Vì sao iPhone không cần cảm biến vân tay dưới màn hình?

    Bảo Nam,  

    Dẫu có sở hữu công nghệ cảm biến vân tay trong hay dưới màn hình hiện đại hơn, Apple cũng không cần sử dụng nó trên những mẫu iPhone trong tương lai.

    Vì sao iPhone không cần cảm biến vân tay dưới màn hình? - Ảnh 1.

    Cảm biến vân tay giống như một chiếc chìa khóa vạn năng, nhưng khóa cửa do Apple sản xuất từ lâu đã không cần người dùng phải mất công tra chìa vào ổ.

    Mới đây, PatentlyApple đã phát hiện một bằng sáng chế công nghệ Touch ID của Apple, với các miêu tả công nghệ ấn tượng và không giống với bất kỳ điều gì từng thấy trước đây. Mô tả của bằng sáng chế cho thấy Apple sẽ sử dụng sóng âm cộng hưởng từ phát ra từ màn hình iPhone, để lập bản đồ 3D dấu vân tay người dùng. Về bản chất nó giống với cảm biến siêu âm trên Galaxy S10 của Samsung, nhưng cho phép người dùng đặt ngón tay lên bất kỳ vị trí nào cũng có thể nhận diện chính xác. Ngoài ra hãng công nghệ này còn đưa ra ý tưởng về việc áp dụng song âm để lập bản đồ khuôn mặt người, hay theo dõi các dấu hiệu sinh học như nhịp tim và nhịp thở.

    Tuy nhiên giống như nhiều bằng sáng chế trước đó, các ý tưởng được đưa ra không dễ để trở thành hiện thực, ít nhất trong khoảng 5-10 năm tới.

    Thêm vào đó, Apple đã được định hình là một công ty sáng tạo ra những chuẩn mực mới, chứ không phải kiểu nhà sản xuất luôn loay hoay sửa chữa và cải tiến từ những sai lầm của công nghệ cũ. Cảm biến vân tay cũng là một trong số đó. Nên nhớ rằng, năm 2017, Apple chính là hãng công nghệ đầu tiên ra quyết định khai tử với cảm biến vân tay thông qua việc đưa hệ thống Face ID lên iPhone X. Cùng với màn hình OLED, Face ID đã góp phần tạo nên một trong những sản phẩm bản lề của Apple, với mức giá cao kỷ lục 999 USD.

    Rõ ràng, sẽ rất khó để hãng có thể đưa tính năng đã được chính mình khai tử này trở lại ở các dòng iPhone tiếp theo. Bởi dù là cảm biến vân tay trong hay dưới màn hình, nó vẫn đi kèm những bất tiện cố hữu đối với người dùng như yêu cầu chạm tay vào màn hình, các trường hợp tay bẩn hay ướt, độ trễ trong quá trình nhận diện… Đây là điều mà Apple luôn muốn tránh.

    Vì sao iPhone không cần cảm biến vân tay dưới màn hình? - Ảnh 2.

    Apple nên tập trung vào hoàn thiện Face ID thay vì chạy theo trào lưu cảm biên vân tay dưới màn hình.

    Thay vì tốn kém thời gian và tiền bạc để phát triển một hệ thống cảm biến vân tay tiên tiến và hiện đại hơn, Apple có thể toàn tâm và dành toàn lực vào việc hoàn thiện Face ID, công nghệ đã được đầu tư nhiều năm để thay thế.

    Ngoài ra, khi một loạt các hãng công nghệ khác đã chạy đua để tìm kiếm một giải pháp xử lý cảm biến vân tay dưới màn hình, việc Apple theo sau trào lưu mà không tạo được một sản phẩm với sự khác biệt nhất định sẽ khiến hình ảnh và niềm tin của người hâm mộ bị sụt giảm. Hình ảnh thương hiệu bị xấu đi có thể được chấp nhận với các nhà sản xuất smartphone khác nhưng khó xảy ra tại Apple, nơi mà một thay đổi nhỏ làm mếch lòng người hâm mộ có thể tạo nên chuỗi ảnh hưởng lớn tới gây hại tới doanh thu hay giá cổ phiếu trên thị trường.

    Trên thực tế, khi so sánh với các công nghệ cảm biến vân tay khác, Face ID vẫn đang thể hiện được sự vượt trội nhất định. Được tích hợp cùng với hệ thống camera, các kỹ sư của Apple không cần phải tốn thời gian nghĩ tới việc nên đặt cảm biến ở đâu, hay ảnh hưởng của trải nghiệm mở khóa bằng vân tay tới người dùng như thế nào.

    Còn về mức độ bảo mật thì trong buổi ra mắt iPhone X, Apple đã cho biết tỉ lệ vân tay của một người ngẫu nhiên có thể mở khóa Touch ID là 50.000. Tức là nếu chọn ngẫu nhiên trong 50.000 nghìn người thì có thể có một người sở hữu dấu vân tay mở được điện thoại của bạn. Còn với khuôn mặt, tỉ lệ này là 1/1.000.000.

    Chuyên gia nghiên cứu về an ninh, Rich Mogull cũng cho rằng với người dùng iPhone thông thường, "hàng rào bảo mật" của Face ID cùng việc khó tiếp cận vật lý vào những chiếc iPhone đã đủ để khiến cho những cuộc tấn công trở nên vô nghĩa. "Còn nếu lo ngại với Face ID, hoặc thậm chí là Touch ID, hãy tắt nó đi và dùng Passcode", ông nói.

    Chính bản thân các kỹ sư nội bộ của Apple cũng cho biết đã từ bỏ ý định làm cảm biến vân tay dưới màn hình sau khi chứng kiến và bị thuyết phục bởi Face ID. Chia sẻ trên trang web Daring Fireball thời điểm trước khi iPhone X ra mắt, nhiều kỹ sư cho biết họ đã "ngừng phát triển Touch ID dưới màn hình không phải vì không làm được, mà là vì thấy nó không cần thiết nữa".

    Còn nhiều người hâm mộ Apple thì tin rằng việc các nhà sản xuất smartphone khác chạy theo cảm biến vân tay dưới màn hình đơn giản bởi nhận ra bản thân không có đủ công nghệ và tiềm lực để sáng tạo ra một hệ thống nhận diện khuôn mặt hay mống mắt có thể đối chọi được với Face ID.

    Vì sao iPhone không cần cảm biến vân tay dưới màn hình? - Ảnh 3.

    Cảm biến vân tay dưới màn hình của Galaxy S10 bị lộ dưới ánh sáng mạnh.

    Ở hiện tại, chính bản thân các công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình đang được các nhà sản xuất ca ngợi và tự hào vẫn tồn tại những bất cập. Màn hình OLED với độ dày lớp nền quá mỏng sẽ để lộ cảm biến dưới ánh sáng mạnh như trường hợp của Galaxy S10, hay thời gian nhận diện vân tay quá lâu, tới 1-1,5 giây như công nghệ cảm biến quang học CMOS của Synaptics trên Vivo X20 Plus UD.

    Tất nhiên, không loại trừ việc Apple vẫn đang âm thầm nghiên cứu và có khả năng tung ra một loại cảm biến vân tay trong tương lai cho iPhone X. Nhưng khi đó, nó nhiều khả năng sẽ không giống bấy kỳ công nghệ cảm biến nào đang được sử dụng hiện nay, thậm chí sử dụng một cái tên khác chứ không thể mô tả là cảm biến vân tay trong hoặc dưới màn hình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ