"Trung Quốc vẫn toàn đi nhái Thung lũng Silicon, nay chính Thung lũng Silicon lại phải đi nhái Trung Quốc"

    Ngocmiz,  

    Airbnb, startup điển hình của nền kinh tế chia sẻ với mô hình cho phép người dùng đăng tải không gian còn thừa trong nhà lên cho khách nước ngoài thuê khi du lịch tới đây. Kể từ sau khi Airbnb thu hút sự chú ý toàn cầu, nhiều startup nước ngoài đã nỗ lực copy mô hình này, thậm chí còn sáng tạo thêm các dịch vụ gia tăng giá trị và bản địa hóa tuyệt vời. Thế trận nay đã xoay vần ra sao?

    Thật khó để có thể đoán ra nghề nghiệp của Zhou Yichang nếu chỉ dựa vào mô tả công việc anh vẫn làm hàng ngày: Ghé thăm các hộ gia đình Trung Quốc, khảo sát điều kiện sống của họ và đề xuất hướng cải thiện.

    Đôi khi anh sẽ gợi ý họ thuê về một người thợ sửa chữa lại các chỗ hỏng trong nhà, hoặc cũng có thể là sơn lại bức tường đã bong tróc. Sau chuyến viếng thăm, anh lại trả lời hàng chục câu hỏi từ họ qua một ứng dụng chat.

     Một tòa nhà chung cư tại tỉnh An Huy, Trung Quốc

    Một tòa nhà chung cư tại tỉnh An Huy, Trung Quốc

    Thế nhưng Zhou cuối cùng vẫn không phải một kiến trúc sư hay nhân viên bảo trợ xã hội. Công việc của anh Quản lý khách hàng tại Xiaozhu, phiên bản “nhái” Airbnb của Trung Quốc.

    Zhou chia sẻ: “Nhiều người Trung Quốc chưa từng có kinh nghiệm chia sẻ chỗ ở nên chúng tôi phải giúp họ hiểu cách thức phục vụ khách hàng cũng như giải quyết các vấn đề họ đang mắc phải.” Thấy một gia đình nọ đang chuẩn bị đón khách tới nhà nhưng ga đệm vẫn chưa gọn gàng sạch sẽ, anh đã mua cho họ một chiếc mới.

    Được thành lập từ 2008 nhưng phải đến năm ngoái, Airbnb mới chính thức thành lập văn phòng tại Trung Quốc. Khoảng thời gian trễ vài năm này đã đủ để nhiều công ty nước này kịp copy mô hình kinh doanh độc đáo của startup hơn 30 tỷ USD.

    Mô hình này đã thu hút hàng trăm triệu USD đầu tư và chiếm được cảm tình của nhiều du khách Trung Quốc. Kể từ khi thành lập năm 2012 cho đến nay, Xiaozhu đã có khoảng 10 triệu người dùng.

     Giao diện web Xiaozhu

    Giao diện web Xiaozhu

    Mặc dù lấy nguyên lại mô hình của Airbnb, những công ty này vẫn vẫn sáng tạo thêm nhiều dịch vụ thú vị mà cuối cùng chính nguyên mẫu Airbnb lại phải copy theo.

    Zhu Bai Jia, startup được thành lập năm 2012 tại Thâm Quyến thường tập trung vào nhóm khách Trung Quốc du lịch ra nước ngoài để cho họ thuê nhà theo các gói ngắn ngày tại hơn 70 quốc gia. Ngoài việc hỗ trợ du khách tìm nơi trú chân khi xa xứ, Zhu Bai Jia còn giúp họ lên kế hoạch cho cả chuyến đi cũng như cho phép chủ hộ cho thuê trở thành người dẫn tour theo yêu cầu. Airbnb cũng mới chỉ cho ra mắt dịch vụ tương tự Airbnb Trips vào năm ngoái.

    “Khi Airbnb ra mắt Airbnb Trips, chúng tôi đã cười thầm. Mọi người trong ngành vẫn hay đùa là ‘Trước đây Trung Quốc vẫn toàn đi nhái Thung lũng Silicon, nay chính Thung lũng Silicon lại phải đi nhái Trung Quốc’” – Li Le, phát ngôn viên của Zhu Bai Jia chia sẻ với truyền thông.

     Giao diện đăng tải nhà cho thuê trên ứng dụng Airbnb

    Giao diện đăng tải nhà cho thuê trên ứng dụng Airbnb

    Sự sáng tạo thậm chí còn quan trọng hơn đối với thị trường nội địa của các startup “copycat”. Raymond Chang, giảng viên môn Khởi nghiệp tại ĐH Yale cho biết: “Nếu bạn chỉ cố nhái y hệt Airbnb tại Trung Quốc thì chắc chắn là sẽ không hiệu quả.”

    Ông giải thích rằng tại Mỹ, văn hóa mở cửa nhà đón tiếp người lạ đã ăn sâu vào nếp sống từ thuở còn thuộc địa, thế nhưng lối sống này lại chưa từng tồn tại ở Trung Quốc. Có rất nhiều rào cản xã hội phải vượt qua nếu muốn chạy mô hình này tại đây.

    Chen Chi, nhà sáng lập Xiaozhu đã học hỏi về văn hóa chia sẻ chỗ ở của người Hoa bằng cách đặt chính mình vào vị trí của gia chủ, chia sẻ chính căn nhà của anh từ năm 2013.

     Một căn hộ niêm yết trên Xiaozhu

    Một căn hộ niêm yết trên Xiaozhu

    Chi nhận thấy việc đưa chìa khóa nhà cho khách vào giờ gia chủ đi làm cũng khá bất tiện nên công ty đã bắt đầu trợ giá lắp khóa thông minh cho các chủ hộ để khách đến thuê có thể tự mình mở cửa bằng mã OTP (One Time Passcode) dùng một lần.

    Xiaozhu cũng huấn luyện các nhân viên lao công bán thời gian và kết nối họ với các chủ hộ cho thuê – dịch vụ phụ trợ mà bản thân Airbnb cũng chưa cung cấp. Để xóa bỏ rào cản về niềm tin, Xiaozhu cũng khuyến khích người dùng kết nối tài khoản của họ với Sesame Credit, hệ thống đánh giá điểm tín nhiệm dựa trên dữ liệu lớn do Alibaba phát triển.

    Airbnb từ chối bình luận về việc copy chính các bản sao Trung Quốc của mình, nhưng cũng cho biết công ty đang nỗ lực thu hút người dùng tại đại lục. Sean Pan, giám đốc vận hành Airbnb Trung Quốc chia sẻ rằng dịch vụ này hiện đã đón khoảng 1 triệu khách ghé thăm Trung Quốc.

     Dịch vụ lên hành trình Airbnb Trips

    Dịch vụ lên hành trình Airbnb Trips

    Các du khách sử dụng dịch vụ của Airbnb tại đây thậm chí có thể thanh toán qua Alipay và WeChat. Tuy nhiên, liệu Airbnb, startup dẫn đầu mảng dịch vụ ở nhờ toàn thế giới có thể cạnh tranh được với các đối thủ bản địa hay lại chịu chung số phận như Uber thì chỉ thời gian mới có câu trả lời.

    Một số khác thì cho rằng, trong bối cảnh thị trường chia sẻ chỗ ở còn rất non trẻ tại Trung Quốc, các dịch vụ như Airbnb và Xiaozhu không nhất thiết phải đối đầu với nhau mà có thể “chung tay” phá đảo thị trường khách sạn và nhà cho thuê.

    Ngay bản thân Zhou, anh chàng độc thân 25 tuổi cũng đang thuê một căn hộ 4 phòng ngủ ở Thâm Quyến và đăng tải 3 phòng ngủ còn trống lên cả hai sàn Airbnb và Xiaozhu. Zhou cho biết tiền cho thuê 3 phòng kia đã đủ để anh chi trả tiền nhà cả năm cùng một khoản lãi dôi ra.

    Tham khảo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ