Vũ khí của Microsoft Azure trong Cuộc chiến trên mây với AWS

    Nguyễn Hải,  

    Cuộc chiến điện toán đám mây đang dần trở thành cuộc đua song mã giữa Azure và Amazon Web Services, nhưng với khoảng cách xa như hiện tại liệu Azure có cách gì để đuổi kịp.

    Thị trường điện toán đám mây giờ đã có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng miếng bánh thị phần không vì thế được chia đều cho tất cả tay chơi trong đó. Với thị phần lớn nhất, Amazon Web Services (AWS) không chỉ là người thống trị với thị phần lớn nhất mà theo Gartner, hiện dung lượng hạ tầng đám mây của AWS còn lớn gấp mười lần 14 đối thủ cạnh tranh còn lại. Không chỉ có dung lượng lớn hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh, các tính năng của AWS cũng trội hơn hẳn các đối thủ khác. Theo dự tính của Gartner, AWS hiện có khoảng 92% các tính năng cần thiết cho doanh nghiệp, trong khi đó đối thủ theo sau là Microsoft Azure chỉ có khoảng 75%, các đối thủ khác còn bị bỏ lại xa hơn.

    Theo dự báo của IDC, đến năm 2020, chi tiêu cho các dịch vụ đám mây và phần cứng, phần mềm liên quan sẽ ở con số 500 tỷ USD, gấp ba lần hiện tại. Vì vậy, Microsoft Azure, dù xuất phát chậm hơn và đã bị đối thủ bỏ lại khá xa, dường như vẫn kiên trì bám đuổi. Trên thực tế, theo các nhà phân tích, ở một số bộ phận, Azure tăng trưởng còn nhanh hơn đối thủ của mình vào trong thời gian tương tự. Quả thật, dù đi sau khá xa, nhưng với những lợi thế của riêng mình, Microsoft Azure vẫn còn hy vọng để cạnh tranh với Amazon Web Servies. Để cạnh tranh với AWS, Azure nhấn mạnh vào hai yếu tố chính : tích hợp tốt với các công cụ của Microsoft và chiến lược đám mây lai.

    Tích hợp công cụ tốt hơn

    Với việc là người đi tiên phong trong công nghệ đám mây, AWS đã nhanh chóng phát triển cho mình hệ thống dịch vụ hạ tầng IaaS với nhiều tính năng tốt hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh khác. Dung lượng đám mây vượt trội so với các đối thủ khác, do vậy khách hàng của họ có thể dễ dàng mở rộng quy mô ứng dụng của họ mà không lo về việc thiếu bộ nhớ.

    Do vậy, để có thể bắt kịp đối thủ của mình, Azure phải dựa trên những thế mạnh riêng của mình. Điểm nổi bật nhất mà Azure được khách hàng lựa chọn chính là được tích hợp tốt với các công cụ khác của Microsoft, vốn là một công ty có kinh nghiệm trong việc phát triển các dịch vụ và công cụ cho doanh nghiệp. Các công cụ về quản trị và phát triển ứng dụng của Microsoft như Windows Server, Exchange, Office hay Windows workstation, các công cụ này được sử dụng phổ biến trong các doanh nghiệp cũng như công ty, đóng góp một phần quan trọng cho doanh thu của Microsoft.

    Với việc được tích hợp các công cụ phổ biến của Microsoft, các khách hàng sẽ nhanh chóng làm quen với các thao tác cũng như sử dụng nhanh hơn khi họ là khách hàng dịch vụ đám mây Azure. Đặc biệt là với các khách hàng vốn đang dùng các dịch vụ của Microsoft trong nội bộ doanh nghiệp như SQL Server, BizTalk Server hay IIS, thì việc sử dụng Azure sẽ giúp họ tiếp tục sử dụng các công cụ này thay vì phải chuyển sang làm quen với công cụ khác. Trong khi đó, các dịch vụ của AWS vẫn còn quá phức tạp và người dùng phải đọc rất nhiều hướng dẫn để có thể nắm được cách sử dụng.

    Gần đây, trên website cloudcomputingadmin.com của công ty TechGenix có so sánh về tính năng giữa AWS và Azure theo các nhóm tiêu chí về dịch vụ điện toán, kết nối mạng và truyền tải nội dung, dịch vụ lưu trữ, cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, quản trị và bảo mật, phát triển ứng dụng, khả năng đưa các ứng dụng lên đám mây và các dịch vụ khác. Khi so sánh về tính năng theo các nhóm tiêu chí này, “Phát triển ứng dụng trên đám mây” là tiêu chí duy nhất mà Azure có những tính năng trội hơn so với AWS.

     Các tính năng hỗ trợ lập trình trên đám mây giữa AWS và Azure

    Các tính năng hỗ trợ lập trình trên đám mây giữa AWS và Azure

    Không chỉ tích hợp tốt với các ứng dụng dịch vụ “nhà” của Microsoft, Azure cũng hỗ trợ các nền tảng của Linux nữa. Cho đến nay Azure đã hỗ trợ cho các phiên bản Ubuntu, CentOS, Oracle, SUSE Linux Enterprise và openSUSE. Còn với phiên bản của Red Hat – RHEL (Red Hat Enterprise Linux), sau nhiều lần trì hoãn, mãi đến đầu tháng 11 này, Microsoft mới chính thức thông báo Azure sẽ hỗ trợ cho phiên bản này. Dường như, cuối cùng Microsoft đã phải thay đổi cách nhìn về Linux, một nền tảng mà Microsoft dưới thời Steve Ballmer luôn chê bai nếu có thể.

    Chiến lược đám mây hybrid

    Nếu như Amazon Web Services là người tiên phong trong điện toán đám mây, thì Microsoft Azure lại là người đi đầu trong việc đưa đám mây lai đến với khách hàng. Đây có lẽ là điểm yếu duy nhất trong chiến lược đám mây của Amazon mà Microsoft có thể tận dụng. Không như Azure, AWS dường như không quan tâm lắm đến nhu cầu này của khách hàng. Trên thực tế, nhiều tổ chức muốn lưu các dữ liệu nhạy cảm trên server riêng của họ, nhưng đồng thời họ vẫn muốn sử dụng các dịch vụ và tính năng của đám mây trong server riêng đó.

    Do vậy, Azure cho phép khách hàng có thể tạo ra các ứng dụng lai khi vừa có thể sử dụng dữ liệu trong server riêng của mình, đồng thời các ứng dụng đó cũng có thể kết hợp với sức mạnh điện toán của đám mây để đẩy mạnh khả năng tính toán, tiết kiệm thời gian hoàn thành công việc.

     Đám mây lai kết hợp các sức mạnh điện toán của cloud và ứng dụng, dữ liệu của server riêng

    Đám mây lai kết hợp các sức mạnh điện toán của cloud và ứng dụng, dữ liệu của server riêng

    Ngoài ra, giải pháp này của Azure còn giúp các lập trình viên, không chỉ có thêm dung lượng lưu trữ trên server riêng, mà còn an tâm hơn cho sản phẩm của mình khi có thể đa dạng hóa biện pháp sao lưu dữ liệu. Các ứng dụng có thể vừa “sống” được ở trong cả các server riêng của lập trình viên và trên đám mây Azure. Ngoài ra, với các ứng dụng có các plugin hay services khác chạy trên server riêng, Azure cũng cho phép các phần riêng này của ứng dụng có thể tương tác với phần còn lại chạy trên đám mây.

    Amazon gần đây cũng đã có vài bình luận thừa nhận về nhu cầu của một đám mây lai cho các doanh nghiệp, nhưng dường như hãng đã không làm gì để cạnh tranh với đối thủ trên lĩnh vực này, thay vào đó hãng vẫn tập trung nhiều hơn vào một chiến lược thuần đám mây.

    Chi phí và các yếu tố khác

    Chi phí, bên cạnh yếu tố điện toán, luôn là một trong các yếu tố đầu tiên mà doanh nghiệp sẽ cân nhắc khi muốn chuyển sang sử dụng đám mây hay không. Hiểu rõ điều này, nên cả hai nhà cung cấp dịch vụ đám mây, Azure và AWS đều đưa ra các mức giá tương đương nhau, nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa các dịch vụ riêng biệt hoặc các cách tính phí sử dụng khác nhau. Để đơn giản hơn cho khách hàng trong việc tính toán chi phí, cả hai cũng đều có công cụ tính giá của riêng mình. Không những vậy, cả hai đều có các chương trình giảm giá để thu hút thêm khách hàng mới, cũng như giữ chân khách hàng cũ.

    Không chỉ là vì tính năng hay giá thành của đám mây là nguyên nhân khiến khách hàng lựa chọn Azure thay vì AWS. Một trong các nguyên nhân khác là mối quan hệ của Microsoft với các khách hàng. Với mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đội kinh doanh của Microsoft có thể tiếp cận dễ dàng và đưa ra những chương trình chiết khấu mạnh tay – đến hai con số - để kéo khách hàng về phía mình. Trong một cuộc khảo sát của Gartner, khoảng 64% người dùng cho biết nguyên nhân lớn nhất để họ sử dụng Azure là do mối quan hệ với Microsoft. Ngoài ra, không thể không kể đến một lượng khách hàng coi Azure như một giải pháp tốt để sao lưu dữ liệu của mình trên AWS, và cũng như đa dạng hóa nhà cung cấp dịch vụ.

    Tuy có một số ưu điểm trên nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh của Azure và AWS thời gian qua, rõ ràng những gì Microsoft cần làm để bắt kịp đối thủ vẫn còn rất nhiều. Điểm yếu về dung lượng đám mây của Azure rõ ràng là không thể khắc phục chỉ trong thời gian ngắn, và các khách hàng lớn vốn đã sử dụng dịch vụ của Amazon từ lâu, sẽ không dễ gì để họ từ bỏ để chuyển hẳn sang một nền tảng khác.

    Tham khảo datamation.com, tomsitpro.com, cloudcomputingadmin.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ