Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém?

    zknight; Thiết kế: Hoàng Anh,  

    Xét cho cùng, những "trái tim tan vỡ" là có thật. Trái tim không phải là nơi tạo ra cảm xúc, nhưng cảm xúc có ảnh hưởng đến trái tim.

    Một thế kỷ trước, nhà toán học và sinh trắc người Anh Karl Pearson đang đi bộ trong một nghĩa trang, ông đọc các bia mộ và phát hiện ra một điều kỳ lạ. Tại sao có quá nhiều cặp vợ chồng cùng chết cách nhau chưa đầy một năm?

    Tại thời điểm đó, chưa có nhiều nghiên cứu và đánh giá giải thích cho hiện tượng này. Nhưng bây giờ, khoa học đã đưa ra được một giả thuyết, nói rằng sự căng thẳng và nỗi tuyệt vọng có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của một cô nam hoặc góa phụ, đặc biệt là trái tim họ.

    Ví dụ điển hình nhất là tình trạng rối loạn cơ tim Takotsubo, còn gọi là hội chứng "trái tim tan vỡ", trong đó, cái chết của người vợ hoặc người chồng có thể làm suy yếu tim, gây ra các triệu chứng tương tự cơn đau tim bệnh lý.

    Những gánh nặng cảm xúc này thậm chí làm thay đổi cả hình dạng trái tim người chịu đựng, biến tâm thất trái của nó thành một khối giống như Takotsubo, chiếc bình có cổ hẹp đáy rộng được người Nhật Bản dùng để bẫy bạch tuộc.

    Rõ ràng, cảm xúc và trái tim thực sự có một mối liên hệ nào đó.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 1.

    Bác sĩ tim mạch người Mỹ Sandeep Jauhar cũng suy nghĩ tương tự khi ông viết "Heart: A History", cuốn sách kể về lịch sử đầy thú vị của ngành y trong nhiệm vụ khám phá cấu tạo cũng như tìm cách chữa trị những hỏng hóc trong trái tim con người.

    Từ khi còn là một cậu bé, Jauhar đã được nghe kể về câu chuyện của ông nội mình, một người đàn ông Ấn Độ không may mắn đột tử ở tuổi 57, chỉ vì cơn đau tim khi nhìn thấy một con rắn hổ mang đen. Con rắn không hề làm gì ông ấy, nhưng chính nỗi sợ hãi dường như đã bóp nghẹt trái tim và giết chết ông.

    Bệnh tim mạch di truyền trong họ hàng đã giết chết vài người thân nữa của Jauhar, khiến ông lớn lên và mang trong mình niềm đam mê mãnh liệt với trái tim, nhưng cũng kèm theo một nỗi sợ hãi. "Tôi sợ trái tim như sợ một đao phủ sẽ đến và hành quyết mọi người, ngay giữa giai đoạn đẹp nhất cuộc đời họ", Jauhar nói.

    Tốt nghiệp ngành y từ Đại học Washington, Jauhar trở thành giám đốc Chương trình Suy tim của Trung tâm Y tế Long Island Jewish tại Mỹ. Ông cũng là một cây viết thường xuyên đóng góp ý kiến cho The New York Times và là tác giả của 2 cuốn hồi ký y khoa bán chạy nhất nước Mỹ.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 2.

    Ở tuổi 45, bác sĩ Jauhar đón nhận căn bệnh tim mạch của mình như một định mệnh được sắp đặt. Mặc dù tập thể dục thường xuyên và duy trì một lối sống lành mạnh, ông dường như cũng không thoát được điều tất yếu mà những gen di truyền ẩn sâu trong gia đình đã ấn định.

    Ảnh chụp X quang cắt lớp mạch cho thấy ông có một động mạch vành bị tắc nghẽn. Và khi nhìn vào trái tim mình được vẽ lại bằng những tia bức xạ ấy, bác sĩ Jauhar đã phải giật mình đối diện với sự thật. 

    "Ngồi ngơ ngác trong căn phòng tối tăm, tôi đã thoáng nhìn thấy cách mà mình có thể chết", ông kể lại. Đó cũng là điều thôi thúc ông viết về lịch sử của trái tim.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 3.

    Hiểu biết của con người về trái tim đã đi qua một lịch sử dài hơn 5.500 năm, từ khi nó bị ảnh hưởng nặng nề bởi tôn giáo và tâm linh hơn là giải phẫu học.

    Khoảng những năm 3.500 trước Công Nguyên, người Ai Cập cổ đại đã biết trái tim là trung tâm của hệ thống mạch máu. Trong Ebers Papyrus, bản thảo giải phẫu lâu đời nhất thế giới, các nhà y thuật Ai Cập cổ đại ghi rằng trái tim là nơi cả máu, không khí, nước tiểu, và phân được điều tiết. Nó được coi là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể.

    Nhưng niềm tin tâm linh nhắc nhở họ rằng trái tim cũng là nơi chứa đựng trí thông minh, suy nghĩ và cảm xúc. Trái tim là nơi các vị thần nhìn vào một người chết. Trái với tất cả các cơ quan nội tạng được loại bỏ khi người Ai Cập ướp xác, trái tim sẽ được để lại đúng vị trí của nó trong cơ thể người chết.

    Những bức tường trong kim tự tháp và giấy cói của người Ai Cập ghi lại một nghi thức, trong đó, trái tim người chết được đem cân với chiếc lông của nữ thần Maat, biểu tượng của sự thật, đức hạnh và công lý. Nếu chiếc cân thăng bằng chứng tỏ trái tim tinh khiết và trong sạch, người chết sẽ nhận được một cuộc sống vĩnh cửu ở thiên đường. 

    Còn nếu chiếc cân bị lệch đi, trái tim sẽ bị nuốt chửng bởi Ammut, vị thần có đầu cá sấu, nửa thân trước sư tử, nửa thân sau hà mã và được mệnh danh là "kẻ nuốt linh hồn". Người chết sau đó sẽ bị đầy xuống Duat, địa ngục của họ.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 4.

    Ở Trung Quốc, một tài liệu y học có niên đại từ năm 2.600 trước Công Nguyên đã mô tả trái tim là nơi kiểm soát sự tuần hoàn máu trong cơ thể. Nhưng thú vị là cho đến thế kỷ 18, Vương Nhậm Thành, một danh y đời nhà Thanh vẫn khẳng định rằng trái tim không hề bơm máu. Thay vào đó, nó là nơi "khí" được điều vận và mang tới sức sống cho toàn bộ cơ thể.

    Ở Hy Lạp, khoảng thế kỷ thứ IV trước Công Nguyên, nhà triết học Aristotle quan sát thấy trái tim là bộ phận được hình thành đầu tiên từ trứng gà. Ông thậm chí đã phát hiện ra các buồng tim, nhưng chỉ mô tả trái tim có 3 buồng, là nơi khởi nguồn của động mạch, tĩnh mạch và cả hệ thần kinh.

    Aristotle cũng tiếp tục cho rằng trái tim là nơi chứa đựng trí tuệ, cảm giác và điều khiển chuyển động – nói nó là một cơ quan nóng và khô. Tất cả các cơ quan khác trong cơ thể tồn tại chỉ để hỗ trợ hoạt động của trái tim, bao gồm cả phổi và não, với nhiệm vụ làm mát nó.

    Kéo dài hàng thiên niên kỷ trong quá khứ, nhiều nền văn hóa đã sùng bái trái tim như là nơi chứa đựng cả cảm xúc và linh hồn. Từ đó, trái tim được lấy làm biểu tượng cho tình yêu, sự lãng mạn, cho nỗi buồn, sự chân thành và cả lòng can đảm.

    Mọi chuyện chỉ bắt đầu kết thúc ở thời kỳ Phục Hưng, khi kiến thức từ giải phẫu học dần thay thế cho niềm tin tôn giáo và tâm linh. Một bản vẽ của Leonardo da Vinci năm 1490 minh họa cho sự hiểu biết điển hình của các nhà y học thời đó về trái tim con người.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 5.

    Leonardo là người đầu tiên mô tả trái tim là một khối cơ gồm 4 khoang đúng với kiến thức hiện hành của chúng ta ngày nay, nó có 2 tâm thất và 2 tâm nhĩ. Ông cũng đánh đổ những quan niệm siêu hình khi nói rằng trái tim "không phải là khởi đầu sự sống". Nó chỉ là một khối cơ dày đặc được nuôi dưỡng bởi động mạch và tĩnh mạch như những cơ bắp bình thường khác trong cơ thể.

    Trái tim bắt đầu chuyển đổi thành một hình ảnh đan xen giữa thực tế giải phẫu học và những ý nghĩa văn hóa vẫn còn được duy trì từ quá khứ. Cho đến năm 1628, bác sĩ người Anh William Harvey khẳng định vai trò của trái tim trong cơ thể thực chất chỉ là để bơm máu vào động mạch để đi tới mọi bộ phận trong cơ thể.

    Nhà triết học người Pháp Rene Descarter ngay lập tức ủng hộ Harvey với việc so sánh cơ thể người chỉ như một cỗ máy. Trong khi ông nói hệ thống tiêu hóa như một dây chuyền chế biến thực phẩm, trái tim được Descarter ví như một cái máy bơm, không hơn không kém.


    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 6.

    Bây giờ, nhờ những kiến thức về giải phẫu và sinh lý học, chúng ta biết rằng trái tim không phải nơi chứa đựng "linh hồn" cũng như cảm xúc. Nó cũng không phải là thứ điều khiển suy nghĩ và hành động của chúng ta.

    Sự thật phũ phàng, trái tim chỉ đơn giản là một cái bơm giúp tuần hoàn máu khắp cơ thể. Nhưng nó cũng không hẳn là một cái bơm bình thường. Tim là cơ quan duy nhất có thể tự vận động, nó đập trung bình tới 3 tỷ lần trong suốt một đời người.

    Một ngày, trái tim của bạn bơm khoảng 7.000 lít máu và cứ thế một tuần, nó có thể hút cạn một hồ bơi. Đây cũng là lý do các bác sĩ không hề dám phẫu thuật tim cho đến cuối thế kỷ XIX, khi tất cả các cơ quan khác, bao gồm cả bộ não đã đều có thể được mổ xẻ.

    "Bạn không thể khâu một cái gì đó đang chuyển động, và bạn không thể cắt vào [trái tim] bởi bệnh nhân sẽ chảy máu đến chết", bác sĩ Jauhar nói.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 7.

    Chỉ cần tạo ra một cái bơm đủ tinh xảo, chúng ta có thể thay thế trái tim người thật?

    Trong cuốn sách mới của mình, bác sĩ Jauhar đã kể câu chuyện về những con người đã dũng cảm đi tiên phong trong phẫu thuật tim mạch. Cuối thể kỷ XIX, các bác sĩ chỉ có một giải pháp duy nhất khi muốn can thiệp vào tim một người bệnh. Họ phải mổ thật nhanh và khâu lại kịp thời trước khi bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì mất máu nặng.

    Một hướng đi khác là khiến trái tim ngừng đập để cuộc phẫu thuật diễn ra dễ dàng hơn. Nhưng ý tưởng này đòi hỏi phải có một thứ gì khác làm nhiệm vụ bơm máu?

    Trong khi máy móc ở thế ký XIX chưa đạt đủ trình độ làm thay nhiệm vụ của một cái bơm phức tạp, C. Walton Lillehei, một bác sĩ người Mỹ đã nảy ra một ý tưởng táo bạo: Nối mạch máu của người bệnh với một người người khỏe mạnh, để một trái tim sẽ bơm tuần hoàn cho cả 2 cơ thể trong khi cuộc phẫu thuật được thực hiện.

    Bác sĩ Lillehei đã thử nghiệm thủ thuật này trên chó, trước khi bắt đầu thực hiện nó trên người vào năm 1954. Có tổng cộng 44 cặp bệnh nhân và người khỏe mạnh đã được nối hệ thống tuần hoàn với nhau. 32 bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công trong quá trình này, trong khi đó 12 bệnh nhân đã chết.

    "Các nhà phê bình rất kinh ngạc", bác sĩ Jauhar nói. "Họ nói, đây là kiểu phẫu thuật đầu tiên trong lịch sử loài người có thể giết chết không chỉ một mà hai người cùng lúc".

    Rủi ro của quá trình này là nhiễm trùng và các biến chứng khác. Bệnh nhân đầu tiên sử dụng thủ thuật nối mạch máu này là một đứa trẻ 13 tháng tuổi bị khuyết tật vách ngăn tim. Trong khi bác sĩ Lillehei đã sửa chữa thành công khuyết tật ấy, đứa trẻ tử vong sau 11 ngày đóng lồng ngực vì viêm phổi.

    Mặc dù vậy, các ca phẫu thuật thành công đã ủng hộ ý tưởng của Lillehei, chỉ cần tạo ra một cái bơm để thay thế trái tim thật của người khỏe mạnh. Và thế là máy tim phổi, hay còn gọi là máy tuần hoàn ngoài cơ thể, ra đời.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 8.

    Máy tuần hoàn ngoài cơ thể là một cỗ máy bơm thực sự, nó thay thế công việc của cả trái tim và phổi bằng cách cung cấp oxy và đẩy máu đi khắp cơ thể. Nhờ quá trình này, các bác sĩ có thể ngưng tim người bệnh và giữ cho nó ở trạng thái tĩnh trong nhiều giờ bằng cách hạ thân nhiệt, qua đó thực hiện nhiều thủ thuật tim mạch phức tạp.

    Máy tim phổi hiện vẫn đang được sử dụng trong hơn 1 triệu ca phẫu thuật tim trên toàn thế giới mỗi năm. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học và kỹ sư y sinh đang cố gắng tạo ra những phiên bản thu nhỏ của nó, những trái tim nhân tạo lắp được vào lồng ngực cho những bệnh nhân suy tim. Về bản chất, chúng chỉ là những chiếc máy bơm được làm bằng nhựa và thép không gỉ.


    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 9.

    Bác sĩ Jauhar là người đã theo dõi tất cả những tiến bộ công nghệ vượt trội trong lĩnh vực tim mạch, từ phẫu thuật tim hở cho đến những trái tim nhân tạo.

    Nhưng bên cạnh những tiến bộ vượt trội về kỹ thuật ấy, ông cho rằng lĩnh vực tim mạch cần chú ý hơn đến các yếu tố cảm xúc có thể ảnh hưởng đến bệnh tim. Dường như việc coi trái tim đơn giản như một cái bơm vô tri đã khiến chúng ta quên mất mối liên hệ giữa trái tim và cảm xúc.

    "Ngày nay, chúng ta biết rằng trái tim không phải là nguồn gốc của cảm xúc", bác sĩ Jauhar viết. "Nhưng nó bị ảnh hưởng bởi cảm xúc". Y học đang tiến về một thái cực khác, chỉ ra mối liên hệ giữa cảm xúc và trái tim là có thật.

    "Các bác sĩ như tôi được đào tạo để coi trái tim như một cỗ máy, cỗ máy đó có thể được sửa chữa bằng các công cụ y học hiện đại. Tuy nhiên, việc thao tác sửa chữa đó bây giờ cần phải tính đến cả đời sống tình cảm của bệnh nhân, là thứ từ hàng ngàn năm trước đây, người ta từng coi trái tim là nơi chứa đựng".

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 10.

    Thực tế, những cảm xúc như nỗi đau và nỗi sợ hãi tột độ có thể gây ra chấn thương tim nghiêm trọng. Đó cũng có thể là lời giải thích cho cái chết của ông nội Jauhar. Khi ông ấy nhìn thấy con rắn hổ mang đen, các dây thần kinh kiểm soát nhịp tim có thể đã bị kích động quá mạnh, khiến các mạch máu co thắt, huyết áp tăng lên, gây ra tình trạng tim xung huyết và cướp đi mạng sống của người đàn ông 57 tuổi.

    Hội chứng "trái tim tan vỡ", hay còn gọi là tình trạng rối loạn cơ tim Takotsubo, đã được các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện từ thập niên 90. Trong đó, cơ tim có thể bị suy yếu nghiêm trọng sau khi ai đó phải đối mặt với trải nghiệm căng thẳng do đau buồn, một cuộc chia tay hoặc cái chết của người vợ hoặc chồng.

    Vì một lý do nào đó chưa rõ, hội chứng "trái tim tan vỡ" thường xuất hiện ở phụ nữ. Họ có thể bị đau ngực, khó thở, suy tim sung huyết và đe dọa tính mạng ngay cả khi không có tiền sử bệnh tim mạch. Hình ảnh siêu âm tiết lộ tâm thất trái bị phình to, biến trái tim của họ thành một hình dạng giống chiếc bình Takotsubo mà người Nhật Bản xưa dùng để bẫy bạch tuộc.

    Khám nghiệm tử thi của những bệnh nhân tử vong cho thấy những dấu hiệu tổn thương và tế bào chết.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 11.

    Một nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ vừa công bố tại Hội thảo Khoa học của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ 2018 cho thấy: Khoảng 10% những người mắc hội chứng "trái tim tan vỡ" gặp phải biến chứng sốc tim khiến trái tim bị suy yếu và không bơm đủ máu để đáp ứng với nhu cầu cơ thể.

    Khoảng 2,4% bệnh nhân đã tử vong trong lần gặp hội chứng cấp tính đầu tiên. Ngay cả ở những bệnh nhân may mắn sống sót, họ vẫn có tỷ lệ tử vọng là 40% sau 5 năm, gấp 4 lần so với những người không gặp phải hội chứng "trái tim tan vỡ" cấp tính.

    Ngoài đau buồn về mặt tình cảm, các trường hợp mắc hội chứng Takotsubo có thể xuất hiện sau khi ai đó gặp các căng thẳng như bị sốc vì thua cờ bạc, phải nói trước đám đông, tức giận trong một cuộc tranh cãi, bị sa thải, bị lạm dụng hoặc thậm chí là quá bất ngờ trong bữa tiệc sinh nhật.

    Bên cạnh đó, hội chứng "trái tim tan vỡ" cũng có thể bùng phát như dịch bệnh dưới một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn như sau thảm họa động đất năm 2004 ở đảo Honshu Nhật Bản, các nhà khoa học tìm thấy tỷ lệ mắc Takotsubo ở khu vực gần tâm chấn tăng lên tới 24% trong vòng 1 tháng.

    Có thể 60 nạn nhân tử vong và hàng ngàn người bị thương trong trận động đất này đã kích hoạt một làn sóng Takotsubo.

    Trái tim: Nơi chứa đựng cảm xúc hay chỉ là một cái máy bơm không hơn không kém? - Ảnh 12.

    Trái ngược với trái tim tan vỡ, những trái tim hạnh phúc cũng được chứng minh giúp chữa lành vết thương. Trong một nghiên cứu được trích dẫn bởi bác sĩ Jauhar, 48 bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành từ trung bình đến nặng đã được chia thành 2 nhóm. Một nhóm để tự nhiên, trong khi nhóm còn lại được tư vấn tấm lý và lối sống để kiểm soát căng thẳng.

    Sau 1 năm, các bệnh nhân thuộc nhóm được tư vấn đã giảm được 5% các mảng xơ vữa. Ngược lại, nhóm đối chứng có các mạch máu bị tắc nghẽn thêm 5% sau 1 năm và 28% sau 5 năm. Họ cũng gặp phải nhiều biến cố tim mạch gấp đôi so với nhóm được tư vấn.

    Các nhà nghiên cứu nói rằng nhiều bệnh nhân trong nhóm đối chứng thậm chí đã ăn kiêng và tập thể dục nhiều hơn cả nhóm được tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, bệnh tim của họ vẫn tiến triển, cho thấy việc quản lý căng thẳng có tác dụng hơn đối với bệnh nhân tim mạch, so với việc chỉ ăn kiêng và tập thể dục.

    Vì những lý do này, bác sĩ Jauhar cho rằng các cơ quan y tế nên liệt kê căng thẳng cảm xúc như một yếu tố nguy cơ chính có thể ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, tương tự như nồng độ cholesterol, huyết áp và thói quen hút thuốc.

    Theo một số nghiên cứu, các bác sĩ chỉ dành cho bệnh nhân vỏn vẹn 11 giây để nghe họ nói về các triệu chứng khi tới khám. Nhưng kể từ khi viết "Heart: A History", Jauhar đã cố gắng dành nhiều thời gian hơn, lắng nghe bệnh nhân của mình kể về những muộn phiền trong đời sống tình cảm của họ.

    Để đối phó với bệnh động mạch vành của chính mình, ông cũng đã thử tập yoga và thiền để giảm căng thẳng. Jauhar cũng dành nhiều thời gian hơn cho con cái, và cũng từ khi phát hiện mình mắc bệnh, ông thấy đồng cảm và thấu hiểu với bệnh nhân hơn.

    "Tôi đã từng bị đẩy vào giữa vòng xoáy bất tận của cuộc đời, điều có lẽ đã khiến tôi tự gánh lên mình những căng thẳng quá mức chịu đựng", ông nói. "Bây giờ, tôi phải tìm cách để sống khỏe mạnh hơn một chút, làm sao cho cuộc sống thoải mái hơn. Tôi cũng đã hiểu hơn bệnh nhân của mình và cảm giác được nỗi sợ hãi đến từ trái tim của chính họ".

    Tham khảo tư liệu Nytimes

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày