Valkyrie - thế hệ robot cứu nạn mới nhất của NASA

    MP,  

    (GenK.vn) - Valkyrie là tác phẩm được các kỹ sư của NASA xây dựng trong vỏn vẹn 9 tháng và họ tự hào gọi nó là robot "siêu anh hùng".

     
    Mặc dù mới phải ngưng hoạt động trong quãng thời gian trắc trở của chính phủ Mỹ vừa qua, nhưng ngay khi mở cửa trở lại – Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã ngay lập tức chứng tỏ cho thế giới thấy rằng những gián đoạn nhỏ này không thể cản bước các chuyên gia khoa học hàng đầu của nước Mỹ. Robot Valkyrie được một nhóm các chuyên gia của NASA xây dựng để dành riêng cho việc tham dự cuộc thi Robotics Challenge Trials do DARPA (cơ quan quản lí các dự án công nghệ quốc phòng cao cấp trực thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ) tổ chức. Ngoài sự linh hoạt tương đối ấn tượng so với chiều cao 1,8m của mình, Valkyrie được phát triển kèm rất nhiều tính năng độc đáo như cánh tay tháo rời thay đổi được, cảm biến sonar (dẫn đường và đo cự li bằng sóng âm thanh), vô số camera cao cấp và đặc biệt thu hút nhiều sự chú ý nhất là chiếc đèn phát sáng đúng phong cách “Tony Stark” ngay chính giữa ngực.

    Chỉ huy dự án và trưởng phòng phát triển các dạng robot tinh xảo của NASA, Nicolaus Radford, phát biểu trước báo giới rằng Valkyrie được các kỹ sư tại đây thiết kế riêng cho cuộc thi của DARPA. Đôi chân chắc chắn được thiết kế chú trọng tới sự linh hoạt, với mục tiêu là cho phép Valkirye di chuyển ngay trong cả các địa hình hiểm trở, đặc biệt là các khu vực vừa gặp thảm họa để phục vụ công tác cứu hộ. Các camera quan sát được đặt trên khắp các bộ phận từ đầu, cơ thể, cánh tay, đầu gối cho tới cả bàn chân, đem lại các hình ảnh cụ thể nhất cho người điều khiển. Cảm biến sử dụng sóng âm và tia lade cũng được tích hợp sẵn để cung cấp thêm thông tin trong những trường hợp tầm nhìn bị hạn chế. Không như mẫu robot Atlas do chính DARPA phát triển trước đây, Valkyrie có thể hoạt động hoàn toàn bằng pin 2kWh tích hợp trong thân thay vì cần phải có dây dẫn năng lượng .

     

    Valkyrie được NASA xây dựng dựa trên một nguyên mẫu cũ mang tên Robotnaut, hiện đang hoạt động trên trạm vũ trụ quốc tế. Do được thiết kế với mục đích vận hành trong môi trường không trọng lượng, Robonaut có kích thước và bộ khung tương đối “cồng kềnh”. Ngược lại, Valkyrie có phần khung được thiết kế nhẹ hơn và đôi chân mạnh mẽ, linh hoạt nhắm tới việc thích nghi tốt hơn với các loại địa hình đa dạng. Đặc biệt, cách thiết kế theo dạng module tháo rời cho phép những người vận hành không cần phải là chuyên viên kỹ thuật cao cấp cũng có thể thay thế các chi của robot này chỉ “trong vòng vài phút”.

    Bên cạnh khả năng thực tế, Radford còn tự hào mô tả việc nhóm phát triển của anh đã nỗ lực tạo ra một robot với vẻ ngoài “chất” như thế nào. Một trong những thách thức lớn nhất của việc chế tạo robot từ trước tới nay vẫn là việc giữ được khuôn dạng gần với con người nhất mà vẫn bảo đảm các tính năng vốn có. Valkyrie được tự hào giới thiệu là mẫu có vẻ ngoài gần với người nhất trong số các robot tham dự cuộc thi, không chỉ xét về mặt khung cơ bản, mà cả các động tác, cử chỉ. Quan sát trong video, ta thậm chí có thể thấy trên các chi kim loại của Valkyrie được “mặc” một lớp vải đặc biệt. Radford cho biết lớp vải này có hai nhiệm vụ, một là bổ trợ cho hệ thống cân bằng và giảm khả năng ngã của Valkyrie; hai là đem lại cảm giác “tự nhiên” cho mọi người. “Cử chỉ của nó rất nhẹ nhàng. Vì vậy, chúng tôi không muốn trong quá trình Valkyrie vận hành, những người tiếp xúc với nó sẽ chỉ cảm nhận được sự lạnh lẽo, khô cứng của bề mặt kim loại. Chúng tôi muốn khiến cho cảm giác tiếp xúc với Valkyrie phải thật tự nhiên, như thể ta đang làm việc với một người cộng sự vậy”.

    Robot cứu nạn Valkyrie.

    Trước đây, NASA cũng đã từng tài trợ cho một dự án mang tên Valkyrie khác, trong đó nhóm nghiên cứu Stone Aerospace dự định phát triển một mẫu “cryobot” với khả năng sử dụng tia lade để cắt xuyên qua các lớp bang trên vệ tinh Europa của Sao Mộc. Mẫu Valkyrie mới này hiện nay được phát triển cho các nhiệm vụ trên mặt đất, mà cụ thể là bám theo các tiêu chuẩn để tham dự cuộc thi DARPA Robotics Challenge. Nhưng Radford cho biết tầm nhìn trong tương lai của NASA vẫn là triển khai Valkyrie trên vụ trũ, trước hết là sao Hỏa, “Các robots dạng này sẽ là tiên phong mở đường cho các phi hành gia”.

    Hiện nay, trước hết Valkyrie sẽ phải vượt qua hàng tá mẫu robot dự thi khác tại sự kiện của DARPA vào 20/12 tới. Điều ấn tượng nhất là tác phẩm này đã được các kỹ sư của NASA hoàn thành chỉ trong vòng có 9 tháng, trong đó có 2 tuần NASA phải ngưng hoạt động cùng với chính phủ Mỹ. 55 thành viên của dự án đã luân phiên làm việc không ngừng nghỉ để đảm bảo công việc phát triển được tiến hành không ngừng nghỉ từ 7 giờ sáng hàng ngày cho tới 5h sáng ngày hôm sau. Cho dù có thời gian phát triển đáng được liệt vào hàng “không tưởng” trong lĩnh vực nghiên cứu Robot, Radford cho biết Valkyrie sẽ thừa sức thực hiện các tác vụ cứu hộ khó khăn mà DARPA đề ra trong cuộc thi của mình, thậm chí còn tự tin dùng từ ‘siêu anh hung” để mô tả tác phẩm của mình và các cộng sự. Với thiết kế đèn nhìn cũng khá giống “quả tim” của Tony Stark, phải chăng các kỹ sư này cảm thấy ngày mà Iron Man bước vào đời thật sẽ không còn quá xa nữa?

    Tham khảo:TheVerge