Ví điện tử nhiều tiềm năng nhưng vì sao chưa thể phát triển?

    Hải Vân, Theo Trí Thức Trẻ 

    Thị trường hiện có hơn 20 ví điện tử được cấp phép hoạt động, được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người vẫn còn rất xa lạ với ví điện tử, thậm chí bộ phận không nhỏ chỉ đăng ký tài khoản nhưng không sử dụng.

    Theo Cục thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng Thương mại điện tử nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần sao với Nhật Bản. Đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thanh toán điện tử hay hình thức nở rộ gần đây là ví điện tử càng có nhiều lợi thế và động lực phát triển.

    Cuối tháng 9/2016, theo công bố của NHNN, số lượng ví điện tử được phát hành ra thị trường là hơn 3 triệu tài khoản. Tuy đến nay chưa có thống kê cụ thể năm 2017 nhưng theo công bố của một số thương hiệu phổ biến thì ví điện tử đang có sự tăng trưởng rất mạnh. Trong lễ ký thỏa thuận với Uber vào đầu tháng 12, đại diện MoMo cho biết đang có hơn 5 triệu khách hàng sử dụng sản phẩm ví MoMo và kỳ vọng sẽ tăng gấp 2-3 lần trong 12 tháng tới. Còn lãnh đạo LienVietPostBank (sở hữu Ví Việt) cho hay, tính đến thời điểm 15/12/2017, riêng Ví Việt đã có hơn 2 triệu người dùng và đặt kế hoạch 3,5 triệu người trong năm 2018.

    Hiện tại Việt Nam đã có hơn 20 ví điện tử được NHNN cấp phép hoạt động và chủ yếu phục vụ cho các khu vực thành phố lớn. Các tính năng của ví điện tử chủ yếu xoay quanh các dịch vụ như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán thẻ, hóa đơn, mua vé xe, xem phim,… và các tiện ích này chủ yếu gói gọn trong nước, chưa thể vươn ra toàn cầu.

    Nhiều rào cản từ thói quen thanh toán của người Việt

    Có nhiều tiện ích, được nhiều lợi thế về tỉ lệ dân số dùng internet, độ phủ thuê bao di động lớn và thương mại điện tử phát triển nhanh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều người vẫn còn rất xa lạ với ví điện tử, thậm chí bộ phận không nhỏ chỉ đăng ký tài khoản nhưng không sử dụng.

    Một trong những cản trở lớn nhất là thói quen thanh toán bằng tiền mặt rất khó thay đổi, ngay cả việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng cũng chỉ mới phát triển những năm gần đây, chưa thực sự trở thành phương thức quen thuộc trong đời sống của đại đa số người Việt. Việc sử dụng một chiếc ví vô hình để thanh toán càng khiến nhiều người lo sợ không đảm bảo được tính bảo mật. Nói theo cách khác, tiền được giữ trong tay hoặc thông qua ngân hàng vẫn được tin tưởng là chắc chắn và an toàn hơn nhiều.

    Một trong những tính năng của ví điện tử được nhiều người yêu thích là thanh toán trực tuyến hóa đơn điện, nước, phí chung cư, học phí,…Tuy nhiên, tính năng này lại đang gặp phải sự cạnh tranh từ phương thức thu tiền hộ tại các điểm chấp nhận thanh toán như Thế Giới Di Động. Do có mạng lưới lớn và độ phủ dày, việc đến nộp tiền tại các điểm chấp nhận thanh toán này khá dễ dàng và nhanh chóng, từ đó khiến người dân chưa muốn từ bỏ thói quen để chuyển sang sử dụng ví điện tử.

    Hệ sinh thái cho ví điện tử chưa đủ lớn

    Ngoài những khó khăn đến từ tâm lý và thói quen của khách hàng, chính bản thân các ví điện tử Việt hiện nay cũng chưa hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Hiện ví điện tử Việt đã có khá đầy đủ các tính năng cho thanh toán nội địa như: nạp/rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, mua sắm online, thanh toán vay tiêu dùng...Tuy nhiên, số lượng các điểm chấp nhận thanh toán vẫn còn hạn hẹp nên các trường hợp đi siêu thị, nhà hàng hay mua sắm người dùng vẫn phải dùng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng để trả tiền.

    Ví điện tử có thể coi là điểm giao của ba hệ sinh thái bao gồm: điện thoại di động, hệ thống tài chính ngân hàng và thị trường bán lẻ. Do đó, việc hợp tác để có thể thực hiện các thanh toán giao dịch trên các hệ sinh thái này là rất quan trọng, quyết định sự phát triển của ví điện tử đó.

    Nhiều chuyên gia cho rằng một vấn đề cản trở sự phổ biến của ví điện tử là lượng người sử dụng tài khoản ngân hàng còn chưa cao và nhiều ngân hàng chưa kết nối với các công ty triển khai ví điện tử.

    Trong khi đó, việc thuyết phục các nhà bán lẻ chấp nhận là điểm thanh toán sẽ còn mất nhiều thời gian hơn cả so với liên kết với ngân hàng vì số lượng quá nhiều và không có hệ thống chặt chẽ như ngân hàng.

    Nhìn sang bài học phát triển ví điện tử của Trung Quốc, Alipay và WeChat là hai ví điện tử phổ biến nhất với khoảng hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên. Hầu như mọi hoạt động xã hội như ăn uống, mua sắm, giải trí,... đều có thể thanh toán bằng hai ứng dụng này. Như Alipay là ví điện tử được tạo ra bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba có các sàn giao dịch lớn là Alibaba và Taobao. Sở hữu một hệ sinh thái khổng lồ với mạng lưới thành viên liên kết rộng lớn giúp Alipay nhanh chóng phổ biến, được nhiều người sử dụng và dễ dàng phát triển.

    Trong khi đó, tại Việt Nam, khó có một ví điện tử nào làm được như vậy khi không có nền tảng mạnh tương tự. Trong hơn 20 ví điện tử, vẫn chưa có cái tên nào thực sự chiếm lĩnh thị trường, chỉ có một số phổ biến hơn hướng tới lượng khách hàng lớn như momo, wepay, zalopay, payoo,..., còn lại đa số các ví điện tử được phát triển để phục vụ một lượng khách hàng rất nhỏ trong nội bộ. Điển hình cho các ví điện tử phục vụ khách hàng nội bộ là doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực game, bản thân những ví điện tử này không đặt nặng vấn đề sẽ có lời từ việc thu phí dịch vụ mà chủ yếu hoàn thiện các kênh thanh toán, giúp việc bán thẻ, nạp tiền trò chơi được dễ dàng hơn.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ