Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam

    Bảo Nam,  

    Nhiều nhà phát triển game độc lập ở Việt Nam đang tìm mọi cách sinh tồn, phát triển để nuôi giấc mộng đưa game của người Việt ra thế giới.

    Cách đây nhiều năm, giấc mơ làm game của các lập trình viên Việt Nam là một cái gì đó khá xa vời. Trên thực tế, khi chứng kiến ngành game phát triển cũng như sự thành công của các công ty game nước ngoài, nhiều người đã ôm giấc mộng tạo ra các sản phẩm game thuần Việt, của người Việt cho người Việt.

    Nhưng sự nghiệt ngã của thị trường, từ các yếu tố kinh doanh cho tới thị trường, quảng cáo rồi kênh thanh toán đã ngăn trở bước chân của không ít người. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất game nói chung vẫn còn khá yếu. Mặc dù vẫn có một số cái tên nổi bật như Khu vườn trên mây, Thuận Thiên Kiếm hay các sản phẩm gây tiếng vang như 7554... nhưng rồi tất cả nhanh chóng bị chìm dần vào quên lãng. Thị trường Việt Nam hoàn toàn bị xâm chiếm bởi các công ty game nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc... bởi sự áp đảo về tiềm lực kinh tế, khả năng kết nối kênh thanh toán cũng như kinh nghiệm cạnh tranh.

    Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều con người, tại các studio nhỏ vẫn kiên cường sinh tồn để viết tiếp giấc mộng làm game.

    Khó khăn của các nhà phát triển game độc lập

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 1.

    Ngô Minh Quân - CEO Spirit Bomb.

    Ngô Minh Quân, tốt nghiệp kỹ sư CNTT trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, thạc sĩ trường University of Technology (Sydney) đã bắt đầu làm game từ lúc còn là sinh viên đại học. Sau khi ra trường, anh đầu quân cho một số công ty game lớn như Gameloft VN với vị trí Producer rồi giám đốc studio cho FPT Online.

    Bản thân là một người mê game và máu kinh doanh, từ những năm 90 anh đã mở tiệm kinh doanh game online. Quá trình làm việc cho các công ty lớn, anh cũng đầu tư cho một số sản phẩm game thuần Việt nhưng không thành công về mặt kinh doanh. Nhưng không vì thế mà Quân từ bỏ giấc mơ. Ngược lại, động lực thôi thúc anh càng trở nên mãnh liệt.

    Tháng 10/2013, anh nghỉ việc, khởi nghiệp với studio mang tên Spirit Bomb ở TP HCM. Ban đầu, công ty nhỏ này chỉ có 5 người, gồm một số bạn bè và đồng nghiệp cũ. Mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm làm game, sau một số dự án thất bại về kinh doanh ở công ty cũ, anh bắt đầu mất phương hướng, không biết phải làm gì tiếp theo. Vì vậy một số dự án ban đầu của Spirit Bomb chỉ mang tính thử nghiệm để tìm hướng đi và nhanh chóng thất bại.

    "Đối với mình khó khăn lớn nhất khi mới khởi nghiệp là vốn ít và quan trọng là chưa biết làm game gì để đem về lợi nhuận. Chỉ sau vài sản phẩm thất bại thì bên mình cũng tiêu gần hết sạch số vốn ban đầu, nên sau đó phải nhận thêm các dự án gia công cho các khách hàng nước ngoài để duy trì hoạt động.", Quân cho biết.

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 2.

    Phạm Nguyễn Thu Nguyên tại sự kiện Google PlayTime 2019

    Còn ở Đà Nẵng, câu chuyện với Phạm Nguyễn Thu Nguyên cũng có phần tương tự. Tốt nghiệp chuyên ngành marketing nhưng lại có đam mê và hứng thú với game di động, sau nhiều lần chuyển công tác, cô đã mạnh dạn đầu quân cho XBean Game Studio, một công ty thành lập vào tháng 06/2015.

    Tiểu sử của XBean cũng khá đặc biệt. Ban đầu, công ty này chỉ có 4 nhân sự. Số vốn ban đầu của công ty chưa đến 500 triệu đồng, một nửa từ việc vay mượn và bán căn nhà cha mẹ để lại của người sáng lập công ty Trần Kim Vinh, nửa còn lại là vốn đầu tư từ một người bạn của Vinh sau khi nghe lắng nghe 4 tiếng thuyết trình về start-up tại một quán cà phê cóc.

    Ban đầu, XBean ấp ủ một niềm tin và khát vọng sẽ mang các sản phẩm game của người Việt ra thị trường quốc tế, khởi đầu bằng dòng game giải đố và Casual. Nhưng không dễ để làm game cho những khách hàng ở cách nửa vòng Trái Đất. Sau một thời gian, hiệu quả nhận được khá hạn chế. Công ty phải bắt đầu vòng gọi vốn lần trong 2 tháng vận động hành lang, kết thúc bằng 1 cuộc gặp kín với 11 người theo thể thức Crowdfunding.

    Quãng thời gian sau đó, công ty chuyển hướng làm Outsource cho các đối tác ở Úc, Isreal để tiếp tục sinh tồn và tìm hướng đi mới. Trong suốt từ 2016 đến 2017, XBean đã thử qua nhiều thể loại game, nhiều cách hợp tác để phát triển và thử nghiệm ở các thị trường mới bằng các sản phẩm mang tính Châu Á hơn. Tuy nhiên, thành công thật sự vẫn chưa mỉm cười.

    "Mỗi công ty có một nhóm giá trị nào đó, ở XBean là mọi người kết nối với nhau như gia đình, chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống. Trong giai đoạn khó khăn, ai cũng hiểu và thương công ty, muốn nó tồn tại và phát triển. Thậm chí chấp nhận giảm lương để cùng nhau vượt qua, cùng nhau bảo vệ môi trường làm việc này. Theo kiểu anh em ôm nhau khóc, nhưng vẫn phải gắng sức vì đam mê", cô nhớ lại.

    Sự chuyển biến của thị trường

    Từ doanh thu đi làm thuê, Quân tái đầu tư vào việc phát triển các sản phẩm riêng của Spirit Bomb. Vài năm gần đây, thị trường game di động thế giới nói chung và ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.

    "Thị trường game một vài năm gần đây đã thay đổi nhiều. Cách tư duy làm game cũng biến chuyển. Trước đây chỉ cần làm sản phẩm tốt, kiểu gì cũng có người chơi, không cần truyền thông hay chạy quảng cáo, dễ để cho các studio nhỏ thành công. Nhưng giờ thì tư duy đó không còn, hoặc rất khó để phát triển mà không cần tới marketing", Quân cho biết.

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 3.

    Theo anh, câu chuyện quay về bài toán tìm ra cách marketing đúng đắn giúp công ty thu lại nhiều hơn số tiền bỏ ra. Với các công ty game độc lập, việc này tạo ra áp lực, buộc họ phải kết hợp các nhà phát hành lớn để quảng bá sản phẩm, chia sẻ doanh thu. Bởi nếu không quảng bá, thậm chí sản phẩm của họ sẽ bị các đơn vị lớn sao chép và biến thành của mình, đẩy mình vào vị thế của kẻ đi sau. Thời gian gần đây, một số nhà phát hành ở Trung Quốc, do hạn chế về kinh doanh ở khu vực nội địa do chính sách của chính phủ nước này, đã sang Việt Nam tiếp xúc với các nhà phát triển và công ty game để tìm cơ hội mới.

    Còn lối đi thứ hai là làm ra sản phẩm tốt, sau đó đi xin đầu tư hoặc xoay xở kinh phí để chạy quảng cáo. Đáng tiếc là trên thực tế, hầu như các quỹ đầu tư thường tập trung cho mảng ứng dụng, bởi nó mang lại ít rủi ro hơn làm game. Rất may mắn là ở Việt Nam, một số công ty game độc lập nay đã phát triển lớn mạnh như Onesoft hay Amanote, đã quay lại tìm cách hỗ trợ cho các nhà phát triển trẻ.

    Các sản phẩm mới đã dần tạo ra được nguồn doanh thu tương đối ổn định nên công ty đã ngừng hẳn việc làm gia công và tập trung vào các sản phẩm chính. Hiện tại một số sản phẩm game của Spirit Bomb tự phát hành đã đạt hơn 5 triệu lượt tải trên Google Play và App Store. Nổi bật trong số đó là Sky Champ, trò chơi thuộc thể loại bắn máy bay cổ điển. Tuy nhiên, game đã được "biến tấu" để kết hợp với nhiều tính năng hơn như ấp trứng, nuôi và huấn luyện thú, nhập vai và chiến đấu với người chơi khác...

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 4.

    Đội ngũ XBean thảo luận về dự án sản phẩm hàng tuần.

    Còn với XBean, sau thời gian chật vật tìm kiếm, công ty cũng dần phát hiện khoảng trời nhỏ của riêng mình. Năm 2017, dự án "Toy Collapse" thành công, mang đến nguồn thu ổn định từ lượng lớn người chơi mỗi ngày. Năm 2018, game được bán cho một công ty phát hành game ở Anh. Sau đó, XBean quyết định đầu tư vào hai dự án lớn nhất trong lịch sử công ty là "Meowaii" và "Craftory". Để thực hiện 2 dự án này, nhân sự của XBean đã có lúc lên đến 20 người.

    "Từ ngày thành lập tới nay XBean đã phát triển khoảng 20 game, đủ thể loại cho đủ mọi lứa tuổi người dùng. Tuy nhiên một năm trở lại đây XBean tập trung vào đối tượng là phụ nữ, ở thị trường Mỹ. Đây là nhóm người đã nghỉ hưu, ở nhà làm nội trợ, có thời gian chơi game và một khoản tiền trợ cấp để mua dịch vụ trong trò chơi", Nguyên chia sẻ.

    Sản phẩm mà cô nói tới là Craftory. Trong game, người chơi sẽ hóa thân thành các ông chủ, bà chủ và xây dựng nhà máy. Những nhà máy này sẽ sản xuất các loại đồ đạc để trang trí cho ngôi nhà riêng. Game có đồ họa đẹp, giao diện dễ thương, không đòi hỏi nhiều kỹ năng về thao tác hay chiến thuật.

    "Game đã đạt điểm 4.5/5 theo đánh giá người dùng, cho thấy XBean đã phần nào bắt được nhu cầu và thỏa mãn mong muốn của đối tượng khách hàng. Việc quan trọng tiếp theo là giữ chân người chơi", cô tâm sự.

    Hiện Nguyên đang là giám đốc tiếp thị của XBean, kiêm thiết kế game và phụ trách kinh doanh. Công ty cũng thường xuyên cho cô tham dự các khóa đào tạo để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ.

    Cơ hội tại IGA 2019

    Sky Champ và Craftory là chiếc chìa khóa đã đưa hai studio game Việt Nam nói trên tham dự khóa đào tạo Indie Games Accelerator 2019 (IGA 2019) do Google tổ chức.

    IGA là một phiên bản đặc biệt của chương trình ‘Ươm mầm khởi nghiệp’ Launchpad Accelerator của Google, một dự án kéo dài trong bốn tháng nhằm đào tạo các nhà phát triển game tiềm năng từ các quốc gia ở nhiều khu vực để họ có thể xây dựng, mở rộng, phát hành và thương mại hóa thành công các thế hệ game di động "bom tấn" kế tiếp, hướng ra thị trường toàn cầu.

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 5.

    Trong quá trình tham gia, Quân cho biết đã học hỏi được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trực tiếp từ nhiều "đại cao thủ" trong ngành game trên thế giới như King, Zynga, EA, Miniclip, SquareEnix, Vlambeer,... Và khi áp dụng những kiến thức học được, công ty đã cải thiện đáng kể các chỉ số quan trọng của sản phẩm như tỉ lệ giữ chân người chơi, doanh thu trung bình trên mỗi người chơi… đồng thời nâng cao được quy trình sản xuất và vận hành một cách khoa học, hiệu quả hơn.

    "Có rất nhiều chuyên gia đến từ rất nhiều mảng khác nhau trong ngành như marketing, tối ưu doanh thu, thiết kế game, kỹ thuật lập trình… Google đã chuẩn bị tất cả mọi thứ mà một studio nhỏ cần. Tôi thu được nhiều điều hữu ích giúp cải thiện sản phẩm đang có, đồng thời chuẩn bị cho các ý tưởng mới", anh nói. Anh cũng cho biết rất khuyến khích các studio của Việt Nam nộp đơn tham dự vào chương trình này.

    "Với các nhà làm game độc lập, có quá nhiều thứ phải học. Cách đơn giản nhất là hãy làm sản phẩm thật tốt, rồi tham dự các chương trình hỗ trợ, chẳng hạn như IGA, sau đó kiếm một nhà phát hành lớn để hợp tác. Đó chưa chắc là con đường đúng nhất, nhưng chắc chắn là con đường dễ dàng nhất", anh chia sẻ.

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 6.

    CEO Nguyễn Thanh Vĩnh (áo cam) and CMO Phạm Nguyễn Thu Nguyên (áo vàng) tham gia khóa huấn luyện tại IGA 2019 (Singapore)

    Còn với Nguyên, đây là nơi cho phép cô có cơ hội được biết thêm nhiều mối quan hệ với cả những người hướng dẫn và studio đến từ các nước khác. Đây là nguồn tài sản quý, giúp công ty của cô dễ dàng hơn trong việc xâm nhập vào các thị trường này trong tương lai.

    Tại IGA, Nguyên cũng được Google tạo điều kiện gặp gỡ các nhà đầu tư đến từ nhiều nước khác, đang quan tâm tới sản phẩm do studio của cô tạo ra. Tuy nhiên, việc gặp gỡ chỉ là điểm khởi đầu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước khi hai bên tiến tới ký kết các thỏa thuận cụ thể. Cô cho biết một studio của Ấn Độ đang có ý định hợp tác để nhờ XBean làm cầu nối đưa một số sản phẩm của họ về Việt Nam.

    Công ty cũng đã đưa ra một quyết định khó khăn là thay đổi cơ cấu nhân sự để thích ứng với sự thay đổi, tìm con đường mới để phát hành sản phẩm và phát triển công ty.

    Cơ hội tương lai

    Hiện nay, xu hướng chính của các studio ở Việt Nam vẫn là tấn công vào các thị trường nước ngoài. Với thị trường quốc tế rộng lớn, đâu đó sẽ tồn tại các tập khách hàng nhỏ thích và sẵn sàng bỏ tiền ra cho các trò chơi này. Còn thị trường Việt Nam dành cho các game thể loại đơn giản hiện quá nhỏ, không đủ nuôi sống các studio độc lập, thậm chí bị cạnh tranh bởi các công ty game lớn đến từ Trung Quốc. Trào lưu game nhập vai MMORPG trước đó cũng để lại nhiều tiếng xấu cho ngành game Việt Nam, khiến dư luận coi nó như một tệ nạn xã hội, vô hình chung ảnh hưởng tới tâm lý làm game, cũng như nguồn cung nhân sự cho ngành. Do đó, việc các nhà làm game hướng ra tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài là điều tất yếu.

    Theo CEO Spirit Bomb, điểm lợi khi làm game cho thị trường nước ngoài là quy mô sản phẩm không cần quá lớn, vừa sức với các công ty nhỏ. Công ty cũng không bị áp lực từ kỳ vọng hay danh tiếng như làm game cho thị trường Việt. Tuy nhiên, điểm bất lợi cần nhiều kinh phí, nguồn lực và nhân sự.

    "Tổng nhu cầu thị trường đang tăng trưởng, số người dùng smartphone tăng nên người chơi game cũng ngày càng nhiều. Tuy nhiên số lượng game cũng tăng nhanh tương ứng. Hầu hết các game đều phải chạy quảng cáo để kiếm lượt tải về, nếu không sẽ không ai biết bạn là ai. Nhiệm vụ giờ đây là phải cạnh tranh hơn các đối thủ", Quân cho biết. "Thị trường VN đang tăng trưởng về doanh thu in-app, mua vật phẩm. Google mới đây cũng đã hỗ trợ thanh toán qua nhà mạng, ví điện tử MOMO. Tôi có cảm giác người dùng Việt đang trả nhiều tiền hơn cho game di động".

    "Khả năng kinh doanh của các công ty Việt thực tế rất nổi trội so với khu vực, đặc biệt trong việc kiếm người dùng. Đường lối kinh doanh ngành game hiện đang thiên về dữ liệu, tính toán để tối ưu trong marketing và vận hành. Nó một cách đơn giản, đó là kiếm nhiều người dùng với chi phí rẻ và kiếm được tiền từ những người dùng đó. Đây giống như một xu hướng mới và một số nhà phát triển đã bắt trúng xu hướng này", Quân nói thêm. "Dẫu vậy, so về chất lượng nghệ thuật thì Việt Nam chưa được tốt, còn cần nhiều thời gian mới bắt kịp quốc tế. Spirit Bomb đang cố gắng làm cả hai việc này cùng lúc. Tôi tin rằng trong tương lai, cả ngành game sẽ đều quy về hình thức kinh doanh này."

    Vay mượn, bán nhà, làm thuê... Con đường sinh tồn khắc nghiệt để phát triển đi lên của các studio làm game độc lập Việt Nam - Ảnh 7.

    Các sự kiện như IGA của Google là cơ hội cho các studio game Việt cất cánh.

    Còn Nguyên và XBean thì tiếp tục muốn phát triển thị trường Mỹ, đồng thời thử nghiệm các thị trường ở Đông Nam Á. Cô áp dụng chiến lược sử dụng các thị trường có mức chạy quảng cáo thấp để thử nghiệm, nhận phản hồi và cải thiện sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để vừa sáng tạo game mới, vừa khám phá ra thị trường mới.

    "Cộng đồng làm game ở Đà Nẵng còn nhỏ lẻ, non trẻ, mọi người chưa có nhiều niềm tin và thường làm ứng dụng nhiều hơn. Em muốn truyền cảm hứng cho mọi người vì game không chỉ có ý nghĩa tiêu khiển mà còn giúp giải tỏa căng thẳng, kết nối mọi người xuyên biên giới", Nguyên nói.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ