UberEats có lãi trong khi Uber thì sống dở chết dở

    Chíp,  

    Trong khi Uber đang gặp khó khăn chồng chất, thậm chí bị cấm hoạt động tại London, thì mảng kinh doanh phụ mang tên UberEats, chuyên giao đồ ăn, lại đang phát triển mạnh mẽ.

    Trong nhiều năm, Bob Gordon, chủ một quán cafe kiêm đồ ăn nhanh Footprints Cafe ở Brooklyn đã tự xử lý việc giao đồ ăn cho khách hàng. Vì vậy, anh tỏ ra không an tâm khi hợp tác với các dịch vụ bên ngoài như UberEats, mảng kinh doanh phụ của hãng cung cấp ứng dụng gọi xe Uber.

    Sau đó, các đơn hàng bắt đầu tới dồn dập.

    "Chúng tôi chưa sẵn sàng cho lượng đơn hàng lớn tới từ UberEats trong năm nay", anh Gordon, 46 tuổi, chia sẻ. "Bản thân tôi, dù là chủ cửa hàng, vẫn phải làm việc tới ba tuần liên tục trong bếp để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng".

    Nhờ giành được sự tin tưởng của các chủ nhà hàng như Gordon, Uber đã có một vị trí vững chắc trong thị trường giao đồ ăn đông đúc và đầy khốc liệt. Với tư cách là CEO mới, Dara Khosrowshahi đã đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của Uber và hướng tới kế hoạch IPO trong 18 hoặc 36 tháng tới. Khosrowshahi cũng thừa nhận rằng UberEats có thể tạo ra một sự tăng trưởng khổng lồ.

    UberEats thậm chí còn nổi bật hơn tất cả các mảng kinh doanh đang phát triển cực nhanh nhưng không mang về lợi nhuận khác của Uber. Dịch vụ giao đồ ăn này hiện đã có mặt tại hơn 120 thị trường trên toàn cầu và ở một số thị trường như Tokyo, Đài Bắc, Seoul, nó làm lu mờ cả hoạt động kinh doanh chính của Uber là cung cấp ứng dụng gọi xe.

    Theo số liệu của Uber, từ tháng 3/2016 tới tháng 3/2017 số chuyến đi được thực hiện bởi các lái xe UberEats đã tăng hơn 24 lần. Tính tới tháng Bảy vừa qua, UberEats đã có lãi tại 27 trên 108 thành phố mà nó đã hoạt động. Uber từ chối tiết lộ doanh thu chi tiết của dịch vụ này.

     Quy trình xử lý đơn hàng của UberEats tại Footprints Cafe

    Quy trình xử lý đơn hàng của UberEats tại Footprints Cafe

    "Giao hàng đang là xu hướng toàn cầu", Jason Droege, phó chủ tịch UberEverything, bộ phận quản lý UberEats chia sẻ. "Khi mọi người càng sử dụng điện thoại cho công việc hàng ngày nhiều hơn, chúng ta bắt đầu thấy sự thay đổi trong cách mọi người ăn uống".

    Theo nghiên cứu của McKinsey, Uber gia nhập thị trường giao đồ ăn khá muộn. Thị trường này trị giá tới hơn 100 tỷ USD, khoảng 1% của toàn bộ thị trường thực phẩm. Thông thường, các công ty giao đồ ăn được chia làm hai nhóm. Đầu tiên là các "aggregators" như Grubhub, thường thu thập các tùy chọn và menu từ những cổng trực tuyến sau đó hiển thị cho khách hàng và đương nhiên nhà hàng sẽ phải tự đảm nhiệm việc giao hàng cho khách.

    Thứ hai là các dịch vụ giao hàng hoàn chỉnh như Postmates và UberEats, nhận đơn đặt hàng qua một cổng trực tuyến và vận chuyển đồ ăn cho khách giúp các nhà hàng. Nhà hàng sẽ phải trả một khoản phí cố định trên các đơn hàng cho dịch vụ giao hàng và khách hàng cũng phải trả phí cho dịch vụ giao hàng.

    Các đối thủ của UberEats cũng rất "sừng sỏ". Postmates, hãng được thành lập từ 6 năm trước, đã thu hút được 250 triệu USD vốn, có hơn 100.000 shipper và mỗi tháng cung cấp 2,5 triệu chuyến. Gubhub, một công ty đại chúng, đạt 3 tỷ USD tổng doanh thu từ thực phẩm trong năm 2016 với 8,17 triệu khách hàng.

     Văn phòng UberEats ở San Francisco

    Văn phòng UberEats ở San Francisco

    Ngoài ra còn có mối đe dọa tới từ Amazon, hãng đang cố gắng triển khai dịch vụ giao đồn ăn tại một vài thị trường. Sau khi mua lại Whole Foods, Amazon có hàng trăm cơ sở cho các shipper tới nhận thực phẩm đã chế biến để giao tại những khu vực đô thị nơi khách hàng thường có xu hướng đặt đồ ăn chế biến sẵn.

    "Amazon là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với tất cả các công ty giao đồ ăn", James Cakmak, một nhà phân tích chuyên theo dõi thị trường giao đồ ăn nhận định. "Amazon có mạng lưới hậu cần và nguồn vốn dồi dào nên họ có thể cạnh tranh cả về chất lượng, mức giá lẫn tốc độ với tất cả những đối thủ khác".

    Matt Maloney, sáng lập kiêm CEO của Grubhub chia sẻ rằng công ty của anh chỉ tập trung vào việc đặt đồ ăn.

    "Uber đã xây dựng một công ty cung cấp dịch vụ gọi xe tuyệt vời nhưng thành công trong thị trường giao đồ ăn lại là một chuyện khác", Maloney nói. "Chúng tôi chỉ biết một lĩnh vực, nhận đơn đặt hàng, và chúng tôi đã thiết kế toàn bộ sản phẩm của mình xung quanh lĩnh vực này".

     Jason Droege, phó chủ tịch UberEverything

    Jason Droege, phó chủ tịch UberEverything

    Cả Amazon và Postmates đều từ chối bình luận về UberEats.

    Uber bắt đầu giao đồ ăn tại Los Angeles vào năm 2014 dưới tên gọi UberFresh, cung cấp cho khách những bữa trưa và bữa tối từ nhà hàng. Uber cũng đã có những thử nghiệm khác, như UberEssentials - cung cấp vật dụng nhà bếp và dược phẩm tốc độ cao.

    "Nếu bạn có thể nhấn một nút và có xe đón trong vài phút thì tại sao không thể nhấn nút cho những thứ khác trong vài phút?", anh Droege nói.

    Nhưng đó không phải là một giải pháp lý tưởng khi mà các lái xe thường để đồ ăn trong thùng lạnh. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng của đồ ăn và khách hàng không hài lòng khi đồ ăn mà họ nhận được bị lạnh. Mọi người cũng muốn có nhiều nhà hàng hơn để chọn lựa, điều mà những đối thủ như Postmates đã cung cấp.

    Tháng 12/2015, bộ phận của Droege trình làng một ứng dụng riêng biệt mang tên UberEats ở Toronto. Hợp tác với các nhà hàng, ứng dụng này cho phép khách hàng đặt đồ ăn "nóng sốt" với chỉ vài cú chạm trên màn hình smartphone. 18 tháng tiếp theo dịch vụ này phát triển mạnh và buộc phải mở rộng thêm nhân sự để đưa thêm nhiều nhà hàng vào danh sách hỗ trợ cũng như mở rộng ra các thành phố mới.

     Một góc trụ sở UberEats

    Một góc trụ sở UberEats

    Giám đốc Uber cho rằng UberEats, hiện đã hoạt động ở hơn 120 thành phố, có một vài ưu điểm so với các đối thủ. Đầu tiên, Uber có mạng lưới hơn 2 triệu lái xe và họ hoàn toàn có thể phục vụ cho việc giao đồ ăn. Thứ hai, xe hơi sử dụng cho việc giao đồ ăn không nhất thiết phải đáp ứng những tiêu chuẩn cần thiết cho việc chở khách, mở rộng phạm vi lao động tiềm năng. Thậm chí, các lái xe không cần phải sở hữu xe hơi bởi UberBike là phương thức giao hàng phổ biến nhất cho các đơn đặt hàng thực phẩm.

    Uber cũng dành rất nhiều thời gian cho việc lập bản đồ các thành phố và tìm ra tuyến đường hiệu quả nhất giúp giảm thời gian giao hàng. Và kể từ sau khi gặp nhiều vấn đề với UberFresh, Uber đã đầu tư vào công nghệ tốt hơn và bổ sung thêm nhiều lái xe hơn tại các thành phố mà họ hoạt động. Một chuyến UberEats lý tưởng là lái xe tới nhà hàng ngay khi đồ ăn được chế biến xong và giao tới tay khách hàng trong khi đồ ăn vẫn còn ấm.

    Uber đã sử dụng phương thức hợp tác để tăng tốc độ phát triển của UberEats, một chiến lược đã từng được công ty như Postmates sử dụng. Uber đã hợp tác với McDonald's trong năm nay để đặt đồ ăn vào giao cho khách từ hàng nghìn nhà hàng của hãng này. Lucy Brady, một giám đốc của McDonald's, chia sẻ trong một buổi họp với các nhà đầu tư hồi tháng Bảy rằng kết quả ban đầu của mối quan hệ này khá tích cực.

    Dẫu vậy, UberEats cũng đôi lần gặp rắc rối. Tháng vừa rồi, nó phải đối mặt với những lời phàn nàn sau khi tung ra một quảng cáo phản cảm ở Ấn Độ. Uber đã mau chóng xin lỗi về vấn đề này.

    Uber cho biết họ đã đầu tư vào việc tăng số lượng nhân viên sales của UberEats cũng như thuê các nhà khoa học dữ liệu để phân tích các thông tin hàng ngày về sở thích và đơn hàng của khách để giúp các nhà hàng cải tiến dịch vụ của họ hoặc quảng bá các món ăn phổ biến trong menu mạnh mẽ hơn.

    Với anh Gordon, chủ nhà hàng Footprints Cafe, UberEats cứ như sinh ra dành riêng cho công việc kinh doanh của anh vậy. Anh nói rằng dịch vụ giao đồ ăn của Uber đã giúp nhà hàng của anh tiếp cận những khách hàng mới bên ngoài cộng đồng khách hàng người Caribbean trung thành mà không cần phải trả phí quảng cáo trên Facebook hay Groupon giống như trong quá khứ.

    "Chúng tôi có một quầy dành riêng cho những lái xe UbeEats tới nhận đồ ăn và điều ấy hoàn toàn xứng đáng", anh Gordon nói.

    Theo The New York Times

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày