Vì sao bỗng dưng Google chuyển sang màu đen và mọi người phát hoảng vì điều đó?

    Lê Hoàng,  

    Khi Google đột ngột thực hiện một thay đổi chẳng ai mong muốn, người ta mới bắt đầu nhận ra ý nghĩa của những yếu tố giao diện tưởng chừng rất nhỏ nhặt trên web.

    Tại sao người ta lại phát hoảng khi Google chuyển sang màu đen?

    Thử nghiệm của Google vào tuần này đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Khi chẳng có ai phàn nàn một chút nào về chất lượng tìm kiếm của Google, bỗng dưng gã khổng lồ Menlo Park lại chuyển màu xanh truyền thống của các đường dẫn kết quả tìm kiếm sang màu đen.

    Lý do chỉ gói gọn trong một điều duy nhất: con người đã quá quen với các đường dẫn màu xanh. Trên các trang web và giao diện số ngày một tối giản, màu xanh đại diện cho đường dẫn (hyperlink, dịch nôm: “siêu đường dẫn”) vẫn được coi là một tiêu chuẩn gần như không thể phá bỏ của ngành thiết kế.

     Google bỗng dưng... đen thui.

    Google bỗng dưng... đen thui.

    Thực tế là người ta có thể không sử dụng màu xanh để ký hiệu đường dẫn, thay vào đó gia tăng kích cỡ (như trường hợp của Google) hay bôi đậm để giúp các đường link nổi bật giữa nhóm chữ viết thông thường. Song, qua 20 năm của World Wide Web, các đường dẫn màu xanh dương đã trở thành quen thuộc với loài người và bất cứ một lựa chọn nào khác cũng sẽ trở nên khó chịu. Lý do giữ màu xanh dương cho đường dẫn cũng giống như lý do giữ biểu tượng đĩa mềm cho tính năng Save vậy: khi chuyển sang bất cứ thứ gì khác, người dùng đều sẽ bị rối loạn.

    Nhưng thói quen người dùng không phải là giá trị thực tiễn duy nhất của các đường dẫn màu xanh. Lịch sử của World Wide Web cho thấy đây là màu sắc nên được lựa chọn. Cha đẻ của Internet, Tim Berners-Lee khẳng định ban đầu các đường link không có màu xanh dương:

    Không có lý do gì khiến người ta nên dùng màu sắc, hay cụ thể là màu đen, để chỉ rõ các đường link. Đơn giản mọi thứ được sắp xếp mặc định như vậy. Tôi nghĩ rằng trình duyệt WWW đầu tiên được tôi viết cho máy NeXT chỉ dùng đường gạch chân để thể hiện các đường dẫn, bởi gạch chân là một cách nhấn mạnh không còn được sử dụng nhiều trong các tài liệu cụ thể. Màu xanh được chọn khi các trình duyệt bắt đầu hiển thị được màu sắc – tôi không nhớ trình duyệt nào sử dụng màu xanh đầu tiên…

    Tôi đoán là màu xanh dương là màu tối nhất (ngoài màu đen) do đó sẽ ít ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ dễ đọc của trang web nhất. Ban đầu tôi dùng màu xanh lá khi thiết kế WWW, vì đó là màu của môi trường và vì màu này rất dễ chịu”.

    Tim Berners-Lee, cha đẻ của World Wide Web.
    Tim Berners-Lee, cha đẻ của World Wide Web.

    20 năm sau, khi ngày càng nhiều trang web loại bỏ đường gạch chân trên hyperlink thì màu xanh dương vẫn tồn tại. Điều này cho thấy giá trị thực tiến của màu này là rất lớn, và quả thật trên các văn bản hành chính (email, PDF) sẽ chẳng ai đặt câu hỏi khi bạn đặt đường dẫn lên một nhóm văn bản màu xanh cả.

    Tại sao Google lại muốn chuyển sang thử nghiệm màu đen?

    Đào sâu lịch sử hơn nữa, bạn sẽ thấy một sự thật thú vị: theo đúng như mô tả của Berners-Lee, định dạng gạch chân có lẽ còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả màu xanh dương khi định nghĩa đường dẫn (hyperlink).

    Lưu ý rằng Berners-Lee lại không phải là người đã sáng tạo ra hyperlink. Khái niệm đường dẫn văn bản bắt nguồn từ năm 1965 bởi một giáo sư đại học Vassar có tên Ted Nelson. Nelson gọi khái niệm này là “hypertext” (“siêu văn bản”) thay vì “hyperlink” như hiện nay. Ông là một chuyên gia công nghệ tuyệt vời (dù không phải là một lập trình viên) và cũng là người đứng sau Project Xanadu, dự án yểu mệnh có mục đích tạo ra một thư viện khổng lồ trên Internet, cũng kết nối các trang văn bản với nhau qua đường dẫn. World Wide Web sau này đã thay thế Xanadu, nhưng khái niệm hyperlink/hypertext thì tồn tại trong suốt 30 năm trước khi WWW ra đời.

    Từ thời của người ta đã hình dung ra Internet là một thư viện có văn bản này nối sang văn bản khác qua hypertext/hyperlink
    Từ thời của người ta đã hình dung ra Internet là một thư viện có văn bản này nối sang văn bản khác qua hypertext/hyperlink

    Trong 30 năm đó, màn hình màu là một thứ vô cùng xa xỉ và xa lạ. Nói cách khác, trong 30 năm đầu tiên của khái niệm Internet, con người phải làm quen với các đường dẫn qua định dạng gạch chân trên màn hình đen trắng chứ không phải là màu xanh.

    Đến năm 2014 thì Google loại bỏ đường gạch chân khỏi trang kết quả tìm kiếm của mình. Một khái niệm quen thuộc trong hàng chục năm kết thúc chỉ trong một ngày, và không có ai phàn nàn với Google cả. Thực tế là khi loại bỏ đường gạch chân thì trang web cũng trở nên sạch sẽ hơn, thân thiện hơn.

    Có thể “chiến thắng” này đã khiến Google quá tự kiêu và đi đến kết luận rằng khi loại bỏ màu xanh người dùng cũng sẽ không phàn nàn gì cả. Thực tế cho thấy Google đã sai. Một đại diện của hãng mới đây đã lên tiếng khẳng định: “Màu đen sẽ không sớm thay thế cho màu xanh”.

    Nhưng tại sao Google lại luôn ám ảnh với màu sắc? Lý do cũng là hoàn toàn thực tế: vào thập niên 2000, Google đã từng thử nghiệm tới gần 50 sắc thái xanh dương để lựa chọn ra màu xanh được người dùng ưa thích nhất. Doanh thu hàng năm của hãng tăng thêm 200 triệu USD mỗi năm vì người dùng click vào các kết quả tìm kiếm nhiều hơn trước.

     Google đã từng đạt kết quả tốt với những thay đổi nhỏ. Có lẽ giờ gã khổng lồ muốn làm thứ gì đó táo bạo hơn.

    Google đã từng đạt kết quả tốt với những thay đổi nhỏ. Có lẽ giờ gã khổng lồ muốn làm thứ gì đó táo bạo hơn.

    Đến những năm gần đây thì thị trường công nghệ chứng kiến 2 xu thế mới: 1, người dùng ngày càng nhàm chán với công nghệ và 2, xu hướng thiết kế tối giản lên ngôi. Sau khi phẳng hóa giao diện, Google chẳng còn cách nào để đơn giản hóa giao diện hơn nữa ngoài cách giảm số lượng màu sắc. Kết quả là sau màu đỏ của thanh định tuyến, đến lượt màu xanh của đường dẫn “lên thớt” để tạo ra một trải nghiệm web đủ khác biệt để khiến tất cả mọi người phải lên tiếng bình luận. Ở vị trí độc tôn, đem vài (triệu) người dùng ra thí nghiệm màu sắc cũng sẽ chẳng nhằm nhò gì với Google. Nếu thử nghiệm thành công, Google sẽ lại gia tăng doanh thu từ quảng cáo.

    Thật may mắn là thử nghiệm này có vẻ đã kết thúc trong thất bại. Màu xanh dương vẫn tiếp tục ở lại trên bảng kết quả tìm kiếm Google của chúng ta. Nhưng trong tương lai, đừng bất ngờ nếu như Google ra mắt thêm một vài thay đổi kì dị khác cho giao diện tìm kiếm đặc trưng của hãng. Cuối cùng thì người dùng cũng chỉ là khách hàng tiêu thụ quảng cáo cho Google mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ