Trên tay bo mạch chủ Asus Maximus IX Extreme: Dành riêng cho giới Liquid Cooling

    Durian,  

    Một chiếc bo mạch chủ chỉ dùng cho tản nhiệt bằng chất lỏng thì sẽ khác gì một bo mạch chủ thông thường? Điều đầu tiên chúng ta có thể biết là nó nặng hơn rất nhiều lần.

    Trong suốt những năm vừa qua Maximus Extreme luôn là bo mạch chủ đắt đỏ nhất trong dòng sản phẩm gaming cao cấp của Asus bởi sự trau chuốt về thiết kế cũng như chất lượng linh kiện trên bo mạch luôn làm hài lòng những nhà kĩ thuật cũng như những người chơi “sành” nhất. Năm nay khi thế hệ vi xử lý mới ra đời thì Asus lại được dịp tung ra Maximus IX Extreme cực độc trên thị trường bo mạch chủ không phải bởi tính năng gì đặc biệt cho lắm mà là một chiêu bài lạ bởi vì chúng được tạo ra dành riêng cho những người sử dụng hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thay đổi đến với cấu trúc của một bo mạch chủ nếu nó dành riêng cho hệ thống tản nhiệt nước.

    Đập hộp sản phẩm:

    Vừa cầm chiếc hộp trên tay thì cái cảm giác khác biệt đầu tiên so với hơn chục chiếc bo mạch chủ cao cấp lớn nhỏ khác nhau mà tôi được cầm trên tay đó chính là trọng lượng. Extreme nặng gấp nhiều lần so với một hộp đựng bo mạch chủ thông thường là bề dày cũng có phần nhỉnh hơn một chút so với các vỏ hộp cùng thuộc dòng Maximus IX khác. Phong cách thiết kế vỏ hộp thì chẳng có gì thay đổi so với các sản phẩm cùng dòng khác như Hero mà chúng tôi có dịp đánh giá cách đây ít lâu. Khi mở hộp ra thì sản phẩm cũng nằm ngay sau lớp giáp nhựa rất rõ ràng và có lẽ điều thú vị đều nằm ở phần đáy hộp.

    Sau khi nhấc khay đựng bo mạch chủ lên điều tôi thấy là rất nhiều khay và hộp nằm ở mặt dưới và đây chính là lý do khiến hộp của Extreme trở nên nặng như vậy.

    Đầu tiên phải kể đến đó là chiếc mono block được OEM bởi Bitspower rất đẹp với hầu hết phần nắp trên là nhựa chịu nhiệt được làm nhám mịn để cho hiệu ứng led có thể xuyên qua, phủ bên trên phần nắp này lại là một tấm giáp hợp kim được phay xước nhìn ánh lên vẻ kim khí rất chất. Logo ROG cũng như những đường họa tiết theo phong cách người Maya tiếp tục xuất hiện trên trên bề mặt này. Ở mặt dưới hoàn toàn là hợp kim dẫn nhiệt mạ crom chống rỉ sáng bóng, bề mặt này sẽ tiếp xúc trực tiếp với các mosfet trên cụm phase nguồn của CPU cũng như với chính CPU để thực hiện nhiệm vụ tản nhiệt cho khu xử lý trung tâm cũng như mạch VRM. Đây cũng là một trogn những lý do khiến chiếc hộp bị đội cân lên rất nhiều. Trên mono block này có 2 sợi cáp dùng để cấp nguồn, một là cho chiếc quạt quay nước bên trong 2 là một đầu 4 pin để thắp sáng chiếc block này cùng hiệu ứng đèn RGB đồng bộ với hệ thống RGB Sync của Asus.

    Để có thể gắn chiếc mono block lên bo mạch chủ, chúng ta cần có tấm backplate màu đen này và một lớp đệm cao su chèn ở giữa để tránh những hư hại gây ra do việc bắt backplate quá chặt gây cong, gãy mạch.

    Nối xuống cạnh dưới của Mono block là một heatsink nhỏ nhưng cũng khá năng với logo Extreme rất sắc nét ở bên trên, theo như hình ảnh minh họa của Asus thì chiếc Heatsink này nằm ngay bên trên vị trí của khe cắm SSD M.2 vì thế rất có thể Asus là hãng thứ 2 lắp hệ thống tản nhiệt cho thiết bị này bên cạnh MSI nhưng thay vì một tấm hợp kim nhỏ thì đây là một phiến heatsink lớn tuy nhiên là hiệu quả tản nhiệt đến đâu thì chúng ta chưa thể biết cho đến khi test được.

    Cũng như mọi khi thì số lượng phụ kiện của Asus dành cho dòng Maximus là rất nhiều. Đầu tiên phải kể đến những thứ cơ bản mà mỗi bộ phụ kiện của ROG đều có là một quyển sách hướng dẫn, một miếng bìa cứng tròn hình như để lót cốc thì phải, một sticker bằng kim loại và một bộ label để đánh dấu những sợi cáp cho khỏi bị nhầm lẫn.

    Đáng kể nhất trong những phụ kiện của Asus là chiếc Anten thần thánh cực độc mang dấu ấn riêng qua rất nhiều đời sản phẩm, vài con ốc của bộ phụ kiện nào đó, và đặc biệt là các loại trình điều khiển cũng như phần mềm trợ năng đều được đặt trong một chiếc USB Flash nhỏ nhắn chứ không phải là chiếc đĩa CD như mọi khi nữa.

    Hệ thống dây cáp và đầu cắm đi kèm cũng rất nhiều và đang dạng bao gồm tới 4 cặp dây SATA III 6Gb/s, các sợi cáp nối dài cho những chiếc fan, pump, rad có thể được đặt ở nhiều vị trí linh hoạt hơn mà không sợ ảnh hưởng đến thẩm mĩ khi đi dây. Toàn bộ linh kiện có thể cắm lên mạch phụ chứ không cần cắm trực tiếp vào mạch chính nữa. Một cầu Sli HB hỗ trợ kết nối 2 VGA NVidia Series 10 bắt đầu từ 1070 trở lên. Một vài con ốc bắt SSD hoặc các dụng cụ trang trí được sản xuất trên máy in 3D.

    Nhiều người sẽ thắc mắc về sự biến mất của tấm chặn main thường thấy trên các sản phẩm khác thì câu trả lời chính là nó được đính sẵn trên main rồi nên chúng ta sẽ không cần phải mất công quên quên nhớ nhớ để lắp nó vào trước khi gắn bo mạch chủ lên case nữa.

    Về tổng thể chiếc bo mạch chủ nếu không được gắn mono block lên thì trông khá là “trần trụi” bởi nếu đã là fan của Asus ROG thì hầu hết những dòng bo mạch chủ Z270 đều được thiết kế khá là đầy đặn. Phần I/O shield cực ngầu kéo dài miên man xuống đến khu vực mạch Audio, trong khi PCH được làm khá bành trướng chắn luôn cả khe M.2 ở phía dưới nhưng cũng rất ngầu và trông có phần hợp lý nếu toàn bộ linh kiện được gắn lên.

    Tổng kết:

    Thông qua những gì chúng ta được chiêm ngưỡng từ bên ngoài về chiếc bo mạch chủ đắt giá của Asus thì có thể thấy rằng họ đã rất tỉ mỉ và chăm chút cho từng chi tiết để khẳng định rằng bản thân mình là nhà sản xuất bo mạch chủ hàng đầu thị trường. Tuy nhiên thật đáng tiếc khi một sản phẩm cao cấp nhất lại tự thu hẹp lượng khách hàng của mình lại. Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi sẽ để dành phần đánh giá chi tiết về sản phẩm cũng như hiệu năng lại sau đây.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ