Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi sang điện tái tạo nhưng ô nhiễm không khí lại vô tình làm giảm lượng điện Mặt Trời tạo ra

    Thiên Long,  

    Ô nhiễm không khí lại đang chính là nguyên nhân hàng đầu làm giảm hiệu quả sản xuất điện Mặt Trời tại quốc gia tỷ dân.

    Trung Quốc đang tích cực "xanh hóa" nền kinh tế bằng việc triển khai nhiều dự án năng lượng Mặt Trời, nhằm giảm các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên những nỗ lực đó của Trung Quốc lại vô tình bị tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng phủi đi dễ dàng.

    Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi sang điện tái tạo nhưng ô nhiễm không khí lại vô tình làm giảm lượng điện Mặt Trời tạo ra - Ảnh 1.

    Tình trạng ô nhiễm khói bụi dày đặc tại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc đang ngăn cảnh ánh sáng Mặt Trời tiếp xúc với các tấm pin năng lượng. Khói bụi không chỉ tạo ra các vấn đề sức khỏe cho người dân mà còn làm giảm hiệu suất sản sinh điện tái tạo.

    Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Energy tiết lộ mới đây cho biết, có tới 15% năng lượng Mặt Trời bị mất đi một cách lãng phí vì ô nhiễm không khí tại Trung Quốc.

    Tin tốt là nếu Trung Quốc kiểm soát và cố gắng hạ thấp được mức độ ô nhiễm không khí bằng mức những năm 1960, hiệu quả sản xuất năng lượng Mặt Trời sẽ tăng cao trở lại và đồng thời kiềm chế được khủng hoảng khí hậu hiện nay.

    Chất lượng không khí tại Trung Quốc đang suy giảm nhanh chóng do việc sử dụng than đá để sản xuất điện và trong nhiều ngành công nghiệp. Hình ảnh một lớp sương mù dày đặc, xám xịt bao phủ mọi ngóc ngách hay cảnh người dân đeo mặt nạ kín mít đã không còn xa lạ trên các phương tiện truyền thông.

    Có tới 38% công dân Trung Quốc phải chịu không khí ô nhiễm trầm trọng và ước tính có hàng ngàn người chết mỗi năm ở nước này. Nhưng con số khủng khiếp trên đủ để khiến chúng ta không khỏi giật mình với những sai lầm trong chiến lược tăng trưởng nóng của Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

    Để giảm thiểu và khắc phục tình trạng này, Trung Quốc đang nỗ lực triển khai các dự án điện tái tạo gồm điện gió và điện Mặt Trời. Nếu như điện gió không gặp ảnh hưởng gì bất kể ngày nắng hay ngày mưa thì điện Mặt Trời phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cấp ánh sáng của Mặt Trời.

    Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi sang điện tái tạo nhưng ô nhiễm không khí lại vô tình làm giảm lượng điện Mặt Trời tạo ra - Ảnh 2.

    Tuy nhiên ngay cả khi trời nắng, hiệu suất hấp thụ ánh sáng Mặt trời của các tấm pin vẫn đang thấp hơn mong đợi. Tất cả chỉ vì lớp khói bụi trong không khí làm cản trở. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu đo lượng ánh sáng Mặt Trời trong giai đoạn 1960-2015 tại 119 trạm của Trung Quốc, nhằm đánh giá công suất phát điện của các tấm pin năng lượng.

    Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy, lượng ánh sáng Mặt Trời đã giảm đi trong suốt 55 năm qua. Điều đáng buồn là không khí ô nhiễm lại là thủ phạm chính.

    Năm 2016, bầu không khí ô nhiễm đã khiến Trung Quốc mất đi lượng điện sản xuất tương đương 1,9 tỷ USD. Số điện đó đủ để cung cấp cho 1,3 triệu ngôi nhà tại Mỹ trong vòng 1 năm.

    Kết luận nghiên cứu, nhóm khoa học nhấn mạnh chỉ khi nào Trung Quốc có biện pháp làm sạch không khí ô nhiễm, nước này mới thể giảm các nguy cơ gây hại cho sức khỏe của người dân và nâng cao năng lực sản xuất điện tái tạo.

    Hơn hết điều này vô cùng quan trọng nếu Trung Quốc muốn thể hiện với bạn bè thế giới rằng, nước này đang tích cực kiềm chế biến đổi khí hậu và giảm thiểu các tác động do ngành công nghiệp nước này gây ra cho Trái Đất.

    Tham khảo Interesting Engineering

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ