Với chất bảo quản mới này sắp tới bạn sẽ không phải lo tốn tiền điện để bảo quản hoa quả nữa

    Nguyễn Hải,  

    Nếu không ít nhất tủ lạnh nhà bạn cũng sẽ có thêm không gian để chứa các thức ăn khác.

    Các nhà nghiên cứu đang đưa ra ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy ngày nay chúng ta đang ném đi quá nhiều đồ nhựa. Dự tính đến năm 2050, các đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cả cá.

    Thật không may, một trong những lý do chúng ta phụ thuộc nhiều vào nhựa phần lớn là để lưu giữ các loại rau và hoa quả tươi trong hành trình từ nông trại đến các kệ hàng của chúng ta. Đây là một công việc quan trọng khi các con số ước tính cho thấy có đến một nửa các loại trái cây và rau quả trên thế giới bị bỏ đi do hư hỏng trước khi người ta có thể ăn chúng.

    Nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm ra một giải pháp bền vững hơn cho vấn đề này: lụa. Họ đã phát triển một loại giấy gói mới, dạng xịt và có thể ăn được, từ fibroin – một loại protein không hòa tan, được tạo ra bởi các loài như nhện hay ấu trùng sâu kén, giúp cho lụa trở nên bền chắc hơn.

     Quả dâu ở bên trái không được phủ chất bảo quản, quả ở giữa được phủ với tỷ lệ 23%, quả ở bên phải được phủ với tỷ lệ 58%.

    Quả dâu ở bên trái không được phủ chất bảo quản, quả ở giữa được phủ với tỷ lệ 23%, quả ở bên phải được phủ với tỷ lệ 58%.

    Để tạo ra tính năng bảo vệ này trên sản phẩm, các nhà nghiên cứu nhúng các quả dâu và chuối vào trong dung dịch fibroin này. Sau đó để các loại trái cây này tiếp xúc với hơi nước ở điều kiện chân không trong một thời gian nhất định (có thể lên đến 12 tiếng). Điều này cho phép họ tạo ra các tỷ lệ chất bảo quản khác nhau trong dung dịch, mà họ gọi là các beta-sheet.

    Càng nhiều các beta-sheet, lớp lụa phủ ở ngoài càng dầy, nhưng ngay cả ở nồng độ cao nhất, lớp phủ cũng chỉ dầy 35 micron, nghĩa là gần như vô hình với mắt người.

    Trong tương lai, lớp chất bảo quản này có thể được xịt lên hoa quả trước khi chúng rời nông trại.

    Hoa quả được phủ bởi loại chất bảo quản này sau đó được lưu trữ tại nhiệt độ 22 độ C bên cạnh các hoa quả không dùng chất bảo quản trong vòng 7 ngày. Vào cuối thí nghiệm, hoa quả với tỷ lệ beta-sheet cao nhất vẫn đầy đặn và tươi mới, trong khi những hoa quả không được phủ lớp bảo quản này đã bị đổi màu và không còn giữ được hình dáng ban đầu của nó.

     Kết quả thí nghiệm sau 7 ngày.

    Kết quả thí nghiệm sau 7 ngày.

    Bạn có thể thấy các quả dâu ở hình ảnh phía trên, với những quả không được phủ chất bảo quản ở bên trái, được phủ 23% beta-sheet ở giữa, và được phủ đến 58% beta-sheet ở bên phải.

    Các thử nghiệm thêm cho thấy rằng lớp “lụa” bảo quản thực sự làm chậm đi quá trình trao đổi khí của hoa quả.

    Độ dầy beta-sheet của lớp fibroin lụa phủ bên ngoài làm cho các quả dâu ít tiếp xúc với Carbon Dioxide CO2 ­và Oxy hơn.” Nhà nghiên cứu trưởng Fiorenzo G. Omenetto từ trường Đại học Tufts ở bang Massachusetts cho biết. “Qua thống kê, chúng tôi thấy trái cây đã bị phân hủy chậm đi đáng kể.”

    Các quả chuối vẫn còn xanh khi chúng được phủ chất bảo quản, và chúng vẫn tiếp tục chín dưới lớp lụa bọc bên ngoài, nhưng chậm hơn nhiều so với các quả không được phủ. Ngoài ra, chúng cũng giữ được hình dạng tốt hơn – khi đặt một quả cân nặng 200g vào quả chuối không được phủ chất bảo quản, vị trí đặt quả cân sau đó đã bị nẫu, trong khi với các quả chuối được phủ chất bảo quản, chúng vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu.

     Quả chuối với thí nghiệm phủ chất bảo quản trong vòng 9 ngày.

    Quả chuối với thí nghiệm phủ chất bảo quản trong vòng 9 ngày.

    Mặc dù mọi thứ có vẻ thực sự tốt, nhưng vẫn có một điều quan trọng mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa thử nghiệm, đó là hương vị của các loại trái cây sẽ thế nào khi được phủ chất bảo quản.

    Nhưng theo báo cáo của họ trên trang Scientific Reports, họ nhấn mạnh rằng lớp fibroin lụa “thường được xem như không mùi và không vị, rất thích hợp để ứng dụng cho việc bọc và đóng gói thực phẩm.”

    Họ cũng xác định rằng không có chất độc hại nào được tạo ra từ lớp chất bảo quản thực phẩm này, và nó hoàn toàn có thể ăn được. “Đối với việc xem xét các yếu tố gây hại, các giá trị phát hiện được thấp hơn đáng kể so với mức độc tính của nước uống, theo các chỉ dẫn của tổ chức Y tế Thế giới WHO.” Các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo của mình.

    Vấn đề hiện tại là nhóm nghiên cứu cần tìm ra cách tăng quy mô sản xuất chất bảo quản mới này và làm nó rẻ hơn, dễ sử dụng hơn để các nông dân và các siêu thị có thể sử dụng nó để thay thế cho nhựa. Mục đích cuối cùng là giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn, mà không phải gây nguy hiểm cho các đại dương.

    Tham khảo Sicencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ