Ủy ban châu Âu yêu cầu Facebook, Google kê khai lợi nhuận, nộp thuế đầy đủ

    Ngocmiz,  

    Ủy ban Châu Âu đang dự thảo đưa ra các kế hoạch yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia như Google, Amazon, Facebook kê khai chính xác lợi nhuận và cách thức họ sẽ đóng thuế tại các quốc gia Châu Âu.

    Bản dự thảo quy định thực chất đã được đề xuất từ trước khi xảy ra vụ lộ tài liệu khổng lồ Panama, nhưng mới đây vừa được trình lại đúng vào lúc làn sóng phản đối các cá nhân, tổ chức trốn thuế đang lan ra khắp thế giới.

    Kế hoạch được kỳ vọng sẽ bao gồm các quy định yêu cầu các doanh nghiệp thu về nhiều hơn 600 triệu Euro mỗi năm phải kê khai thuế cũng như tiết lộ lợi nhuận kiếm được tại mỗi quốc gia họ hoạt động trong toàn khối EU.

    Kể từ khi vụ hồ sơ Panama nổ ra, một điều khoản mới yêu cầu các công ty phải kê khai đầy đủ lợi nhuận họ kiếm được từ các “thiên đường thuế” trên thế giới đã được đưa vào. Các công ty cũng sẽ phải làm một bản kê khai thuế tổng hợp khác khai báo về lợi nhuận tại những nơi ngoài các thiên đường thuế này.

    Theo The Guardian, Chủ tịch Ủy ban Jean-Claude Juncker đang rất hối thúc việc đưa sáng kiến này vào thực hiện.

    Tuy nhiên cũng có những ý kiến cho rằng chuyện này sẽ khó xảy ra. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng cảnh báo nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ dừng hoạt động tại Châu Âu cùng lúc.

    Bên cạnh đó, cũng phải kể tới những lo ngại về việc thiếu sự đồng nhất trong nội bộ các nước thành viên EU về những nơi được coi là thiên đường thuế.

    Các kế hoạch kể trên đã được trình lên bởi thành viên ủy ban Châu Âu đến từ Anh Lord Hill. Phát biểu với BBC, “đây là một nỗ lực thận trọng nhưng cũng đầy tham vọng hướng tới minh bạch hóa các hoạt động kê khai thuế”.

    “Mặc dù bản đề xuất của chúng tôi không trực tiếp đáp trả vụ hồ sơ Panama nhưng có một mối liên hệ chặt chẽ giữa những việc chúng tôi đang làm và những thiên đường thuế chúng tôi đang cố gắng đưa vào bản dự thảo”.

    Cũng như với các ngân hàng, các công ty khai thác mỏ và lâm nghiệp từ lâu đã tiếp nhận những quy định này, bản đề xuất này dự kiến sẽ giúp minh bạch hóa khoảng 90% doanh thu của các công ty lớn tại Châu Âu.

    Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu EU có thể thực hiện các đề xuất này hay không.

    Tham khảo Independent

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ