TransferJet - công nghệ truyền dữ liệu nhanh nhất thế giới trên Bphone bây giờ ra sao?

    Minh Trang,  

    "Hãy quên NFC đi, Bphone với TransferJet mới là xu hướng mới của tương lai". Đây là câu nói của ông Nguyễn Tử Quảng khi nói về TransferJet cách đây hơn 2 năm tại sự kiện ra mắt Bphone. Vậy, 2 năm đã trôi qua, tương lai ấy giờ đây như thế nào?

    Hai năm trước, tại buổi ra mắt Bphone, một trong những công nghệ đột phá được BKAV nhấn mạnh nhiều nhất ở chiếc máy này là TransferJet. Đây là một phương thức truyền tải dữ liệu giữa các thiết bị trong khoảng cách gần, và Bphone là chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị công nghệ này. Để nói về TransferJet, Ông Nguyễn Tử Quảng nhận định nó là "sự khởi đầu cho một xu hướng mới của thế giới công nghệ trên toàn cầu".

    Clip giới thiệu tính năng TransferJet trong buổi ra mắt Bphone thế hệ đầu tiên

    Hai ưu điểm chính của TransferJet được giới thiệu là tốc độ và tính dễ sử dụng. Về tốc độ, TransferJet có thể đạt đến mức 200Mbps, "chỉ chưa đến 30 giây cho một bộ phim HD dung lượng 1GB" . BKAV sau đó có so sánh tốc độ của TransferJet so với NFC, Wi-Fi Direct và Bluetooth, và khẳng định TransferJet nhanh hơn 500 lần so với các chuẩn này.

     TransferJet nhanh hơn 500 lần so với Wi-Fi Direct, Bluetooth và NFC

    TransferJet nhanh hơn 500 lần so với Wi-Fi Direct, Bluetooth và NFC

    Về tính dễ sử dụng, tất cả những gì người dùng cần làm để chuyển dữ liệu qua TransferJet là chạm hai thiết bị với nhau. Ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ: "TransferJet sẽ thay thế các phương thức truyền dữ liệu truyền thống phức tạp, khi phải kết hợp giữa NFC với Wi-Fi Direct hay Bluetooth. Những phương thức cũ không phải ai cũng có thể làm được. Chúng tôi quan sát thấy bạn bè, người thân xung quanh không phải là dân công nghệ, họ không thể dùng được."

     Người dùng chỉ cần chạm hai chiếc Bphone vào nhau là đã có thể truyền dữ liệu

    Người dùng chỉ cần chạm hai chiếc Bphone vào nhau là đã có thể truyền dữ liệu

    "Sẽ thật tiện nghi nếu bạn ngồi vào bàn làm việc, đặt điện thoại cạnh máy tính và dữ liệu được truyền ngay lập tức. Sẽ không phải cắm rút, không phải USB. Đơn giản chỉ là chạm. Và điều này các bạn chỉ có thể thấy trong các bộ phim viễn tưởng trước đây. Thật không thể tin được".

    "Hãy quên NFC đi, Bphone với TransferJet mới là xu hướng mới của tương lai".

     Với hàng loạt những ưu điểm, BKAV coi TransferJet là tương lai của thế giới di động

    Với hàng loạt những ưu điểm, BKAV coi TransferJet là tương lai của thế giới di động

    Và giờ đã hai năm trôi qua, liệu thứ tương lai đầy triển vọng của TransferJet có trở thành sự thật? Đúng như những gì mà nhiều người đã đoán trước, câu trả lời là không.

    Vấn đề của TransferJet không nằm ở tốc độ hay tính tiện dụng, khi tính đến thời điểm hiện tại, nó vẫn là một trong những chuẩn truyền dữ liệu cho tốc độ cao nhất và cách thức sử dụng đơn giản nhất. Mà, vấn đề của nó là tìm ra một người dùng Bphone thứ hai để có thể chuyển dữ liệu qua lại, hay tìm một thiết bị nào khác Bphone có hỗ trợ TransferJet.

     Chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội được trải nghiệm tính năng TransferJet do chưa tìm được một chiếc Bphone thứ 2​

    Chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội được trải nghiệm tính năng TransferJet do chưa tìm được một chiếc Bphone thứ 2​

    Thật vậy, mặc dù Bphone đã có mặt được hơn hai năm, nhưng chúng tôi phải thú nhận với các bạn rằng chưa một lần chúng tôi được trải nghiệm tính năng TransferJet của nó vì... kiếm đâu ra thêm một máy thứ hai hỗ trợ tính năng này để mà thử! Bên cạnh Bphone, chiếc smartphone duy nhất còn lại hỗ trợ TransferJet là Fujitsu Arrows NX F-04G, vốn chỉ được bán tại Nhật Bản. Chúng tôi từng hân hoan thông báo với các bạn khi tìm ra được chiếc smartphone thứ hai tích hợp TransferJet, hy vọng rằng công nghệ này sẽ có cơ hội cất cánh. Nhưng rồi sau đó, chẳng thêm một hãng nào tung ra sản phẩm sử dụng TransferJet nữa, và số lượng smartphone hỗ trợ nó cứ mãi mãi dừng lại ở con số 2.

     Fujitsu Arrow NX F-04G - chiếc smartphone hiếm hoi còn lại được tích hợp công nghệ TransferJet

    Fujitsu Arrow NX F-04G - chiếc smartphone hiếm hoi còn lại được tích hợp công nghệ TransferJet

    Còn với PC, để sử dụng TransferJet, người dùng sẽ phải mua thêm một adapter cắm cổng USB do Toshiba sản xuất. Hiện tại, người dùng sẽ không thể mua được adapter này tại Việt Nam do không một đơn vị nào bày bán (kể cả BKAV). Cách duy nhất để sở hữu nó là đặt hàng từ nước ngoài, mà cụ thể là từ Amazon với giá khoảng 50 USD. Tuy nhiên, nhìn vào tình trạng đìu hiu của các sản phẩm này (phần lớn đều không có lượt đánh giá nào, có lẽ do chẳng có mấy ai mua), có thể thấy công nghệ này không thật sự phổ biến ngay cả ở cả nước ngoài chứ không riêng gì Việt Nam.

     Adapter TransferJet dành cho PC với giá 50 USD

    Adapter TransferJet dành cho PC với giá 50 USD

    Một phụ kiện khác hỗ trợ TransferJet cũng đến từ Toshiba là thẻ nhớ SD. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, người dùng thậm chí còn không thể mua được chiếc thẻ nhớ này ngay cả ở trên Amazon hay các trang thương mại điện tử lớn khác.

     Thẻ nhớ SD hỗ trợ TransferJet luôn ở tình trạng không có hàng

    Thẻ nhớ SD hỗ trợ TransferJet luôn ở tình trạng không có hàng

    Thế mới biết rằng, đôi khi không phải cứ tốt nhất là sẽ được người dùng đón nhận. TransferJet nhanh nhất, cách thức truyền dữ liệu cũng đơn giản nhất, nhưng nó lại là một chuẩn mà không phải nhà sản xuất nào cũng có thể tích hợp, trái ngược lại hoàn toàn với Wi-Fi, Bluetooth - những thứ mà mọi smartphone hay máy tính đều cần phải có.

    Câu chuyện của TransferJet khiến tôi liên tưởng tới chuẩn Wi-Fi 802.11a mà ít người biết đến. Vào thời điểm đó các thiết bị 802.11a bắt đầu xuất hiện trên thị trường, 802.11b là chuẩn Wi-Fi phổ biến nhất và được sử dụng rộng rãi (sở dĩ 802.11b có mặt trên thị trường sớm hơn là do 802.11a bị trì trệ quá lâu). 802.11a có rất nhiều ưu điểm so với 802.11b, bao gồm việc sử dụng băng tần 5Ghz và cho tốc độ lên đến 54Mbps (so với 11Mbps của 802.11b). Nhưng rồi, 802.11a vẫn nhanh chóng thất bại do nó không có khả năng tương thích với các thiết bị cũ. Bài học từ câu chuyện này cũng như TransferJet: khi không phải cứ nhanh hơn, tốt hơn là sẽ đồng nghĩa với việc đó là một giải pháp thích hợp dành cho người tiêu dùng.

    Mặc dù về mặt lý thuyết thì TransferJet vẫn chưa chết, nhưng trong lòng của các nhà sản xuất và quan trọng hơn là người dùng thì đây đã là một chuẩn của quá khứ. Vậy liệu Bphone 2 có tích hợp TransferJet hay không? Tôi cũng không rõ. Nếu BKAV tin vào tương lai của công nghệ này và vẫn muốn tích hợp nó vào sản phẩm... thì cũng sẽ chẳng một ai có thể ngăn cấm BKAV làm điều này. Và tôi, một người tiêu dùng, cũng không cảm thấy quá bận tâm, vì nếu không dùng thì tắt đi là xong.

    Đương nhiên, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ rằng sẽ là tốt nhất nếu BKAV có thể gỡ bỏ hoàn toàn công nghệ này khỏi Bphone 2, và giành diện tích và chi phí của các linh kiện TransferJet cho một thứ gì đó thiết thực hơn, ví dụ như một hệ thống camera tốt hay một viên pin dung lượng lớn. Khi nhìn vào Apple, Samsung, hay gần gũi hơn là "bạn đồng hương" Mobiistar, smartphone của họ tuy truyền dữ liệu chậm hơn Bphone mà vẫn bán chạy hơn mình, có lẽ BKAV nên tập trung vào những yếu tố cơ bản, những điều mà người dùng được hưởng lợi nhiều nhất thay vì cái danh "hàng đầu thế giới".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày