Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần "giơ máy lên và chụp"

    M.Đức,  

    Oppo R17 Pro là một trong những chiếc smartphone giúp người dùng có thể 'giơ lên và chụp', và yên tâm rằng sẽ có một bức ảnh đẹp.

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 1.

    Có nhiều điều thú vị và độc đáo khi nói về chiếc R17 Pro vừa được Oppo ra mắt, như mặt lưng gradient bắt mắt, cảm biến vân tay trong màn hình hay chuẩn sạc siêu nhanh Super VOOC có thể sạc đầy pin trong 35 phút. Nhưng theo đúng truyền thống của Oppo, tính năng của R17 Pro được hãng nói nhiều nhất, và được đặt ngay trên đầu khi vào trang sản phẩm đó là khả năng chụp hình.

    Điểm qua về phần cứng, Oppo R17 Pro có 3 camera phía sau, với 1 camera chính tiêu cự 26mm, độ phân giải 12 megapixel với tính năng đặc biệt là có thể thay đổi khẩu độ f/1.5 - f/2.4, 1 camera phụ để hỗ trợ zoom 2x độ phân giải 20 megapixel, cuối cùng là một cảm biến 3D để có thể đo chiều sâu nhằm chụp chân dung.

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 2.

    Camera chính của Oppo R17 Pro có khả năng thay đổi khẩu độ.

    Tính năng thay đổi khẩu độ ống kính trên R17 Pro không mới, đã được Samsung áp dụng vào bộ đôi smartphone đầu bảng của mình là Galaxy S9Note9. Việc thay đổi được khẩu độ có ưu điểm là có thể tăng được độ nét của ảnh trong ban ngày, vì khẩu độ nhỏ hơn sẽ giảm thiếu các hiện tượng quang sai của thấu kính, nhưng có thể mở rộng ra để thu nhận nhiều sáng hơn trong tình trạng thiếu sáng.

    Nhưng điểm làm mình bất ngờ đó là R17 Pro không cho phép người dùng lựa chọn giữa 2 khẩu độ này, dù là mở chế độ 'Expert Mode', thay vào đó máy sẽ tự phân tích tình trạng ánh sáng để điều chỉnh thông số này. Chế độ này chỉ cho phép chỉnh các thông số là AF (lấy nét), Shutter (tốc độ màn trập), ISO (độ nhạy sáng), EV (giá trị sáng) và White Balance (cân bằng trắng). Nếu đây là vấn đề phần mềm, hy vọng là hãng có thể cập nhật được cho R17 Pro, dù sao thì chủ động cũng tốt hơn, mặc dù camera của máy đã làm rất tốt một cách tự động (mình sẽ phân tích ở dưới).

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 3.

    Chế độ 'Expert Mode' của Oppo R17 Pro không có phần chọn khẩu độ.

    Ngoài các tính năng AI như làm mịn da, nhận diện chủ thể để điều chỉnh ánh sáng và màu sắc thì ta có thêm một mục nữa tên là 'Sticker'. Mục này có các hình dán ngộ nghĩnh, và đặc biệt hơn là khả năng tạo nhân vật hoạt hình cho người dùng giống với Animoji trên iPhone.

    Oppo R17 Pro chỉ có 1 camera trước 25 megapixel f/2 thôi, chứ không có các cảm biến hồng ngoại nên khả năng tạo hình nhiều lúc chưa chuẩn lắm. Có khi mình mình nhắm mắt nhưng nhân vật vẫn mở mắt bình thường, hay nếu thè lưỡi thì máy cũng không hiểu, dù sao thì đây chỉ là một tính năng 'cho vui', lúc mới mua máy mở ra nghịch một vài lần là chính thôi.

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 4.

    Tính năng 'Sticker', tạo ra các nhân vật hoạt hình giống với Animoji trên iPhone.

    Tất cả những tính năng trên đều là những thứ phụ trợ, theo mình có cũng được không có cũng không sao hết, nhưng điều quan trọng là chất lượng ảnh cuối cùng, và điều đó thì Oppo R17 Pro làm rất tốt. Trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, các bức ảnh từ chiếc smartphone này có độ nét tốt, thậm chí có thể crop vào được đôi chút mà vẫn đủ độ phân giải để đăng tải.

    Độ tương phản cùng màu sắc của camera R17 Pro không bị đẩy lên quá mạnh, nên đôi lúc cảm giác bị 'nhạt màu' khi so với các sản phẩm đến từ Xiaomi hay Huawei, nhưng do có độ nét, độ trong cao nên các bức ảnh hoàn toàn có thể được chỉnh sửa 'nặng tay' hơn, cho màu sắc đậm đà mà không lo bị giảm chất lượng.

    Hệ thống camera này cũng được trang bị khả năng chống rung OIS, tức chống rung quang học, di chuyển camera để tránh hiện tượng rung tay chứ không phải chống rung điện tử. Khả năng chống rung này rất hiệu quả, ngay trong quá trình chụp cũng đã được kích hoạt để khung hình giữ nguyên vị trí giúp việc căn khung hình trở nên dễ dàng hơn. Tính năng này cũng rất hữu ích trong quá trình HDR, cần phải chụp nhiều hình và nếu rung tay thì sẽ tạo ra các bóng mờ (ghosting).

    Để hỗ trợ cho việc chụp tối, hãng trang bị cho R17 Pro một chế độ mang tên 'Night Mode', sẽ chụp nhiều tấm hình để ghép lại với nhau nhằm giữ các chi tiết vùng tối và giá trị màu trong bức ảnh. Chế độ này sử dụng trên thực tế cũng tốn thời gian hơn, đòi hỏi người dùng phải giữ chắc máy trong vòng 3 giây, và máy cũng mất thêm 1 giây nữa để máy có thể cắt ghép để ra ảnh cuối cùng.

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 6.

    So sánh sự khác biệt giữa tắt và bật Nightmode.

    Ảnh sử dụng chế độ Night Mode có độ nét cao, và cũng có vùng tối rõ ràng hơn so với chụp thông thường. Nhưng đôi lúc tính năng này lại phản tác dụng, vì trong ảnh chụp đêm ta để bầu trời đen hẳn thì sẽ làm nổi bật được các chi tiết khác, tăng độ tương phản lên nhiều, nên việc 'cứu sáng' những vùng này là không cần thiết.

    Hơn nữa trên sử dụng thực tế, ảnh chụp đêm ở chế độ chụp tự động cũng đã rất tuyệt vời. Máy có khả năng chọn giá trị sáng tốt, khi chụp thiếu sáng sẽ tự chọn điểm đo sáng vào các sự vật sáng nhất (ngọn lửa, đèn đường, đèn xe máy...), nên không bao giờ làm các điểm này bị cháy sáng. Độ chi tiết khi chụp ảnh thiếu sáng tất nhiên là sẽ không bằng được ban ngày, vì máy sẽ phải áp dụng các thuật toán để giảm nhiễu, nhưng vẫn làm mình hoàn toàn hài lòng.

    Như tất cả các smartphone trên thị trường, thì R17 Pro cũng có 2 tính năng chuyên cho vấn đề chụp chân dung đó là 'Smart Beauty' (làm đẹp bằng AI) và xóa phông. Tính năng làm đẹp sẽ làm mịn da và sáng mắt, sử dụng trên thực tế cũng khá tự nhiên, nên có thể bật cho tất cả các ảnh.

    Sau khi chụp ảnh xóa phông, người dùng cũng có thể chọn các kiểu ánh sáng khác nhau, một tính năng mà Oppo cũng đã 'học hỏi' từ Apple. Một số chế độ ánh sáng có thể làm đẹp ảnh, nổi được chủ thể như Film Light hay Rim Light, nhưng một số chế độ lại quá 'dị', như Bi-Color (tái tạo kiểu ảnh fashion với 2 loại đền tím và xanh), Shake Light và Canvas Light (đều cắt nguyên chủ thể đặt vào nền khác, nhìn khá là giống ảnh thẻ!).

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 8.

    Các bộ filter điều chỉnh khi bật chụp ảnh chân dung xóa phông (Portrait mode).

    Máy có khả năng xóa phông dừng lại ở mức khá, chứ không xuất sắc. Đôi lúc tóc hay quần áo của chủ thể cũng bị máy tưởng là nền, bị làm mờ hoặc xóa hoàn toàn trong những ảnh Shake Light và Canvas Light như đã đề cập. Phần nền phía sau được làm mờ đủ tự nhiên,song thiếu các giá trị chiều sâu như trên iPhone XS hay Pixel 3, nên nhìn vẫn giống một lớp phủ (Mask) mà thôi.

    Thế nhưng giống với thể loại chụp ảnh đêm, người dùng không nhất thiết phải sử dụng chế độ xóa phông để có một bức ảnh đẹp. Ở chế độ tự động, R17 Pro vẫn cho các bức ảnh chụp chân dung nhìn rất tự nhiên, độ nét tốt và dễ dàng cho việc chỉnh sửa. Da của chủ thể được tái tạo đủ sáng, hồng hào và tránh được hiện tượng bị xử lý quá tay như trên chiếc Honor 8X.

    Thêm một vài hình ảnh chụp từ R17 Pro đêm Chung kết AFF Suzuki Cup, sau khi Việt Nam nhận cúp vô địch:

    Lời kết

    Theo ý kiến cá nhân, mình cho rằng một hệ thống camera smartphone tốt không nằm ở những tính năng phụ trợ, những lời quảng cáo hoa mỹ mà là khả năng tạo ra các bức ảnh đẹp ngay ở chế độ tự động, và Oppo R17 Pro đã làm được điều này. Người dùng chỉ cần giơ máy, nhấn chụp là đảm bảo sẽ có được những bức ảnh có tính hoàn thiện cao, dù là đủ hay thiếu sáng.

    Trải nghiệm camera Oppo R17 Pro: đúng nghĩa chỉ cần giơ máy lên và chụp - Ảnh 11.

    Ngoài việc thiếu khả năng tùy chỉnh khẩu độ bằng tay đã đề cập, một điểm mình thấy Oppo có thể cải tiến tốt hơn cho các phiên bản sau đó là thêm camera góc rộng. Loại camera này không những hữu ích trong những điều kiện chụp chật hẹp, mà còn có thể tạo ra các bức ảnh khác lạ, gây ấn tượng mạnh nữa. 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ