Viettel triển khai mạng 4G vào top xuất sắc nhất thế giới

    Thu Hiền, Theo Vietnamnet 

    Mất tới 20 năm để triển khai mạng 2G nhưng chỉ cần 6 tháng để lắp đặt xong 4G, thành tích của Viettel sánh ngang với những doanh nghiệp top đầu của thế giới, với công nghệ vượt trội.

    Viettel sẽ đóng vai trò dẫn dắt về mặt công nghệ

    “Viettel là thương hiệu mạnh nhất Việt Nam hiện nay về Công nghệ thông tin và viễn thông”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã khẳng định như vậy trong bài phát biểu tại buổi làm việc với Viettel ngày 7/7/2017.

    Theo Bộ trưởng, sự xuất sắc của Viettel không chỉ thể hiện ở 20 năm triển khai viễn thông, di động tại Việt Nam và quốc tế, mà còn ở khả năng nghiên cứu công nghệ cao, gắn với sự nghiệp và mục tiêu công nghiệp quốc phòng, an ninh.

    Về viễn thông, so sánh việc phải mất tới 20 năm để triển khai mạng 2G, nhưng chỉ cần 6 tháng đã phủ sóng tới 36.000 trạm và triển khai xong 4G, người đứng đầu ngành Khoa học - Công nghệ đánh giá, thành tích của Viettel sánh ngang với những công ty top đầu thế giới.

    “Lý thú hơn nữa là các hãng viễn thông lớn nhất thế giới hiện tại thì chỉ 2 thu - 2 phát thôi nhưng chúng ta lại là 4 thu - 4 phát, như vậy là cả tốc độ đường lên - đường xuống của chúng ta đều vượt trội. Đó những đột phá kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam”, Bộ trưởng chia sẻ.

    Nhắc lại những giải thưởng trong nước và quốc tế mà Viettel đã đạt được trong nhiều năm gần đây (như World Communications Awards, IT World Awards hay Sao Khuê), Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng đó là sự công nhận của giới chuyên gia về những sáng tạo độc đáo, đặc thù mà công ty viễn thông - công nghệ hàng đầu Việt Nam đạt được.

    “Thế giới đánh giá rất cao những dự án thể hiện trình độ, sự sáng tạo cao, vừa mang ý nghĩa kinh tế và dân sinh, như hệ sinh thái y tế. Đó là đột phá rất lớn cho an sinh xã hội, được bạn bè quốc tế ghi nhận”.

    Thực tế, ở góc độ Khoa học Công nghệ, tập đoàn Viettel từ lâu đã được lãnh đạo Bộ thống nhất đánh giá vừa là tập đoàn kinh tế, vừa là tập đoàn công nghệ cao, có khả năng dẫn đắt khoa học công nghệ của đất nước phát triển.

    “Ta cứ nói không có công ty nào phụ trợ được cho Samsung, nhưng cái đó chỉ đúng một nửa. Không phải mọi thứ chúng ta đều theo được, nhưng cũng có những thứ Việt Nam thật sự làm được. Tuy nhiên, khi phát triển theo chuỗi giá trị tại Việt Nam, Samsung chọn con đường mang theo toàn bộ khối phụ trợ, vệ tinh theo, lập ra rào cản để những sản phẩm nội địa của chúng ta không vào được thiết bị, quy trình của họ."

    Thế nên khi bàn cách tự lực đi lên, Viettel sẽ đóng vai trò dẫn dắt về mặt công nghệ. Bây giờ, chúng ta đã có khoảng 300 công ty, chưa nói đến các viện, sáng tạo khoa học công nghệ đã rất tốt, rất rộng, kể cả trong hoạt động trong thương mại hóa, đổi mới doanh nghiệp nhà nước hay các lĩnh vực thuộc quốc phòng”, Bộ trưởng khẳng định.

    Tạo ra điểm tựa cho startup và khoa học công nghệ

    Về chiến lược lâu dài, tư lệnh ngành Khoa học công nghệ chỉ rõ, trong khi quy mô về cung cấp nội dung của Viettel đang hướng tới tầm cỡ quốc tế, phủ rộng sang nhiều lĩnh vực như viễn thông, CNTT và thiết bị Internet thì cách tiếp cận với người dùng lại phải nhấn mạnh tính cá thể hóa.

    Xu hướng này sẽ ngày càng trở nên phổ biến, nhất là khi chỉ vài năm nữa, đến 2020, bước ngoặt về cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch vụ 5G đi sâu vào cuộc sống, cá thể hóa sẽ không còn là mục tiêu, mà là nhiệm vụ bắt buộc, nhằm chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ nhanh nhất vào cuộc sống.

    “Nếu làm được như vậy, nó sẽ tạo được nền tảng thực tiễn rất tốt cho khoa học công nghệ nói chung, và cho công nghiệp nói riêng, đặc biệt trong khía cạnh thông minh, công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế”.

    Sức sáng tạo trong công nghệ chỉ có được khi tinh thần khởi nghiệp, startup được vun vén trong mọi bộ phận, mọi công việc. Dẫn chứng một ví dụ tại Viettel, Bộ Trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng nếu trước đây có một công nghệ mới tiềm năng, CEO Viettel dự kiến phải mua đứt để mang về tập đoàn. Nhưng giờ đây, Viettel chỉ mua lại chưa đầy 20% cổ phần, để lại 80% nhằm tạo ra động lực sáng tạo cho các bạn trẻ.

    “Những startup, dự án đó lại có được 20% trợ lực từ thương hiệu của Viettel để tiếp tục phát triển thêm những nền tảng công nghệ khác. Đó cũng chính là cách Viettel tạo ra quá trình tích hợp để xây dựng nền tảng 4G của mình”.

    Đánh giá cao việc Viettel trích 10% lợi nhuận, tương đương 4.500 tỷ đồng, cho quỹ phát triển khoa học công nghệ, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh kỳ vọng đây sẽ tiền đề để các ngành khác cũng sẽ có những doanh nghiệp dẫn đầu thực hiện mô hình tương tự. “Đây cũng là điểm tựa của anh em khoa học công nghệ và quản lý, để chúng ta có nguồn lực, động lực bứt phá, tạo ra những sản phẩm mang tầm quốc gia, quốc tế”.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày