Cuộc chiến công nghệ: Đi tiên phong chưa chắc đã thành công

    GenQ,  

    Đi trước và khai phá luôn được khuyến khích trong thế giới công nghệ, nhưng thành công lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Những bài học nhãn tiền đã cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của việc đi đầu.

    Apple thường là “người dẫn đầu” trong thế giới công nghệ khi họ thu hút được nhiều ấn tượng với vai trò tạo ra xu thế, tuy nhiên với trường hợp của MacBook 12 inch hay Apple Watch thì lại khác, họ là “kẻ đến sau”, nhưng đến sau hay đi đầu giờ đây liệu có thực sự quan trọng?

    Hãy cùng chi tiết hơn vì sao Apple lại đến sau với MacBook 12 inch: màn hình độ phân giải cao? Asus và Dell đã làm điều đó từ trước, thậm chí là màn hình độ phân giải cao hơn như chiếc Zenbook NX500 4K của Asus; độ mỏng đáng kể (13,1 mm)? Yoga 3 Pro của Lenovo vào năm 2014 đã mỏng đến 12,8 mm, và CPU siêu tiết kiệm điện năng cũng đã được chính Lenovo áp dụng vào sản phẩm của họ từ năm ngoái. Vì thế Apple MacBook 12 inch không phải là một cái gì đó quá mới lạ, nhưng điều đó có nói lên ý nghĩa gì không?

    Bài học nhãn tiền của những kẻ tiên phong

    Thị trường Smartphone

    Trong thế giới công nghệ nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung, sáng tạo và đột phá luôn được khuyến khích, tuy nhiên thành công hay không thì lại là một câu chuyện khác. Có một thực tế khá phũ phàng rằng rất nhiều tập đoàn công nghệ không gặt hái được nhiều thắng lợi khi họ cố gắng tạo ra một xu thế mới hay cố gắng đi trước thời đại. 

    Chúng ta cùng phân tích kỹ hơn về những trường hợp trên. Vào năm 2010, Dell cho ra mắt Streak - chiếc smartphone đầu tiên sở hữu màn hình kích thước lên đến 5 inch, một kích thước mà thời bấy giờ là quá to, nó thậm chí còn được ví như “chiếc dép” hay một chiếc máy tính cầm tay, chứ không còn là điện thoại. Năm 2010 thì điện thoại như iPhone 2 hay 3G vẫn còn được xem là “to” (với màn hình 3,5 inch) thì Streak 5-inch quả thật là quá cỡ với hầu hết người tiêu dùng. Sự bỡ ngỡ và lạ lẫm từ phía khách hàng đã khiến cho Dell Streak dần dần bị lãng quên.

    Còn bây giờ thì sao, 5 inch trở thành một kích thước smartphone quá đỗi bình thường, đặc biệt là trong thế giới Android. Ngay cả một hãng nổi tiếng là bảo thủ như Apple cũng đã chấp nhận ra một phiên bản lên đến 5,5 inch - iPhone 6 Plus. Quả thật phải thừa nhận rằng thành công của smartphone màn hình lớn được góp phần không nhỏ bởi chính các OEMs Android như Samsung và HTC: Samsung với dòng Galaxy S nổi tiếng, còn HTC thì với dòng Desire và One. Và giờ thì iPhone 6 4,7 inch và iPhone 6 Plus 5,5 inch đang là hai ngòi nổ cho quả tên lửa mang tên “doanh thu của Apple”.

    Thị trường Smartwatch

    Picture 2

    Smartwatch không phải là một khái niệm mới mẻ với thị trường

    Một ví dụ khác đến từ thị trường smartwatch. Thực tế thì đồng hồ thông minh đã xuất hiện từ cách đây khá lâu, điển hình là chiếc Microsoft SPOT được giới thiệu vào năm…2004 - một chiếc “smartwatch” có khả năng hiển thị tin tức, dự báo thời tiết hay phát đài FM, nó rất được kỳ vọng vì là sản phẩm của ông lớn Microsoft và đặc biệt là được ủng hộ bởi hai hãng sản xuất đồng hồ nổi tiếng là Fossil cùng Swatch, tuy nhiên kết cục nó nhận được là bị khai tử vào năm 2008. 

    Ví dụ gần hơn là Sony Smartwatch thế hệ đầu, MotoActv hay I'm Watch, những chiếc đồng hồ này được ra mắt từ năm 2009 trở đi nên tiên tiến hơn Microsoft SPOT. Vẫn có theo dõi sức khoẻ, vẫn hiển thị thông tin, vẫn kết nối với điện thoại nhưng tất cả đều phải chịu chung số phận: thất bại. Thất bại vì sao thì có lẽ ai cũng đoán ra được, khi mà smartphone lúc bấy giờ còn chưa được định nghĩa rõ ràng, còn chưa thực sự bay cao (2004 / 2009 / 2012) hay các OEMs vẫn còn đang cố gắng cạnh tranh với nhau trong việc tạo ra chiếc điện thoại tốt cho người dùng, thì mấy ai quan tâm đến smartwatch?

    Thế nhưng chỉ sau 1 đến 2 năm kể từ khi Sony Smartwatch đầu tiên ra đời, thị trường đồng hồ thông minh giờ đây đang trở thành một miếng bánh béo bở đối với tất cả các hãng công nghệ. Phát súng đầu tiên và vô cùng thành công đến từ Pebble, sau đó là hàng loạt các smartwatch hấp dẫn như LG G Watch R, Sony Smartwatch 3, Gear S, Pebble Time hay Apple Watch mới đây. Sự bùng nổ của loạt smartwatch sau này đến từ nhu cầu của người dùng, và đặc biệt đến từ việc các kết nối giữa smartphone / smartwatch giờ đây đã tiện lợi và ổn định hơn nhiều.

    Hơn nữa, việc các OEMs đã chú tâm hơn vào ứng dụng / tính năng trên smartwatch cũng là điều dễ thấy. Pebble hay Android Wear có riêng kho ứng dụng cho smartwatch và ngày càng cho phép người dùng tuỳ biến hơn, trong khi đó Apple Watch thì tận dụng danh tiếng và uy tín của mình đã bắt tay và thu hút nhiều developer của các app nổi tiếng. Nhìn chung, trong năm 2015 với Pebble Time và Apple Watch mở màn, chắc chắn thị trường smartwatch sẽ rất sôi động trong năm nay.

    Thực ra, đi đầu đã không còn là điều quá quan trọng

    Picture 5

    Đi đầu không đồng nghĩa với thành công, HTC đã chứng minh điều đó

    Có một điều mà các hãng công nghệ cần rút ra qua những ví dụ trên, đó là “trở thành người đầu tiên” là một điều gì đó không còn quan trọng, trở thành tốt nhất mới là điều phải hướng đến. Khi một khách hàng muốn mua một chiếc smartphone với màn hình Full HD, bạn có nghĩ họ có quan tâm đến việc hãng nào khơi mào cho công nghệ Full HD trên smartphone? hay đâu là smartphone màn hình 1080p đầu tiên trên thị trường? Rõ ràng là không, chẳng ai quan tâm bởi cái mà họ cần đó là chất lượng và số tiền mà họ phải bỏ ra để sở hữu. 

    HTC J Butterfly là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới có màn hình Full HD, nhưng giờ thì nó hay các thế hệ tiếp theo của nó đang ở đâu? Và nếu như không nhắc lại thì mấy ai nhớ được? Full HD giờ đây đã là chuẩn quá phổ biến, thậm chí Quad HD đã và đang tiến lên, do vậy việc trở thành “đầu tiên” nhưng không gây thêm ấn tượng nào thì sẽ là công cốc. 

    Áp lực từ đối thủ, tính cạnh tranh ngày càng cao, muốn thu hút và gây sự chú ý của người tiêu dùng chính là những áp lực vô hình khiến cho nhiều công ty muốn tạo ra một bước đột phá. Họ vội vã nghiên cứu và nghĩ ra một công nghệ gì đó “đầu tiên” trên thế giới, tập trung toàn bộ sức lực vào nó và rồi mặc cho những yếu tố khác, tất cả chỉ mang lại một hiệu ứng ngắn hạn khi sản phẩm vừa ra mắt, còn về lâu về dài - khi mà công nghệ đó cũng được những hãng khác áp dụng - thì chiếc máy / thiết bị đó không còn mấy ấn tượng.

    Học được từ người dẫn đầu, rút kinh nghiệm và cho ra mắt sản phẩm tốt hơn chính là điều mà nhiều hãng rút ra được. Chất lượng luôn phải được đặt trên tốc độ, dù bạn nhanh đến mấy thì dần dần nó cũng sẽ trở nên phổ biến, cần phải nhớ một điều rằng: không có ý tưởng tuyệt vời nào là không bị sao chép. Tuy nhiên sao chép ở đây mang hàm ý tích cực, nó không phải “bắt chước” mà là rút được bài học và làm cho sản phẩm tốt hơn. Ví dụ về vấn đề này có lẽ cảm biến vân tay là thích hợp nhất.

    Khi Apple ra mắt iPhone 5s, họ đã khiến cho nhiều người bất ngờ về Touch ID, sau đó không lâu thì hàng loạt các OEMs khác cũng đã mang cảm biến vân tay lên smartphone như Samsung và HTC. Tuy nhiên lúc bấy giờ thì chất lượng của Touch ID vượt trội hơn hẳn so với công nghệ trên các máy Samsung / HTC, tính hiệu quả cũng hơn. Sau thời gian thì bây giờ, cảm biến vân tay trên Galaxy S6 đã được cải thiện, nhiều phép thử cho thấy mức độ hiệu quả nó tốt hơn, đơn giản hơn nhờ vào cơ chế chạm để mở như Touch ID. 

    Những kẻ đến sau thành công

    1. Apple 

    Picture 3

    Apple đại thành công dù chỉ là kẻ đến sau

    Không phải chỉ với trường hợp của MacBook 12 inch và Apple Watch, Apple mới là kẻ đến sau. Trong vài năm gần đây thì ngoài Touch ID như đề cập ở trên, Apple đã không còn là “người khai phá” nữa, họ chậm chân hơn các đối thủ với kích thước smartphone, họ tận dụng ý tưởng từ những OS khác để mang lên iOS 7 / 8 - ví dụ như giao diện đa nhiệm khá giống với Windows Phone, hệ thống widget mới mang nét của Android, hay mới đây là cho phép các developer bên thứ ba tạo ra bàn phím ảo thay thế. Có thể nói Apple đang “mở” hơn, “dễ tính” hơn nhưng mặc dù vậy, họ vẫn còn đó tính nghiêm ngặt và bảo thủ với nền tảng iOS.

    Về phần cứng, Apple cũng lại đến sau, và lần này là với HTC: HTC trước đây đã có một chiếc tablet mini cỡ 7 inch, nhôm - trước iPad Mini - smartphone màn hình to như iPhone 6 Plus, và công nghệ âm thanh Beats trên nhiều sản phẩm, có thể nói HTC đi trước Apple khá nhiều. Apple sau này thực hiện tương tự lại cái cách mà HTC đã làm vài năm trước, và thật đáng tiếc là “kẻ đến sau” đã thành công hơn hẳn “người đi trước”. 

    Đó là hai ví dụ điển hình cho thấy chất lượng mới là điều đáng để người dùng quan tâm. Có chất lượng cao thì người dùng mới tin tưởng và bỏ một số tiền không nhỏ để sở hữu. Đây chính là yếu tố mà Apple dường như đã nhận ra từ lâu, và là yếu tố mà hãng công nghệ này luôn hướng đến. Bằng chứng là các bạn sẽ dễ dàng nhận ra Apple trong buổi lễ giới thiệu MacBook 12 inch, Apple Watch, đã cung cấp số liệu cho thấy: gần 100% khách hàng hài lòng với tất cả sản phẩm của hãng - một con số đáng nể!

    2. Samsung 

    Picture 4

    Và khi Samsung cũng nhận ra rằng nên tập trung vào chất lượng sản phẩm, họ đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi

    Cuối cùng thì Samsung đã chịu từ bỏ nhựa và thay vào đó là nhôm / kính trên smartphone của họ. Đây có thể coi là bước cách tân rất lớn của Samsung, sự thay đổi này một phần đến từ doanh thu không mấy tốt đẹp của S5, và một phần có lẽ đến từ hiệu ứng “nhôm mọi nơi” của thế giới smartphone hiện nay. Lúc Apple, HTC và Sony thực sự “nghiêm túc” với chất liệu nhôm khi mà họ lấy nó làm nguyên vật liệu chính ở nhiều sản phẩm khác nhau, Samsung vẫn trung thành với nhựa cứng và kiểu máy không nguyên khối, tuy nhiên khi mà Samsung nhận thấy không còn hiệu quả nữa, họ buộc phải thay đổi, không thể bảo thủ nữa.

    Nhôm rõ ràng mang lại trải nghiệm tốt hơn, và Samsung đã làm điều đó, theo cảm nhận của những ai cầm trên tay S6 và S6 Edge từ MWC 2015 thì cho biết chúng được cấu thành khá tốt. Tất nhiên thành công hay không thì vẫn còn phải chờ, nhưng những gì Samsung làm với S6 và S6 Edge thực sự là điều rất đáng khen ngợi cho đến thời điểm hiện tại - họ đã quan tâm hơn về phần cứng và nâng cao trải nghiệm người dùng cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Có thể coi đây là minh chứng rõ nét của việc học từ đối thủ và làm cho sản phẩm tốt hơn như đã đề cập ở trên.

    Kết

    Việc đến sau hay trước giờ đây đã không còn nhiều ý nghĩa trong thế giới công nghệ, bạn đi trước với tốc độ nhanh bao nhiêu, người ta sẽ lãng quên bạn nhanh với tốc độ bấy nhiêu. Dẫu biết rằng công nghệ đang phát triển từng ngày, thế nhưng nó không có nghĩa rằng các công ty phải mang các ý tưởng từ tương lai rồi áp dụng vào hiện tại một cách mù quáng - Google Glass là một ví dụ điển hình nhất cho việc đi trước thời đại quá dài của Google, họ thấy được viễn cảnh / tương lai tốt nhưng người dùng lại chưa sẵn sàng cho một chiếc kính thông minh.

    Chất lượng sản phẩm luôn phải được đảm bảo, có thể bạn sẽ đi đầu - đó là điều rất tốt - nhưng bạn phải chắc chắn nó gây ấn tượng mạnh mẽ và thực sự có ích đối với nhiều hoạt động hằng ngày của người dùng. Cố gắng tạo ra một cái mới và bỏ quên những yếu tố khác sẽ tạo ra ảnh hưởng ngắn hạn, nó chắc chắn sẽ không để lại gì trong tâm trí người dùng, một sản phẩm “một tốt, chín tồi”. 

    >> Người Việt thích ủng hộ hàng Việt bằng... "comment" hơn là "vật chất"

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ