"Ông hoàng" công nghệ: nếu Facebook là số 2 thì không ai là số 1

    Hải Tố,  

    Đạt được thành công đã khó, nhưng để duy trì nó thì còn khó hơn rất nhiều và chúng ta hãy cùng chờ đợi gã khổng lồ này sẽ làm gì trên đỉnh vinh quang.

    Thế giới công nghệ đang phát triển như vũ bão, nơi mà sự cạnh tranh giữa những người khổng lồ là vô cùng khốc liệt thì vị trí "số 1 làng công nghệ" luôn là ao ước của bất kỳ một công ty, tập đoàn nào. Có rất nhiều ứng cử viên cho vị trí này như Apple, Google, Microsoft,... nhưng tại thời điểm hiện tại không có ai xứng đáng hơn Facebook - mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

    Facebook có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới thế giới công nghệ

    Facebook có ảnh hưởng vô cùng to lớn trên toàn thế giới

    Thẳng thắn mà nói, không một tập đoàncông nghệ nào có thể làm tốt nhiều lĩnh vực một lúc, từ phát triển sản phẩm, quan hệ công chúng cho đến quản trị doanh nghiệp như những gì mà Facebook đang thể hiện dưới bàn tay của CEO Mark Zuckerberg. Chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành công đã đưa mạng xã hội này đến vị trí "ông hoàng" của làng công nghệ.

    "Dân số" Facebook tăng không ngừng

    Tính tới ngày 30/6 vừa qua, Facebook có tổng cộng 1,49 tỷ người dùng hàng tháng. Điều này đồng nghĩa, nếu mỗi người trên trái đất chỉ sử dụng duy nhất 1 tài khoản Facebook, thì cứ 5 người đang sống có 1 người tham gia mạng xã hội này. Con số này "chỉ" tăng 13% so với năm 2014, tương đương với 173 triệu người dùng mới - nhiều hơn cả dân số Anh và Đức gộp lại.

    Facebook có tổng cộng 1,49 tỷ người dùng hàng tháng

    Người dùng ngày càng “nghiện” Facebook

    Theo thống kê, mạng xã hội này có hơn 968 triệu người dùng mỗi ngày, đồng nghĩa với cứ 7 người trên trái đất lại có 1 người đang kiểm tra Facebook hàng ngày. Con số này tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 844 triệu người sử dụng Facebook trên di động, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, người dùng Facebook không chỉ tìm kiếm 1 hay 2 từ khóa mà dành ra hơn 46 phút/ngày online.

    Cứ 7 người trên trái đất lại có 1 người đang kiểm tra Facebook hàng ngày

    Facebook đã lên kế hoạch khi người dùng bão hòa:

    Không thể sử dụng Facebook và những dịch vụ của mạng xã hội này nếu không có mạng Internet. Đây chính là lý do mà CEO Mark Zuckerberg triển khai dự án Internet.org với tham vọng phủ sóng Internet tới 1 tỷ người chưa từng được truy cập mạng. Dự án này rõ ràng không chỉ nhằm mục đích từ thiện vì càng nhiều người kết nối Internet, số người sử dụng Facebook sẽ càng tăng.

    Bên cạnh đó, người khổng lồ này cũng phát triển một số công nghệ rất thú vị và có tính thực tiễn cao như máy bay không người lái để phủ sóng Wi-Fi miễn phí. Với cách làm này, tương lai dân số Facebook có thể sẽ tăng từ 1,49 tỷ lên tới 3 tỷ hay thậm chí là 5 tỷ người biết chừng.

    Tăng trưởng không ngừng từ khi IPO:

    Khi Facebook phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) vào năm 2012, các nhà đầu tư đã nhanh chóng "đánh hơi" thấy tiềm năng của mạng xã hội này. Thời điểm đó, Facebook chưa có quảng cáo di động và công ty chỉ bắt đầu bán quảng cáo di động sau đó. Kết quả là với lượng người dùng khổng lồ, mảng quảng cáo di động đã tăng trưởng phi mã, cạnh tranh sòng phẳng với Google và đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng của mạng xã hội này.

    Doanh thu của Facebook tăng trường không ngừng và chưa cho thấy dấu hiệu chững lại

    Để so sánh thì chúng ta nên biết khi IPO vào năm 2012, giá trị của Facebook chỉ bằng một nửa Wal-Mart. Còn bây giờ với giá trị ước tính khoảng 247 tỷ USD, mạng xã hội của Mark Zuckerberg đã chính thức vượt mặt tập đoàn bán lẻ này.

    Rất nhiều nguồn thu tiềm năng:

    Hiện tại Facebook chỉ mới bắt đầu bán quảng cáo hướng mục tiêu trên Instagram - mạng xã hội chia sẻ hình ảnh với 300 triệu người sử dụng mỗi hàng tháng và hơn 200 triệu người dùng thường xuyên hàng ngày. Hãy tưởng tượng bạn vừa "like" một vài bức ảnh trên Instagram của một shop giày nổi tiếng, ngay lập tức những thông tin về việc mua bán giày sẽ xuất hiện trên Instagram của bạn. Các nhà phân tích của Canaccord Genuity ước tính Instagram sẽ kiếm về cho Facebook 1,2 tỉ USD trong năm tới và đạt tới 4 tỉ USD vào năm 2018.

    Facebook sở hữu rất nhiều "con gà đẻ trứng vàng"

    Bên cạnh đó, Facebook cũng bắt đầu gặt hái thành công với 2 ứng dụng nhắn tin phổ biến hiện nay là Whatsapp và Messenger. Lượng người dùng của 2 ứng dụng này lần lượt là 800 triệu và 700 triệu người

    Lấn sân sang thị trường phần cứng:

    Phần lớn người dùng chỉ quan tâm đến các dịch vụ phổ biến như Facebook, Whatsapp, Instagram, Messenger mà không biết rằng gã khổng lồ này đang âm thầm cạnh tranh với các đối thủ khác trên lĩnh vực phần cứng khác như Cisco.

    Cơ sở dữ liệu là thứ quan trọng nhất trong qua trình hoạt động của Facebook và công ty này đã tự thiết kế một trung tâm dữ liệu riêng để tiết kiệm chi phí cũng như đảm bảo sự an toàn. Bên cạnh đó, Facebook cũng cho thuê cơ sở dữ liệu dưới dạng giấy phép nguồn mở và nhận được nhiều sự quan tâm của những startup khác ở thung lũng Silicon.

    "Ông bố trẻ" Mark Zuckerberg ngày càng được yêu mến

    Nếu bạn còn nhớ, năm 2010 vị CEO trẻ tuổi của Facebook đã có màn xuất hiện tồi tệ tại sự kiện D Conference. Sau khi bị chỉ trích quá nhiều về các vấn đề riêng tư và bảo mật, Zuckerberg đã có một cuộc phỏng vấn tệ hại, trả lời rời rạc, mâu thuẫn và không rõ ràng. Mọi thứ còn tệ hơn khi vị Mark Zuckerberg bắt đầu bối rối, toát mồ hôi dưới ánh đèn sân khấu, đến mức người xem có thể nhìn thấy cả những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt anh.

    Tất cả đã thay đổi khi CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh luôn thể hiện thái độ bình tĩnh và điềm đạm

    Còn bây giờ, tất cả đã thay đổi khi CEO của mạng xã hội lớn nhất hành tinh luôn thể hiện thái độ bình tĩnh tại một vài hội thảo gần đây hay cách mà anh thông báo về việc mình sắp làm bố cũng như những lần sảy thai trước của vợ. Mark Zuckerberg ngày càng dành được nhiều sự tôn trọng và yêu mến hơn thay vì hình ảnh một cậu thanh niên “khó bảo” không thèm quan tâm đến quyền riêng tư của người dùng.

    Những ứng cử viên khác?

    Những đối thủ cứng cựa của Facebook

    Apple? iPhone đã thực hiện cuộc cách mạng thay đổi vĩnh viễn thị trường di động, nhưng bây giờ nó đã hơn 8 tuổi. Cũng rất lâu rồi Apple chưa có cú “hit” nào khi doanh số iPad ngày càng sụt giảm, Apple Watch khởi đầu chậm chạp, Apple Music dường như đang đi theo lối mòn của Apple Maps - một trong những ứng dụng gây thất vọng nhất của gã khổng lồ công nghệ này.

    Google? Google vượt mặt Facebook ở mọi con số thống kê: người dùng, doanh thu quảng cáo, lợi nhuận. Tuy nhiên, Facebook đang phát triển rất nhanh và thực sự đe dọa những lĩnh vực mà Google thống trị như mảng di động và video. Google có vẻ đang hết ý tưởng và khó có thể thể tiến xa hơn trừ phi một trong các dự án táo bạo của Larry Page thành công.

    Microsoft? Microsoft đang tham vọng quay trở lại với Windows 10 nhưng hiện tại điều đó chưa giúp cho gã khổng lồ phần mềm được gì nhiều.

    Amazon? Đây mới chính là đối thủ cứng cựa nhất với Facebook tại thời điểm này: nhiều người dùng, hệ thống quản trị tốt, sở hữu hai mảng kinh doanh lớn (thương mại điện tử và điện toán đám mây: Amazon Web Services). Tuy nhiên Amazon không sở hữu phổ người dùng rộng khắp thế giới và chứng minh được hãng có thể thu lợi nhuận ổn định như Facebook dù đã đi trước trong rất nhiều năm.

    Chúng ta hãy cùng chờ đợi gã khổng lồ này sẽ làm gì trên đỉnh vinh quang.

    Tất nhiên, mỗi thời kỳ phát triển của công nghệ sẽ có một "ông hoàng" khác nhau. Microsoft, Google, Apple đã từng ngự trị trên đỉnh vinh quang còn bây giờ là thời của Facebook. Sau rất nhiều nỗ lực, Mark Zuckerberg cùng đồng nghiệp có thể hít một hơi sâu và tận hưởng thành công của mình.

    Đạt được thành công đã khó, nhưng để duy trì nó thì còn khó hơn rất nhiều và chúng ta hãy cùng chờ đợi gã khổng lồ này sẽ làm gì trên đỉnh vinh quang.

    Tham khảo: BI

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ