Đánh giá bàn phím cơ nay đã 30 tuổi của IBM: Già nhưng vẫn rất chất chơi

    Dee Tee,  

    Đây là chiếc bàn phím cơ đầu tiên dành cho máy tính.

    Có lẽ hầu hết chúng ta đều đã khá quen thuộc với khái niệm "phím cơ", cùng với đó là nhiều tên tuổi trong lĩnh vực này như Cherry, Razer hay Ducky. Nhưng nếu hỏi về một bàn phím xuất hiện từ những năm 80 của thế kỷ 20, có lẽ không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời.

    Năm 1981, IBM ra mắt chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của họ, và tới năm 1986, hãng này cũng ra mắt sản phẩm bàn phím máy tính đầu tiên, có tên IBM Model M. Được xếp vào loại bàn phím "Buckling-spring", bởi thời điểm đó khái niệm "Mechanical Keyboard" (phím cơ) chưa thực sự được hình thành. Tuy nhiên, với kết cấu dưới mỗi phím có một lò xo và hoạt động mang tính cơ học, cho tới sau này người ta vẫn coi IBM Model M là một sản phẩm bàn phím cơ, chiếc bàn phím cơ dành cho máy tính đầu tiên.

    Nói thêm về lịch sử của sản phẩm này, ra mắt vào năm 1986, IBM Model M khi đó còn có thêm một phiên bản mang mã hiệu "SSK" (Space Saving Keyboard), không có phần phím Numpad, nay các sản phẩm tương tự được gọi là "TKL" (Tenkeyless). Ngoài ra còn có khá nhiều phiên bản khác của chiếc bàn phím huyền thoại này, bao gồm khả năng tháo rời dây, nhỏ gọn hơn cũng như được bổ sung một số phím chức năng khác.

    Cho tới tận ngày hôm nay, những chiếc bàn phím IBM Model M vẫn nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng máy tính, bởi cảm giác bấm cũng như sự bền bỉ qua thời gian của nó. Mặt khác, một số người hoài cổ cũng coi IBM Model M như một món đồ đáng để sưu tầm.

    Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ về thiết kế, điểm đặc biệt trong sử dụng cũng như cảm giác bấm của chiếc bàn phím cơ có tuổi đời gần bằng người viết.

    Giới thiệu qua về "người bạn" của tôi, đây là chiếc IBM Model M "Made in USA" bởi Lexmark vào ngày 11/11/1993. Nó có thiết kế của một chiếc bàn phím đầy đủ, với 101 phím bấm, sử dụng cổng kết nối PS/2, thông số cơ bản của những chiếc IBM Model M thông thường.

    Gần 23 năm từ ngày xuất xưởng, chiếc bàn phím này hiện vẫn nằm trên bàn làm việc của tôi và được sử dụng mỗi ngày. Tôi mua nó trên mạng cách đây vài tháng, số tiền tôi bỏ ra cho chiếc bàn phím khá cũ, bụi bặm và xước xát nhưng vẫn hoạt động vô cùng hoàn hảo này chỉ vỏn vẹn 800.000 VNĐ. Đó là một món hời, xét trên hiệu quả sử dụng của nó.

    Thiết kế

    Là một trong những chiếc bàn phím máy tính có mặt sớm nhất trên thị trường, thậm chí thời điểm đó những chiếc máy tính Windows còn chưa phổ biến. Có thể coi IBM chính là hãng đã phần nào hình thành nên thiết kế cơ bản của một chiếc bàn phím máy tính hiện đại, với đầy đủ các phím chức năng vẫn được sử dụng tới ngày nay.

    Trước đó, các sản phẩm phím trên máy đánh chữ hay được tích hợp thẳng vào máy tính cá nhân, hoặc có thể kể tới chiếc TRS-80 của Apple từ cuối những năm 1970 chưa có đầy đủ các thành phần như trên IBM Model M.

    Điểm đặc biệt nhất trong thiết kế của Model M có lẽ tới từ vị trí phím Windows bị khuyết mất. Sản phẩm này được xếp vào loại bàn phím có layout Winkeyless, và cũng không có phím Menu quen thuộc hiện nay.

    Lý giải cho điều này, có lẽ ở thời điểm được ra mắt, hệ điều hành Windows lúc đó của Microsoft vẫn còn chưa được phổ biến. Năm 1986, khi IBM Model M lần đầu tiên được bán ra, Windows lúc đó mới chỉ dừng lại ở phiên bản 1.0, và phải tới năm 1995 khi Windows 95 xuất hiện, phím "cửa sổ" mới có thể phát huy tác dụng của nó. Mặt khác, nhiều người cho rằng chính mối quan hệ không được tốt đẹp giữa 2 ông lớn này là lý do khiến IBM chẳng mặn mà để Model M hỗ trợ cho hệ điều hành của đối thủ.

    Tới nay, khi sử dụng bàn phím này trên một hệ điều hành tân tiến là Windows 10, việc thiếu đi 2 phím bấm Windows đôi khi gây ra một vài sự khó chịu. Giải pháp cho các bạn là hãy cài các phần mềm cài đặt phím bấm để tạo ra một phím Windows khác, như phím Alt bên phải chẳng hạn.

    Ngoại hình của IBM Model M mang vẻ đặc trưng của những thiết bị công nghệ tới từ thiên niên kỷ trước. To, thô kệch và nhiều các chi tiết thừa, nó chiếm một diện tích lớn trên bàn làm việc, dù vậy tôi cũng không cảm thấy quá phiền vì điều này. Như đã nói ở trên, vẻ cổ điển của nó cũng là một trong những lý do để nhiều người dùng săn đón.

    Qua những hình ảnh dưới đây, bạn có thể dễ dàng nhận ra những vết xước, rồi là sự ố bẩn trên nhiều phím bấm theo thời gian.

    Cảm giác bấm

    Không sử dụng switch bấm thông thường như Cherry MX hay Kailh giống các bàn phím cơ hiện nay, dưới mỗi phím bấm của IBM Model M là "Buckling-Spring" cơ học, thiết kế rất đơn giản nhưng lại vô cùng bền bỉ cũng như mang lại cảm giác bấm tuyệt vời.

    Để hình dung tốt nhất về cảm giác bấm của chiếc bàn phím này, tôi xếp nó ngang với các switch bấm clicky hiện tại, nhưng nặng hơn 1 chút, và thay vì tiếng "click click" khi bấm xuống, nó phát ra âm thanh giống như tiếng chuông xe đạp vậy. Chưa hết, âm thanh khi keycap chạm xuống đáy (bottom out) là khá lớn, nên có thể coi IBM Model M hay các bàn phím Buckling Spring là những bàn phím ồn ào nhất. Dưới đây là một video ghi lại âm thanh khi gõ phím.

    Âm thanh gõ phím từ IBM Model M.

    Cấu trúc phím bấm

    Nếu như switch bấm hiện tại được các nhà sản xuất như Cherry hay Kailh được "đóng gói" gọn gàng và có stem gắn chặt giúp dễ dàng tháo lắp keycap, thì với Buckling Spring mọi thứ thô sơn hơn như vậy rất nhiều.

    Nhấc keycap ra, chúng ta sẽ bắt gặp một phần mũ khác che đi lò xo phía dưới. Bạn cũng có thể dễ dàng cậy phần mũ này ra, thậm chí là thay lò xo để tăng giảm lực bấm phù hợp với tay mình. Sau thời gian dài sử dụng, lò xo có thể không còn tốt khi mới xuất xưởng, khiến cảm giác bấm giữa các phím không đều nhau.

    Tổng quan

    IBM Model M xứng đáng là một chiếc bàn phím thú vị mà bạn nên thử qua, trải nghiệm nó mang lại khác biệt hoàn toàn các bàn phím cơ hiện nay, âm thanh nó phát ra cũng vậy. Không cần tới đèn LED màu mè hay macro các phím cho game, sản phẩm này có những điểm đặc trưng, từ chính cái vẻ thô kệch và cổ điển của nó.

    Hiện nay, nếu may mắn lục trong kho được một chiếc Model M được sản xuất từ những năm đầu, được bảo quản tốt, không ít người sẵn sàng trả cho bạn vài triệu đồng để sở hữu một sản phẩm như vậy.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày