Trải nghiệm chụp ảnh "cá chết hồ Tây" với Xiaomi Yi M1: So tài với Fuji trước đã, Leica thì cứ từ từ

    Minh Trang,  

    Chập chững bước vào sân chơi nhiếp ảnh, Xiaomi còn tỏ rõ sự non nớt của mình, thể hiện qua chất lượng của máy.

    Ngày hôm qua, chúng tôi đã có bài mở hộp và trên tay nhanh chiếc máy ảnh Xiaomi Yi M1 - đánh dấu sự đặt chân của gã khổng lồ Trung Quốc vào sân chơi nhiếp ảnh. Ngay lập tức, chúng tôi đã lên đường để có những trải nghiệm riêng của mình về chiếc máy ảnh này. Địa điểm được lựa chọn để thử nghiệm là xung quanh khu vực Hồ Tây (Hà Nội), nơi đang thu hút được rất nhiều sự chú ý do vụ việc hàng loạt tấn cá sinh sống dưới hồ đã chết đột ngột vào hồi cuối tuần qua.

     Xiaomi Yi M1

    Xiaomi Yi M1

    Đầu tiên, hãy cùng điểm qua một vài thông số của chiếc máy ảnh này. Máy sở hữu cảm biến Micro Four Thirds 20MP do Sony sản xuất, mang tên mã IMX269. Trong trường hợp các bạn chưa biết về Micro Four Thirds, thì cảm biến này có kích thước lớn hơn máy compact, nhưng nhỏ hơn APS-C trên đa số các máy DSLR/Mirrorless (Canon 750D, Nikon D5500, Fujifilm X-A3, Sony A6000...) và nhỏ hơn rất nhiều các máy Full-frame (Canon 5D series, Nikon D600/700/800 series, Sony A7 series...). Vậy nên, nếu xét trên lý thuyết thì chất lượng ảnh của Yi M1 không thể bằng đa số các máy DSLR/Mirrorless với cảm biến APS-C/Full-frame hiện nay trên thị trường, do cảm biến nhỏ luôn đi kèm những hạn chế như khả năng xóa phông hay khử noise (nhiễu) không tốt.

     Kích cỡ của cảm biến M4/3 lớn hơn máy compact, nhưng nhỏ hơn APS-C

    Kích cỡ của cảm biến M4/3 lớn hơn máy compact, nhưng nhỏ hơn APS-C

    Hiện tại, Xiaoyi mới chỉ sản xuất hai ống kính cho Yi M1 là ống zoom 12-40 f/3.5-5.6, và ống chân dung/macro 42.5mm f/1.8. Tuy nhiên với việc sử dụng ngàm MFT, Yi M1 có thể sử dụng hơn 50 ống kính khác nhau do Olympus và Panasonic sản xuất. Đi kèm với chiếc Yi M1 của chúng tôi là ống 12-40mm f/3.5-5.6. Với tỷ lệ crop factor 2.0 của cảm biến M4/3, ống kính này cho tiêu cự thực tế 24-80mm.

     Ống zoom đi kèm máy

    Ống zoom đi kèm máy

    Để các bạn có một cái nhìn dễ hình dung hơn, chúng tôi sẽ so sánh Yi M1 với chiếc Fujifilm X-E1 và ống kit 18-55 f/2.8-4. Cả hai đều được đặt ở chế độ ưu tiên khẩu độ (Aperture priority), ISO Auto, tự động cân bằng sáng và chụp JPG. Các cài đặt còn lại đều được đặt ở mặc định.

     Đối thủ của Yi M1 trong ngày hôm nay: Chiếc X-E1 đi cùng năm tháng của tôi

    Đối thủ của Yi M1 trong ngày hôm nay: Chiếc X-E1 "đi cùng năm tháng" của tôi

    Đầu tiên, hãy cùng đến với một vài bức ảnh trong điều kiện ánh sáng tốt. Vào thời điểm 12h trưa của một ngày Hà Nội dịu mát, không có nắng, Yi M1 tự động đã chọn mức ISO 200 cho những bức ảnh của mình. Tôi cũng đã đặt mức ISO này cho X-E1 để hai máy tỏ ra cân bằng.

     Trong khi ảnh của X-E1 (phải) bị ngả xanh, thì Yi M1 (trái) lại rất thật.

    Trong khi ảnh của X-E1 (phải) bị ngả xanh, thì Yi M1 (trái) lại rất thật.

    Điểm dễ nhận ra nhất trong bức ảnh trên là khả năng cân bằng trắng khá tốt của M1, khi nó cho màu trời và màu nước chân thật so với thực tế. Màu sắc của M1 làm tôi liên tưởng rất nhiều tới những chiếc... iPhone, vì iPhone từ lâu đã nổi tiếng với việc cho ra những bức ảnh trung tính. Trong khi đó, bức ảnh từ X-E1 lại bị ngả xanh, một phần là do Fujifilm luôn được đánh giá là cho màu sắc ảnh rất "ảo", đặc biệt là khi chụp JPG.

     Sự khác biệt rõ ràng về màu sắc của ảnh từ Yi M1 (trái) và X-E1 (phải)

    Sự khác biệt rõ ràng về màu sắc của ảnh từ Yi M1 (trái) và X-E1 (phải)

    Tuy nhiên, trong khi màu sắc có thể cân chỉnh dễ dàng qua Photoshop hay Lightroom, thì độ chi tiết của bức ảnh là không thể cứu vãn. Từ lâu, Fujifilm đã nổi tiếng với những ống kính cho độ sắc nét cực tốt, kèm theo sức mạnh của cảm biến X-Trans và sự thiếu vắng của bộ lọc chống răng cưa (anti-aliasing filter) đã giúp cho X-E1 hoàn toàn áp đảo trước M1.

     Yi M1 thất bại hoàn toàn khi so sánh về độ chi tiết.

    Yi M1 thất bại hoàn toàn khi so sánh về độ chi tiết.

    Khẳng định trên càng được thể hiện rõ ràng qua các bức hình dưới đây. Mặc dù có lợi thế về độ phân giải 20MP, nhưng combo Yi M1 kèm ống kit này lại không thể cho ra những bức ảnh chi tiết hơn so với X-E1, mặc dù X-E1 chỉ có 16MP.

     Màu sắc của X-E1 có phần nịnh mắt hơn

    Màu sắc của X-E1 có phần nịnh mắt hơn

     Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của nó lại nằm ở độ chi tiết của bức ảnh. Hãy chú ý vào vách đá và phần vây của con cá.

    Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của nó lại nằm ở độ chi tiết của bức ảnh. Hãy chú ý vào vách đá và phần vây của con cá.

     Thêm một hình ảnh cá chết hiếm hoi còn lại ở hồ Tây (sau khi đã bị dọn sạch hết)

    Thêm một hình ảnh cá chết hiếm hoi còn lại ở hồ Tây (sau khi đã bị dọn sạch hết)

     Trong khi từng con chữ trên vỏ hộp sữa vẫn có thể đọc được ở trên X-E1, việc này là gần như không thể với Yi M1

    Trong khi từng con chữ trên vỏ hộp sữa vẫn có thể đọc được ở trên X-E1, việc này là gần như không thể với Yi M1

     Những con chữ trên bức ảnh của X-E1 rõ nét hơn rất nhiều

    Những con chữ trên bức ảnh của X-E1 rõ nét hơn rất nhiều

    Tuy nhiên, khi mà mặt trời đã lặn, màn đêm buông xuống mới là thời điểm mà tôi thật sự hứng thú trong việc đánh giá khả năng của Yi M1. Vì dù sao, ở trong điều kiện đủ sáng thì ngay cả những chiếc smartphone của chúng ta cũng đã cho những kết quả khá tốt. Chỉ khi thiếu sáng, thì những chiếc máy ảnh với cảm biến lớn mới tỏ rõ sức mạnh của mình.

    Tôi sẽ không để bạn phải tốn thời gian mà sẽ khẳng định luôn: Khả năng chụp tối của Yi M1 là một nỗi thất vọng. Nói một cách thật lòng: Nếu không phải vì đây là một chiếc máy mượn để review, có lẽ tôi đã ném luôn nó xuống hồ cũng lũ cá rồi.

    Thiếu sáng vẫn luôn là nỗi ác mộng trong lịch sử hàng trăm năm qua của ngành nhiếp ảnh. Vào thời điểm 2016, khi mà smartphone chỉ cần chụp được một bức ảnh có thể xem được trong điều kiện ánh sáng thấp đã được coi là kỳ tích, thì với máy ảnh, các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng để cải thiện hai yếu tố chính, đó là tốc độ lấy nét và khả năng khử nhiễu (noise performance).

    Để lấy nét chuẩn xác với Yi M1 trong điều kiện thiếu sáng gần như là cực hình. Chậm là một chuyện, vấn đề là máy lấy nét toàn sai, trong khi màn hình vẫn báo đã lấy nét chuẩn, điểm lấy nét xanh lè! Có những bức ảnh tôi đã phải thử hàng 5-6 lần mới có thể lấy được nét, nhưng đa số trường hợp thì máy đều chịu thua.

     Ba lần lấy nét - ba lần thất vọng

    Ba lần lấy nét - ba lần thất vọng

    Trong khi đó với X-E1, máy lấy nét tuy chậm nhưng rất chuẩn. Chỉ một lần duy nhất bấm máy và tôi đã có kết quả. Không phải là hoàn hảo, nhưng chỉ cần qua "tút tát" Photoshop, Lightroom một chút là hoàn toàn có thể cho ảnh đẹp để đăng lên Facebook.

     X-E1 chỉ cần lấy nét một lần duy nhất

    X-E1 chỉ cần lấy nét một lần duy nhất

    Cũng chính vì khả năng lấy nét tệ hại của Yi M1 trong bóng tối, đừng mong chuyện có thể chụp được những chú cá chết dưới hồ đang đung đưa theo nhịp gió. Đặc biệt khi kết hợp với ống kính khẩu độ nhỏ khi zoom, việc chụp một bức ảnh mà không bị rung tay là rất, rất khó khăn. Với X-E1 và ống 18-55, điều này là hoàn toàn có thể, nhưng bạn sẽ cần đẩy ISO lên mức 6400.

     Những chấm trắng trắng kia là cá đấy!

    Những chấm trắng trắng kia là cá đấy!

     Thêm một ví dụ về việc Yi M1 lấy nét sai hoàn toàn

    Thêm một ví dụ về việc Yi M1 lấy nét sai hoàn toàn

     Không hiểu máy đang lấy nét ở đâu?

    Không hiểu máy đang lấy nét ở đâu?

    Nhân đây khi nói về ISO, hãy cùng bàn một chút về khả năng khử noise của Yi M1 thông qua một số bức hình ít ỏi mà máy có thể lấy nét chính xác. Khi để chế độ ISO tự động, Yi M1 sẽ ngay lập tức chọn mức 6400. Có thể thấy, do hạn chế về kích cỡ cảm biến, Yi M1 cho khả năng khử noise không thật sự tốt. Các chi tiết của bức ảnh bị vỡ vụn, còn bầu trời thì đầy những "hạt nhỏ li ti". Với X-E1, máy tuy cũng bị noise nhưng kết quả thu lại là khá hơn Yi M1 rất nhiều.

     Trong khi tán lá của Yi M1 đã bị vỡ vụn do ảnh hưởng của ISO cao, X-E1 vẫn có thể thể hiện khá tốt chi tiết

    Trong khi tán lá của Yi M1 đã bị "vỡ vụn" do ảnh hưởng của ISO cao, X-E1 vẫn có thể thể hiện khá tốt chi tiết

     Bầu trời của ảnh Yi M1 bị noise hơn nhiều so với ảnh từ X-E1

    Bầu trời của ảnh Yi M1 bị noise hơn nhiều so với ảnh từ X-E1

    Phải thú thật rằng, cá nhân tôi là một người rất thích các sản phẩm Xiaomi, đơn giản vì tính ngon-bổ-rẻ lại cực kỳ hữu dụng của chúng. Những sản phẩm mà tôi đã có cơ hội được trải nghiệm và sử dụng như pin dự phòng, smartphone, laptop... đều để lại trong tôi những ấn tượng rất tốt.

    Tuy nhiên, thật khó để có thể nói như vậy với Yi M1. Trong thời điểm mà camera trên smartphone đang ngày một tốt và có thể đáp ứng được đa số nhu cầu của người dùng bình dân, thì chỉ khi thật sự nghiêm túc về chất lượng, người ta mới tìm đến những chiếc máy ảnh. Và khi xét đến khía cạnh này, Yi M1 chỉ trên cơ những chiếc máy compact một chút, chứ không thể chạm tới ngưỡng của những chiếc DSLR.

     Yi M1 còn sở hữu nhiều hạn chế

    Yi M1 còn sở hữu nhiều hạn chế

    Ngay từ thời điểm Xiaomi công bố Yi M1 sẽ sử dụng cảm biến M4/3, tôi đã cảm thấy rất hoài nghi về sự thành công của máy. Từ lâu, máy ảnh với cảm biến M4/3 đã tỏ ra rất khó khăn trong việc thu hút người dùng (hãy nhìn vào sự mờ nhạt của Olympus là biết), đơn giản là vì kích cỡ cảm biến nhỏ luôn đi kèm với rất nhiều hạn chế. Có lẽ, đối tượng duy nhất mà Yi M1 phù hợp là những người yêu thích sự cơ động, nhỏ gọn tới mức tối đa. Nhưng thật lòng mà nói, khi mà chiếc X-E1 của tôi có thể nhét vừa ngay cả vào cốp xe Wave, thì sự nhỏ gọn ấy cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi mà chúng ta phải hy sinh quá nhiều về chất lượng.

    Hện nay Yi M1 có giá khoảng 8.5 triệu, lơ lửng giữa khoảng cách của những chiếc compact cao cấp và DSLR/Mirrorless giá rẻ. Khi xét đến các công nghệ mà Xiaomi trang bị cho máy, mức giá này thực chất khá hợp lý. Nhưng khi xét đến thị hiếu người dùng - khi thứ họ cần là những bức ảnh cho chất lượng vượt trội so với những gì chiếc smartphone của họ có thể làm, thì Yi M1 bỗng dưng lại trở nên đắt đỏ.

     Fujifilm X-A2 là một chiếc máy nhỏ gọn, nhưng vẫn sở hữu cảm biến APS-C, màn hình lật, Wi-Fi... với mức giá khoảng 10 triệu đồng

    Fujifilm X-A2 là một chiếc máy nhỏ gọn, nhưng vẫn sở hữu cảm biến APS-C, màn hình lật, Wi-Fi... với mức giá khoảng 10 triệu đồng

    Cá nhân tôi, nếu có khoảng 8.5 triệu, tôi sẽ cố gắng một chút để sở hữu những chiếc Mirrorless/DSLR "tử tế" như Fujifilm X-A2 hay Canon 700D, cả hai đều kèm ống kit. Thậm chí, bạn còn có thể tìm nhiều món hời còn tốt hơn ở thị trường máy cũ, như Fujifilm X-E1, Canon 60D, Nikon D7000... Tất cả những chiếc máy này đều có mức giá khoảng 10 triệu đồng (đi kèm ống kit), đắt hơn 1.5 triệu đồng so với Yi M1. Nhưng tôi tin rằng, đây là 1.5 triệu đồng đáng giá nhất mà bạn từng bỏ ra.

    Ưu điểm

    - Kích thước nhỏ gọn

    - Ảnh có màu sắc chân thực, dễ căn chỉnh màu

    - Tích hợp Wi-Fi, Bluetooth để dễ dàng đưa ảnh vào smartphone (vào thời điểm bài viết, chưa thể tải ứng dụng hỗ trợ tính năng này)

    Nhược điểm

    - Lấy nét chậm và sai nhiều, đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng

    - Ống kính đi kèm cho độ chi tiết không tốt, không sắc nét

    - Khả năng khử noise hạn chế

    - Không có flash cóc

    Xin cảm ơn cửa hàng Xiaomi Việt đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ