Từ tuổi thơ mau nước mắt thương tiếc Nikola Tesla đến vị thế thủ lĩnh Google

    Nam Nguyễn,  

    Sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa học, yêu thích âm nhạc và sẵn sàng theo đuổi các ý tưởng điên rồ, cuộc đời của Larry Page có sức lôi cuốn thật đặc biệt.

    Larry Page sinh ngày 26 tháng 3 năm 1973 tại Michigan, Mỹ. Ông là con trai thứ hai của Gloria và Carl Page, những giáo sư dạy môn khoa học máy tính ở Đại học Bang Michigan. Tuổi thơ của ông được truyền cảm hứng bởi những chiếc máy tính và tạp chí công nghệ xếp đầy quanh nhà.


    Page theo học trường Montessori, nơi nổi tiếng với cách dạy khuyến khích tinh thần tự chủ và sáng tạo của học sinh. Page chia sẻ rằng những trải nghiệm đầu đời ở đây có ảnh hưởng sâu sắc đến cách nghĩ sau này của ông. Thú vị là cả nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin và CEO Amazon Jeff Bezos cũng từng học ở đây.


    Ở tuổi 12, Page đã đọc cuốn tiểu sử về nhà phát minh thiên tài Nikola Tesla, người đã qua đời trong nợ nần và quên lãng. Câu chuyện về Tesla đã làm Page khóc và khiến ông nhận thức rằng mình phải xây dựng được một doanh nghiệp vững chắc bên cạnh việc tạo ra những công nghệ làm thay đổi thế giới. “Tôi nhận ra rằng chỉ phát minh thôi là chưa đủ mà còn phải đưa chúng vào sử dụng rộng rãi trên thế giới”, ông nói.


    Bên cạnh sở thích mày mò đồ điện tử, Page còn chơi saxophone trong suốt thời niên thiếu. Ông từng nói với tạp chí Fortune rằng chính trải nghiệm chơi nhạc đã giúp ông có khả năng phát triển Google nhanh đến vậy.


    Khi còn là sinh viên ở Đại học Michigan, Page đã nung nấu ý định phát triển các phương tiện giao thông tương lai, điều mà ông vẫn đam mê cho đến bây giờ. Ông đã tham gia một nhóm chế tạo xe năng lượng mặt trời của trường và đề xuất ý tưởng xây dựng hệ thống giao thông cá nhân nối các tòa nhà trong trường với nhau. Hiện nay, Page đang tập trung phát triển xe tự lái ở Alphabet.


    Sau khi tốt nghiệp, Page theo học chương trình tiến sĩ ở đại học Stanford, nơi ông gặp Sergey Brin vào năm 1995. Cả hai nhanh chóng trở thành bạn thân và cùng theo đuổi đam mê khoa học máy tính. Sau một lần nảy ra ý tưởng “tải toàn bộ website trên mạng”, Page bắt đầu công việc xêp hạng các trang web dựa trên số link liên kết. Nhờ sự giúp sức của Brin, Page đã tạo ra một công cụ tìm kiếm mà ban đầu có tên là BackRub, tiền thân của Google ngày nay.


    Cả hai đăng ký tên miền Google.com vào tháng 9 năm 1997 với sứ mệnh tổ chức lại thông tin của toàn thế giới.


    Cả Page và Brin đều nhận mình là những người“nổi loạn”. Họ tạo ra logo Google Doodle với hàm ý sẽ không có mặt để sửa chữa nếu trang web gặp trục trặc vì cả hai đã đến sa mạc Nevada để tham dự lễ hội Burning Man rồi.


    Page thú nhận rằng mình không giỏi làm quản lý một phần vì ông không thích làm việc với người khác. Khi điều hành công ty, ông tập trung vào kết quả và yêu thích việc theo đuổi các ý tưởng đầy tham vọng.


    Omid Kordestani, giám đốc kinh doanh của Google miêu tả Page là “người ham học hỏi và muốn thay đổi thế giới bằng công nghệ”. Page không giấu giếm những tham vọng lớn như vẽ bản đồ toàn thế giới hoặc số hóa mọi cuốn sách được xuất bản.


    Page giữ vai trò làm CEO của Google cho đến năm 2001 khi Eric Schmidt được mời đến làm cố vấn cho công ty. Cả Brin và Page đều cảnh giác trước những ứng viên CEO nhưng khi biết rằng Schmidt đã từng là một lập trình viên và có quá khứ nổi loạn, họ cảm thấy ông phù hợp với “văn hóa” và vị trí CEO của công ty.


    Ban đầu Page không vui với việc từ bỏ vị trí CEO nhưng dần dà ông cảm thấy thoải mái hơn khi không phải quản lý hoạt động hàng ngày của công ty.


    Vào năm 2007, ông cảm thấy mình dành quá nhiều thời gian cho việc họp hành, vì thế ông thôi không dùng trợ lý nữa để bất cứ ai muốn nói chuyện với ông cũng có thể gặp mặt ông trực tiếp.


    Dù vậy, trong thời gian này Page vẫn tích cực can thiệp vào sản phẩm và chiến lược của Google. Ông đã đạo diễn thương vụ thâu tóm công ty Android của Andy Rubin mà không nói cho Schmidt biết cho đến khi ký xong hợp đồng.


    Nhưng sau 10 năm, Page quyết định trở lại vị trí CEO vào năm 2011.


    Page đã cơ cấu lại ban lãnh đạo cấp cao và vào cuối năm 2012, công ty đã ra mắt Google , Chromebook, Google Glass, dịch vụ Internet công nghệ cao Fiber và nhiều dự án khác.


    Page tiếp tục điều hành Google cho đến năm 2015 khi công ty được tái cơ cấu toàn diện, và ông trở thành CEO của công ty mẹ Alphabet. Page giải thích rằng trở thành CEO của Alphabet sẽ giúp ông vạch ra chiến lược dài hạn và hoàn thành nhiều dự án tham vọng hơn, nhờ đó cải thiện được cuộc sống của nhiều người nhất có thể.


    Trong vai trò hiện tại, Page dành phần lớn thời gian nghiên cứu công nghệ mới, gặp gỡ và tuyển dụng những người thực sự xuất chúng cho công ty.


    Page hiện xếp thứ 12 trong danh sách các tỷ phú của tạp chí Forbes với tài sản ròng là 37,4 tỷ USD.


    Trong suốt cuộc đời, Page luôn cố gắng giữ kín thông tin về đời tư cá nhân. Lần hiếm hoi ông trải lòng là khi nói về việc bị liệt thanh quản vào năm 2013. Chứng bệnh này làm giọng của ông nhỏ hơn và khiến việc nói chuyện lâu trở nên khó khăn.


    Page cũng không thích phô trương sự giàu có của mình. Ông cùng với vợ và hai con sống trong một ngôi nhà trị giá 7 triệu USD sử dụng pin mặt trời ở Palo Alto.


    Món đồ xa xỉ nhất của Page có lẽ là siêu du thuyền mang tên “Senses” dài 59 mét mà ông mua với giá 45 triệu USD vào năm 2011. Nó có một bãi đỗ trực thăng và bồn tắm trên boong thuyền.


    Tính tổng cộng, bộ ba Page, Brin, và Schmidt đã mua 8 chiếc may bay phản lực cá nhân.


    Page cũng dành một phần tài sản để theo đuổi các mục đích khác. Ông đã đầu tư vào Planetary Resources, một công ty chuyên khai thác thiên thạch, hãng xe hơi Tesla và Twigtale, một start-up về sách cho trẻ em do chị dâu của ông sáng lập.


    Vào năm 2006, ông đã sáng lập nên Quỹ Tưởng niệm Carl Victor Page để tưởng nhớ cha mình. Carl Page đã qua đời ngay sau khi Page học cao học vì các biến chứng của bệnh bại liệt mà ông mắc khi còn bé. Quỹ này có tài sản hơn 1,37 tỷ USD tính đến cuối năm 2014.


    Có lẽ điều tuyệt nhất trong công việc của Page hiện nay là ông có thể tự do theo đuổi các ý tưởng của mình ở Alphabet. Số tiền thu được từ quảng cáo của Google đã cho phép Alphabet không phải lo nghĩ về 3,56 tỷ USD đã mất trong năm 2015 vào các dự án tham vọng như xây nhà thông minh, phổ cập Internet ra toàn thế giới bằng khinh khí cầu và kéo dài tuổi thọ cho con người.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ