Từ quốc gia "mỗi tuần xây dựng một nhà máy nhiệt điện", Trung Quốc đang trở thành nước đi đầu về năng lượng xanh

    Nguyễn Tuấn Tài,  

    Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng bởi có một sự thật hiển nhiên là mọi kế hoạch “xoa dịu” biến đổi khí hậu sẽ thất bại nếu Trung Quốc không cùng tham gia.

    Mức tăng trưởng đáng chú ý của Trung Quốc trong ba thập kỷ qua đã đưa đất nước này trở thành một siêu cường trên toàn cầu. Nhưng sự phát triển kinh tế thần kỳ này cũng phải trả cái giá không hề rẻ: Trung Quốc trở thành quốc gia tiêu thụ năng lượng, nhập khẩu dầu và phát thải khí nhà kính CO2 lớn nhất trên thế giới.

    Điều này tương đương với việc, cứ mỗi tuần Trung Quốc lại xây dựng một nhà máy nhiệt điện mới. Tuy nhiên, đây không còn là phản ánh chính xác tình hình năng lượng tại quốc gia này. Sự thật là Trung Quốc tiêu thụ khoảng 1/4 năng lượng thô của toàn thế giới và hơn một nửa số than đá của họ. Điều này trước đây là cần thiết cho sự phát triển của quốc gia.

    Chính sách mở cửa đối với đầu tư nước ngoài bắt đầu vào cuối những năm 1970 đã dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, do đó, cũng dẫn đến nhu cầu cực lớn về tiêu thụ nhiên liệu. Mức tiêu thụ điện ở Trung Quốc tăng từ 232 kilowat/giờ năm 1978 lên đến gần 6.000 terawat/giờ vào thời điểm hiện nay (tương đương với 6.000 tỷ kilowat/giờ) và để đáp ứng kịp nhu cầu này, Trung Quốc cần than đá.

    Tỷ lệ sử dụng than đá trong việc tạo ra năng lượng đạt đỉnh ở mức 75% vào những năm 1980 và đến năm 2016, mức tiêu thụ than đá của Trung Quốc đã giảm xuống còn 62%, mức thấp nhất kể từ khi quốc gia này được thành lập vào năm 1949. Đây là thành quả của việc Bắc Kinh đã sử dụng nhiều biện pháp nghiêm ngặt để cắt giảm lượng tiêu thụ than trong những năm gần đây, nhằm giảm ô nhiễm môi trường trong nước và giải quyết các vấn đề khí hậu.

    Một trong những biện pháp này là Chương trình Top 1.000 Doanh nghiệp Tiết kiệm Năng lượng được triển khai vào năm 2006. Chương trình nhắm đến những công ty sử dụng nhiều năng lượng nhất trong nước ở một số lĩnh vực như luyện kim, hóa dầu, xi măng và dệt may (1.000 doanh nghiệp này chiếm 1/3 lượng năng lượng tiêu thụ của quốc gia). Trong thực tế, chương trình đã hoạt động khá hiệu quả và đóng góp vào nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị GDP.

    Thêm vào đó, chính phủ Trung Quốc cũng đã có những động thái để “hạ nhiệt” mức tăng trưởng nóng của kinh tế và đưa ra mục tiêu GDP hàng năm chỉ ở mức 6,5% trong giai đoạn (2016-2020), thay vì mức tăng GDP 9-10% trong ba thập kỷ trước.

    Đấu tranh chống ô nhiễm

    Với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và những doanh nghiệp gây ô nhiễm nặng nhất phải cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, sản xuất than của Trung Quốc cũng được cắt giảm. Đến thời điểm này, người dân Trung Quốc cũng hiểu rõ hơn vấn đề của than đá.

    Và từ giữa những năm 2000, ô nhiễm đã trở nên quá nghiêm trọng, dẫn đến sự hành động của các nhóm xã hội. Chính quyền địa phương ban đầu chống lại những “cuộc chiến chống ô nhiễm”, nhưng do những trận khói bụi ô nhiễm "tồi tệ nhất từng xảy ra" vài năm gần đây ở Trung Quốc và những phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền trung ương cũng đã làm cho mọi người đều có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường.

    Trong tháng 9 năm 2016, Trung Quốc hủy bỏ việc xây dựng hơn 103 nhà máy nhiệt điện sử dụng than có tổng công suất là 120 gigawat/giờ. Vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tuyên bố sẽ giảm thêm 50 gigawat/giờ hoặc hoãn lại. Kỷ nguyên mỗi tuần một nhà máy điện của Trung Quốc đã kết thúc.

    Cam kết cắt giảm khí thải

    Trung Quốc được biết tới là quốc gia “chây ỳ” với những nghĩa vụ quốc tế về biến đổi khí hậu, ít nhất là cho đến trước hội nghị của LHQ năm 2015 ở Paris. Và mọi thứ hiện nay đang được thay đổi. Mặc dù sản lượng tiêu thụ than đá của Trung Quốc sẽ vẫn tăng nhẹ trong vài năm tới, nhưng nó sẽ dần được thay thế bởi các kế hoạch đầu tư và điện gió, điện mặt trời và năng lượng hạt nhân.

    Trung Quốc hiện đang là nước “ấp ủ” nhiều dự án năng lượng xanh nhất trên thế giới, chiếm khoảng 17% các khoản đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực này. Theo Greenpeace, Trung Quốc đã lắp đặt hơn một tua-bin gió mỗi giờ mỗi ngày vào năm 2015. Quốc gia này cũng bao phủ tương đương diện tích một sân bóng đá với các tấm pin mặt trời mỗi giờ. Và đến năm 2030, người ta hi vọng rằng năng lượng sạch sẽ giúp cắt giảm lượng CO2 của Trung Quốc xuống 54% so với năm 2010.

    Đây thật sự là một tín hiệu đáng mừng bởi có một sự thật hiển nhiên là mọi kế hoạch “xoa dịu” biến đổi khí hậu sẽ thất bại nếu Trung Quốc không cùng tham gia. So với một số quốc gia khác, Trung Quốc sẽ còn cả một chặng đường dài. Ví dụ, nước Anh hiện nay đã có thể quản lý một ngày không sử dụng than lần đầu tiên kể từ hơn 130 năm qua, trong khi một số quốc gia đã cắt giảm được đáng kể lượng khí thải carbon.

    Tham khảo Businessinsider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ