Vì sao Trung Quốc mở rộng danh sách "tứ đại phát minh"?

    PV,  

    Số 8 là một con số may mắn ở Trung Quốc. Vậy nên, việc một đội ngũ hơn 100 nhà khoa học, sau 3 năm nghiên cứu, đã có thể đưa ra tuyên bố rằng Trung Quốc cổ đại đã đạt được ít nhất 88 đột phá khoa học và kỳ công kỹ thuật có ý nghĩa toàn cầu, đối với họ là một điềm may lớn.

    Danh mục của họ dài hơn 200 trang, được công bố vào tháng 6, đã được ca ngợi là một thành tựu xuất bản lớn.

    Theo The Economic, học sinh Trung Quốc nào cũng có thể kể tên "4 đại phát minh" của đất nước mình, đó là giấy, in ấn, la bàn và thuốc súng. Như giờ đây, các em sẽ phải học thuộc thêm rất nhiều.

    Nghiên cứu này nhằm mục đích chứng minh rằng Trung Quốc là nước tiên phong với nhiều kỳ tích khác trong lịch sử, trong đó có hệ thập phân, tên lửa, kỹ thuật chụp ảnh qua lỗ kim, trồng lúa và lúa mì, chiếc nỏ và bàn đạp.

    Không phải do ngẫu nhiên mà dự án do Học viện Khoa học Trung Quốc, một đơn vị có uy tín dẫn đầu, đã được khởi động vài tháng sau khi ông Tập Cận Bình tiếp quản vị trí nhà lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2012.

    Ông Tập đã cố gắng tập trung sự chú ý của công chúng vào những vinh quang trong quá khứ của Trung Quốc như một cách tuyên truyền cho chủ nghĩa yêu nước và mang lại một bối cảnh lịch sử phù hợp cho chiến dịch của mình để thực hiện "giấc mơ Trung ​Hoa về sự trẻ hóa to lớn của dân tộc Trung Quốc."

    Ông Tập đang xây dựng trên một truyền thống lâu đời của các nhà tuyên truyền nước này, đó là nhận mình là người tiên phong.

    "Trung Quốc đã phát minh ra Lassie," là tiêu đề một bài báo trên tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói về việc người Trung Quốc đã thuần hóa những chú chó cách đây 16.000 năm (một nhóm các nhà khoa học khác cho rằng niên đại này phải là cách đây 33.000 năm).

    Lassie là tên một bộ phim truyền hình nổi tiếng dành cho thiếu niên, nói về một chú chó có tên là Lassie.

    Vào năm 2006, truyền thông chính thức của nước này đã gây sốc cho người Scotland với một khẳng định rằng Trung Quốc đã phát minh ra môn golf cách đây một thiên niên kỷ, tức là hàng trăm năm trước khi trò chơi này xuất hiện ở Scotland.

    Là một người yêu bóng đá, ông Tập cũng thích hướng sự chú ý tới sự tiên phong của Trung Quốc trong môn thể thao này. Trong một chuyến thăm tới Anh vào năm 2015, ông đã dừng chân tại một trong số những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất nước này, đó là Manchester City.

    Tại đây, ông đã nhận được một bản sao bộ luật chơi đầu tiên của môn bóng đá hiện đại (được soạn ra bởi một người Anh vào năm 1863). Đổi lại, ông đã đưa ra một bức tượng đồng hình một người đang chơi túc cúc, một môn thể thao giống như bóng đá được người Trung Quốc phát minh ra cách đây 2.000 năm (ảnh trong bài được chụp tại một bảo tàng bóng đá ở tỉnh Sơn Đông).

    Môn thể thao này từng rất phổ biến trong giới trẻ thành thị, cũng như là một hình thức tập luyện trong quân đội. Ông Tập cũng muốn có một sự trẻ hóa trong lĩnh vực này.

    Năm 2014, ông đã công bố kế hoạch nhằm đưa bóng đá vào chương trình học quốc gia. Mục đích là tới năm 2050 đưa Trung Quốc lên thành một "cường quốc hàng đầu" về bóng đá (nước này vẫn còn một chặng đường dài phía trước).

    Sự quan tâm ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với những thành tựu cổ đại của nước này, cả có thực lẫn cường điệu, đối lập với sự bác bỏ gần như hoàn toàn của Mao Trạch Đông sau khi ông này lên nắm quyền vào năm 1949.

    Một trong những mục tiêu trọng tâm của cuộc Cách mạng Văn hóa của ông là tấn công "bốn cái cũ" tư tưởng, văn hóa, phong tục và tập quán cũ.

    Nhưng giờ đây, ông Tập tuyên bố rằng nền văn minh Trung Quốc "đã phát triển thành một dòng không gián đoạn từ thời cổ đại đến hiện đại."

    Trung Quốc cũng muốn sử dụng sức mạnh cổ đại để thúc đẩy hình ảnh ở nước ngoài và phản bác lại những ấn tượng phổ biến (và thường là không công bằng) ở phương Tây rằng nước này giỏi sao chép ý tưởng của nước khác hơn là tự nghĩ ra ý tưởng của mình.

    Bốn phát minh tuyệt vời là một trong những chủ đề chính tại Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008, một sự kiện mà Trung Quốc coi như một bữa tiệc ra mắt với thế giới.

    Sự ganh tị với những thành quả nhanh chóng về công nghệ kể từ thế kỷ 19 đã và đang là chất xúc tác của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong hơn 100 năm.

    Điều này đã cung cấp năng lượng cho một sự cạnh tranh văn hóa ở Trung Quốc, biến lịch sử cổ đại thành một chiến trường. Điều này được thể hiện trong phản ứng gai góc của Trung Quốc trước một bộ phim tài liệu mới đây do BBC và National Geographic thực hiện, trong đó cho rằng những tượng chiến binh bằng đất nổi tiếng của Trung Quốc ở Tây An cho thấy ảnh hưởng từ Hy Lạp.

    Một số người coi đây là một sự coi thường. Một nhà khảo cổ Trung Quốc đã bác bỏ lý thuyết này là "thiếu trung thực" và "không có căn cứ"; một người khác cho rằng người nước ngoài không thể tạc ra những tượng này vì "không có cái tên Hy Lạp nào" được viết trên lưng chúng.

    Tương tự, năm 2008, Boris Johnson, khi đó là thị trưởng London, đã bị chế nhạo khi nói rằng bóng bàn có nguồn gốc không phải từ Trung Quốc mà là trên bàn ăn thời Victoria và từng được gọi là whiff-whaff.

    Chỉ là một mâu thuẫn nhỏ

    Tuy nhiên, việc công bố 88 thành tựu mới đã một lần nữa thu hút sự chú ý tới một bí ẩn từ lâu nay: tại sao sau một hồ sơ dài những thành tựu đáng chú ý trong công nghệ, các cải tiến của Trung Quốc phần lớn lại bị ngưng trệ trong khoảng 500 năm trước sự sụp đổ của triều đại phong kiến cuối cùng vào năm 1911?

    Như truyền thông nhà nước đã nhận xét, có ít phát minh trong danh sách mới thuộc về thời kỳ này. Câu đố này thường được goi là "Câu hỏi Needham," được đặt theo tên của nhà khoa học, nhà Trung Quốc học người Anh Joseph Needham (Chính ông, trong nghiên cứu của mình về khoa học Trung Quốc cổ đại vào những năm 1950, là người đã lần đầu tiên xác định 4 phát minh lớn - trước đó, phần lớn cho rằng chúng có xuất xứ từ phương Tây).

    Một thành viên của nhóm soạn thảo danh sách mới cho biết câu hỏi này cần có sự "suy ngẫm sâu sắc" và sẽ là một chủ đề nghiên cứu trong tương lai.

    Ông Tập đã tránh không bàn tới vấn đề này. Ông ca ngợi Trịnh Hòa, một hoạn quan từng đưa tàu biển từ Trung Quốc vượt qua Ấn Độ Dương từ năm 1405, như một trong số những nhà cải cách lớn của Trung Quốc - một tầm nhìn Trung Quốc mà ông Tập muốn tái hiện: thịnh vượng, hướng ngoại và tiên tiến về công nghệ (thuyền đô đốc lớn được xếp ở vị trí 88 trong danh sách).

    Nhưng ông đã không chỉ ra rằng sau những cuộc khám phá của Trịnh Hòa, Trung Quốc đã chuyển sang hướng nội, bắt đầu một nửa thế kỷ của sự trì trệ.

    Trong bước ngoặt vào thế kỷ 15 này, các nhà cải cách Trung Quốc đã nhận thấy một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi của Needham: sự cô lập với phần còn lại của thế giới không thúc đẩy sự đổi mới.

    Họ đã công nhận các nỗ lực của Trung Quốc kể từ những năm 1970 nhằm thiết lập lại quan hệ với phương Tây, nhưng họ than thở về những rào cản vẫn còn tồn tại.​

    Nếu may mắn, 100 nhà khoa học Trung Quốc được nhà nước tài trợ sẽ không mất thêm 3 năm nữa để đạt tới kết luận tương tự.

    Theo Vietnam

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ