cho mình một chiếc điện thoại hợp lý nhất. Chính vì vậy, việc “tập trung hoá” hay cắt giảm số lượng mẫu smartphone cũng sẽ gián tiếp làm thu hẹp sự lựa chọn của khách hàng đối với smartphone Windows Phone nói chung.

    Có bất lợi thì cũng sẽ có lợi ích, cách làm này của Microsoft sẽ khiến cho sự xuất hiện của họ ở phân khúc giá rẻ trở nên hiếm hoi hơn, tuy vậy nó lại tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà sản xuất bên thứ ba - đặc biệt là những OEMs (nhà sản xuất thiết bị gốc) mong muốn thử sức mình với nền tảng Windows Phone, mà bước đi đầu tiên đó là các smartphone giá rẻ.

    Vấn đề thứ hai đến từ vai trò của Microsoft hiện nay. Microsoft đang là tay chơi lớn nhất ở WindowsPhone, mọi bước đi của họ với Windows Phone đều ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định có nên hay không nhảy vào hệ điều hành này của những OEMs khác. Nói một cách khác, Windows Phone mỏng manh hơn thị trường Windows PC rất nhiều lần - bằng chứng rõ nét nhất là ngay cả khi PC đang tụt dốc, Microsoft tỏ ra lơ là với việc ra mắt Surface với mong muốn thay thế PC, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục sản xuất máy tính chạy Windows, bởi Windows PC là quá lớn/quá quan trọng và rủi ro từ việc đầu tư vào nó là dường như bằng không.

    Microsoft có ảnh hưởng tuyệt đối ở mảng Windows Phone
    Microsoft có ảnh hưởng tuyệt đối ở mảng Windows Phone

    Ngược lại, nếu Microsoft có ý định từ bỏ phần lớn thị trường Windows Phone, thì thử hỏi liệu có lý do gì cho những OEMs khác nhảy vào nền tảng di động của Microsoft hay không? Vấn đề thứ hai nữa là các hãng khác có thể tuỳ thích từ bỏ Windows Phone ngay lập tức, bởi sức ảnh hưởng của nó là quá nhỏ bé so với Android. Có thể Microsoft sẽ biện minh rằng việc ra mắt ít hơn các smartphone Lumia sẽ tạo tiền đề cho những OEMs khác tham gia vào Windows Phone - nhưng liệu các OEMs khác có thực sự quan tâm? Họ có thực sự mong muốn đầu tư vào thị trường mà ở đó tay chơi lớn nhất đang có dấu hiệu muốn rút lui?

    Vấn đề thứ ba cũng là vấn đề cuối cùng của chiến lược cắt giảm số lượng smartphone tung ra trên thị trường: đó là tương lai của Universal Windows Apps(những ứng dụng chung cho cả Windows 10 và Windows 10 Mobile). Khi nói về Universal Windows Apps, Microsoft cho biết các nhà phát triển sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để tạo ra các phần mềm tương thích tốt với cả Windows 10 cho PC lẫn điện thoại. Thế nhưng, nếu chỉ một trong hai nền tảng (Windows 10 hoặc Windows 10 Mobile) bị tụt lại phía sau, thì ý nghĩa của Universal Windows Apps sẽ như thế nào?

    Tương lai của Universal Windows Apps sẽ như thế nào?
    Tương lai của Universal Windows Apps sẽ như thế nào?

    Universal Windows Apps luôn gặp phải những thử thách, có thể nhận thấy rằng thật sự không dễ dàng cho các lập trình viên nhanh chóng thích nghi với một bộ hàm API hoàn toàn mới để phát triển ứng dụng. Và nếu như Microsoft không cập nhật và hướng dẫn một cách chi tiết, và nếu như Win32 vẫn là cách thức chính để các nhà phát triển tiếp cận với người dùng Windows, và nếu như Microsoft từ bỏ hoàn toàn Windows 10 Mobile - đưa về tay bên thứ ba -  giấc mơ Universal Windows Apps sẽ trở nên tan vỡ.

    Một khi kế hoạch Universal Windows Apps chết, Windows trên máy tính sẽ trở nên tù túng. Có thể những chiếc PC, desktop sẽ không chết, nhưng ảnh hưởng của Windows nói riêng cũng như Microsoft nói chung lên nền điện toán sẽ từ từ giảm dần. Và về lâu về dài, ảnh hưởng này sẽ gây nên những nguy hại  đến các mảng khác như đám mây và mảng doanh nghiệp. Nên nhớ rằng, những sản phẩm và dịch vụ trên không phải độc lập với nhau, chúng là những sản phẩm kết nối với nhau và phụ thuộc lẫn nhau - vấn đề của dịch vụ này sẽ gây nên chuỗi ảnh hưởng xấu đến phần còn lại.

    Kết

    Còn quá sớm để cho rằng CEO Satya Nadella đã sai lầm khi dựa vào ba vấn đề tiềm tàng trên. Mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu như từ bây giờ đến cuối năm, Microsoft tung ra một mẫu smartphone cao cấp chạy Windows 10 với chất lượng tốt - lúc này nền tảng của tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ trở nên hấp dẫn hơn và có sức thuyết phục hơn.

    Bên cạnh đó, nếu như Microsoft hợp tác tốt với các OEMs bên thứ ba, giúp họ tự tin hơn trong việc tung ra các mẫu smartphone Windows 10 giá rẻ trong tương lai gần, hãng sẽ đưa Windows 10 trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu. Chính vì vậy, đừng vội bi quan, vẫn còn đó những lý do để chúng ta quan tâm hơn về nền tảng từ Microsoft, hãy để thời gian trả lời cho sự thành bại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ