Từ chuyện người mua iPhone 7 chẳng quan tâm đến chip A10, hãy nhìn lại ý nghĩa thực sự của thông số cấu hình

    Lê Hoàng,  

    Người dùng smartphone có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên có thể kể vanh vách ý nghĩa của chip lõi tứ so với lõi kép, có thể tính toán lợi ích khi nâng cấp dung lượng RAM. Đối nghịch là nhóm low-tech, chẳng quan tâm chút nào đến cấu hình. Nhưng ngoài ra, còn có nhóm thứ 3: lúc nào cũng thích nhắc đến tên chip, dung lượng RAM mà chẳng thực sự hiểu những con số này có ý nghĩa gì với trải nghiệm của chính họ.

    Cũng giống như mọi năm, chiếc iPhone của năm nay đã lại là chủ đề bàn tán xôn xao của các tín đồ công nghệ. Người ta nói rất nhiều về ảnh hưởng của quyết định loại bỏ cổng tai nghe, về tính năng chống nước chỉ muộn hơn Android có... 4 năm, về nút Home ảo cực kỳ khó chịu và dĩ nhiên là cả về thiết kế không mấy thay đổi so với iPhone 6s. Trên face, iPhone 7 xuất hiện là những bức hình trên tay đáng ghen tị, những bức ảnh tự sướng "thử cam" hay những câu chuyện thú vị về trải nghiệm ngồi lê ngồi lết đợi mua sớm tại Singapore.

    Ít ai nhận ra rằng bên dưới lớp vỏ nhàm chán ấy là một thành tựu mới của ngành thiết kế chip di động: vi xử lý Apple A10 đã vượt mặt cả chip Xeon E5 trên "thùng rác" Mac Pro về hiệu năng nhân đơn.

    Như mọi khi, chẳng mấy ai quan tâm đến những đột phá của Apple trên dòng chip A. Nhưng đó mới là cách đúng đắn để thưởng thức những chiếc smartphone mới.

    Thông số vs. Trải nghiệm

    Không nhiều người nhận ra sự thật khá hiển nhiên rằng các thông số kỹ thuật chỉ là một cách để các nhà sản xuất... dắt mũi người dùng. Điều mà chúng ta thực sự cảm nhận được không phải là xung nhịp của những con chip, dung lượng bộ nhớ đệm hay độ phân giải màn hình mà là thời gian load game, độ mượt của đồ họa, thời gian chuyển đổi giữa các ứng dụng hay độ nét (với mắt người) trên màn hình.

    Không ai ngớ ngẩn đến mức khẳng định chip lõi kép 1GHz hay chip lõi đơn 2GHz sẽ giúp máy tính của bạn nhanh gấp 2 lần chip lõi đơn 1GHz. Tương tự, bạn không thể mang so sánh cấu hình smartphone Galaxy hay Xperia với cấu hình iPhone vì đơn giản là Snapdragon chẳng bao giờ được dùng để chạy iOS còn Apple A_ cũng chẳng bao giờ được dùng để chạy Android cả.

    Ngay cả đến chuyện "đa luồng thực thụ" cũng khó có được kết luận thực sự thuyết phục, vì cuối cùng chúng ta cũng chỉ có thể đưa ra những cảm nhận dạng như "Cả 2 app chạy trên Split Screen đều mượt" chứ đâu thể nói "Tôi cảm thấy 4 luồng trên vi xử lý"? Mối quan hệ tương quan giữa thông số phần cứng và trải nghiệm thực tế của phần mềm thực chất là cực kỳ phức tạp và thậm chí cho đến nay vẫn chưa có giải pháp hoàn thiện – ngay đến cả khả dĩ như các phần mềm benchmark cũng bị tranh cãi lên xuống.

    Bạn có biết rằng việc các nhà sản xuất đưa ra thông tin xung nhịp hay độ phân giải thực chất là tạo ra một biện pháp có vẻ khoa học để thuyết phục người dùng rằng sản phẩm của họ là tốt nhất? Rất nhiều người dùng cho đến giờ vẫn mang rất nhiều suy nghĩ sai lầm về chất lượng thực sự trải nghiệm. Cách đây vài năm, tạp chí CNET đã từng thực hiện một bài báo tính phút-góc (arc minute) cho thấy ở khoảng cách xem TV thông thường, mắt người không thể nào phân biệt nổi 1080p và 4K. Ấy vậy mà nhiều hãng smartphone vẫn đã thuyết phục được fan của mình rằng 2K là một bước tiến đột phá về công nghệ hiển thị trên màn hình 5 inch trong khi thực tế bước tiến này chẳng mang lại thay đổi thực tiễn nào ngoại trừ... đốt pin nhanh hơn.

     Bạn có để ý các cửa hàng luôn tạo không gian khá nhỏ hẹp để người dùng cảm nhận sự khác biệt của 4K và 1080p?

    Bạn có để ý các cửa hàng luôn tạo không gian khá nhỏ hẹp để người dùng "cảm nhận" sự khác biệt của 4K và 1080p?

    Trở lại với câu chuyện của dòng chip A trên iPhone. Qua mỗi lần thay đổi lớn như từ lõi đơn lên lõi kép, từ 32-bit lên 64-bit hay mới đây là từ lõi kép lên lõi tứ (dù chỉ là big.LITTLE), hiệu năng dòng chip A vẫn chỉ đạt mức cải thiện hiệu năng thực tế là 30% - 40%. Ngay cả những con số này cũng chẳng được iFan quan tâm. Họ chỉ biết những điều này: mỗi đời iPhone có đủ sức mạnh để cập nhật thêm 4 đời iOS và hiệu năng ứng dụng của iPhone sẽ luôn vượt trội so với smartphone Android đầu bảng cùng năm.

    Đó mới là những gì họ cần biết và nên biết. Nói đến 4 nhân hay 3GHz để làm gì nếu như chỉ hơn một năm nữa là smartphone của bạn đã không được nâng cấp hệ điều hành mới mà cũng chưa chắc đã chạy mượt hơn chiếc iPhone 2 nhân?

    Biết số nhưng không tùy biến được: Biết để làm gì?

    Hãy tạm thu nhỏ lại vấn đề thông số cấu hình của chúng ta về những con chip chạy trên cùng một hệ điều hành. Trong trường hợp này, những thông số như xung nhịp hay bộ nhớ đệm có thể coi là quyết định rất nhiều đến trải nghiệm thực tế.

    Ấy vậy mà ngay cả kịch bản khá "hoàn hảo" này cũng tồn tại một vấn đề cốt lõi: khả năng thay thế chip gần như không có mặt trên bất cứ một loại thiết bị số cá nhân nào ngoài PC để bàn. Ngay đến cả những chiếc laptop cũng vậy: về khả năng là có, về thực tế là không.

    Nếu linh kiện không có khả năng thay thế thì những con số cũng chẳng để làm gì cả.

     Mua smartphone vì thương hiệu, tính năng chứ không phải là vì chip.

    Mua smartphone vì thương hiệu, tính năng chứ không phải là vì chip.

    Bạn hãy thử nhìn vào những chiếc smartphone mà xem. Snapdragon 820 hiển nhiên sẽ có xung nhịp lớn hơn bất kỳ một dòng chip nào khác của Qualcomm trong năm 2016. Thế nhưng, lựa chọn giữa Snapdragon 820 và Snapdragon 652 hay Snapdragon 810 thực chất là lựa chọn về phân khúc và thế hệ smartphone: chỉ có điện thoại tầm trung mới dùng Snapdragon 652 và chỉ có điện thoại 2015 mới dùng Snapdragon 810. Trong năm nay, nếu bạn mua smartphone đầu bảng cao cấp nhất, mạnh mẽ nhất, lựa chọn duy nhất của bạn là Snapdragon 820.

    Vậy nên những con số 8 nhân, xung nhịp 2.15GHz và 1.19GHz, bộ nhớ đệm Quad-channel 16-bit hay bất cứ một con số nào khác về Snapdragon 820 cũng sẽ là hoàn toàn vô nghĩa với những người tiêu dùng như tôi và bạn. Chúng ta không thể "dịch" những con số đó ra trải nghiệm thực tế (đó là việc của nhà sản xuất), chúng ta không lựa chọn smartphone dựa trên xung nhịp, bộ nhớ chip và cũng chẳng thể thay đổi những con số này.

    Và dĩ nhiên là bạn có thể kể tên cả những mẫu flagship khác dùng Exynos chẳng hạn, nhưng hãy nhớ rằng lựa chọn giữa Snapdragon và Exynos trên smartphone Galaxy cũng không phải là quyết định của bạn. Sự khác biệt giữa Galaxy S7 (Exynos) và HTC 10 (Snapdragon) hay Huawei P9 (Kirin) cũng không chỉ gói gọn trong những con chip. Một lần nữa, những con số xung nhịp và dung lượng RAM không chiếm một phần quá lớn trong quyết định mua sắm của người dùng.

    Đơn giản, tiện lợi > Module

     R.I.P. Project Ara: 2012 - 2016.

    R.I.P. Project Ara: 2012 - 2016.

    Có lẽ đọc đến đây thì bạn đọc cũng hiểu rằng những con số chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ảnh hưởng đến quyền lựa chọn của người dùng. Nói cách khác, các thông số cấu hình sẽ chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng khi họ cân nhắc đến những sản phẩm thực sự có tính tùy biến linh kiện (cũng có thể gọi là "tính module").

    Vấn đề là ở chỗ thị trường điện tử người tiêu dùng đang ngày một dịch chuyển sang hướng đơn giản hóa, ổn định hóa – vốn đều là những tôn chỉ đối lập hoàn toàn với khả năng module hóa. Rõ rệt nhất là smartphone: khi Project Ara bất ngờ bị khai tử và LG G5 lẫn Lenovo Moto Z đều thất bại thảm hại, năm 2016 có lẽ đã khép lại tương lai của smartphone module.

    "Cái chết" của module CPU/SoC dành cho smartphone thậm chí còn đến trước: cả LG G5 lẫn Moto Z đều được tung hô là "smartphone module" nhưng đều chỉ cho phép thay thế một vài linh kiện lặt vặt. Project Ara chỉ vài tháng trước khi bị khai tử cũng thay hình đổi dạng từ một chiếc smartphone module hoàn hảo xuống còn module... vớ vẩn như G5 và Moto Z. Khi thực hiện bước đi đầy tranh cãi này, Google khẳng định "Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra rằng phần đông người dùng không quan tâm đến khả năng module hóa những linh kiện căn bản của smartphone".

    Smartphone đã không thể module hóa thì smartwatch, tablet hay wearable có lẽ cũng chẳng bao giờ module hóa. Ngay cả trong lĩnh vực PC vốn đi kèm với hai chữ "tùy biến", xu hướng chuyển dịch từ desktop sang laptop và mới đây là tablet lai laptop cũng đã diễn ra hơn 10 năm rồi. Ngay tại Việt Nam, từ những năm 2005, 2006 công cuộc phổ cập PC đã thuộc về laptop chứ không phải là "thùng case" như trước nữa. Dĩ nhiên, đối tượng game thủ, modder hay các doanh nghiệp vẫn sẽ sử dụng desktop PC, song so với thị trường người tiêu dùng màu mỡ thì triết lý module đã trở nên vô nghĩa được chục năm.

    Nghĩ kỹ, hiểu đúng về thông số cấu hình

    Hãy thử suy nghĩ về một ví dụ nữa: nếu bạn muốn mua được dòng card màn hình tốt nhất ở mức giá 8 triệu đồng và không thích AMD thì bạn cũng chỉ có một lựa chọn là GTX 1060. Trong trường hợp này, bạn có cần quan tâm đến xung nhịp hay băng thông của card hay không? Chắc chắn là "không", và bạn sẽ lên mạng tìm hiểu về chất lượng linh kiện do từng OEM mang tới.

    Tất cả những gì chúng tôi đã chia sẻ chỉ là để nói lên một sự thật duy nhất: thông số cấu hình thực chất là khá vô nghĩa với người dùng. Ai cũng muốn được sở hữu trải nghiệm tốt nhất trên khoản tiền bỏ ra, nhưng một khi đã xác định được khoản chi phí tối đa, xác định được thương hiệu và tính năng mong muốn là bạn đã xác định luôn được sản phẩm bạn muốn mua. Có 8 triệu mua GTX 1060, có 17 triệu mua Note7, có 8 triệu nhưng cần màn hình nhỏ thì mua iPad Mini 2 và để ra 2 triệu... làm việc khác. Có 25 triệu, chọn giữa ASUS ROG và Surface Pro là lựa chọn giữa nhu cầu chơi game và nhu cầu làm việc chứ không hẳn là lựa chọn giữa Core i7 VGA NVIDIA và Core i5 Intel HD.

    Trong những trường hợp này, thông số cấu hình là yếu tố bị quyết định chứ không phải là yếu tố quyết định đến lựa chọn của người dùng.

    Điều này không có nghĩa rằng chúng tôi khuyên bạn nên bỏ qua ý nghĩa của những con số mà là hoàn toàn ngược lại: trước khi kể tên CPU hay dung lượng bộ nhớ để "vinh danh" một chiếc smartphone nào đó, bạn hãy tìm hiểu về ý nghĩa của xung nhịp, băng thông, RAM, độ phân giải rồi hãy đưa ra nhận định. Bạn có thực sự quy đổi được những con số đó ra trải nghiệm thực tế, và nếu câu trả lời là "có", thông số cấu hình có nằm trong phạm vi khả năng lựa chọn và thay đổi của bạn hay không?

    Hãy tìm hiểu thật kỹ, suy nghĩ thật kỹ và bạn có lẽ sẽ mang cùng một quan điểm rằng thông số cấu hình cũng chỉ là một chiêu trò của các thương hiệu công nghệ. Họ dùng những con số để mang đến những ấn tượng không chính xác, không đầy đủ về sản phẩm của họ và của đối thủ cạnh tranh. Sự chênh lệch về sức mạnh chỉ thực sự có nghĩa khi chúng nằm trong khả năng cảm nhận và thay đổi của người dùng, khi chúng là yếu tố duy nhất quyết địnhtrực tiếp đến trải nghiệm của bạn.

    Đó là kịch bản không thể xảy ra. Chừng nào bạn chưa thể gọi tên tất cả các chỉ số làm nên trải nghiệm smartphone hoàn hảo cho tất cả mọi người, đừng khẳng định chip lõi tứ lõi tám là thế mạnh của Android so với iPhone, đừng coi màn hình 4K trên Xperia Z5 Premium là một thành tựu có ý nghĩa to lớn và cũng đừng khoe với các tín đồ âm thanh rằng smartphone của bạn có "DAC 32-bit".

    Còn nếu bạn là người... ngại tìm hiểu, hãy cứ tiếp tục tận hưởng công nghệ theo kiểu "mù công nghệ" (hay chính xác hơn là "hững hờ với công nghệ") như phần đông các iFan. Chỉ khi nào tận hưởng theo kiểu "mù công nghệ", bạn mới thực sự tập trung vào những yếu tố mà chính bạn có thể cảm nhận được thay vì những con số có mục đích phần nhiều là để "dắt mũi" người dùng.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ