Vì sao các hãng công nghệ Trung Quốc "im hơi lặng tiếng" tại CES 2019?

    Tấn Minh,  

    Huawei sẽ không cử lãnh đạo nào đến CES 2019, trong khi ZTE không có bất kỳ kế hoạch tham dự nào.

    Nếu bạn cảm thấy triển lãm CES năm nay tại Las Vegas có gì đó thiêu thiếu, thì đó chính là sự vắng mặt của các công ty công nghệ Trung Quốc. Lý do cho sự vắng mặt này? Không gì khác ngoài chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

    Gã khổng lồ thiết bị viễn thông Huawei Technologies sẽ không gửi bất kỳ lãnh đạo nào đến triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới, trong khi mới nâm ngoái thôi, CEO Richard Yu của họ còn đứng trên bục với một bài diễn văn đầy cảm hứng.

    Một người phát ngôn của Huawei cho biết công ty "muốn lặng tiếng tại CES" và "không lãnh đạo của bất kỳ công ty Trung Quốc nào sẽ đến tham dự CES năm nay".

    Sự im lặng này là một dấu hiệu cho thấy thời kỳ khó khăn đối với Huawei. CFO của công ty này, bà Mạnh Vãn Chu, đã bị bắt tại Canada vào tháng trước và đang tìm cách tránh bị dẫn độ về Mỹ, nơi bà có thể bị kết tội vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Iran. Bà Mạnh, vốn là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, hiện đang được tại ngoại sau khi trả khoản tiền 10 triệu đô-la Canada (tương đương 7,5 triệu USD), nhưng vẫn phải chịu giam lỏng tại nhà.

    Năm ngoái, các công ty Trung Quốc chiếm đến 1/3 số công ty tham dự CES. Tuy nhiên, năm 2019, khi mà triển lãm này đang hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng trước khi mở cửa chính thức vào thứ 3, mọi thứ có vẻ khác biệt so với năm ngoái.

    Vì sao các hãng công nghệ Trung Quốc im hơi lặng tiếng tại CES 2019? - Ảnh 1.

    Các công ty Trung Quốc vắng mặt tại CES trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn "đình chiến" kéo dài 90 ngày, với hạn chót vào ngày 1/3 đang sắp cận kề. Quãng thời gian đình chiến này đi kèm một khoản thuế tổng trị giá 250 tỷ USD mà phía Mỹ áp lên các hàng hóa Trung Quốc, và nếu hai nước thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận đàm phán, một khoản thuế khác cao hơn từ 10 đến 25% so với hiện tại sẽ được phía Mỹ áp dụng.

    Các nhà phân tích nhận định các công ty Trung Quốc có chủ đích không phô trương sức mạnh công nghệ tại thời điểm nhạy cảm này, bởi nhiều người tin rằng tham vọng trở thành bá chủ công nghệ thế giới của Trung Quốc chính là một trong nhiều lý do dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

    ZTE Corp., dù có tên trong danh sách tham dự CES 2019, cũng xác nhận sẽ không đến triển lãm và không đưa ra lời giải thích nào cho lần đầu vắng mặt kể từ năm 2011.

    Số lượng các công ty Trung Quốc phô diễn công nghệ robot, xe hơi tự hành và các sản phẩm công nghệ mới nhất chỉ còn 1.210, tức giảm 20% so với năm ngoái. Nhiều cái tên chưa từng bỏ lỡ kỳ CES nào trước đây cũng vắng mặt.

    Dù vậy, không phải mọi công ty Trung Quốc đều im lặng. JD.com, hãng bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc sau Alibaba Group Holding, sẽ lần đầu xuất hiện tại CES vào ngày mai, phô diễn các thiết bị thực tại ảo và nhiều giải pháp kho vận tự động hóa. Công ty Hongkong là Meituan Dianping, nổi tiếng với ứng dụng phong cách sống Dianping, cũng sẽ lần đầu xuất hiện tại CES để "khoe" các robot giao hàng của mình.

    Và ngay cả các công ty cố tránh xa ánh đèn sân khấu cũng không hề có ý định mở rộng kế hoạch vươn ra toàn cầu của họ. Huawei sẽ giới thiệu hai sản phẩm mới trong im lặng, không tổ chức họp báo: một chiếc laptop cao cấp Matebook 13 và đồng hồ thông minh Watch GT. Cả hai sẽ lên kệ tại Mỹ vào thứ 3, cùng ngày mở màn của CES.

    Jeffrey Towson, một giáo sư về đầu tư tại Đại học Peking và là một vị khách thường xuyên ghé thăm CES, cho rằng "các công ty Trung Quốc muốn giảm sự chú ý tại Mỹ, ít nhất trong vài tháng tới".

    Tham khảo: NikkeiAsia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày