Twitter vừa thay đổi, nhưng đã quá muộn để cứu vãn tình hình

    Nam Nguyễn,  

    Sứ mệnh giải cứu “chim xanh” của Jack Dorsey dường như đang đi vào ngõ cụt.

    Nhiều người kỳ vọng sự trở lại của Jack Dorsey sẽ đem lại luồng gió mới cho Twitter. Nhưng có lẽ họ sẽ phải thất vọng với nhà sáng lập kiêm CEO của Twitter này. Theo hãng tin Bloomberg, Twitter đã lên kế hoạch bỏ giới hạn hình ảnh và 140 ký tự ở các đoạn tweet trong vài tuần tới.

    Chính sách này sẽ mở rộng không gian viết bài và nhắn tin trên Twitter, nhưng người dùng cho rằng điều này đã đến quá muộn. Mặc dù sự thay đổi này là đáng hoan nghênh, nó không có nhiều tác dụng để khắc phục vấn đề cốt lõi của Twitter.

    Trên thực tế, động thái trên là điển hình cho vấn đề mà Twitter đang gặp phải: Dorsey đang điều hành công ty như một ông chủ bán thời gian, và có quá ít thay đổi tích cực xảy ra kể từ khi anh trở về làm CEO của công ty.

    Khó khăn bủa vây

    Hãy xem Twitter đang ở đâu. Hiện tại, mỗi cổ phiếu của Twitter có giá 14,28 USD, chỉ hơn đôi chút so với mức thấp nhất trong lịch sử của hãng là 13,90 USD (đầu tháng này), và kém xa mức cao kỳ lục 69 USD hồi năm 2014. Mạng xã hội này đã trở thành ngôi nhà ưa thích của những kẻ hay bắt nạt và châm chọc người khác, làm ảnh hưởng đến môi trường chung của người dùng.

    Số người dùng tích cực đang bão hòa ở khoảng 300 triệu người, mặc dù có tăng nhẹ trong quý vừa qua. Số đoạn tweet được gửi trên mạng xã hội này đang sụt giảm thê thảm. Theo dữ liệu của API, số đoạn tweet được gửi trong tháng 1 là 303 triệu, giảm từ mức đỉnh 661 triệu vào tháng 8/2014.

    Dễ thấy Twitter đang gặp khó khăn, đặc biệt là so với thành công chói sáng của những đối thủ như Facebook, Instagram, và Snapchat. Mạng xã hội này đang vật lộn để thu hút người dùng mới. Trong khi đó, người dùng hiện tại đang tương tác trên Twitter ít hơn và nhà đầu tư thì đang mất niềm tin.

    Những vấn đề trên là lý do tại sao Dorsey được mời trở lại làm CEO vào tháng 6 năm ngoái. Dorsey là nhà sáng lập kiêm CEO của Twitter trước khi bị sa thải vào năm 2008. Mục đích của việc mời Dorsey trở lại có lẽ là vì anh có tính chính danh của nhà sáng lập để thúc đẩy những thay đổi lớn và táo bạo ở Twitter. Song, những thay đổi mà Dorsey mang lại đã không thật sự lớn và táo bạo như mong đợi.

    “Chú chim” chậm lớn

    Twitter không phải là một công ty trẻ. Được thành lập vào tháng 7/2006, giờ thì công ty này đã có gần 10 năm tuổi. Twitter được nhiều người biết đến nhờ ảnh hưởng sâu rộng của những người dùng nổi tiếng (một trong những thành công còn duy trì đến ngày nay). Nếu mọi người không dùng Twitter nữa thì đó không phải vì họ không biết đến mạng xã hội này. Đó là vì họ không muốn dùng hoặc đã dùng trước đó nhưng không thấy hứng thú.

    CEO tiền nhiệm Dick Costolo đã thừa nhận rằng người dùng mới khó làm quen với cách sử dụng của Twitter. Những thay đổi của Dorsey cho đến nay vẫn chưa cải thiện được tình trạng này. Nếu người dùng biết đến Twitter từ hồi năm 2011 và cảm khó chịu với giới hạn ký tự, họ sẽ không quay lại mạng xã hội này kể cả khi Twitter có kế hoạch bỏ giới hạn hình ảnh và ký tự. Nếu người dùng thử một sản phẩm và thấy nó không vừa ý, nhiều khả năng họ sẽ không thử lại lần hai.

    Người dùng cũng tỏ ra hờ hững với những thay đổi triệt để hơn như Twitter Moments, tính năng hiển thị những xu hướng được nhiều người quan tâm. Theo một báo cáo của The Information, thậm chí một số nhân viên của Twitter còn xem đây là “sản phẩm thất bại”.

    Chuyện lẽ ra đã khác

    Điều đáng tiếc cho Twitter là mạng xã hội này không thể hiện được khả năng tự đổi mới sản phẩm cốt lõi của mình. Facebook thì hoàn toàn ngược lại. Lâu nay người ta vẫn mặc định Twitter là mạng xã hội dành cho tin tức và các sự kiện thời gian thực, còn Facebook là để giao lưu xã hội. Nhưng đế chế của Mark Zuckerberg lại đang tích cực lấn sân của Twitter.

    Facebook đang tích cực phát triển trong địa hạt tin tức, bằng cách đưa ra các chủ đề định hướng (trending) ở trang chủ. Facebook đang trở thành nguồn truy cập quan trọng của gần như mọi nhà xuất bản nội dung số trên thế giới. Mạng xã hội nào thực sự thống trị tin tức trực tuyến hiện nay? Đó là Facebook. Hoạt động chia sẻ tin tức trên Twitter chỉ bằng một phần nhỏ của Facebook.

    Mark Zuckerberg cho biết anh muốn Instant Articles, tính năng đọc báo nhanh của Facebook trở thành “trải nghiệm đọc tin tức chủ đạo của người dùng”. Trong khi đó, tính năng phát video trực tiếp của Facebook đang là một mối đe dọa lớn cho Periscope, sản phẩm phát video trực tiếp của Twitter.

    Giá như Dorsey thực hiện các thay đổi nhanh hơn, “chim xanh” đã có thể mở rộng lượng người dùng và chuyển hướng tốt hơn trong tương lai. Nhưng khi mà người dùng không còn hào hứng với Twitter và số bài viết trên mạng xã hội này càng ít đi, đã quá muộn để cứu vãn tình hình.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ