Ức chế nhà phát hành, game thủ "đì" Dragon Age II

    PV, Chíp Ly 

    Chỉ vì gọi nhà phát hành EA là "quỷ dữ", một game thủ đã bị mất trắng game Dragon Age II mà mình vừa mua. Thế nhưng, các game thủ cũng chẳng phải tay vừa.

    “Have you sold your souls to the EA devil?” (tạm dịch: BioWare các anh đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ EA rồi à?) là thứ khiến thành viên v_ware - một người dùng trên forums của BioWare - bị nhà sản xuất "khai tử". Nực cười là mặc dù tài khoản trên forums của v_ware đã bị cấm sử dụng trong 72 tiếng, nhưng anh ta cũng không thể kích họat được game Dragon Age II mới mua của mình, cũng như không thể kích họat được bản DLC của Dragon Age II mà người này đã mất $70 để mua.
     

    Trả lời thắc mắc của v_ware, Stanley Woo, mod của BioWare đã đem ra hai Điều khoản sử dụng dịch vụ được áp dụng cho trường hợp này: 1) BioWare có quyền cấm người dùng sử dụng forums ít nhất 24 tiếng, nhưng không ảnh hưởng tới các tựa game người dùng này có; 2) EA có quyền cấm người dùng, và sẽ ảnh hưởng tới tựa game và DLC của người dùng này.
     
    Vì BioWare hiện đang thuộc EA, nên không có gì đáng thắc mắc khi EA cấm một người dùng khi anh ta nói xấu về BioWare. Vụ việc này hiện đang làm rùm beng các cộng đồng mạng lớn như 4chan hay Reddit, bởi lẽ EA đã đi quá tay trong hành động này, ví von như cướp trắng trợn $70 chỉ vì người dùng này phát ngôn phật ý EA.
     

    Câu truyện này khiến chúng ta nhớ tới Spore, một tựa game phát hành bởi EA năm 2008. Do chế độ DRM quá ngớ ngẩn của Spore mà bao nhiêu gamer than thở trên diễn đàn của game, khiến EA, cảm tưởng như “tức phát khóc”, đã dọa sẽ ban tài khoản game Spore của bất cứ người nào còn nhắc tới DRM của game nữa.
     
    Dragon Age II cũng đang là đề tài gây nhiều tranh cãi xoay quanh chất lượng của game. Mặc dù nhìn chung, người dùng khen ngợi Dragon Age 2 có lời thoại tốt và cuộc “phiêu lưu tình ái” thú vị, nhưng cảm tưởng như chất lượng của Dragon Age 2 không xứng đáng với tiếng tăm của một studio hạng A như BioWare. Dragon Age 2 có những khu vực như các hang động và tòa nhà thiết kế quá giống nhau và lặp đi lặp lại.
     

    Chưa kể đến việc Dragon Age II còn có nhiều bug cho cả 3 hệ máy PC, PS3 và Xbox 360, như lỗi “farm” tiền và điểm kinh nghiệm vô hạn. Bản PS3 còn bị báo lỗi treo game ngẫu nhiên, và bản Xbox 360 thì làm một số người chơi không đăng nhập được vào tài khoản khác. Nực cười là trong khi game còn nhiều bug đáng sợ như vậy, nhưng Dragon Age 2 đã có ngay một bản DLC rồi (Exile Prince), giá tầm $7.
      
    Câu trả lời cho những hiện tượng suy giảm chất lượng này nằm ở thời gian phát triển gấp rút của game, được công bố vào hè năm ngoái, nhưng đã có mặt ngay trong quý 1 năm 2011. Người duy nhất dám công nhận rằng Dragon Age 2 ra đời quá gấp gáp là Inon Zur, nhà soạn nhạc của game. Trong cuộc phỏng vấn với IGN, ông đã nói rõ rằng mình đã phải soạn nhạc nền cho Dragon Age 2 rất gấp rút do EA muốn tranh thủ sức nóng của Dragon Age: Origins ("EA really wanted to capitalize on the success of Origins").
     
     
    Các game thủ cũng chẳng vừa. Hiện nay, số điểm của Dragon Age 2 do người dùng bình chọn trên Metacritic đã tụt xuống mức tệ hại, còn 4.1 và vẫn còn đang tiếp tục giảm khi liên tục bị các game thủ "dìm hàng". Chỉ một câu truyện trên thôi cũng đã thấy sự đáng sợ của các tập đoàn game lớn ngày nay, và v_ware cũng không sai khi ví EA với quỷ dữ. 

    Phải chăng nếu các hãng game lớn đừng "vắt sữa" người chơi cho những bản DLC của một tựa game chưa hoàn thiện, thì các game thủ cũng không ghét cay ghét đắng đến thế. Dragon Age II có nội dung ngắn hơn phần đầu, tuy nhiên, nó sẽ có nhiều bản DLC hơn. Thông tin này đã được nhà sản xuất xác nhận từ một thời gian trước. Thế nên, cái giá 60$ cho một trò chơi không còn đúng với giá trị của nó nữa. Để mua tất cả các bản mở rộng và DLC của Dragon Age: Origins thì bạn phải mất tời gần 150 USD.