Video siêu hiếm cho thấy một tác dụng hoàn toàn mới của sừng loài kì lân biển

    Dink,  

    Những chiếc sừng quý giá được chúng giữ gìn cẩn thận, thế nhưng khi đánh nhau thì lại khác ...

    Những thước phim mới nhất được máy bay không người lái drone quay lại đã cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn mới về chức năng của chiếc sừng dài trên đầu những con kỳ lân biển: hóa ra lũ kì lân này dùng sừng dài (và dị) của mình để săn loài cá tuyết Bắc Cực, đập và làm choáng cá để dễ bắt, dễ ăn hơn.

    Hành động này đã hé một phần tấm màn bí mật phủ lên chức năng sinh học của những chiếc sừng dài này, một tấm màn đã tồn tại nhiều thập kỷ rồi. Các nhà khoa học vẫn thắc mắc rằng lý do nào khiến cho loài kỳ lân biển luôn tránh né con người này lại có một chiếc răng nanh dài mọc xuyên môi trên, vươn ra ngoài thành một cái sừng vô cùng đặc trưng như thế.

    Những thước phim mới này được quay lại bởi hai chiếc drone bay quanh khu vực Tremblay Sound, Nunavut, phía Đông Bắc Canada. Một dự án theo dõi sinh vật biển được thực hiện bởi Adam Ravetch từ Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Thế giới WWF của Canada, cùng các nhà nghiên cứu từ Fisheries và Oceans Canada.

    Thước phim cho thấy kì lân biển có thể dùng sừng để gõ vào cá tuyết, khiến chúng bị choáng.

    Chúng ta đã quan sát được một công dụng hoàn toàn mới của chiếc sừng dài kia”, Brandon Laforest, một chuyên gia cấp cao chuyên về các loài sống tại Bắc Cực và hệ sinh thái nơi đây nói.

    Chiếc sừng dài của loài kỳ lân biển có thể đạt tới 2,7 mét và đã từ lâu, người ta đặt ra nhiều giả thuyết rằng đây là những cột thu phát sóng tín hiệu của loài này, để định hướng cho chúng bơi dưới nước hay dùng làm công cụ chiến đấu và tranh giành lãnh thổ.

    Nhưng giữa những hoài nghi ấy, có một khoảng trống lớn: nếu như chúng có thể dùng sừng làm vũ khí, tại sao lại không dùng luôn làm công cụ đi săn? Hóa ra là chúng cũng đủ thông minh để lợi dụng những gì Mẹ Thiên nhiên đã ban cho mình.

    Giờ đây, lần đầu tiên ta đã có bằng chứng trực quan về công dụng của những chiếc sừng dài này. Rõ ràng rằng sừng của chúng có nhiều công dụng, không hổ danh là một trong những chiếc sừng kì lạ nhất thế giới động vật, nếu không muốn nói là kì dị nhất.

    Cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chiếc sừng dài này giúp kì lân biển có thể “nhìn” thấy làn nước theo một cách vô cùng đặc biệt. Khi mà các nhà khoa học định lượng kĩ năng dò đường bằng âm vọng của kì lân biển, họ phát hiện ra chúng có “công nghệ dẫn đường” tiên tiến nhất trong các loài động vật với độ chính xác cực kì ấn tượng.

    Giống như cá heo và nhiều loài cá voi khác, chúng có thể định hướng đường đi trong làn nước đen đặc nhờ việc phát ra những âm thanh gõ liên tục với tốc độ lên tới 1.000 âm thanh/giây, sử dụng những âm vọng lại để tạo nên một mô hình thế giới xung quanh trong não của chúng. Mô hình 3 chiều này sẽ bao gồm những chướng ngại vật trong làn nước tối, những con vật khác và cả những con mồi.

    Những nghiên cứu trước đây cho thấy sừng của kì lân biển được tráng một lớp men cứng bên ngoài, khiến cho nó vô cùng nhạy bén – chính điều đó khiến cho chúng có hệ thống định vị âm thanh tiên tiến hơn rất nhiều loài khác. Độ nhạy cực kì ấn tượng này cho thấy chúng cũng phải bảo vệ những chiếc sừng vô cùng quý giá này của mình, không thể dùng chúng lung tung được.

    Bạn có để ý thấy chúng chỉ dùng sừng đập nhẹ vào con mồi không? Thế nhưng khi tranh giành lãnh thổ, những con thú này lại chẳng ngần ngại mang chiếc sừng tráng men quý giá này ra “choảng” nhau thừa sống thiếu chết.

    Tuy nhiên, ta vẫn chưa chắc chắn được những gì mình thấy trong video trên là hoàn toàn chính xác. Những thông tin này vẫn chưa được các nhà khoa học kiểm chứng và cũng chưa được đăng tải lên tạp chí khoa học nào cả. Nhưng dù gì, đây vẫn là lần đầu tiên ta được xem những con vật này săn mồi bằng chiếc sừng dài, có thể ta đã có được mảnh ghép cuối cùng trong quá trình tiến hóa sừng của những con kì lân biển.

    Tham khảo ScienceAlert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ