Với Essential Phone, cha đẻ của Android đã làm trầm trọng thêm một vấn đề mà iOS không bao giờ gặp phải

    Liam,  

    Từ LG G6, Galaxy S8 cho đến Essential Phone, năm nay sẽ là năm chứng kiến 2 sọc đen 2 bên màn hình trở nên khá phổ biến trên Android.

    Sau nhiều năm vắng bóng, cha đẻ của Android đã trở lại với Essential Phone, một chiếc điện thoại có giá lên tới 700 USD. Với thiết kế module cho phép gắn camera 360 độ, chip Snapdragon 835 cao cấp, màn hình tràn cạnh và những lời hứa dành cho ngôi nhà thông minh của tương lai, Essential Phone chắc chắn sẽ là chủ đề bàn tán xôn xao của các fan Android trong thời gian dài.

    Nhưng nếu là một người làm phần mềm, bạn có lẽ đã phải nhíu mày về một con số trên Essential Phone: độ phân giải. Với chiếc điện thoại đầu tay, công ty của Andy Rubin đã lựa chọn độ phân giải 2560 x 1312, tương đương với tỷ lệ 19:10.

    Thế là thêm một chiếc điện thoại sử dụng độ phân giải "dị" ra mắt trong gia đình Android, tiếp bước LG G6 và Galaxy S8. Và, nếu như cha đẻ của Android đạt được thành công xứng đáng, 19:10 hoàn toàn có thể trở thành một tiêu chuẩn phải nghĩ đến khi phát triển ứng dụng cho tương lai.

    Như thế, vấn đề "phân mảnh độ phân giải" của hệ điều hành số 1 thế giới lại càng thêm trầm trọng. Từ trước đến nay, vấn đề quá nhiều độ phân giải đã mang đến cho các nhà phát triển và cả người dùng quá nhiều vấn đề không đáng có. Tablet chạy Android vẫn rất thiếu các ứng dụng được thực sự tối ưu cho các độ phân giải lớn. Đâu đó trong hệ điều hành này, những khoảng trống rất "vô duyên" vẫn thường xuyên xuất hiện. Những ứng dụng điện thoại thông thường, khi bị phóng to để lấp đầy màn hình tablet, cũng trở nên cực kỳ xấu xí.

    Việc tạo ra một hệ điều hành mở, cho phép bất cứ một nhà sản xuất nào cũng có thể đặt chân lên dễ dàng cũng có nghĩa rằng Android phải hỗ trợ tất cả các độ phân giải/tỷ lệ có thể xảy ra, từ mức bao gồm cả tỷ lệ 19:10 hay 20:10 của năm nay. Google có thể có đủ năng lực kỹ thuật và nhân sự để đạt được mục tiêu này, nhưng các nhà phát triển ứng dụng độc lập - nguồn sống của bất kỳ hệ điều hành nào - thì chưa chắc. Ngay cả khi gã khổng lồ phần mềm tạo ra những cơ chế scale tương đối dễ dàng bên trong các bộ công cụ phát triển app thì các vấn đề mới vẫn có thể xảy ra, nhà phát triển vẫn phải bỏ thêm công sức để kiểm thử và sửa lỗi.

    Hệ quả tất yếu là họ phải lựa chọn sẽ không hỗ trợ một độ phân giải nào đó. Trong đại gia đình Android, đặc biệt là trên những chiếc tablet, vẫn sẽ có những ứng dụng gặp vấn đề về bố cục do độ phân giải "dị" gây ra.

    Và đó là còn chưa tính đến một vấn đề khác: các nội dung video. Tìm cách khuyến khích các studio Hollywood hỗ trợ nhiều độ phân giải khác nhau cho các bộ phim, các series truyền hình sẽ là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với các ứng dụng thông thường. Thế giới cinema hiện vẫn chủ yếu đi theo 2 lựa chọn 16:9 hoặc 2.35:1, mang đến cho người dùng Galaxy S8 hay Essential Phone những phiền toái không hề nhỏ.

    Dĩ nhiên, đây là vấn đề Apple không gặp phải. Số lượng smartphone và tablet của Apple thực chất là không nhiều. Quan trọng hơn, mỗi danh mục, mỗi dòng sản phẩm của Táo đều hứa hẹn có một lượng người dùng nhất định, trong đó phần đông là người dư dả kinh phí. Hiện tượng này dẫn đến nghịch lý rằng iOS bị Android áp đảo về thị phần nhưng lại luôn được giới phát triển ưu ái hơn vì có thể thu được nhiều doanh thu, lợi nhuận hơn.

    Còn Android thì ngược lại. Vấn đề phân mảnh về độ phân giải và tỷ lệ màn hình có lẽ sẽ tồn tại vĩnh viễn trên hệ điều hành của Google - bất cứ nhà sản xuất nào cũng đều có thể bất ngờ ra mắt một độ phân giải mới, một tỷ lệ màn hình mới vào bất cứ lúc nào. Điều đáng buồn là không phải bất cứ một tỷ lệ màn hình nào cũng có thể thành công. Lúc nào cũng sẽ có những chiếc điện thoại, tablet Android phải chấp nhận 2 cột đen trên màn hình.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày