Trực thăng made in Vietnam: Được thử nghiệm, thêm kỳ vọng

    PV,  

    Đã được cấp phép bay thử nghiệm, nên sau khi thành công, ông Hiển dự định sẽ lắp thêm động cơ phun thuốc trừ sâu cho trực thăng.

    Trao đổi với Đất Việt, ngày 25/5, kỹ sư Bùi Hiển (62 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cho biết, ông đang nỗ lực tập lái với hình thức bay treo, cách mặt đất 1m, cho đủ số giờ bay với siêu phẩm máy bay tự chế của mình.

    "Hiện nay, chủ yếu tôi tập bay treo, bay vòng quanh 1 điểm cố định, khoảng cách với mặt đất chừng 1m, thời gian dừng trên không hiện nay đã tăng lên 15 - 20 phút.

    Chi phí dành riêng cho việc đổ xăng máy bay hết khoảng 200.000 đồng/lần tập, vì nếu tính ra là 1h bay mất khoảng 15 lít xăng. Tôi đã phải gác bỏ mọi công việc chỉ tập trung cho vấn đế tập lái, kiểm tra rà soát những trục trặc nếu có xảy ra của chiếc máy bay này", ông Hiển chia sẻ.

     Trực thăng của kỹ sư Bùi Hiển cách mặt đất 25cm.

    Trực thăng của kỹ sư Bùi Hiển cách mặt đất 25cm.

    Theo ông Hiển cho biết, số tiền đổ xăng cho máy bay vừa đủ bằng số tiền lương hưu trí ông có được. Ông có thể không ăn uống nhưng không thể không đi tập bay.

    Về việc cấp giấy phép bay, ông Hiển cho biết: "Tôi đã làm thủ tục đầy đủ gửi ra ngoài Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam, đã nhận được sự đồng ý, giờ chỉ đợi ngày ra lấy. Thực sự với tôi đây là thông tin vui thật là vui".

    Thế nhưng, theo ông Hiển, giấy phép này chỉ được bay trong ngày, ngày hôm sau hết hạn thì không được bay nữa, nên chỉ mong sức khỏe ổn định, động cơ ổn định để đạt được thử nghiệm bay hoàn chỉnh nhất.

    Vì thế, ông Hiển dự định sẽ tập bay hết tháng 6, phải bay thành thục rồi sau đó mới ra Hà Nội lấy giấy phép về để bay thử.

     Sau tháng 6, ông Hiển sẽ xin giấy phép bay thử nghiệm.

    Sau tháng 6, ông Hiển sẽ xin giấy phép bay thử nghiệm.

    Thậm chí, ông Hiển tiết lộ thêm: "Việc cấp phép tôi được hoàn toàn miễn phí. Nơi bay thử nghiệm là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), nên tôi dự định sẽ dùng xe du lịch kéo máy bay này đi xuống đó để bay thử. Khoảng cách bay tôi dự định là 10m tính từ mặt đất. Khi bay ở độ cao trên tôi sẽ phải đổi thành bình xăng 45 lít/h.

    Còn hiện nay đi bay thử tôi vẫn kéo đi ra bãi tập, nơi trống không có người xung quanh, trọng lượng cũng không quá nặng, nên cũng dễ di chuyển".

    Nói về dự định trong tương lai, sau khi bay thử nghiệm thành công, ông Hiển cho biết, sẽ làm hệ thống đi phun thuốc trừ sâu để cho bà con nông dân xem, rồi đưa trực thăng về cất vào xưởng.

    Nói về lý do không triển khai nhân rộng, ông Hiển tâm sự: "Cái này phải cần có sự cho phép của nhà nước, nếu được khuyến khích nhân rộng thì tôi sẽ triển khai. Tôi mong khi thử nghiệm thành công thì cũng mong được ủng hộ, để giúp ích cho bà con trong sản xuất nông nghiệp vì sẽ tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả cao.

    Bởi vì, máy bay của tôi có thể chở 1 người ngồi và chở thêm 60 kg thuốc trừ sâu lên những cánh đồng lớn, hay những vườn cao su tưới một cách dễ dàng và nhanh chóng, trong khi những chiếc máy phun hiện nay vẫn chưa thể phun lên tới ngọn cây cao su.

    Chưa kể, người nông dân phải chạy từng hàng cây một để phun thuốc, tốn kém nhiên liệu và sức lực. Nếu thuê một chiếc trực thăng, chỉ trong 1 giờ thì một cách đồng lớn sẽ được phun nhanh chóng. Và nó cũng có thể được áp dụng rất nhiều vào các công việc khác".

    Theo Báo Đất Việt

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ