Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay 'núp bóng' flagship?

    M.Đức,  

    Bỏ ra chỉ dưới 7 triệu đồng cho một sản phẩm mang mác "Mi 8" cao cấp, người dùng nhận lại được gì?

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 1.

    Từ trước tới nay, khi chọn mua sản phẩm công nghệ (trong đó có cả phần mềm) mình rất ghét việc phải mua những sản phẩm có chữ "Lite" trong tên. Chữ này ám chỉ đây là một sản phẩm dạng thử thiếu tính hoàn thiện, 'núp bóng' dưới các phiên bản đầy đủ, mạnh mẽ hơn, tạo cho người dùng cảm giác tiếc nuối khi không đầu tư thêm để có được trải nghiệm cao cấp hơn.

    Song, cũng không ít sản phẩm "Lite" những vẫn có đầy đủ những tính năng mà người dùng cần, chỉ cắt giảm những thứ quá tân tiến mà chúng ta không sử dụng hàng ngày, từ đó tạo thành một sản phẩm đáng mua.

    Vậy thì chiếc Xiaomi Mi 8 Lite vừa được hãng điện tử Trung Quốc ra mắt thuộc trường hợp nào?

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 2.

    Thiết kế siêu bóng bẩy, siêu bắt mắt, nhưng siêu bám bẩn

    Mi 8 Lite có phiên bản màu đen, nhưng nhìn thật nhàm chán và không đẹp được bằng 2 màu gradient còn lại! Phiên bản mình có tại đây có màu xanh tím, chuyển dần dần từ xanh sang tím từ trên xuống dưới. Xiaomi pha màu rất đậm, kèm theo đó là một lớp kính ở mặt ngoài nên đây có lẽ là lựa chọn màu bắt mắt nhất trong tất cả những chiếc Mi 8. Mặt sau này ta có cụm camera kép (ta sẽ tìm hiểu kĩ hơn ở phần sau) cùng với cảm biến vân tay.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 3.

    Mặt lưng Xiaomi Mi 8 Lite rất dễ bám vân tay, nên chỉ đẹp lúc vừa lấy ra khỏi hộp hoặc mới lau mà thôi

    Nhưng chắc ai cũng biết, kính là một vật liệu rất dễ dính dấu vân tay. Có vẻ như Xiaomi cũng không thêm bất cứ một lớp tráng phủ chống dầu (oleophobic) nào, nên mặt lưng Mi 8 Lite rất nhanh bẩn. Những ai có tay dầu, thì chỉ 10 - 15 phút thôi mặt lưng máy đã trở thành một 'bức họa đương đại' bằng dầu tay! Chính vì vậy nên những người dùng quan trọng hình thức, thì nên đem theo khăn lau hoặc đơn giản là dùng ốp lưng trong suốt mà hãng tặng kèm trong hộp.

    Ốp lưng này cũng giảm thiểu được một nhược điểm nữa của mặt lưng kính, đó là quá trơn! Với thiết kế vuông vắn kèm mặt kính, Mi 8 Lite cầm trên tay dễ tuột vì thiếu điểm ma sát, chỉ cần thêm ốp lưng thì vấn đề này đã được giải quyết!

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 4.

    Máy có 2 phương thức mở khóa, đó là cảm biến vân tay ở mặt sau và khuôn mặt ở mặt trước. Và trên thử nghiệm thì cả 2 đều có tốc độ thực thi nhanh. Ở trạng thái nghỉ, chỉ sờ nhẹ tay vào cảm biến vân tay là máy đã mở và sẵn sàng sử dụng.

    Khả năng nhận diện khuôn mặt cũng vậy, chỉ trừ những trường hợp thiếu sáng nhất thì tính năng mới chậm lại, còn không thì ta sẽ không bao giờ 'được' nhìn thấy màn hình chờ vì chỉ bấm nút nguồn ta đã vào màn hình chính. Cũng vì những phương pháp này có hoạt động hiệu quả mà các nút bấm tắt (Shortcut) trên màn hình chờ bỗng trở nên vô dụng!

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 5.

    Các nút bấm được đặt hết sang cạnh phải

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 6.

    Cạnh dưới có cổng sạc USB Type-C, lỗ microphone và lỗ loa

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 7.

    Lỗ loa được đặt ở phía phải là một thiết kế rất thông minh trên Mi 8 Lite

    Các cạnh máy được làm bằng nhôm phủ bóng, cũng với chất lượng hoàn thiện rất tốt giống mặt lưng. Máy có 2 khe sim, nhưng 1 khe sim có thể sử dụng để đặt thẻ micro SD, nên người dùng có thể chọn giữa việc sử dụng song song 2 sim hoặc mở rộng bộ nhớ trong.

    Giống với các 'đàn anh' Mi 8 khác, Mi 8 Lite cũng đã từ bỏ cổng nghe nhạc 3.5mm để sử dụng 'dongle' hoặc bắt người dùng phải nghe nhạc bằng tai không dây. Với mình thì đây là một yếu điểm cho một chiếc máy ở phân khúc tầm trung, nhưng không giống hãng 'hoa quả nào đó' thì Xiaomi vẫn tặng một dongle USB Type-C sang 3.5mm, nên những ai vẫn đang giữ những cặp tai nghe có dây vẫn có thể nghe nhạc trên Mi 8 Lite.

    Một thiết kế hay cần phải nói tới đó là phần lỗ loa được đặt ở phía phải cạnh dưới, nên trong tư thế cầm máy ngang (xem video, chơi game) thì lòng bàn tay người dùng không chặn mất tiếng! Đây là ưu điểm nhỏ, nhưng không phải bất cứ hãng smartphone nào cũng nghĩ tới, kể cả trên các smartphone đắt tiền hơn rất nhiều.

    Chất lượng màn hình tuyệt vời, phần mềm chưa theo kịp

    Điểm đầu tiên mình nhận thấy khi mở máy lên lần đầu đó là chất lượng màn hình của máy rất ấn tượng. Mi 8 Lite có màn hình 6.26 inch LCD IPS độ phân giải 1080 x 2280, với một phần cắt tai thỏ ở cạnh trên. Tai thỏ này nhìn khá giống các sản phẩm đến từ Huawei, và có diện tích bé hơn cả trên chiếc Mi 8 SE cao cấp nên cho tỷ lệ màn hình trên thân máy cao.

    Màn hình cho màu sắc tươi, không quá đậm, đặc biệt là hiển thị màu đen rất đen! Nếu như không nói đây là màn hình LCD và không cho thử nghiệm ở điều kiện tối, thì rất có thể mình sẽ cho đây là một màn OLED vì hiển thị được màu đen sâu như vậy! Hãng cũng cho phép người dùng tùy chỉnh thêm khả năng hiển thị bằng phần mềm, với các chế độ chỉnh cân bằng trắng, tăng tương phản. Ở chế độ mặc định thì màn hơi ngả xanh dương nhẹ, ta có thể chỉnh để nó vàng hơn.

    Nhưng điểm làm màn hình này không hoàn hảo lại không liên quan đến tấm nền, mà lại là cách hãng thiết kế phần mềm để tối ưu hóa màn hình đó. Có tai thỏ, nhưng giao diện máy nhiều lúc vẫn hiển thị nội dung vào những đoạn bị cắt, cho cảm giác rất 'thiếu chuyên nghiệp'.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 9.

    MIUI 9.6.5 vẫn hiển thị nội dung chèn vào tai thỏ, nhìn thật là 'lạ'!

    Khi xem video hoặc chơi game ở chế độ toàn màn hình, máy sẽ cắt video để tràn vào phần viền dưới cong, nhưng lại không làm điều đó với cạnh trên, nên nhìn mất cân đối. Các hãng như Huawei, Honor, Oppo mình được trải nghiệm đều cắt nhẹ cạnh trên, nên ít nhất là 4 cạnh đều có độ cong, không thẳng tắp như với Xiaomi.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 10.

    2 viền dưới cong, 2 viền trên thẳng tắp khiến trải nghiệm xem video bị mất cân đối

    Tại thời điểm viết bài, Mi 8 Lite vẫn đang ở Android 8.1, nên mình mong rằng trong bản nâng cấp Android 9 Pie hãng sẽ khắc phục được những nhược điểm này để phần mềm bắt kịp được phần cứng, nâng cao trải nghiệm hình ảnh hơn.

    Giao diện người dùng 'màu mè'

    Vẫn như thường lệ, Mi 8 Lite không sử dụng Android gốc mà có giao diện MIUI của Xiaomi. Phiên bản MIUI 9.6.5 có giao diện gọn gàng với kiểu thiết kế phẳng, font chữ cũng dễ nhìn hơn song vẫn theo xu hướng 'màu mè và sặc sỡ' giống với mặt lưng máy.

    Giao diện màn hình chính

    Tùy vào từng người mà đây là một giao diện đẹp hay xấu, nên mình sẽ không bình luận gì thêm mà cung cấp hình ảnh giao diện để bạn đọc tự cho ý kiến!

    Giao diện Settings, bảng thông báo và ứng dụng ảnh

    Như bất cứ giao diện tùy biến của các hãng khác, MIUI cũng có thêm nhiều tính năng, và trái lại là cũng có thêm nhiều bloatware. Một vài bloatware mà hãng cài sẵn có thể xóa được, nhưng một số cái thì phải root mới có thể xóa, nên những ai không muốn 'vọc vạch' thêm có lẽ sẽ phải chấp nhận để chúng vào 1 folder cho gọn mà thôi!

    Các phần mềm hỗ trợ hữu dụng: khóa ứng dụng (App Lock), chế độ dùng 1 tay và Quick Ball (giống Assistive Touch trên iPhone).

    Những phần mềm tùy biến mà mình cho là hữu dụng nhất bao gồm khóa ứng dụng bằng mật khẩu hoặc vân tay, chế độ dùng 1 tay (làm màn hình nhỏ hơn để thao tác được bằng ngón cái), Quick Ball (có các nút điều khiển giống với Assistive Touch trên iPhone) và các thao tác định hướng bằng cử chỉ (Full screen gesture).

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 14.

    Thao tác định hướng bằng vuốt trên MIUI

    Cử chỉ trên Mi 8 Lite còn lâu mới 'mượt' được bằng iPhone X, nhưng cũng không tới nỗi tệ. Tính năng này cũng giúp ta 'giấu' đi được thanh định hướng ở cạnh dưới, giúp màn hình trở nên to hơn, 'tràn viền' hơn! Màn hình máy to, nên cử chỉ 'Trở lại' sẽ hơi khó với những ai có ngón tay  cái ngắn và sử dụng máy bằng tay phải, nên nếu không cảm thấy thoải mái thì người dùng nên chuyển lại về giao diện nút bấm.

    Cấu hình tiêu chuẩn ở mức giá tầm trung

    Mi 8 Lite sử dụng vi xử lí Snapdragon 660 cùng 4GB RAM, đây có lẽ là một cấu hình mặc định với các sản phẩm ở tầm giá giống với chiếc smartphone này, nên ta cũng không thể chê hoặc khen máy được.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 15.

    Snapdragon 660 hiện nay vẫn có thể coi là một con chip 'tiêu chuẩn', với hiệu năng tầm trung nhưng đáp ứng được đầy đủ mọi nhu cầu sử dụng. Mọi thao tác trên màn hình chính, lướt web, đọc báo...đều mượt mà. Máy có thể chơi được tất cả game arcade nhẹ, với Asphalt 9 thì ở chế độ Default sẽ cho framerate cao hơn là chuyển lên đồ họa 'High Quality'. Máy cũng có viên pin khá lớn, dung lượng 3350mAh. Viên pin này cộng với cấu hình tầm trung cho thời lượng sử dụng - kể cả có chơi game nặng - luôn luôn được một ngày.

    Điểm số Antutu, Geekbench và 3D Mark (Sling Shot)

    Chất lượng camera không tân tiến, nhưng vẫn rất tốt

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 17.

    Về camera, Mi 8 Lite được trang bị 1 camera 12MP f/1.9 để chụp, 1 camera 5MP f2 để đo chiều sâu, ấn tượng hơn là camera trước độ phân giải cao 24MP. Ngược lại với phần màn hình, thì camera của Mi 8 Lite không có phần cứng 'hoành tráng' nhưng ăn điểm ở phần mềm, nói đúng hơn là cách hãng xử lí hậu kì hình ảnh.

    Giao diện chụp hình trên Mi 8 Lite.

    Hình ảnh chụp trên Mi 8 Lite có độ phân giải thua các smartphone đầu bảng (chỉ 12MP), nhưng có màu sắc khá tự nhiên, không bị làm quá đậm, sạch sẽ và không bị nhiều nhiễu. Những bức hình của Mi 8 Lite có thể đăng được luôn, nhưng vì máy xử lí không nặng tay nên ta cũng có thể dễ dàng chỉnh sửa thêm bằng các phần mềm như Lightroom, Snapseed.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 19.

    Chế độ Pro giúp ta chụp được bức ảnh toàn 'bokeh' như thế này!

    Một yếu điểm mà Xiaomi sẽ cần cải thiện bằng phần mềm đó là thuật toán HDR chưa hoàn thiện, nên khi có vật di chuyển trong ảnh sẽ tạo ra các 'bóng ma' (Ghosting). Hãng có thể chỉnh để tốc độ màn trập nhanh hơn, hoặc áp dụng thuật toán ghép ảnh tiên tiến hơn! Nhưng trong thời điểm này, người dùng phải để ý không vừa đi vừa chụp những chủ thể đang chuyển động nếu không muốn gặp hiện tượng này.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 20.

    Hiện tượng bóng mờ nếu chủ thể và người chụp cùng di chuyển

    Một số ảnh chụp ban ngày:

    Một số hình ảnh chụp xóa phông:

    Những hình ảnh chụp đêm (thiếu sáng):

    Những sản phẩm cùng tầm đáng cân nhắc

    Xiaomi Mi A2 có thể coi là một phiên bản 'người lớn' hơn so với Mi 8 Lite, khi có thiết kế vỏ ngoài bằng kim loại hoàn toàn, ít bóng bẩy hơn. Màn hình của Mi A2 có chất lượng hiển thị cũng rất tốt, nhưng lại không tràn xuống viền dưới, có tai thỏ viền trên nên có tỷ lệ màn hình trên mặt trước nhỏ hơn so với Mi 8 Lite.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 24.

    Xiaomi Mi A2

    Ưu điểm duy nhất mình có thể thấy được khi trải nghiệm song song 2 sản phẩm này đó là Mi A2 có camera sau độ phân giải cao hơn (20MP so với 12MP), song Mi 8 Lite đã bù cho người dùng camera trước 24MP! Theo những bình chọn trưng cầu dân ý thì có vẻ mọi người cũng thích Mi 8 Lite hơn vì thiết kế hiện đại so với thiết kế có phần 'công sở' của Mi A2! Thú vị hơn nữa đó là người dùng cũng nghĩ rằng chiếc Mi 8 Lite là đủ dùng, không cần nâng cấp lên Mi 8 SE, cho thấy không phải ai cũng có tư tưởng 'cố bỏ tiền để có sản phẩm cao hơn 1 chút'.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 25.

    Một đối thủ nặng kí hơn nữa đó là chiếc Honor 8X. 2 sản phẩm này giống như được đúc ra từ 1 khuôn vậy, có rất nhiều yếu tố giống nhau, với màn hình tai thỏ nhỏ, mặt lưng bằng kính, camera kép, giao diện sặc sỡ. 2 sản phẩm sử dụng 2 con chip khác nhau là Kirin 710 và Snapdragon 660. Trên lí thuyết, chip Kirin có điểm CPU cao hơn và Snapdragon có điểm GPU cao hơn, nhưng trải nghiệm thực tế cho thấy 2 con chip sử dụng... không khác nhau mấy, đều đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thao tác cơ bản và chơi game.

    Mi 8 Lite ăn điểm với camera, khi tạo được những bức ảnh tự nhiên hơn, vì Honor 8X thường có xu hướng đẩy độ đậm màu của ảnh lên quá cao, nên tạo cảm giác thiếu tự nhiên. Sản phẩm từ Xiaomi trong nhiều trường hợp chụp giữ được nhiều chi tiết hơn, vì màu sắc không bị bệt và giống với những gì mắt người nhìn thấy.

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 26.

    Honor 8X

    Ưu điểm của Honor 8X đó là có sẵn 2 khe sim và thẻ micro SD riêng, nên người dùng không phải chọn giữa 2 sim hoặc 1 sim 1 thẻ nhớ mở rộng như trên Mi 8 Lite. Hơn nữa, một 'tính năng' mình cực kì thích trên Honor 8X đó là nó có cổng nghe nhạc 3.5mm. Là một người hay nghe nhạc trên smartphone, và hay được mượn để đánh giá những cặp tai nghe có dây, mình vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ cổng 3.5mm!

    Lời kết

     Mặc dù vẫn gặp một số sạn nhất định, nhưng Mi 8 Lite vẫn là một sản phẩm có tính hoàn thiện cao và đem lại đầy đủ những gì người dùng phổ thông cần. Máy có thiết kế bắt mắt, màn hình hiển thị chất lượng cao, giao diện tùy biến, cấu hình vừa đủ dùng và chất lượng ảnh chụp sạch sẽ, trung tính. 

    Cá nhân mình liệu có mua Mi 8 Lite không? Không! Đơn giản vì chiếc Honor 8X ngoại trừ camera bị 'làm quá tay' thì có thêm 1 khe thẻ sim, cùng với đó là cổng 3.5mm nên phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình hơn. Nhưng với ai không cần những tính năng đó, thì Mi 8 Lite hoàn toàn là một sản phẩm đáng tiền ở mức giá tầm trung, chứ không phải là một sản phẩm 'giả danh' flagship để đánh lừa những người mua hàng nhẹ dạ cả tin!

    Trải nghiệm Xiaomi Mi 8 Lite - Sản phẩm đáng mua hay núp bóng flagship? - Ảnh 27.

    Ưu điểm

    - Thiết kế bóng bẩy, hoàn thiện cứng cáp

    - Màn hình màu sắc tươi, tương phản cao, màu đen sâu

    - Sử dụng được 2 sim (hoặc 1 sim và 1 thẻ micro SD)

    - MIUI có nhiều tính năng hay, đặc biệt là cử chỉ vuốt

    - Hiệu năng sử dụng và chơi game mượt mà

    - Camera cho màu sắc trung thực, phần mềm đơn giản

    Nhược điểm

    - Mặt kính rất dễ bám bẩn, trơn tuột

    - Không còn cổng nghe nhạc 3.5mm (song vẫn có dongle trong hộp)

    - Giao diện không phải ai cũng hợp, có bloatware không xóa được

    - MIUI chưa tối ưu cho màn 'tai thỏ'

    - Vẫn còn lỗi với tính năng HDR

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ