Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang trở thành "thỏi nam châm" thu hút giới doanh nhân Nhật Bản tới để khởi nghiệp

    Le Min Kop,  

    Thị trường tiềm năng, nguồn nhân lực dồi dào và hành lang pháp lý cởi mở giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á được giới đầu tư Nhật Bản quan tâm.

    Ngày càng có nhiều startup do người Nhật làm chủ đặt trụ sở tại khu vực Đông Nam Á. Họ tìm kiếm cơ hội tại thị trường đang tăng trưởng nhanh với 600 triệu dân và có hành lang pháp lý nới lỏng so với Nhật, từ đó làm bàn đạp để tiến ra toàn cầu.

    Những sáng lập viên của AnyMind Group là ví dụ điển hình cho xu hướng này. Họ chọn mở công ty tại Singapore bởi theo lời CEO Kosuke Sogo chia sẻ, "chúng tôi muốn bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp đẳng cấp thế giới". Công ty này chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ quảng cáo và tuyển dụng nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo.

    Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang trở thành thỏi nam châm thu hút giới doanh nhân Nhật Bản tới để khởi nghiệp - Ảnh 1.

    Agri Holdings lần đầu mở cửa hàng tại Singapore năm 2014

    AnyMind hiện có văn phòng tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn thuộc khu vực Đông Nam Á. Hệ thống rộng khắp này giúp họ đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp, giúp tăng doanh thu lên khoảng 2,8 triệu yen (25,2 triệu USD) trong năm 2017, thời điểm đánh dấu AnyMind 2 năm tuổi. Startup này còn dự định mở chi nhánh tại Ả rập Thống nhất, Philippines và Nga trong năm nay, thậm chí cả Mỹ nữa.

    Một điển hình khác có thể đến là công ty Framgia do Taihei Kobayashi thành lập tại Việt Nam chuyên phát triển phần mềm. Họ nhắm tới những nhân tài trong nước, hiện đã tuyển 1.200 kỹ sư công nghệ thông tin và phần lớn là người Việt Nam.

    Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang trở thành thỏi nam châm thu hút giới doanh nhân Nhật Bản tới để khởi nghiệp - Ảnh 2.

    CEO Kosuke Sogo của AnyMind

    "Thế giới đang thiếu lượng lớn lập trình viên. Tôi muốn phát triển mảng kinh doanh của mình bằng cách tạo ra cầu nối giữa các kỹ sư và khách hàng", Kobayashi chủ tịch và CEO của công ty chia sẻ. Khách hàng của Framgia có thể kể đến như hãng taxi Nihon Kotsu của Nhật hay nhà cung cấp phần mềm kế toán Money Forward.

    Các doanh nhân cũng bị thu hút bởi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm rót vào khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu từ PitchBook cho thấy đầu tư mạo hiểm tại khu vực đạt 4,4 tỷ USD trong quý đầu tiên năm 2018, lớn hơn cả năm 2017 gộp lại và gấp 16 lần số tiền rót vào Nhật trong cùng kỳ.

    Dịch vụ đi nhờ xe Go-Jek của Indonesia đã kêu gọi được 1,5 tỷ USD vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc đầu năm nay. Chợ trực tuyến Bukalapak cũng của "xứ sở vạn đảo" tự giới thiệu mình như một kỳ lân trong làng công nghệ với giá trị ước tính lên đến 1 tỷ USD.

    Các chuyên gia nhận định, chính công nghệ đổi mới và mô hình kinh doanh của các startup dễ tìm thấy được sự đồng thuận tại Đông Nam Á. Đây cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng dân số tốt và nhiều khách hàng trẻ tuổi.

    Người dân tại các quốc gia Đông Nam Á cũng yêu chuộng sản phẩm và văn hóa Nhật. Agri Holdings là công ty có trụ sở tại Tokyo và văn phòng ở Singapore, chuyên bán cơm nắm và các loại thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật. Họ quản lý mọi tiến trình, từ sản xuất cho tới xuất khẩu, bán hàng.

    "Chúng tôi mong muốn trở thành tập đoàn toàn cầu dựa trên sức mạnh của Nhật Bản", CEO Issey Maeda nói.

    Khung pháp lý tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn thoải mái kinh doanh hơn ở Nhật, như startup Omise Holding có trụ sở ở Singapore chẳng hạn. Omise là nhà phát triển công nghệ blockchain và cung cấp dịch vụ thanh toán, hiện đang quản lý hệ thống thanh toán thẻ tín dụng cho hai ngân hàng lớn nhất tại Thái Lan.

    "Điều này dường như không thể đối với các công ty lớn tại Nhật Bản. Họ phát triển chậm chạm vì phải đối mặt với hệ thống pháp lý nghiêm ngặt", CEO Hun Hasegawa chia sẻ.

    Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang trở thành thỏi nam châm thu hút giới doanh nhân Nhật Bản tới để khởi nghiệp - Ảnh 3.

    CEO Jun Hasegawa của Omise

    Nhưng việc hành lang pháp lý nới lỏng cũng gây ra những rủi ro, như việc môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng đã loại Omise khỏi hoạt động kinh doanh dịch vụ thanh toán tại Indonesia hồi năm ngoái, sau khi nước này thông qua các điều luật bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.

    Các startup Nhật Bản tin rằng, muốn thành công tại khu vực Đông Nam Á cần nghiên cứu kỹ và tìm được những nhân tài am hiểu tình hình khu vực.

    "Chính quyền sở tại và doanh nghiệp địa phương  có đủ khả năng linh hoạt để thúc đẩy công cuộc khởi nghiệp hơn là tại Nhật Bản. Đó là một lợi thế cho các công ty có thể tận dụng điều đó một cách hiệu quả", Yuji Horiguchi, người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm Spiral Ventures của Singapore nhận định. 

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ