Hệ điều hành Android của Google có thực sự miễn phí?

    GenQ,  

    Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về nền tảng Android để biết được nó có thực sự miễn phí hoàn toàn?

    Android đang là hệ điều hành phổ biến nhất thế giới với hàng tỷ smartphone/tablet sử dụng nó. Ai cũng biết và quá quen thuộc với Android, biết rằng đó là một nền tảng mở mà bất kỳ ai cũng có thể tận dụng. Thế nhưng nó có đồng nghĩa với việc Android là miễn phí? hay nói cách khác là Google sẽ không kiếm được tiền từ Android?. Câu trả lời là đúng nhưng cũng là sai, bởi Android thực chất có đến hai phiên bản: bản miễn phí hoàn toàn và bản là nguồn thu khổng lồ cho Google. Bài viết này sẽ tìm hiểu sơ qua về hai phiên bản Android đó.

    Google có kiếm được tiền từ Android?

    Google có kiếm được tiền từ Android?

    Android Open Source Platform (AOSP) - Phiên bản Android đúng nghĩa miễn phí, mã nguồn mở

    Đầu tiên là phiên bản Android không phí, hay còn gọi là Android “đúng chất miễn phí hoàn toàn”. Google gọi nó với cái tên đầy đủ là “Android Open Source Platform (AOSP). AOSP như đã đề cập nó miễn phí từ đầu đến cuối, và đặc biệt là nó vẫn mở cho các lập trình viên khác. Điều này có nghĩa là Google xây dựng bản AOSP với việc công khai toàn bộ bộ mã, không có bất kỳ bản quyền nào từ Google, cho mọi nhà phát triển để họ làm điều gì mình thích.

    Ví dụ về việc tận dụng AOSP là rất nhiều quanh ta, hãy nhìn vào Amazon, Xiaomi và đặc biệt là Cyanogen. Amazon với Fire OS được sử dụng trên dòng smartphone Fire Phone cùng máy đọc sách Kindle Fire rất nổi tiếng. Một ví dụ khác là Cyanogen mới đây với việc tạo ra một phiên bản đặc biệt của Android, giúp người dùng tự do hơn trong việc tuỳ biến hệ điều hành. Những nhà sản xuất smartphone ở Trung Quốc cũng ưa thích AOSP để tự do hơn như Xiaomi.

    Tất nhiên với AOSP thì Google không hề thu được bất kỳ khoản tiền nào. Lý do là các nhà sản xuất đã tuỳ biến lại nền tảng của mình, không có Google Play Store, không có các dịch vụ Google đi kèm, đồng nghĩa với việc Google không thể kiếm tiền từ dịch vụ quảng cáo Googld Ads.

    Phiên bản Android đầy đủ, chính thống: Google Mobile Services platform

    Các dịch vụ, ứng dụng mặc định trên bản Android đầy đủ
    Các dịch vụ, ứng dụng mặc định trên bản Android đầy đủ

    Phiên bản Android thứ hai chính là bản Android mà người dùng đang tiếp xúc hằng ngày trên smartphone Samsung, HTC, LG hay Sony hiện nay, nó được gọi với cái tên đầy đủ là Google Mobile Services platform hay GMS. Với bản Android “đầy đủ” này, Google sẽ tích hợp tất cả những thứ thiết yếu mà hệ điều hành nào cũng phải cần đến, như: dịch vị định vị vị trí, cho phép mua bên trong ứng dụng, những dịch vụ cho doanh nghiệp để bảo mật thông tin, và rất rất nhiều dịch vụ tích hợp khác.

    Những dịch vụ trên là vô cùng quan trọng và ý nghĩa, đặc biệt là đối với những hãng phát triển ứng dụng bên thứ ba, ví dụ như Foursquare cần dịch vụ định vị vị trí của hệ điều hành để thực hiện chức năng của nó. Ngoài ra, bản Android đầy đủ nào cũng phải được cài sẵn một vài ứng dụng từ Google như Chrome, Gmail hay Google Maps.

    Bản Android GMS này về cơ bản là miễn phí, nhưng Google vẫn biết cách thu tiền từ nó. Bất kỳ nhà sản xuất smartphone nào muốn thêm vài dịch vụ mặc định vào bản Android đi kèm với thiết bị mà họ bán ra, họ sẽ phải nộp một khoản phí cho Google. Ngoài ra, Google sẽ sử dụng những dịch vụ tích hợp sẵn để thu thập các dữ liệu cần thiết giúp cho Google Ads.

    Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao Google lại tiếp tục giữ và cung cấp phiên bản Android miễn phí (AOSP)?

    Có rất nhiều lý do ở đây. Đầu tiên đó chính là sự phòng thủ hay có thể gọi là sự đề phòng. Cụ thể hơn, điều cơ bản nhất để Google mua lại Android vào năm 2005 đó chính là tập đoàn công nghệ Mỹ muốn đảm bảo trong tương lai, sẽ không có bất kỳ một hệ điều hành nào thống trị thị trường tuyệt đối - hoặc có thể xem là một thị trường một hệ điều hành. Từ đó, Google lo sợ hệ điều hành đó sẽ không chấp nhận các dịch vụ Google - khiến hãng mất đi nguồn thu khổng lồ từ các thiết bị di động. (Thật ra Google lúc bấy giờ lo sợ hãng sẽ tạo ra hệ điều hành thống trị thị trường đó là Microsoft, bởi lúc này iPhone chưa được tung ra, còn Apple thì chưa có động thái gì đáng kể). Với AOSP, Android và những nền tảng khác dựa trên Android sẽ làm phong phú thị trường hơn.

    Lý do thứ hai là chống độc quyền: Bởi vì Android đang thống trị thị trường di động, Google không muốn “trở thành ác quỷ” và họ tung ra AOSP để chống việc độc quyền. AOSP cũng là lời khẳng định của Google trong việc họ sẽ không kiểm soát hoàn toàn Android, mọi nhà phát triển đều có thể tuỳ biến và làm những gì mình thích với AOSP.

    Lý do cuối cùng là muốn phối hợp với nhiều đối tác: Vào năm 2007, khi iPhone được chính thức ra mắt, Google quyết định tham gia vào nhóm đối tác Open Handset Alliance, nhóm này được thành lập với phương châm là thúc đẩy sự phát triển của nền tảng Android như một hệ điều hành thay thế (nhóm này bao gồm rất nhiều OEMs và nhà mạng lớn). Tuy nhiên, các đối tác trong nhóm bắt đầu lo ngại họ sẽ có số phận tương tự như những hãng làm PC - những hãng gắn bó với Windows trong những năm 1990 - vốn bị bế tắc khi các doanh nghiệp làm phần cứng bị thua lỗ nặng nề. Google nhận ra điều đó và họ tạo AOSP với lời hứa hẹn như” nếu bạn không thích cách chúng tôi kiểm soát Android, đây là mã nguồn, hãy đi tạo ra một phiên bản riêng đi”.

    Mặc dù vậy, đến bây giờ AOSP chỉ như là một chiếc dù cho Google

    AOSP như một chiếc dù cho Google
    AOSP như một chiếc dù cho Google

    Xem AOSP như một chiếc dù cho Google không hẳn là sai bởi những mục đích của việc giữ và phát triển AOSP nêu trên đều vô nghĩa ở thời điểm hiện tại. Việc Google lo sợ về một hệ điều hành thống trị thị trường đang chính là điều Google đang làm. Nếu bao gồm cả AOSP thì Android chiếm 75% thị trường toàn cầu, và 55% nếu không bao gồm AOSP. Vậy nếu không tung ra AOSP thì Android vẫn là số một hiện nay.

    Android thống trị thị trường di động toàn cầu
    Android thống trị thị trường di động toàn cầu

    Về việc tung ra AOSP để khẳng định mình không độc quyền Android là điều cũng không hoàn toàn tuyệt đối. Với AOSP, các lập trình viên có thể tạo ra một nền tảng tuỳ biến khác theo ý thích, thế nhưng Google không cho phép truy cập vào Play Store, và nếu có tạo ra các dịch vụ ứng dụng khác, thì liệu các nhà phát triển có đảm bảo nó sẽ tốt hơn dịch vụ Google mặc định như Gmail, Google Maps hay Google ? Câu trả lời là rất rất khó, Amazon hiện là thành công nhất khi có kho ứng dụng riêng khá phong phú, tuy nhiên chất lượng khi so với Google Play Store thì vẫn chưa thể sánh ngang.

    Chính vì vậy, AOSP có vẻ như là một chiếc dù giúp Google tránh cái mác “độc quyền” với nền tảng Android. Họ tạo ra AOSP và nói rằng tất cả mọi người đều có quyền tạo ra những phiên bản OS khác dựa trên Android, nhưng Google thừa khôn ngoan để nhận biết rằng tạo ra một nền tảng dựa trên chính “mẹ Android” và cạnh tranh trực tiếp với Android là điều rất khó. Các dịch vụ mặc định của Google trên Android là quá tốt, các dịch vụ được tích hợp sẵn là quá đầy đủ, vì thế, Google chẳng cần bận tâm về AOSP cùng những “nền tảng mới” được sinh ra. Google chỉ đơn giản lấy AOSP để làm hài lòng tất cả mọi người, hơn hết, Google “không muốn là con quỷ”.

    Tham khảo: Business Insider

    >> Ngày mai, một thay đổi của Google sẽ khiến hàng triệu doanh nghiệp điêu đứng

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ