Elon Musk cũng là dân nhập cư, tới Mỹ để trốn nghĩa vụ quân sự

    Neo,  

    Cuộc nội chiến khốc liệt ở Nam Phi là một trong những lý do khiến Musk rời quê hương để tới Mỹ.

    Tuổi thơ dữ dội

    Ai cũng biết Elon Musk là một tỷ phú, doanh nhân tiên phong trong cả ba lĩnh vực hot ảnh hưởng tới tương lai nhân loại là "Internet", "Năng lượng sạch" và "Vũ trụ". Nhưng rất ít người biết Musk có một tuổi thơ khá dữ dội. Suốt thủa ấu thơ, ông rất hay bị bạn bè đồng trang lứa bắt nạt và có lần phải nhập viện khi một nhóm học sinh nam ném ông xuống cầu thang và sau đó đánh cho tới khi ông ngất đi.

    Tuy nhiên, bất chấp tất cả, Musk ham học và tự tìm hiểu về lập trình từ năm 10 tuổi. Năm 12 tuổi, ông kiếm được 500 USD sau khi bán trò chơi mà ông viết có tên Blastar cho tạp chí PC and Office Technology. Musk chủ yếu sống với cha tại Nam Phi trong khi mẹ của ông định cư ở Canada. Từ khi là cậu bé mới lớn, Musk đã tìm cách thuyết phục cha đến sống ở Mỹ hay Canada, nơi cậu tin có thể chắp cánh những giấc mơ của mình. Nhưng cha cậu không đồng ý.

    Năm 1988, Elon Musk từ Pretoria, một thành phố ở miền Bắc Johannesburg (Nam Phi), một mình tìm đường tới Mỹ. Khi ấy Musk chỉ là một thiếu niên 17 tuổi trốn nghĩa vụ quân sự dưới chế độ Apartheid khắc nghiệt. Nhưng ông là một thiếu niên thực sự tài năng và rất mộng mơ. Trong con người Musk pha trộn sự thông minh và phẩm chất tìm tòi sáng tạo từ người cha là một kỹ sư người Nam Phi, sự phiêu lưu mạo hiểm của ông ngoại, cũng như nét tinh tế lãng mạn của mẹ, một nhà văn và cũng là một người mẫu khá nổi tiếng.

    Điểm đến đầu tiên của Musk sau khi rời Nam Phi là Canada, quê mẹ của ông, và xin nhập quốc tịch nước này. Năm 1990, Musk vào học trường Đại học Queen và tới năm 1992, cậu được nhận học bổng toàn phần tại Đại học Pennsylvania danh tiếng của Mỹ. Những tháng ngày khó khăn túng thiếu với mức chi tiêu chỉ 1 USD mỗi ngày không khiến chàng trai giàu khát vọng và hoài bão này nhụt chí.

    Sau khi nhận bằng vật lý và kinh tế tại Đại học Pennsylvania, năm 1995, Musk chuyển đến California để học bằng tiến sĩ ngành vật lý năng lượng cao tại Đại học Stanford. Nhưng ông chỉ lên lớp đúng 2 buổi. Ông quyết định bỏ học để bắt đầu theo đuổi tham vọng kinh doanh trong các lĩnh vực Internet, năng lượng sạch và vũ trụ. Năm 2002, ông chính thức trở thành công dân Mỹ.

    Khởi nghiệp suôn sẻ nhờ tài năng xuất chúng

    Đầu tiên, Musk và người anh trai là Kimbal thành lập Zip2, một công ty chuyên về phần mềm vào năm 1995 chuyên cung cấp sản phẩm cho các công ty truyền thông. Phần đóng góp ban đầu của Musk vào công ty này gồm: 2.000 USD, một ôtô và một chiếc máy tính. Bốn năm sau Musk bán cơ ngơi này với cái giá không tưởng tượng nổi là 307 triệu USD cho Hãng Compaq. Ở thời điểm đó đây là mức giá cao nhất đối với một doanh nghiệp Internet. Musk thu về 22 triệu USD từ thương vụ trên.

    Với khoản tiền có được sau khi bán Zip2, tháng 3/1999, Musk đồng sáng lập ra trang X.com, một hãng dịch vụ tài chính trực tuyến và thanh toán trực tuyến thông qua e-mail. Gần một năm sau, X.com sáp nhập với đối thủ cạnh tranh có tên Confinity. Hãng này phát triển dịch vụ chuyển tiền có tên PayPal.

    Công ty mới được đặt tên là PayPal và tập trung vào phát triển PayPal nên chẳng bao lâu sau, dịch vụ này trở thành hệ thống thanh toán điện tử trực tuyến quan trọng nhất thế giới. Năm 2002, PayPal được bán cho eBay với giá 1,5 tỉ USD, khi đó Musk là là cổ đông lớn nhất của hãng khi nắm giữ 11,7% cổ phần. Số tiền mà Musk bỏ két sau thương vụ này là 165 triệu USD. Lúc này, Elon Musk mới 31 tuổi.

    Tiến xa hơn nữa

    Sau một thập kỷ khám phá công nghệ thông tin, Musk quyết định từ bỏ Internet theo đuổi đam mê mới. Nhiều người nghĩ Musk sẽ tiếp tục theo đuổi dịch vụ tài chính hoặc một sản phẩm nền web nào đó. Song, không phải web và cũng chẳng phải tài chính mà tham vọng của Musk giờ đây là năng lượng sạch và khám phá vũ trụ. Tham vọng của Elon Musk là ngăn chặn được thảm họa biến đổi khí hậu. Bởi vậy, nhà triệu phú này không chỉ tập trung đầu tư vào lĩnh vực xe ôtô chạy điện và điện mặt trời, mà còn ôm mộng khai thác vũ trụ.

    Musk hiện tại là CEO của 2 công ty và cả 2 không liên quan tới lĩnh vực trước đó, trong đó, SpaceX là công ty phát triển phương tiện vận chuyển trong không gian và Tesla Motors lại mang tới cho thị trường những chiếc ôtô điện. Những công ty của Musk được kỳ vọng sẽ cân bằng công nghệ tương lai. Điều này cho Musk cơ hội "tạo nên hoặc phá vỡ" trong việc thay đổi thế giới và ông đã không copy lại thành công trước đó của mình. Musk cũng đang là chủ tịch của SolarCity, một công ty phát triển tấm năng lượng mặt trời hàng đầu tại Mỹ.

    Đừng kỳ thị người nhập cư

    Mặc dù là một người nhập cư nhưng Musk là một trong những nhân vật có ảnh hưởng to lớn trên toàn cầu về năng lượng tái tạo. Ông vừa là nhà phát minh, nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là một doanh nhân thành công rực rỡ. Elon Musk được vinh danh bởi rất nhiều giải thưởng và danh hiệu. Ông là người được Tạp chí TIME (Mỹ) bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới trong năm 2010, được Tạp chí Forbes (Mỹ) năm 2011 bình chọn là một trong "20 CEO có quyền lực nhất nước Mỹ, tuổi dưới 40".

    Và nói đến sức ảnh hưởng của Elon Musk, người ta không thể không nói đến những thành tựu xuất sắc và tham vọng của ông trong lĩnh vực vũ trụ. Nơi mà Musk đã đặt một dấu mốc khởi đầu cho một nền vũ trụ mới của nước Mỹ và thế giới.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày