Làng công nghệ châu Âu cần một Nokia mới

    GenQ,  

    Nokia đã mất vị trí dẫn đầu vì những lỗi lầm từ chính họ, nhưng điều đó không có nghĩa là những tập đoàn công nghệ Châu Âu khác không thể vươn tới tầm vóc như Nokia.

    Nokia là một cái tên sáng giá hiếm hoi đến từ Châu Âu, với những thành công chói lọi trong giới công nghệ. Tập đoàn Phần Lan đã từng là kẻ thống trị thị trương di động, đã từng là một cái tên được nhắc đến đầu tiên ở mảng điện thoại. Tuy nhiên, tất cả giờ đã trôi vào dĩ vãng vào cái ngày Microsoft mua lại bộ phận di động của Nokia - đồng nghĩa với việc Nokia sẽ biến mất hoàn toàn ở nơi mà hãng từng làm mưa làm gió. Và để tưởng nhớ Nokia, bài viết này sẽ cùng nhìn lại những gì hãng đã làm được và tại sao Châu Âu lại cần một công ty có tầm vóc tương tự như Nokia.

    Bài viết được thể hiện dưới quan điểm của Leonid Bershidsky, một phụ trách chuyên mục (collumnist) tại BloombergView.

    Nokia là tập đoàn công nghệ Châu Âu hiếm hoi có những thành công chói lọi
    Nokia là tập đoàn công nghệ Châu Âu hiếm hoi có những thành công chói lọi

    1. Nokia và quá khứ vẻ vang

    Trong hầu hết những năm 1990, Motorola đến từ Mỹ đã quyết định đầu tư lớn vào mảng điện thoại di động, và họ đã thành công khi dẫn đầu thị trường lúc bấy giờ. Vào lúc đó, thị trường đang bị thống trị bởi những tập đoàn sản xuất và chế tạo thiết bị cho mạng di động, và Motorola, với hơn một nửa thị phần đã hoàn toàn chiếm ưu thế. Tận dụng sức mạnh tuyệt đối của mình lúc bấy giờ, Motorola bắt đầu nghĩ ra những viễn cảnh xa hơn: mang Internet lên các máy di động.

    Ý tưởng của Motorola lúc bấy giờ là rất có tiềm năng, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của tập đoàn Mỹ. Thế nhưng, cái người dùng cần trong những năm 1990 lại không phải sâu xa như vậy, cái họ cần đó là một chiếc điện thoại dễ dàng chơi game giải trí - đó chính là đặc điểm thu hút của những chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia (với trò Rắn Săn Mồi rất đơn giản nhưng lại dễ nghiện, giết thời gian)

    Những chiếc điện thoại đặc trưng của Nokia
    Những chiếc điện thoại đặc trưng của Nokia

    Nokia bắt đầu tận dụng điểm nhấn đó khi cùng năm, họ ra mắt 31 mẫu điện thoại khác nhau, tiến đánh mạnh mẽ thị trường di động. Trong năm 1998, Nokia tiếp tục tung ra hơn 17 chiếc điện thoại, và dần dần đánh bại Motorola. Một năm sau đó (1999), Nokia giới thiệu điện thoại đầu tiên có trình duyệt web (thực chất là trình duyệt WAP). Và trong năm 2000, Richard McCaffery đã viết trên trang Motley Fool rằng:

    Tôi nhận thấy Nokia như một sự kết hợp giữa Apple Computer và Dell: triết lý marketing và thiết kế của Apple, cộng với phần nào đó trong hiệu quả trong khâu xây dựng phần cứng của Dell. Chúng ta hãy bắt đầu với thiết kế của Nokia, Nokia nổi tiếng với những chiếc điện thoại với hình dạng cong, và những tính năng nổi bật khác như vỏ có thể mở ra được, mô hình thiết kế. Hơn nữa, Nokia còn gây hứng thú với việc cho tuỳ chỉnh nhạc chuông điện thoại - điều này khiến cho người dùng cảm thấy điện thoại giờ không chỉ là những sản phẩm không hồn.

    Symbian OS là nền tảng trên các thế hệ điện thoại cao cấp hơn của Nokia sau này
    Symbian OS là nền tảng trên các thế hệ điện thoại cao cấp hơn của Nokia sau này

    Sau khi đã gây tiếng vang lớn ở mảng phần cứng, bước đi quan trọng tiếp theo của Nokia chính là xây dựng một hệ điều hành ổn định. Để thực hiện điều này, Nokia bắt đầu hợp tác với những nhà sản xuất điện thoại khác - đầu tiên là Ericsson và Motorola, sau đó là đến Siemens cùng Matsushita (công ty mẹ của thương hiệu Panasonic). Cùng với nhau, tất cả đầu tư vào một startup ở London được gọi là Symbian. Có một chi tiết rất dễ nhận thấy ở liên minh này, đó là chỉ có một tập đoàn đến từ Mỹ (Motorola), điều này là bởi các công ty trong nhóm muốn cạnh tranh với Microsoft - hãng với hệ điều hành đang thống trị thị trường máy tính cá nhân.

    Joel West, cựu giám đốc của Symbian, vào năm 2011 cho biết: “Động lực chính để hợp nhất Symbian với những hãng đầu tư vào nó chính là để ngăn ngừa Microsoft thống trị thị trường, đồng thời làm giảm bớt tiền mà Microsoft thu được từ việc cấp phép các hãng sản xuất điện thoại di động sử dụng Windows Mobile. Với sự kết hợp giữa Symbian cùng ba nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất, liên minh hy vọng sẽ giới hạn thị phần của Microsoft".

    Kết quả là vào năm 1999, 32% tổng số điện thoại di động bán ra đến từ khách hàng ở các quốc gia Tây Âu, lớn hơn con số 17% từ Mỹ. Một dấu hiệu cho thấy thị trường di động đang cực kỳ phát triển ở Châu Âu, mà Nokia chính là cái tên có những ảnh hưởng to lớn nhất.

    2. Sự sụp đổ của đế chế Nokia

    Nokia tụt dốc không phanh
    Nokia tụt dốc không phanh

    Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi một cách chóng mặt. Vào cuối những năm 2000, Nokia trở nên tụt hậu hơn rất nhiều lần so với các đối thủ đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Cụ thể hơn, Apple vượt trội hơn Nokia ở mảng thiết kế, cũng như khâu dây chuyền sản xuất. Không lâu sau đó, Samsung cùng những hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc thay thế cái tên Nokia và Android từ Google đã thống trị nền tảng di động.

    Nokia vẫn như vậy, hãng vẫn ngủ quên trên chiến thắng, đưa ra những quyết định sai lầm và rồi cuối cùng là bán cho Microsoft. Và thật đáng buồn thay, khi mà Nokia quyết định đầu hàng và giao số phận mình cho Microsoft, thì ngay chính Microsoft cũng không khá khẩm hơn khi nền tảng Windows Mobile đã quá lỗi thời, số lượng khách hàng quan tâm đến hệ điều hành này đã dần vơi đi đáng kể.

    Những vấn đề của Nokia và thất bại lớn của hãng trong tay những tập đoàn Mỹ, đặc biệt là tại chính thị trường mà mình đã từng thống trị trong suốt thập kỷ qua, tất cả đã gây nên tác động xấu đến “sự tự tin” của ngành công nghệ Châu Âu. Tất nhiên, các hãng công nghệ Châu Âu vẫn còn đó những sản phẩm nổi tiếng như Skype (đã được Microsoft mua lại hồi năm 2011), hay Spotify (Thuỵ Điển, vốn cũng đang gặp sự cạnh tranh lớn từ chính Apple và Google). Tuy nhiên không có một tập đoàn công nghệ Châu Âu nào có thể tạo ra sức ảnh hưởng đến thị trường như Nokia.

    Sự kết hợp giữa Nokia và Microsoft vẫn chưa đem lại quá nhiều thành công
    Sự kết hợp giữa Nokia và Microsoft vẫn chưa đem lại quá nhiều thành công

    Vậy tại sao Mỹ lại là quốc gia chiếm ưu thế hoàn toàn ở mảng công nghệ? Theo lời của Nicolas Brusson, đồng sáng lập BlaBlaCar (hãng đi đầu trong lĩnh vực chia sẻ xe đi chung đường dài), đó chính là nhờ ba yếu tố chính: nguồn vốn khổng lồ, tài năng vượt trội, cơ sở hạ tầng tuyệt vời, và nền văn hoá yêu thích sự rủi ro đã khiến cho sự sáng tạo và khả năng kinh doanh của những tập đoàn công nghệ Mỹ trở nên hơn hẳn so với những nước khác.

    Có thể chúng ta vẫn không thoả mãn với câu trả lời của Brusson, nhưng hãy nhìn vào thực tế: Những hãng công nghệ hàng đầu tại Mỹ luôn phải đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng liên quan đến gián điệp - điều không quá phổ biến ở Châu Âu. Bên cạnh đó, những công ty Mỹ rất giỏi trong việc né thuế Châu Âu - vốn ở ngưỡng rất cao.

    Còn Nokia, trong thời kỳ hoàng kim đã từng đóng góp tới 23% thuế thu nhập của cả đất nước Phần Lan...

    3. Châu Âu cần một Nokia mới

    Dựa vào Liên Minh Châu Âu (EU): EU có thể yêu cầu Google không đóng gói các dịch vụ Android của hãng với lý do là lo ngại sự cạnh tranh không lành mạnh (tức là sự thống trị tuyệt đối của những ứng dụng cài sẵn của Google, không cho người dùng nhiều lựa chọn khác). Đây là điều mà Trung Quốc cũng đã áp dụng, khi mà các dịch vụ Google không được hỗ trợ đầy đủ trên các smartphone Android.

    Tận dụng điều trên, những hãng công nghệ Châu Âu - vốn nổi tiếng và có tài hơn về việc làm ứng dụng, phần mềm - có thể tích hợp nền tảng tuỳ biến dựa trên Android vào smartphone, và nếu hệ điều hành tuỳ biến đó có sức hấp dẫn lớn, smartphone của họ cũng sẽ thu hút khách hàng như một kết quả tất yếu. Nokia đã mất vị trí dẫn đầu vì những lỗi lầm từ chính họ, nhưng điều đó không có nghĩa là những tập đoàn công nghệ Châu Âu khác không thể vươn tới tầm vóc như Nokia.

    Và chẳng có gì ngạc nhiên khi những chính sách của Liên minh châu Âu đang thay đổi để tạo đà cho sự hình thành của một Nokia mới.

    Tham khảo BloombergView

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày